Võ Nguyên Giáp, “Đại đoàn Quân Tiên Phong”




Tháng 7 năm 1947 (…) Bộ Tổng chỉ huy đã giao cho Bộ Tổng tham mưu xây dựng đại đoàn chủ lực đầu tiên của Bộ (…) (Nhưng rồi) ta đã kịp thời nhận ra chưa thể tổ chức ngay những đơn vị lớn. Ngược lại, cần phân nhỏ những đơn vị đã tập trung để phát động chiến tranh toàn dân và tiến hành vận động đánh nhỏ (…) Trải qua hai năm thực hiện phương châm đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung, các lực lượng vũ trang đều có nhiều tiến bộ. Dân quân du kích nhiều xã được rèn luyện trong tác chiến. Bộ đội địa phương huyện ở nhiều nơi đã có khả năng thay thế đại đội độc lập. Các tiểu đoàn tập trung đã trưởng thành qua nhiều trận đánh (…) tích lũy được nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Để đón thời cơ mới, phương châm chiến lược đề ra trong Hội nghị Trung ương hồi đầu năm là: “Cần mạnh bạo đẩy vận động chiến đi tới và khi đủ điều kiện thì kịp thời nâng vận động chiến lên địa vị quan trọng để tiến sang giai đoạn phản công” và “cần phải có kế hoạch rút dần các đại đội độc lập trở lại…” (…)

Sau Hội nghị Cán bộ Trung ương lần thứ 6, Đảng ta chủ trương phải tổ chức một số đại đoàn, trước mắt thành lập ngay đại đoàn chủ lực đầu tiên của Bộ.

Đầu tháng 4, Bộ Tổng tư lệnh đã lựa chọn xong số cán bộ chỉ huy cũng như những đơn vị sẽ đứng trong đội hình của đại đoàn. Các đơn vị của Bộ được dồn lại thành hai trung đoàn: 88 và 102. Trung đoàn thứ ba sẽ là trung đoàn 36 của Bắc Ninh và Bắc Giang. Đây là những đơn vị đã chiến đấu ở mặt trận Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tu, Cẩm Phả, Kiến An, Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang. Đơn vị nào cũng đã lập nhiều chiến công. Tư lệnh kiêm chính ủy đại đoàn là anh Vương Thừa Vũ, đã từng là khu trưởng Chiến khu XI, phó tư lệnh lực lượng vũ trang Liên khu IV. Đại đoàn phó Cao Văn Khánh là khu trưởng Chiến khu V, mới ra Bắc (…)

Sáng ngày 28 tháng 8 (năm 1949), tôi và anh Trần Đăng Ninh tới Đồn Đu, huyện lỵ huyện Phú Lương, nằm trên đường số 3 từ Thái Nguyên lên Bắc Kạn. Mùa đông năm 1947, những tiểu đoàn chủ lực của Bộ đã xoay vần với binh đoàn Bô-phrê trên con đường này. Dạo này trời mưa, khí hậu ẩm ướt, sương mù giăng khắp núi đồi. Dọc đường, gặp đồng bào người Kinh, người Tày, người Nùng, người Trại nô nức kéo đi dự lễ thành lập đại đoàn.

Qua phố huyện Đồn Đu một quãng, nhìn bên đường thấy một cổng chào kết bằng lá, bên trên có một bức vẽ lớn. Hình ảnh một chiến sĩ xung kích mặc quần áo nâu, đầu đội mũ lá, đi chân đất, tay cầm cây mác đứng trên một bức thành rực lửa. Đó là biểu tượng của Đại đoàn 308. Trên một bãi cỏ rộng cạnh đường cái đá, xuất hiện một kỳ đài lớn kết bằng lá xanh, trên nóc phấp phới lá cờ đỏ sao vàng. Trước kỳ đài là lễ đài, màu nứa lá xanh nguyên, lợp bằng mấy chiếc dù chiến lợi phẩm. Trên bãi cỏ còn bạc sương đêm, bộ đội xếp hàng thành từng khối. Những khẩu đại liên, trung liên, súng cối đặt trước hàng quân. Trang phục của bộ đội không giống nhau. Có đơn vị mặc quân phục màu lá cây. Nhiều đơn vị mặc quần áo tiện y màu nâu, màu đen. Thống nhất là chiếc mũ nan bằng tre bọc vải, có lưới cài lá ngụy trang (…) Đại đoàn trưởng kiêm chính ủy, người cao gầy, mặc bộ quân phục bằng ka-ki dày, ống quần bó trong ủng, đi nghiêm đến trước lễ đài, rút kiếm chào đại diện của Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh rồi mời chúng tôi đi duyệt hàng quân. Cán bộ chỉ huy đứng trước từng đơn vị. Nét mặt cán bộ, chiến sĩ đều lộ vẻ xúc động. Tất cả đều rất trẻ. Người lớn tuổi nhất đại đoàn là anh Vương Thừa Vũ, ba mươi chín tuổi. Người ít tuổi nhất là em Trương Công Lũy, chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô, mới 11 tuổi. Nhiều cán bộ đối với tôi đã khá quen thuộc. Đồng chí Vũ Yên, người cao lớn, cân đối, vững chãi như một pho tượng (…) Đồng chí Thái Dũng với nét mặt kiên nghị, đã mất bàn tay phải trong trận Bản Pùm. Đồng chí Vũ Lăng nhỏ nhắn, cặp mắt sắc, bộ râu quai nón mới cạo xanh xanh. Đồng chí Doãn Tuế, mặt mũi hiền lành, chất phác, đứng trước những khẩu sơn pháo cũ kỹ nhưng đầy chiến công.

Chúng tôi bước lên lễ đài. Anh Trần Đăng Ninh chuyển tới cám bộ và chiến sĩ đại đoàn lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ về thành tích chiến đấu trong mấy tháng qua, nhắc đơn vị cố gắng phục vụ nhân dân, khiêm tốn học hỏi, không quản ngại khó khăn, để xứng đáng là con chim lớn đầu đàn, làm tròn nhiệm vụ đơn vị cơ động chiến lược đầu tiên của nước nhà.

Tôi đọc nhật lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, nói lý do cần thiết phải thành lập đại đoàn chủ lực đầu tiên, nhắc lại truyền thống và chiến công vẻ vang của các đơn vị từ các địa phương về xây dựng đại đoàn, nhấn mạnh nhiệm vụ cơ bản của đại đoàn: “… Đại đoàn có nhiệm vụ cùng các binh đoàn chủ lực khác, đi tiên phong trên con đường tiêu diệt sinh lực địch (…) Đại đoàn phải: hễ đánh là thắng (…)”. Tôi trao cho đại đoàn lá cờ “Chiến thắng” của Bộ Tổng tư lệnh, và gắn huân chương cho một số cán bộ, chiến sĩ vừa lập chiến công xuất sắc.

Âm thanh hùng tráng từ những chiếc kèn đồng của đoàn quân nhạc vang lên. Những khối bộ binh đứng im phăng phắc bắt đầu chuyển động. Bộ đội diễu qua lễ đài. Đi đầu là ba chiến sĩ cao lớn, người đi giữa giương cao lá cờ “Chiến thắng”, hai người hai bên cầm tiểu liên. Đồng chí Vũ Yên dẫn đầu khối ba tiểu đoàn 54, 18, 79 sẽ hợp thành trung đoàn 102, trung đoàn Thủ Đô. Đồng chí Thái Dũng dẫn đầu khối trung đoàn 88 (…) Cuối cùng tới đơn vị pháo binh. Những khẩu pháo trong các trận chiến đấu được di chuyển bằng những chiếc đòn khiêng đặt trên vai các chiến sĩ pháo binh, đã từng làm khiếp đảm quân thù, hôm nay được kéo bằng ngựa (…) Một số đơn vị của đại đoàn không có mặt trong ngày lễ thành lập, vì đang trên đường đi chiến đấu. Họ được trao vinh dự lập những chiến công đầu để chào mừng ngày ra đời của đại đoàn.

Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi tới tặng đại đoàn thanh kiếm khắc bốn chữ: “Mã đáo thành công”. Tổng bộ Việt Minh cũng tặng đại đoàn một thanh kiếm mang tên “Dân tộc”. Thư và điện từ khắp nước, kể cả Khu V, Nam bộ xa xôi tới tấp gửi về chào mừng (…)


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006)