“Tết, nhớ Tết”




Tết dĩ nhiên để đầy “vết” trong thơ văn Việt Nam. Nói ví von hơn thì trong vườn thơ văn ta có rất nhiều những đóa Tết. Nhân dịp Xuân lại sắp về, chúng tôi nảy ý vào vườn chọn một số hoa mang hương sắc xuân, cột thành bó, gửi chưng trên báo… Để cho thật vui, hoa chọn gồm đủ màu mùi quê, tỉnh, Bắc, Trung, Nam, nở bảy tám mươi năm trước có, mà mới nở độ một đôi chục năm nay cũng có…

Chợ Tết quê
“Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi / Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh / Trên con đường viền trắng mép đồi xanh / Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết / Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc / Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon / Vài cụ già chống gậy bước lom khom / Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ / Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ / Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu / Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau / (…) / Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh / Ðồi thoa son nằm dưới ánh bình minh / (…) / Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ / Nước thời gian gội tóc trắng phau phau / (…) / Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha / Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết / (…) / Những người quê lũ lượt trở ra về / Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê / Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ”.(ĐVC) Nhà thơ chơi màu thấy mà mê! Màu xanh đỏ tím vàng hồng lam đen trắng phấp phới trong thơ y như ngoài đời… Hoài Thanh bảo tác giả “nhận xét rất tinh” và có “hồn thơ phong phú”. Hẳn thế, nhưng tưởng trước tiên là có một tấm lòng yêu quê thắm thiết. Không yêu lắm lắm, chắc không thấy những “tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa”, “con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ” v.v. đâu. Năm 1941, Hoài Thanh viết “những hình ảnh cuộc đời Việt Nam xưa còn lưu lại trong thời nay chẳng bao lâu sẽ mất hết”. Tám thập kỷ rồi! Giờ muốn thấy chợ Tết quê, chỉ có cách ngâm nga thơ xưa một lúc, may ra gọi được hồn về…

Vẫn chợ Tết quê
“Mỗi năm, vào ngày hai mươi tháng chạp, huyện tôi lại có (…) phiên chợ Tết (…) Ði chợ phiên năm ấy, tôi mò dậy từ mờ đất. Ăn khoai xong, bà cháu lên đường (…) Cảnh đông tàn đẹp lắm. Những bông hoa mua tim tím, những con bướm vàng bay lượn rập rờn trong sớm hây hẩy nồm (…) Trên đường, người nườm nượp, chuyện trò râm ran. Lợn eng éc, chó ăng ẳng, gà quang quác (…) Cơ man là hàng. Những mẹt bánh đúc màu vàng ngà, những nồi riêu cua nổi sao óng ánh và thơm điếc mũi, những bó mía cao quá đầu, những bắp ngô nướng trên bếp than thơm ngọt ngào (…) Cam, chanh, bưởi, rau diếp, cải bắp, cà chua, su hào xếp cao ngồn ngộn. Màu xanh lá phủ bạc, màu đỏ chói mọng căng, màu vàng tươi hớn hở (…) Quá trưa một chút, bà tôi bán hết hàng (…) Bà dừng lại trước những thúng gạo nếp no tròn đầy có ngọn, những thúng đậu xanh nguyên hạt vàng sẫm, mua mỗi thứ một ít (…) Đến chỗ bán đồ chơi (…) những cái trống bỏi bằng cái đĩa con (…) Từ một mẹt bột nhuộm phẩm sặc sỡ, bác bán hàng vê những dúm nhỏ, chắp nối, dán, lăn thoăn thoắt. Như trò ảo thuật, con chim mỏ vàng cánh xanh, mâm ngũ quả đầy ắp, ông Vân Trường vuốt râu hay bầy gà con lít nhít quanh mẹ... hiện trên tay bác (…) Bà lần ruột tượng rút ra một nắm tiền xu (…) Qua hàng bánh đa, kẹo bột, bà lại lần ruột tượng (…) Chẳng mấy chốc đôi thúng lưng lửng hàng (…) Bà đặt gánh trước hàng bánh đúc, với lấy một mẹt nhỏ cho hai bà cháu (…)”.(NSB) Đi chợ Tết, cái vui bắt đầu từ lúc chưa đi, cứ nghĩ đến là náo nức. Sau khi “bà cháu lên đường”, bước đến đâu lòng hớn hở khiến mắt thấy tai nghe khác ngày thường đến đó… Cảnh đẹp lắm vẫn là đông tàn, nhưng hôm nay trông cứ như xuân. Eng éc, ăng ẳng, quang quác vẫn thế, nhưng hôm nay như xúm nhau kêu Tết. Đến nơi, Tết còn mươi hôm nữa, nhưng Tết đây rồi!... Những con bột “hiện trên tay bác như trò ảo thuật”, những “nắm tiền xu” từ ruột tượng bà chui ra trông cũng ảo lắm tuy thực ra chỉ mới chui vào khi bà bán được hàng vất vả gánh theo… Chợ Tết quê, đã đi bao giờ. Thế mà cứ ai “vẽ” cái “tranh” ấy, “xem” lại thấy xôn xao!

Đụng lợn Tết
“Bó hương bài được xếp lên bàn thờ, quả bưởi đào đem đi tắm rượu đặt vào mâm ngũ quả (…) Măng miến mộc nhĩ hành hoa cũng bày ra. Chị em tôi ríu rít sung sướng ướm vào người manh áo hoa mẹ dành dụm từ những đồng tiền bao đêm khuya khoắt ngồi đan áo thuê bên đèn (…) Bó lá mùi già (…) cho nước thơm rửa mặt sáng mồng Một Tết (…) “Mình ạ! Con ỉn nhà mình năm nay béo và to hơn hẳn năm ngoái. Em đã cho người ta đụng lợn nhà mình lấy một góc cho các con ăn Tết”. Bố cười, gật đầu (…) Trời còn tối lắm (…) lửa reo (…) khói trắng nghi ngút bốc lên từ nồi nước sôi đang sùng sục. Lợn kêu eng éc khiến trẻ con tỉnh ngủ. Có đứa sợ hãi thầm thì: “Lợn nhà mình bị thịt rồi đấy” (…) Con lợn ỉ được mẹ nuôi từ khi nó bằng quả dưa hấu (…) Mẹ hơ vía qua đám lửa rồi thả vào chuồng với lời vỗ về: “Ỉn hay ăn chóng lớn nhé!”. Bèo cám bã rượu (…) khiến chú lợn con dần phổng phao, da hồng mọng (…) Con dao bầu sắc lẻm, thoăn thoắt chia thịt ra từng mô (…) Vừa làm bác phó Ổi vừa véo von: “Biếu thì chân sau, cho nhau chân trước”. Chậu tiết pha muối thật khéo được chia mỗi nhà vài muôi để về đánh bát tiết canh đệ lên gia tiên trong bữa tất niên. Bộ lòng lợn tỏa khói nghi ngút béo ngậy cũng được chia đều cho các phần. Mẹ tôi lựa miếng thịt chừng nửa cân buộc vào dây lạt đặt vào tay bác phó Ổi: “Em biếu bác ăn Tết”. Bố tôi cũng dúi vào tay bác ít tiền, nói mừng tuổi bác. Khuôn mặt của người nghèo nhất làng giãn ra sung sướng, miệng rối rít cảm ơn: “Cậu mợ cho nhiều quá! Thế là nhà cháu năm nay có Tết rồi”. Mẹ nhẩm tính trong đầu: chiếc chân giò để dành cho dì út mới sinh ăn, để nhiều sữa cho em bé. Chỗ mỡ dày trắng lụa này sẽ rán để dành tiết kiệm cho giêng hai. Nồi thịt đông thơm phức đang chờ tay mẹ, nhớ tới nồi bánh chưng đêm nay mẹ lại lựa thịt ba rọi cho bánh ngậy thơm ngon…”.(LHN) “Ỉn” chắc là từ “ủn ỉn”. Đi thì ủn ỉn, kêu thì eng éc, “quả dưa hấu” được “hơ vía” ngày ngày chén bèo cám bã rượu, mấy chốc đã thành hẳn một con lợn ỉ. Đói eng éc, sợ cũng eng éc, éc to đến nỗi trẻ con có đứa nghe khiếp. To mấy cũng không tránh khỏi “con dao bầu sắc lẻm”… Ỉn đi, để lại một cục vui chung cho đến bốn nhà. Dư dả, thịt riêng một con, có khi lại không vui bằng đụng nhỉ. Cả cái người không đụng mà chỉ chia thịt, người ấy cũng được chia cho tí vui. Vui chia như dường không bớt đi mà lại thêm!

Gói bánh chưng
“Thế mà đã 25 tháng chạp (…) gạo nếp đã ngâm kỹ, vo sạch, xóc muối (…) trắng ngần tựa thúng bông mới bật (…) đậu xanh đã đồ kỹ, xát sạch vỏ, giã tơi (…) Nhân bánh (là) mỡ và thịt (…) bóp với muối, hạt tiêu (…) Bác Vuông (…) xúc một bát gạo, gạt trên miệng bát rồi đổ rào rào lên tờ lá dong (…) vốc luôn một vốc đậu đổ lên trên gạo, san đều ra, rồi mới đặt mấy miếng nhân (…) vào. Xong (…) bác lại phủ lên trên một vốc đậu rồi trên đậu một miệng bát gạo (…) cầm ngọn và cuống tờ lá rộng khổ ở giữa xô đi xô lại để cho gạo lọt cả vào trong rồi bẻ khập xuống (…) “Buộc lạt (…) Phải đánh cho ra góc (…) ghì cho thật chặt (…)”. Bác gói bánh khéo thật (…) vuông vắn, chặt chẽ (…) Ba chiếc lạt kẻ trên nền lá dong xanh tươi thành những ô vuông rất đều đặn”.(NĐL) Trong “nêu cao, pháo đỏ, bánh chưng xanh” thì nay chỉ bánh chưng là còn ở đời. Cái lối nó “ở” có khác xưa, vì bây giờ người ta chủ yếu đi mua chứ ít ai tự nấu. Mua thì không được hưởng cái vui nấu, bù lại bánh của nhà nghề thường ngon hơn. Này, to gần bằng viên gạch Bát Tràng là kích thước chuẩn, nhưng cái bánh chưng bé bằng bàn tay trông xinh ơi.

Chợ Tết Hà Nội
“Những buổi theo vợ đi chợ (…) đông quá, chen chân không được mà sao vợ mình cứ đi dẻo quẹo, không tỏ vẻ gì mệt mỏi (…) Mình mệt muốn đứt hơi (…) mà cứ phải đi theo xách làn mây lẽo đẽo (…) nhưng (…) chợ Tết (…) hấp dẫn hết sức kì lạ, muốn về nhưng lại cứ muốn đi (…) Ngồi trên cái ghế dài thấp lè tè, làm một khói thuốc hãm với nước trà tươi nóng, người chồng lại lim dim con mắt nhìn qua làn khói (…) Cái yếm sồi của cô gái quê khéo đa tình lại đeo một lá bùa vàng (…) chiếc quần là ống sớ của chàng trai (…) cái áo tam giang của cô gái bán dừa (…) Ông thầy bói chít khăn nhiễu nước dưa có nhìn thấy quái gì đâu mà sao cứ nghển nghển trông vào những bức câu đối đỏ của ông đồ bán chữ? (…) Mấy ông lái trâu nói thứ tiếng gì mà nghe như tiếng xạ phang, còn các bà bán cây sao hôm nay ăn trầu tươi thế? Nhưng tất cả… tất cả đều thua hai chị em cô hàng bán chiếu cạp điều cười đã xinh, ăn nói lại tình”.(VB) “Xách làn (…) lẽo đẽo”, giá phải ngày thường thì... lạy mợ cho tôi ở nhà, nhưng đây lại là chợ Tết. Phải đi để xem... thơ Ðoàn Văn Cừ. Ngày ấy Hà Nội còn nhiều nét quê. Mơ màng chợ trong thơ xong, “người chồng” mới ngắm kỹ cái chợ thật quanh mình: này ông, này ông, này ông, này bà..., và ô kìa, “hai chị em”. Lạ chưa, chị em người ta chỉ ngồi bán chiếu cạp điều, cớ sao người ấy “lại thấy như có hoa nở ở chung quanh”, lại muốn “mua luôn đem về vì ngộ quá, y như thể một cặp búp-bê Nhật Bản”?! Ấy, chớ ai phải ngại. “Mình” chỉ trông hoa biết nói “mà nghĩ một cách tội lỗi thế thôi, và chỉ tán láo tán lếu tí ti thôi, chớ đâu dám đi sâu quá...”. Hễ “quá” thì phải buông làn xuống, thôi lẽo đẽo, khó lắm, “búp-bê” ơi.

Người Hà Nội ăn Tết
“Cái gì quý nhất, ngon nhất người ta để dành ăn Tết. Nhà giàu mâm cỗ tám đĩa tám bát, chồng đôi chồng ba đã đành, người nghèo cũng có “mâm cơm cúng cụ” (…) Hàng tháng trước Tết, người Hà Nội đã tích lũy (…) măng, nấm hương, miến mọc, tôm he, bóng bì v.v. (…) Các nguyên liệu làm mứt được phơi khô (...) Ban thờ được trang trí rất công phun (…) hoành phi, câu đối, chân chỉ hạt bột (…) tam sự, ngũ sự bằng đồng (…) ngai thờ, tranh chân dung, bình hoa (…) Nhà có ông bà cao tuổi (…) sắm (…) quần áo đỏ, khăn đỏ (…) trẻ nhỏ (…) bộ đồ xúng xính, còn sột soạt nước hồ (…) Thiếu nữ (sắm) xiêm y, giày dép, son phấn, đồ trang sức (...) Đêm giao thừa (…) có tục lệ đi chơi xuân hái lộc (...) Nhiều người quanh năm không biết cờ bạc là gì, nhưng Tết đến cũng có cỗ bài tam cúc để cả nhà cùng chơi (…) Hà Nội trước có lệ bói tuồng đầu năm. Chiều mùng một, các rạp hát mở cửa, không đề tên vở diễn. Khách vào xem mới biết là vở gì, có người còn vào rạp lúc giữa vở, như kiểu bói Kiều (…) Nhà rạp khôn khéo, bao giờ cũng chỉ diễn những vở tươi vui, đầm ấm, hạnh phúc, đoàn viên”.(BS) Chuẩn bị kỹ thế, trách nào Tết... vui như Tết. Nhưng đó là Hà Nội ngày xưa, chứ Hà Nội bây giờ thì xuê xoa, quấy quá Tết đi nhiều lắm. Người người ngày ngày giờ giờ phút phút đua nhau “kéo” như quân đèn cù để cải thiện đời sống vật chất hơn nữa và hơn nữa, nên mọi sự chuẩn bị Tết đều nhường cả cho các nơi chuyên môn, chỉ việc chạy đi mua. Có người mong mau hết Tết! Thế kỷ 21 không còn bói tuồng thì có thể bói truyền hình, bói Mạng. Nhưng coi chừng, rất dễ gặp cái xúi quẩy.

Cúng mứt
“Trong ba ngày tết, buổi chiều thường cúng mứt, không cúng cơm. Mứt bí, mứt hạt sen, mứt lạc, mứt dứa, mứt quất, mứt gừng, mứt phật thủ, bánh phồng Vẽ, bánh huê Cầu và sấy. Bánh phồng Vẽ là thứ bánh bằng bột nếp do làng Vẽ làm, áo đường trắng, to bằng quả trứng gà, ăn giòn tan và như biến đi trong miệng, để lại một hương vị rất thanh. Bánh huê Cầu là thứ bánh cũng làm bằng bột nếp, vuông gần bằng ba ngón tay, màu vàng, xanh và đỏ, bỏ vào chảo mỡ đang sôi, bánh nở cong rất đẹp. Bánh huê Cầu do làng Xuân Cầu làm (…) Sấy là thịt lợn nạc đập bẹt như chiếc bánh đa nhỏ, ướp nước mắm ngào với đường và riềng rồi đem sấy khô, dùng để nhắm rượu thì ngon tuyệt”.(VNP) Bánh mà như quả trứng gà, mà nở như cái “huê”! Cúng mứt có “sấy”, thế thì xem sấy là “mứt thịt” hay sao? Cứ theo cách làm, đấy là khô lợn. Có khô nai, khô bò, sao không có khô lợn. Đã công phu làm sấy, phải thửa cho được thứ nước trắng của làng Vân nhỉ.

Làm chè lam
“Sáng ngày mồng hai Tết (…) các cô tôi, mẹ tôi dậy từ tờ mờ đất (…) rang gạo nếp cái thành bỏng (…) rây bột (…) rang vừng (...) Tôi cũng dậy xem (...) Chao ôi, mùi vừng rang, gạo nếp rang cứ bay quanh sực nức khắp nhà (...) Nồi nước đường cô tôi đun, thỉnh thoảng bà lại dùng đầu đũa lấy một giọt, nhỏ vào bát nước lã nguội. Lần cuối cùng giọt đường trong bát nước tròn xoe như viên bi nhỏ (…) Cô tôi đổ bột gạo nếp xay vào nồi (...) tiếp tục đun (…) đảo (…) Lát sau (…) đổ ra mấy cái mâm đồng đã rắc lót vừng (và) bột nhỏ mịn (…) dàn mỏng, rắc bột rắc vừng lên trên, rồi lấy chai, lấy con lăn bằng gỗ cán cho mỏng đều và kết vào nhau thành một bánh (…) (Khi) chè nguội, lấy thước (…) dao cắt thành từng thỏi hình chữ nhật, to hơn con tam cúc (…) đem tẩm bột làm áo”.(ThH) Ngày mồng hai Tết mà phải dậy thật sớm để làm việc! Việc khác thì mất Tết như chơi, nhưng việc này không sao cả, nhất là đối với “tôi”, là người phụ trách những công tác “ngồi xem”, “nuốt nước bọt”, “ăn trước Thành Hoàng” nắm bỏng, “cắn thử” viên bi đường, và hẳn rút cuộc là nhai thử thỏi chè lam đầu tiên... Thứ quà ngọt ấy có cái tên lạ. “Chè”, có thứ đựng trong chén mà uống, lại có thứ để trên đĩa mà cầm lên ăn. Vừa uống chè vừa ăn “chè”, Tết thật!

Tết sơ tán
“Thật bất ngờ, cái Tết ấy ở thôn quê có biết bao điều thú vị”… Nhà nghèo không mua nổi cành đào thì đã có cành mận vườn nhà: “Một buổi sớm áp Tết, trời rét đậm, đang nằm trong ổ rơm ấm áp (…) chúng tôi nghe tiếng mẹ gọi thật vui. Mấy chị em ào ra sân. Không tin ở mắt mình: cây mận như có phép lạ, trên những cành khẳng khiu trổ đầy lộc non, những bông hoa nhỏ xíu đang hé nở như miệng con trẻ chúm chím. Sáng hôm sau, cây mận bừng nở với hàng ngàn bông hoa xòe cánh trắng cùng những búp xanh nõn nà, đẹp đến nao lòng! (…) Chiều 30, chị em tôi chặt một cành hoa mận cắm vào cái hũ sành của bà (…) căn nhà thấp tè bừng sáng, tràn ngập không khí Tết”. Nhà nghèo vẫn có cách có được thứ thịt không thể thiếu: “Cách Tết ba bốn tháng, mẹ tôi đã đánh đụng lợn của bác hàng xóm. Bữa trưa 30, mẹ nhắc tôi đi nhận thịt (…) Xóm thôn thậm thịch tiếng giã giò thật vui tai (…) Chiều cuối năm bà nội tôi gói bánh chưng. Thú vị nhất khi bà gói cho mỗi đứa một chiếc bánh nhỏ xíu nhưng vẫn đầy đủ nhân đỗ với thịt”. Nhà nghèo nhưng trẻ con vẫn được mặc đẹp: “Trước Tết gần tháng, mẹ tôi mang tem phiếu ra xếp hàng ở hợp tác xã mua được mấy mét vải phin đen và diềm bâu xanh (…) dẫn chị em tôi ra bác thợ may đầu làng (…) Bác hẹn nửa tháng sẽ xong. Ngày mẹ cầm quần áo về, chị em tôi cuống quýt mặc thử rồi mong Tết đến thật nhanh để được diện”. Thảo nào “trong ký ức tôi vẫn sống động cái Tết xưa thơ bé năm đầu tiên sơ tán về quê”.(TTT)

Tết Huế
“Độ cuối tháng 11 âm lịch trở đi... / Mưa lạnh còn kéo dài nhưng những ngày nắng ấm bất chợt đã xuất hiện... / Vào những ngày nắng hiếm hoi đó, mùi Tết bắt đầu phảng phất... / Càng cận Tết mưa nhỏ hạt dần, khí trời khô hơn... / Chuẩn bị Tết sớm nhất có lẽ là những người trồng cây cảnh... / Người Huế ưa chưng mai vàng... / Khoảng hai mươi, hăm ba tháng Chạp, chợ hoa mở... / Hội chợ cũng mở: bầu cua cá ngựa, lô-tô, bài chòi… / Tết hầu như nhà nào cũng nấu bánh tét... / Trời Huế cuối tháng chạp vẫn còn lạnh lắm... / Ngồi canh nồi bánh tét là một cái thú, vừa ấm vừa vui.... / Dĩ nhiên ngoài bánh tét còn nhiều loại bánh mứt khác... / Khoảng 20 ngày trước Tết đã nghe râm ran tiếng pháo… / Hồi hộp nhất, thiêng liêng nhất, là tiếng pháo giao thừa... / Tiếng pháo, tiếng chuông chùa, mùi trầm hương quyện vào nhau khiến cái giây phút chuyển giao cũ - mới của Đất Trời in sâu vào ký ức... / Người Huế không xuất hành đi hái lộc vào đêm giao thừa... / Sau thời khắc năm cũ - mới, gia đình quây quần bên nhau… / Bánh mứt, xôi chè, nước trà dọn ra, mọi người cùng lên kế hoạch sáng mùng một Tết... / Phố xá sáng Mùng Một Tết... / Trên đường đầy xác pháo màu hồng, chỉ lác đác bóng người... / Đây là ngày người Huế đi thăm bà con và viếng mồ mả... / Ngày Mùng Hai thường dành để thăm viếng bạn bè... / Mùng Ba Tết thăm đồng nghiệp, hàng xóm v.v. / Trẻ con rất ghét Mùng Ba... / Vì mỗi giờ phút qua đi là không khí Tết như loãng dần... / Nhưng Mùng Ba vẫn có cái để chờ đợi, là ăn Cúng Đưa ông bà... / Hết ngày Mùng Ba coi như hết Tết...”.(PV) Đây chúng tôi chọn ra một số câu từ bài viết rất dài. Không biết có mường tượng một bài thơ tự do?

Hương bánh thuẫn
“Nhớ (…) mỗi lần mẹ chuẩn bị làm bánh thuẫn ăn Tết, cả nhà lại háo hức (…) Ba đã hì hụi vót một thanh tre, một đầu chẻ làm tư. Ba cầm (…) bằng hai tay, cho đầu bị chẻ vào chậu bột đã trộn rồi lăn mạnh (…) Đánh bột rất vất vả, có khi mất vài tiếng đồng hồ (…) Bánh chỉ nướng trên than đỏ vừa, nên mẹ cứ lấy cơi khều cho những hòn than cháy bớt. Chị em tôi luôn ngồi chực sẵn để giành nhau chạy đon đả mỗi khi mẹ sai (…) Mẹ lấy một cọng chuối đập dập rồi nhúng vào bát dầu và tra dầu vào khuôn bánh (…) đổ bột vào khuôn (…) đậy vung rồi gắp than bỏ lên trên (…) Chỉ trong phút chốc, bột dậy lên, mùi thơm tỏa ra cả chái bếp. Chiếc bánh nở bung tựa như một bông mai vàng đẹp đẽ (…) Bánh được đặt trang trọng lên bàn thờ (…) trong mâm bánh mứt mời khách”.(DA) Bánh thuẫn trông khá giống bánh ngọt Tây phương, nhưng hương vị rất khác. Vì làm bằng bột củ hoàng tinh hoặc bột củ mì chứ không phải bằng bột lúa mì. Và vì bánh thuẫn làm với trứng mà thôi chứ không hề có bơ. Cái kết hợp bột củ với trứng thuần túy nó có nét đậm đà riêng không chịu nhường bất cứ thứ bánh nào đâu. “Mẹ làm bánh xong (…) cảm giác Tết đã về chạm ngõ (...) Dần dà (…) bánh thuẫn chẳng còn thấy ở quê tôi nữa (…) (Nó đã) ở lại cùng bao kỷ niệm của những mùa Tết xưa”. Chợt nhớ pháo. Pháo từng nổ ran khắp nước suốt bao nhiêu thế hệ, thế mà cũng đã “ở lại” rồi.

Tết miệt vườn
“Khoảng giữa tháng Chạp dứt lá cho mai, gốc mai cành nhánh trơ trụi... / Gió se se ngọn dừa, nắng tươi như mật loãng... / Tiếng trống lân sập sận... / Tết đã áp sát một bên... / Những chiếu bánh phồng san sát... / Bánh thuẫn nướng trong nồi cát… / Bánh tét treo thành sào cạnh bồ lúa... / Mứt dừa, đủ thứ bánh mứt khác, nội trợ thi đua... / Người chở trái cây ra chợ bán… / Người ra sông giặt giũ, tiếng đập chiếu trên mặt nước sông âm âm… / Thời gian chạy bứt lên, lao muốn đứt hơi theo nó... / Vết thâm quầng đáng yêu trên mi mắt các bà các cô... / Cuối cùng việc nhà cũng hết… / Trong mệt mỏi ngọt ngào, phụ nữ mang đèn dầu ra bờ sông tắm, về căn nhà như mới, mền gối sạch sẽ, trẻ con thơm tho… / Có cái gì đang dừng lại trong mỗi con người, bịn rịn ngậm ngùi, rưng rưng… / Đêm đen sóng sánh, cây vườn trầm mặc... / Bỗng bước chân thời gian như đang sầm sập qua… / Bánh phồng nướng lên bàn thờ… / Giao thừa!... / Các cụ bà ra sân bái lạy bốn phương… / Trẻ con bật dậy, chơi pháo chuột… / Mồng Một... / Trẻ con lăng xăng với quần áo mới... / Thanh niên diện bảnh chộn rộn đường quê... / Người đứng tuổi “dô” để ra những câu chúc nhau cháy đượm... / Mồng Hai... / Múa lân, cả xóm được một ngày cười... / Lân, địa được tới tấp mời “dô” để bước tròng trành hơn... / Mồng Ba... / Cúng tân niên bằng gà giò, cúng xong coi giò, treo giò lên khoe... / Học trò xôn xao đi mừng tuổi thầy cô... / Hết Tết... / Xóm ấp rã rượi ngọt ngào như cô dâu sau tuần trăng mật”.(DN) Đây chúng tôi cũng thử rút thơ ra từ trong văn, như đã làm đối với bài “Tết Huế”.

Pháo đẹp, pháo thơm
“Người ta đi mua giấy bản trắng (…) quét phẩm màu đào cả hai mặt để quấn pháo. Giấy làm ngòi pháo, thứ giấy dó phải thửa riêng có sợi dai và đanh mặt, cháy chậm, nhà làm pháo đi kén giấy làm ngòi pháo ở vùng Bưởi. Công phu nhất là thuốc pháo (...) Hàng thúng bột than hạt quả xoan, hạt quả găng và hồng hoàng đỏ, trộn lại phơi khô để luyện thuốc (…) Chẳng nghe ai nói ở đâu có người bị què gãy, bị chết vì làm pháo (...) Năm mới, pháo nổ giòn, xác pháo màu hồng điều hây hây rơi xuống như những cánh hoa đào bích, trẻ con ùa ra sân chạy nhảy ngây ngất trong khói pháo. Người ta đi trong khói pháo thơm ngan ngát”.(TH) Thật, nhiều lúc nhớ pháo buồn muốn khóc. Cả một cái phong tục đẹp tai đẹp mắt đẹp mũi và vui “ngây ngất” từng tồn tại trong suốt không biết bao nhiêu đời đã thôi rồi! Cái nét tưởng không bao giờ có thể thiếu trên khuôn mặt Tết thiếu hẳn đi thế mà cũng đã lâu rồi!...

Hoa Tết
“Thủy tiên quý cả về sắc lẫn hương. Lá xanh, rễ trắng muốt, hoa thì như một cái chén vàng đặt giữa cái đĩa bạc. Hương nó thật là thanh quý (hương huệ và sen thì thanh cao) (…) Vào Nam, Tết nào tôi cũng nhớ đào và tôi viết tập Hoa đào năm trước chính là để cho vơi lòng nhớ đó. Ở Sài Gòn, từ mươi năm trở lại đây, gần Tết, đường Nguyễn Huệ thường bày bán ít cành đào chở máy bay vào (...) Hoa đào mà đày vô miền nắng cháy này thì lam lũ, đáng thương như thiếu nữ đài các, mơn mởn mà phải tát nước hay nhổ mạ dưới nắng hè. Ở đâu chỉ nên chơi hoa ở đó, miền Nam có mai vàng, tuy không đẹp bằng đào, nhưng rực rỡ, có vẻ phú quý, lại có ám hương thoang thoảng lúc ban mai, mà gốc mai vàng thịnh khai nổi bật trong vườn lá xanh, coi thật hòa nhã”.(NHL) Củ thủy tiên hình như đến nay vẫn phải nhập từ Trung Quốc. Còn chính nghệ thuật gọt thủy tiên chắc cũng gốc Tàu. Không phải gốc thì hơn. Ai sành thử so sánh nghệ thuật Việt với nghệ thuật Tàu cho bà con nghe chơi. Hương “thanh quý” khác hương “thanh cao” thế nào, ai biết xin phát biểu luôn... Đào với mai, này, có phải đây như là chính khí hậu Bắc Nam hiện ra thành hoa cho ta chơi Tết? Mai rõ ràng là nắng xuân đọng, còn đào là cái gì xuân đọng nhỉ?...

Chợ Giềng
“Chiều mồng bảy, tôi giong trâu từ ngoài đồng về (…) thấy bố tôi đứng đợi sẵn ở bến nước ven sông. Bên cạnh người, cái cày và cái bừa vừa được đánh sáng loáng, xếp cạnh nhau trên một vạt cỏ xanh (…) “Con lấy bòng bong tắm cho trâu. Nhớ kì cọ thật sạch sẽ. Mai bố con ta dắt nó đi chợ Giềng chơi một buổi!” (…) “Cho nó lấy may ấy mà! Nó vất vả cả năm, hưởng một ngày vui, cũng là xứng đáng thôi!” (…) “Sướng nhé! Mai được đi chợ Tết. Rồi thế nào mày cũng được bố tao thưởng cho một cái bánh chưng rõ to. Cứ gọi là nhất mày đấy!” Suốt đêm mồng bảy (…) con vật chốc chốc lại đứng dậy, gõ sừng, khua gióng cồng cộc. Hình như nó cũng mong trời chóng sáng tựa tôi vậy. Ờ, một năm mới có một lần, ai mà chẳng mong, chẳng đợi? (…) Cả nhà tôi đã hòa vào dòng người đi chợ (…) Tôi cưỡi trên lưng trâu, thỏa mắt nhìn dòng người nườm nượp, áo quần đủ mọi màu sắc (…) Chợ Giềng được mở trên một khu đất trống (…) cách thành phố Nam Định chín cây số (…) năm duy nhất có một phiên, nghiêng về hội hơn là chợ (…) U tôi thì bán rổ rá như thể cho không. Rổ rá hết, bố tôi bảo u tôi số may, năm mới đã phát tài to, bây giờ thử bán con trâu xem sao! Dặn dò u tôi xong, bố kẹp cái mâm đồng vào nách, vẫy tôi len vào khu bán đồ cổ (…) ngồi cạnh một ông lão trưng lư đồng (…) Lúc người ngắm chiếc lư đã vãn, ông lão quay sang hỏi bố tôi chiếc mâm quý có bán thật không. Bố tôi lễ phép, đáp: “Cũng như cụ, con chỉ đem đi khảo chơi thôi. Đồ ông cha truyền lại, mỗi năm chỉ đem trưng để lấy hơi người, điều đó ai mà chẳng biết hả cụ!” (…) Bố tôi hỏi: “Trâu nhà ta năm nay có được giá không?” (…) “Thế nó đâu?” (…) “Nó kia. Bà mua cho nó cái bánh chưng. Ăn hết, nó cứ nghé ọ, nghé ọ mãi. Tôi đành vơ cả đống lá dong đem đến cho nó nhai, nó mới chịu nằm yên một chỗ đấy” (…) Trời tối mịt, cả nhà tôi và con trâu mới về tới nhà”.(NQV) Chợ Giềng “nghiêng về hội hơn là chợ”. Nghiêng hẳn đi chứ, vì chợ đâu có thứ chợ hàng hóa bày ra không phải để bán mà để “lấy hơi người”! Nhưng ở chợ Giềng cũng có hàng mua bán thật, như phở trâu, bánh đúc chấm mắm tôm và, dĩ nhiên, bê thui. Gia đình “tôi” du xuân dắt theo con trâu nhà. Người thưởng thức quà nọ quà kia, trâu cũng được mua cho cả một “cái bánh chưng rõ to”! Chợ họp mồng tám. “Suốt đêm mồng bảy (...) (trâu) chốc chốc lại đứng dậy, gõ sừng, khua gióng cồng cộc. Hình như nó cũng mong trời chóng sáng tựa tôi vậy. Ờ, một năm mới có một lần, ai mà chẳng mong, chẳng đợi?”. Ðến trâu cũng háo hức muốn đi, lôi cuốn là cái “chợ hội” tỉnh Nam!



Thu Tứ
Viết tháng 11-2020
Sửa mới nhất 12-2022














_________
Đa số tiểu đề là tạm đặt.
BS: Băng Sơn, “Tết Hà Nội xưa”, trang
vnexpress.net.
DA: Diệu Ái, “Tết về, nhớ hương bánh thuẫn”, trang
dantri.com.vn.
DN: Dạ Ngân, “Tết miệt vườn”, trang
chimviet.free.fr.
ĐC: Đoàn Văn Cừ, “Chợ Tết”, thời tiền chiến.
LHN: Lê Hà Ngân, “Tết về đụng lợn chia vui”,
Tuần báo Văn Nghệ TPHCM, Xuân 2021.
NĐL: Nguyễn Đình Lạp,
Ngoại ô, thời tiền chiến.
NHL:
Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, nxb. Văn Học, 1992.
NQV: Nguyễn Quốc Văn, “Chợ Giềng”.
PV: Phượng Vỹ, “Lan man tết Huế”, trang
phuongvy.com.
TH: Tô Hoài,
Chuyện cũ Hà Nội, nxb. Hà Nội, 2000.
ThH: Thanh Hào,
Sông Hồng và làng bãi, nxb. Phụ Nữ, 2009.
TTT: Trịnh Thị Thuận, “Nhớ cái Tết sơ tán đầu tiên”,
TBVNTPHCM, Xuân 2020.
VB: Vũ Bằng,
Thương nhớ mười hai, Sài Gòn, 1971.
VNP: Vũ Ngọc Phan,
Những năm tháng ấy, nxb. Văn Học, 1987.