“Súng lớn” đây toàn hàng nội hóa, là những sản phẩm tài tình và cảm động của quân giới Việt Nam. Rồi ta sẽ chế tạo được một thứ vũ khí công đồn đặc biệt lợi hại là súng SKZ. Và súng phóng bom v.v. Mời dân đến xem đạn nổ làm đá tảng “vỡ ải ra như bột cám”, lõi sắt bánh ô-tô “oằn lên như bánh đa ướt”, không hề là vô tư đâu. Quân kháng chiến phải làm cho dân nghĩ rằng mình mạnh lắm thì mới giành được sự ủng hộ cần thiết của dân để mong thắng lợi. “Tiếng đạn (vang trong thung lũng) nghe như tiếng gieo mình của sóng bể vấp bờ”, cái “tai” cực nhậy của Nguyễn nó vẫn còn nghe tốt đấy chứ!... Khi “cái Hà Nội phân tán này” rút cuộc tái hội tụ tại “tọa độ cũ, ở dưới đồng xuôi kia”, tất nhiên nó có mất đi một số thành viên. Bao nhiêu “Tháp Rùa vàng chóe” đã ở lại “giữa rừng”, không bao giờ về lại nơi có Tháp Rùa thật? (Thu Tứ)



“Tháp Rùa giữa rừng”

Nguyễn Tuân




Ở một góc dãy núi chiến khu Một, chúng tôi đã gặp Trung đoàn Thủ đô (…)

Lễ khai mạc Đại hội “Luyện quân lập công” (…) Tiếp vào buổi chiều khai mạc ấy là những ngày thi ở bãi trong rìa núi. Thi bắn, thi ném lựu đạn, thi xung phong, thi cấp tốc hành quân, thi chuyển công văn hỏa tốc. Xạ trường nhấp nhô những biển cót. “Xiết chặt súng, bình tĩnh bóp cò”, “Đừng bắn ẩu” (…) Dân chúng đến đông nhất là buổi tập trận giả có súng lớn trợ chiến. Tiếng móoc-chi-ê nổ vang sườn núi (…) Tiếng đại liên nghe đều từng đợt. Mùi thuốc súng cay như mù-tạt. Bộ đội bò, nấp đầy mặt ruộng khô. Tiếng hô của cấp chỉ huy văng vào vách núi (…) Lúc thử mìn điện, ba-dô-ca và đạn A.T. thì dân chúng thích quá. Mìn điện nổ, khói đen. Ba-dô-ca, A.T., khói nửa trắng nửa vàng. Xong mỗi lần thử, dân chúng đều chạy ra tận chỗ tảng đá chịu đạn kia mà rờ mó trầm trồ. Cái mục tiêu tự nhiên ấy đã nồng lên mùi vôi nung lò. Có những miếng vỡ ải ra như bột cám. Cái bánh sắt ô-tô cạnh đấy bị sức nóng và hơi ép nung vặn đã oằn lên như bánh đa ướt. Những tiếng chặc lưỡi. Những buổi thi bắn súng trường (…) các thung lũng cách bức tận bên kia vang hưởng lại tiếng đạn nghe như tiếng gieo mình của sóng bể vấp bờ. Đang ở chỗ rừng núi cheo leo, lại nhớ đến cảnh bể miền xuôi (…)

Trung đoàn (…) đều một loạt áo quần đen (…) Chẳng bù với ngày còn đánh trong Hà Nội, anh em có gì mặc nấy. Có anh đóng cả com-lê, chỉ nịt ra ngoài một cái thắt lưng da. Cái đêm 17-2-1947 rút ra khỏi Thủ đô, ở tay anh nào – cả 140 chị nữa – cũng đều cho “lên” một sao vàng và một tháp Rùa vàng chóe (…) Đã có một anh công nhân (…) dập thật nhanh cung cấp kịp phù hiệu cho Trung đoàn. Trước anh vẫn dập lập-lắc xe đạp (…) Cái Tháp đẹp thật. Càng thấy nhớ đến Thủ đô.

Anh em đã kể chuyện cho tôi nghe rất nhiều về Thủ đô. Thuật lại những đoạn nguy khốn từ sau ngày mất khu Đồng Xuân, anh em vẫn có cái cười phớt đời của con người Hà Nội, điểm thêm vào nhiều ngôn ngữ “tếu” và nhiều cử chỉ “quấy”. Bao nhiêu là hình ảnh! Cái rạp Tố Như, nơi làm lễ khai tử cho đoàn Quyết tử (…) Cùng phố ấy, cái đình Hàng Bạc, nơi tập trung hai ngàn dân chúng đợi giờ chui qua cầu rút ra ngoài. Phố Hàng Đào, Hàng Giấy (Đồng Xuân) và cả khu Đông Thành, những vùng đạn bay vèo vèo không một bóng ai. Khu Đồng Xuân, cái túi đựng đạn móoc-chi-ê của giặc. Tây mũ đỏ và da đen vứt súng đi mà vật nhau với mình quanh những bàn thịt xi-măng trong chợ Đồng Xuân. Những tấm nệm bông tẩm dầu săng trải ra đường để bẫy đốt xe. Những bì đường chồng chất ở ngã ba ngã tư cho cao chắc thêm chiến lũy (…)

(…) từ cái thời ấu trĩ chuyên bắn ở gờ cửa sổ, ở hè phố, được trưởng thành trong khói lửa chiến sự (…) các anh em đã thành công trong những trận đụng độ vừa qua. Và nay luyện quân lập công để một ngày nào trong tương lai gần đây, sẽ kéo nhau về, đem cái Hà Nội phân tán này trả về cho tọa độ cũ, ở dưới đồng xuôi kia.


Chợ Chu
1948