Khi Toàn quốc Kháng chiến bắt đầu, giặc Pháp tưởng có thể dùng vũ lực rất nhanh chóng thanh toán nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ba năm rưỡi sau, đại tướng giặc đánh giá tình hình: nói chi nhanh chóng, cái việc thanh toán ấy là không thể thực hiện được!

Phải làm sao đây? Rơ-ve đề nghị cứ tiếp tục chiến tranh, nhưng dùng thêm nhiều lính ngụy và xin Mỹ viện trợ. Máu Việt tiền Mỹ đổ trút cho Pháp, kế hoạch hay đấy chứ. “Tiếc” Điện Biên Phủ sẽ làm mất hay. Mỹ sẽ bảo: Tôi chi nhiều đến thế mà ông vẫn thua. Thôi, ông về đi, để tôi qua… Mỹ và “VNCH” sau đó làm ăn thế nào, cả thế giới đều biết.
(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Kế hoạch Rơ-ve”




Tháng 3 năm 1949, hiệp ước “Ê-li-dê” được ký kết (…) Với hiệp ước này, Pháp tiến thêm một bước trong âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”.

Tháng 5 năm 1949 (…) đại tướng Rơ-ve, tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, cầm đầu một phái đoàn sang Đông Dương để nghiên cứu tình hình và vạch kế hoạch đối phó (…) Rơ-ve ở Việt Nam hơn một tháng, đi nhiều nơi (…) tiếp xúc với các cơ quan tham mưu, gặp các đơn vị viễn chinh, trao đồi ý kiến với những người có trách nhiệm dân sự (…) Rơ-ve (…) kết luận là không thể có một giải pháp quân sự và cũng không còn hy vọng lật lại tình thế để đạt những điều kiện có lợi trong một cuộc điều đình” (…)

Rơ-ve thấy cần xác định cụ thể đường lối chính trị và chiến lược quân sự của Pháp ở Đông Dương. Rơ-ve coi Bắc bộ là chiến trường chính, chủ trương tăng quân cho Bắc bộ, mở rộng phạm vi chiếm đóng ở trung du và đồng bằng Bắc bộ, tăng cường phòng thủ trung du và khu tứ giác Lạng Sơn – Tiên Yên – Hải Phòng – Hà Nội, gấp rút củng cố tuyến biên giới nhưng do lực lượng có hạn nên chủ trương phòng thủ có trọng điểm, cụ thể là tập trung sức giữ đoạn từ Lạng Sơn đến Móng Cái, còn đoạn từ Na Sầm trở lên thì có thể rút bỏ. Rơ-ve đặt trọng tâm vào việc phát triển quân ngụy, dùng quân ngụy làm nhiệm vụ bình định, tập trung quân Âu Phi để tổ chức lực lượng cơ động (…)

Tháng 7 năm 1949, Chính phủ và Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua chủ trương của Rơ-ve (…) Kế hoạch Rơ-ve đánh dấu một bước ngoặt trong chiến tranh Đông Dương. Lần đầu tiên, người đứng đầu quân đội Pháp khẳng định Pháp không còn khả năng giành thắng lợi trong chiến tranh. Rơ-ve cũng là người đầu tiên nhận thấy lối thoát khỏi tình thế khó khăn là “đưa chiến tranh Đông Dương vào kế hoạch chiến lược của Mỹ” (…)

Vào đầu mùa thu, chúng ta có trong tay bản kế hoạch Rơ-ve. Ta quyết định công bố nội dung bản kế hoạch trên Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam (…)

(Do việc) tranh giành quyền lực (…) giữa các phe phái cầm quyền ở Pháp (…) (chẳng bao lâu) Rơ-ve bị cách chức (…) song hầu hết những gì người Pháp làm sau đó đều không ở ngoài những điều đã được nêu lên trong kế hoạch Rơ-ve.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2006)