“Bay trên đất nước ta (…) Nước mình không to, nhưng mà phong cảnh của mình lại đủ cả, núi cao, sông cả, giáp ngay trên bờ biển. Cảnh của mình nó nhiều vẻ, trên cao nhìn xuống vừa thấy những vùng núi non như là cả mặt đất đã cuộn lên thành sóng, đã thấy tiếp ngay những vùng đồi cây san sát, rồi đến luôn đồng bằng, ruộng vườn bãi trải ra cứ hồng hồng, nâu nâu, xanh xanh, óng a, óng ánh. Mà mình rất nhiều sông nước, qua đâu nhìn xuống cũng lấp loáng những dòng sông cuộn khúc, những mương ngòi chi chít…”.

Đó là “mình” chỉ mới bay trên một nửa “nước mình” thôi! Quả thực, cũng chừng ấy diện tích, chưa chắc trên thế giới có nơi nào khác mà phong cảnh vừa đẹp vừa đa dạng như “đất nước ta”.

“Mắt đen (…) hồng hào tươi mát như bông hoa sen”… “Cô Tuyến”, “cô Tuyến”.

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Mặt trận trên cao (6)



Một cuộc họp toàn thanh niên có khác. Nó ồn ào, bồng bột như có những làn sóng luôn luôn chạy qua trên những hàng ghế dài chật ních ở một gian đình ngoại thành. Sau những lời giới thiệu của chị thường vụ thành đoàn, Lương đứng dậy. Những tiếng vỗ tay dào lên, mấy trăm con mắt lóng lánh, những miệng tươi hơn hớn như đón từng lời, tất cả làm cho Lương lúng túng. Anh nói không được mạch lạc lắm, và chỉ nói ngắn rồi nhường lời cho Toản. Tuy vậy Lương cũng được vỗ tay nhiệt liệt, anh hiểu đây là những cái vỗ tay hoan nghênh một chiến sĩ lái máy bay của ta. Nhưng khi Toản bắt đầu kể những mẩu chuyện chiến đấu của đại đội thì chung quanh lắng xuống dần và có những lúc im như tờ, sau đó những tiếng vỗ tay ào ào dội lên như muốn vỡ gian phòng. Đến lúc nghỉ giữa chừng, anh chị em xúm lại quanh hai người. Giữa vòng quây của những con mắt nhìn tò mò một cách đầy cảm tình, Lương bỗng để ý thấy một cô hơi quen, mặc cái áo sơ-mi xanh đứng nói chuyện với mấy người bạn, thỉnh thoảng cô lại nhìn về phía anh, miệng như thoáng cười. Quái không biết Lương đã gặp cô này ở đâu.

Khi chung quanh Lương đã vắng bớt, cô gái bước lại, má cô đỏ ửng lên.

- Không ngờ lại hóa ra anh Lương nói chuyện hôm nay.

- Vâng…

- Gần đây anh có được thư của Đào không?

- À, cô Tuyến!

Lương thốt lên, anh vừa nhận ra người trong mấy bức ảnh chụp với Đào.

- Em định đến chào anh từ nãy mà đông quá. Đào nó gửi cho anh một gói ở đằng em. Chốc nữa anh có rỗi không?

- Tôi đã hẹn trưa nay lại nhà cậu Toản ăn cơm rồi. Chiều tối lại phải vào quân y viện… Thế này, khoảng bốn năm giờ tôi lại thăm cô có được không?

- Vâng, thế thì em mời anh lại ăn cơm chiều ở đằng em.

- Đào nó gửi gói gì đấy, cô Tuyến?

- Hình như cái áo len nó đan cho anh và vài thứ gì nữa. Em chưa kịp gửi bưu điện lại thành ra may.

Tuyến cười, chào Lương rồi nhanh nhẹn trở vào bên trong đình. Có tiếng chuông lắc gọi họp tiếp. Lương ngồi ở hàng ghế trên cùng, anh quay đầu về phía sau định tìm xem Tuyến ngồi đâu nhưng đông người quá. Khi tan buổi họp, Lương để ý tìm nhưng vẫn không thấy Tuyến đâu.

*

Buổi trưa ấy báo động luôn hai trận. Hà Nội quen lắm rồi, còi kéo lên chỉ ít phút sau trên các đường phố đã không còn người đi lại, những người qua đường nép vào các gốc cây, ngồi sẵn trên miệng các hố tròn, hoặc ẩn vào trong những hầm nổi đắp bên hè. Lượt báo động thứ hai, Lương đang ở giữa đường đến viện quân y. Anh nhảy xuống xe đạp, đến trú dưới gốc một cây sấu và nghe súng nổ ở mạn bắc thành phố, rồi một lúc thì thấy hai chiếc Mích sà xuống rất thấp trên các mái nhà. “Được lắm! Có vẻ các cậu này đang ở ngay Gia Lâm. Được lắm!”.

Vào quân y xong, Lương lại còn phải đạp qua các phố lùng mua mấy thứ lặt vặt các bạn anh nhờ tìm hộ. Thành ra khi anh đến nhà Tuyến thì đã muộn giờ. Tuyến ở khá xa, gần cuối thành phố mé bở sông. Quãng này, chen lẫn giữa những nhà hai ba tầng, ở hai bên đường thỉnh thoảng còn lại vài ngôi nhà cổ với những hàng cột gỗ lim đen nhãy, dưới bóng những cây bàng lâu đời gốc lực lưỡng xòe rộng những tán lá xanh rợp trên cao. Đằng sau mấy xóm cũ còn đầy ao chuôm nổi lên đột ngột giữa những khu nhà tập thể mới xây dựng, tường quét vôi hồng, với ba bốn tầng cửa sổ chạy dài.

Tuyến ở trong một ngõ nhỏ quanh co. Qua một cái cổng gạch, rồi một cái sân hẹp che mái tôn đã được biến thành xưởng thủ công hợp tác làm khóa, Lương thấy một căn nhà hai tầng cũ có khá đông người ở. Anh bỏ xe đạp ở gầm cái cầu thang gỗ và trèo lên đến một hành lang dài và hẹp, hai bên thấy liên tiếp những cửa buồng đóng kín. Lương tần ngần không biết gõ cửa nào, sau anh cứ đập khẽ cánh cửa đầu tiên. Có tiếng đàn bà hỏi ra với giọng sẵng:

- Ai đấy?

- Bà cho tôi hỏi thăm cô Tuyến ở buồng nào?

- Buồng trong cùng.

Lương cười thầm, sao cô Tuyến có bà hàng xóm dữ tính thế!

Anh đến cánh cửa trong cùng gõ mấy tiếng và đứng im đợi. Trong nhà có tiếng bước nhanh, cánh cửa hé mở:

- Anh… mời anh vào ạ.

Tuyến nhanh nhảu đỡ cái xà-cột của Lương treo lên cái mắc áo cạnh tấm gương chữ nhật nhỏ.

- Em vừa về, đang lo anh đến đúng giờ, không thấy em ở nhà, lại đi mất rồi.

- Còn tôi thì lại đang lo đến chậm quá.

Lương bây giờ mới để ý thấy Tuyến chân dẫm đất, hai ống tay áo cánh xắn cao, hình như cô đang dở bận việc.

- Không làm thế nào được kia anh ạ, gọi là ngày nghỉ thế mà chỉ họp suốt, sáng đi nghe các anh nói chuyện đấy, chiều lại họp, mắc báo động thành ra phải họp muộn thêm. Nhưng không sao, anh ngồi chơi một tí là xong cơm thôi.

- Cô Tuyến để tôi đỡ một tay cho. Tôi là phụ bếp loại khá đấy.

- Ấy chết!... Thôi thế anh nhặt hộ mấy mớ rau vậy.

Căn buồng của Tuyến hẹp và thấp nhưng được cái nó lại ăn thông ra một cái sân gác nhỏ riêng biệt, có cả một vòi nước. Bếp núc ở cả ngoài ấy dưới một phên che làm mái. Cái vòi nước giờ này không chảy nhưng đã có vại nước đầy, cạnh một bó củi. Lương ra sân, kéo cái ghế thấp, ngồi xuống bắt đầu rửa rau. Tuyến cũng ra ngồi cạnh, hí hoáy đánh vẩy một con cá.

- Cơm chẳng có gì đâu anh ạ.

- Cơm cá còn gì nữa.

- Được con trôi tươi, em họp về chạy qua chợ đã tưởng không còn gì, may quá.

- Tôi về Hà Nội thấy vẫn cứ như thời bình ấy, mà phố vẫn lắm người thế!

- Đấy là sơ tán năm bảy lượt, vợi bớt nhiều trẻ con rồi đấy. Trước anh vào nhà này thì các cháu nó chơi khắp trong sân, ngoài ngõ, gầm cầu thang, chỗ nào cũng túm năm tụm ba suốt ngày không lúc nào yên.

Ờ, Tuyến nói đúng, Hà Nội có vắng trẻ con đi thật. Từ sáng, đi các nơi, Lương thấy tuy vẫn đông nhưng có cái gì khác đi; thì ra các phố đã vắng bóng từng đàn em nhỏ cắp sách ríu rít, các vườn hoa, các bờ hồ, cũng không còn những chú nhãi nghịch ngợm của Hà Nội ầm ĩ chơi đùa hoặc dắt nhau đi nghênh dưới những bóng cây.

Đời sống Hà Nội bây giờ cũng lạ! Ở chỗ nhà Toản trưa nay, từ trên gác nhìn ra một vườn hoa nhỏ ở đầu phố, Lương cứ thấy lụi hụi hai cái nón của hai người đàn bà ngồi nhổ cỏ rồi đi đi lại lại tưới các bồn hoa trong khi ngay cạnh đấy, một đám dân phố đang hì hục cuốc hè lên và xây hố cá nhân bằng bê-tông dọc theo hàng cây sấu lâu đời, che rợp cả mặt đường. Cái thành phố trong nắng và bụi của buổi chiều vẫn rì rầm không ngừng một phút một giây.

Cơm chín, trời vừa xẫm tối. Tuyến dọn ăn ở cái bàn con bên cửa sổ, trông ra cái sân gác. Hai má cô lúc này đỏ chót vì hơi lửa, làm cho đôi mắt càng đen. Tuyến bưng nồi cơm và xoong canh riêu cá bốc hơi nghi ngút đặt cả lên bàn:

- Thế này cho sốt dẻo anh ạ. À, còn món này nữa chứ!

Tuyến mở cái tủ con ở đầu giường lấy ra một gói nhỏ.

- Đây là hạt tiêu Vĩnh Linh. Anh Nhơn chu đáo lắm, lần nào ở trong ấy ra cũng có quà.

Tuyến cười, đôi mắt thoáng một ánh nghịch ngợm.

- Chả em cũng có chút ít công hùn vào cho anh ấy với Đào hồi trước.

Tuyến ra sân rửa mặt rửa tay, sửa lại đầu tóc, lúc cô trở vào ngồi ở bàn trước mặt Lương, trông cô hồng hào tươi mát như bông hoa sen.

Ngoài cửa sổ đã tối hẳn. Những ruộng rau muống, những ao bèo, những bãi đất nham nhở lúc này đã chìm vào bóng đêm, nhìn qua cửa sổ chỉ thấy đèn điện thắp lên mỗi lúc một nhiều, và giữa những bãi tối của vùng ngoại ô, các dãy nhà hộp mới xây dàn lên nền trời hàng trăm ô cửa sáng.

- Ở đây nhìn Hà Nội đã khác trước nhiều lắm, cô Tuyến nhỉ.

- Vâng. Ngày em thuê được cái buồng này, đằng sau nhà còn toàn là bãi rác, cứ giời nóng lên là hơi rác hơi bùn bốc vào nhức đầu nhức óc, mùa nực lại càng khổ. Thế mà bây giờ thành vườn, thành nhà cả. Chỉ còn mấy xóm nhà gianh cũ, bây giờ đã sạch sẽ nhiều, không có chiến tranh thì hai ba năm nữa cũng thành khu phố mới hết.

- Đào nó ở đây có lâu không?

Tuyến ngẩng đầu lên, đôi mắt long lanh như nhớ lại những kỷ niệm vui cũ.

- Nó về ở với em từ sau dạo bà cụ anh mất. Lấy anh Nhơn rồi, nó vẫn ở đây đến một năm nữa, cho đến hồi nó đi Kiều Sơn nhận việc ở trạm khí tượng, hai đứa mới rời nhau.

Tuyến mỉm cười nhìn Lương:

- Đào nó quý anh thật là đặc biệt, em thấy ít có.

Lương cũng cười, anh nhìn quanh:

- Hai cô ở cái buồng này thì chật nhỉ!

- Chỉ vừa kê có hai cái giường của hai đứa thôi, có khách khứa là cứ leo lên giường cả anh ạ. Bây giờ còn một mình em ở thế này cũng vừa. Được cái sân gác. Ở lâu nó thành quen rồi.

- Kể vợ chồng cô Đào cứ biền biệt quanh năm như vậy cũng khổ. Chú ấy lại không có gia đình thân thuộc gì ngoài này. Cũng buồn cười, anh em mà chưa gặp nhau lần nào. Có khi nhỡ đánh nhau vỡ đầu rồi mới nhận nhau!

- Anh Nhơn mong gặp anh lắm đấy. Tiếc quá, kỳ vừa rồi Đào nó định đưa chồng lên tìm anh, nhưng anh Nhơn họp xong lại phải tất tả trở vào trong Vĩnh Linh ngay. Đôi ấy cứ như đôi chim. Đào nó lo cho anh ấy lắm mà không nói ra, anh Nhơn ở chỗ đồn biên phòng, địch nó bắn phá liên miên, đem cả Bê Năm Hai ra dội bom.

Tuyến ngừng lại, mắt đăm đăm.

- Nhưng mà đôi ấy dù ở đâu, dù thế nào, họ vẫn là gần nhau.

Tuyến đỏ hai má, đứng dậy ra ngoài sân gác. Lương nhìn theo thấy cô ngồi quay lưng lại, cúi mặt thổi lửa phù phù như để đun một ấm nước đã đặt trên bếp từ nãy.

Cơm xong, họ ngồi thư thả uống nước chè. Tuyến bắt Lương kể chuyện bên ngước ngoài phong cảnh thế nào, người ta ăn ở thế nào, rồi hỏi nước ta so với các nước ra sao, cảm tưởng lúc bay trên trời nhìn xuống đất có thấy gì đặc biệt không?

Bên ngọn đèn che cái chụp giấy, Tuyến ngồi nghe, đôi mắt cô lúc xa đi suy nghĩ, rồi lại đen láy chăm chú nhìn Lương.

- Nước nào cũng có cái đẹp riêng cô ạ. Tôi thấy ví dụ như nói về phong cảnh thì cái màu vàng của mùa thu bên Mát-xcơ-va đối với mình thật lạ. Tôi cứ nhớ đi trên đồi vào khoảng tháng chín, tháng mười, trời hiu hiu như ngày tết bên ta mà khắp mọi phía trên đầu mình, những hàng cây cứ vàng rực lên, vàng mà rất sáng như là có đèn ở trong lá cây chiếu ra ấy. Đến mùa đông thì trên trời vẫn xanh vẫn nắng mà dưới đất chỉ có một màu trắng tinh, cây cối không còn một chiếc lá nào, đồng ruộng làng mạc đều vùi trong tuyết, những mái nhà như khoác áo bông trắng hết. Về đến Trung Quốc, khi bay qua trên đồng bằng sông Hoàng Hà, vào mùa gió khô, trời vẫn nắng to mà gió thổi bụi đất vàng bay lên mù mịt cả trời, cứ vàng vàng mờ mờ như sương, có nhìn thấy mới hiểu câu “Trời đất nổi cơn gió bụi”. Ở Hà Nội, liễu là của hiếm, chứ ở Bắc Kinh, đi trên những con đường lớn ra ngoài thành phố, hàng chục cây số liền, hai bên cứ hàng nghìn hàng vạn cây liễu to cao, lá rủ xuống xanh mượt, cô tưởng tượng xem! Còn bay trên đất nước ta thì tôi không biết nói thế nào… Chỉ biết là đẹp lắm. Nước mình không to, nhưng mà phong cảnh của mình lại đủ cả, núi cao, sông cả, giáp ngay trên bờ biển. Cảnh của mình nó nhiều vẻ, trên cao nhìn xuống vừa thấy những vùng núi non như là cả mặt đất đã cuộn lên thành sóng, đã thấy tiếp ngay những vùng đồi cây san sát, rồi đến luôn đồng bằng, ruộng vườn bãi trải ra cứ hồng hồng, nâu nâu, xanh xanh, óng a, óng ánh. Mà mình rất nhiều sông nước, qua đâu nhìn xuống cũng lấp loáng những dòng sông cuộn khúc, những mương ngòi chi chít…

Lương ngừng lại, anh thấy những câu anh định nói ra, tất cả đều nghèo nàn, thô quá, nhạt nhẽo quá, không làm sao diễn tả nổi những cảm xúc bồi hồi, man mác đang nóng hổi trong tâm hồn anh. Anh ngước mắt nhìn Tuyến và đành chỉ mỉm cười, nhưng có lẽ ánh mắt nụ cười của anh lại nói được nhiều hơn, cho nên đôi mắt của Tuyến nhìn anh cũng đang xôn xao lên và miệng Tuyến cũng đang mỉm cười với anh…

Ngoài xa, trong những tiếng xe cộ và loa truyền thanh ồn ào của thành phố bỗng rộ lên những tiếng máy rú dài, lẫn với tiếng loảng xoảng của bánh xích sắt. Tuyến cũng nhìn ra con đường đầu ô đang dập dờn hắt lên trời những ánh đèn pha.

- Xe kéo pháo anh ạ.

- Kìa cái máy bay cô Tuyến thấy không?

Lương chỉ tay về mấy chấm đèn xanh đỏ đang lừ lừ chuyển động giữa trời, trong đốm đèn ấy một chấm trắng cứ nhấp nháy không ngừng từ trên đêm tối gọi xuống.

- Nó đòi hạ cánh xuống sân bay đấy.

- Hay nhỉ!

Tuyết bật cười, vui thích như trẻ con. Lương bỗng đứng nhỏm lên:

- Pháo bắn rồi kia.

- Đâu, anh?

- Trông trời thì biết.

- Em chẳng thấy gì cả.

- Trời cứ nhấp nhoáng như chớp đằng xa ấy. Sắp có đạn lóe trên không, rồi cô nghe nổ bây giờ đây này.

Phía xa tít, đằng sau những lùm cây, những nóc nhà, họ thấy lóe lên những đốm lửa vàng và mấy giây sau có tiếng ầm ì vẳng đến. Tuyến quay vào:

- Khéo lại báo động bây giờ. Em phải sửa soạn trước, không có còi rồi chạy đến xưởng không kịp.

Tuyến tới mắc áo vơ vội mấy thứ và mở cửa ra ngoài, mấy phút sau cô trở vào đã mặc cái áo sơ-mi và cái quần xanh cũ, đầu đội cái mũ cát-két vải.

Lương vẫn đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài:

- Chưa thấy kéo còi, súng cũng thôi bắn, chắc nó chỉ lảng qua và cút rồi.

Tuyến nhìn cái đồng hồ báo thức trên mặt bàn:

- Cũng sắp đến giờ em phải đi. Hôm nay em làm ca đêm. Em đi làm, anh cứ nghỉ lại đây anh ạ.

- Tôi đã hẹn về nhà cậu Toản.

- Anh cứ coi như Đào nó vẫn ở đây chứ có gì!... Anh cũng phải có nhà cửa một tí, chẳng lẽ mỗi lần được nghỉ, anh cứ lang thang không biết về đâu à!

Tuyến kéo tấm rèm vải che đầu giường và nhấc khẩu súng trường đặt tựa ở góc nhà, khoác lên vai. Lương cười:

- Cô đã bắn máy bay Mỹ trận nào chưa?

- Bắn một trận rồi, ngày hăm chín tháng trước đây, nhưng đơn vị em chưa hạ được chiếc nào đâu!

Tuyến nhìn Lương, cười.

- Nghe hai anh kể chuyện sáng nay, nhiều cái thật không ngờ, không quân ta giỏi thật.

- Tôi lại nghĩ dù sao bọn chúng tôi cũng có vũ khí mạnh trong tay, lại chủ động trên trời, chứ còn như các cô cứ ngày đêm bám lì ở nhà máy, nó đến ném bom thì đánh, đánh xong lại làm việc như thường, bắn nhau với tụi nó thì chỉ một khẩu súng trường, thật là gan cóc tía đấy!

Tuyến vừa nghe Lương nói vừa nhanh nhẹn đến cái tủ con ở đầu giường lấy cái túi nhỏ đựng com-pa, thước lá, và ra sân vơ vội một cái khăn mặt, bánh xà-bông, bỏ tất cả vào chiếc làn mây xinh xắn, xách tay. Cô cười, đôi mắt rất tươi.

- Em chẳng ở nhà được mà nghe anh nói chuyện nữa! Thôi, em gửi nhà anh nhé. Em thì em có ý kiến anh cứ nghỉ lại, nhưng tùy anh, nếu chốc anh lại đằng anh Toản thì treo chìa khóa cửa vào chỗ góc tường ngoài này hộ em.

Tuyến bước ra ngoài hành lang. Lương bước theo nhìn cho biết chỗ cô dặn rồi trở vào, trông đầu giường, bỗng gọi:

- Cô Tuyến! Cô quên bao đạn.

Lương xách cái thắt lưng da và bao ra đưa cho Tuyến. Cô gái đỏ bừng mặt:

- Em đoảng quá!

Rồi chạy xuống cầu thang.