Đây một “út” ao ước được làm “vệ” trong Sống mãi với thủ đô:

“Chú bé (…) khoảng mười ba, mười bốn tuổi (…) một tay nó cầm một con dao, tay kia xách một cái hòm nhỏ (…) - Thưa cậu, cháu đi đánh giày mũ (…) Hôm qua, ở Bờ Hồ, cháu đánh giày cho một thằng Tây, nó không trả tiền, cháu đòi, nó đánh (…) - Em đến có việc gì? (…) - Cháu xin vào tự vệ (…) - Bác ơi, có được không? Cháu chẳng có gì đâu. Cháu chỉ có con dao này thôi (…) - Bác nhận cháu vào nhé. Cháu được vào thì khối thằng bạn cháu cũng xin vào (…) - Vào tự vệ rất nguy hiểm. Các anh lớn mới phải ở lại (…) - Nhưng cháu không sợ chết”.

May quá. Nếu ngày ấy giặc Pháp tái chiếm nước ta rồi đối xử với dân ta y như đối xử với dân nó thì Việt Minh sẽ chẳng bao giờ có đủ lực lượng để kháng chiến.
(Thu Tứ)



“HN60NĐ - Vệ Út” (2)




Ngày toàn quốc kháng chiến đã trôi qua gần 70 năm. Những cô bé, cậu bé ngày ấy, người trẻ nhất đã bước sang tuổi 79 (…) nhưng nhắc đến những ngày đêm chiến đấu ở Hà Nội trong mùa Đông năm 1946, họ vẫn kể lại một cách rành rọt và tràn đầy cảm xúc, như thể tất cả vừa mới diễn ra (…)

Hơn 170 vệ út (…) phần nhiều (…) nghèo khó. Có người là con công nhân, người mồ côi cả cha lẫn mẹ, người bán báo, bán bánh mì, đánh giày, người lang thang không nhà không cửa… Trận đói lịch sử năm 1945 đã đẩy những đứa trẻ phiêu bạt về ở cùng một nơi (…) xóm lao động nghèo Phúc Tân. Bãi Phúc Tân (…) những năm 1940 là một doi đất nổi ở sông Hồng với khoảng hơn 100 nếp nhà lợp tranh (…) lụp xụp. Khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, khu nhà (…) này đã bị quân Pháp (…) đốt cháy trụi hòng ngăn chặn đường tiếp tế từ bên ngoài vào Thủ đô (…)

“Chúng tôi (…) chỉ mong được ở lại để tham gia (…) chiến đấu (…) đánh những kẻ đã đốt nhà mình” - bà Vũ Thị Nhâm, nữ vệ út duy nhất (…) của Trung đoàn Thủ đô nhớ lại (…)




Có một số em nhỏ gia đình khá giả hoặc đã tản cư vẫn tìm đường trở về nội thành tham gia chiến đấu. Trong số đó có cậu bé Lê Ngọc Canh, 14 tuổi, vệ út đại đội 14, tiểu đoàn 103. “Sau Cách mạng Tháng 8, tôi tham gia làm liên lạc trong đội tự vệ thành Hoàng Diệu. Toàn quốc kháng chiến, tôi theo gia đình tản cư về quê ở Đa Sỹ, Hà Đông, mang theo nỗi nhớ da diết anh em, bạn bè. Rồi, một hôm, tôi lẻn đi tàu điện ra Bờ Hồ để về nhà ở phố Hàng Ngang (…) khẩn thiết xin các anh chị cho được cùng chiến đấu, cùng sống chết với Thủ đô”.

Mỗi đại đội của Trung đoàn Thủ đô có hơn 10 vệ út (…) được giao nhiệm vụ liên lạc, truyền tin, tiếp tế, cứu thương (…) Các vệ út sẵn sàng lao đi làm nhiệm vụ, kể cả dưới những làn lửa đạn, nhất là trong những ngày cuối cùng của 60 ngày đêm, cuộc chiến giữa ta và quân Pháp ngày càng ác liệt (…)

Một trong những chiến công vệ út Vũ Thị Nhâm nhớ nhất là trận đánh (…) sáng ngày 7/2/1947 tại chốt Trường Ke, khu Đông Kinh Nghĩa Thục. “Hôm đó từ chốt đứng nhìn lên cầu Long Biên tôi thấy (…) giặc Pháp tập trung đông một cách bất thường. Vừa kịp băng qua giao thông hào cấp báo thì chúng đã bao vây ba mặt để đánh úp chiến lũy Trường Ke: xe tăng và xe thiết giáp tiến vào đường Trần Nhật Duật và Đào Duy Từ, còn bộ binh từ Hàng Chiếu thọc vào bên sườn, nổ súng bắn như vãi đạn. Lúc này chúng tôi chỉ có 15 chiến sĩ và mấy khẩu tiểu liên. Chúng tôi phải xin cứu viện. Ban chỉ huy tiểu đoàn ở bên kia phố thôi nhưng phải đi xuyên qua làn lửa đạn của địch mới tới. Trần Ngọc Lai – một vệ út mới 12 tuổi cùng đơn vị - đã xung phong nhận nhiệm vụ. Chưa dứt lời, Lai đã thoăn thoắt bám vào đường máng dẫn nước tụt nhanh xuống vượt qua làn đạn, chạy nhanh về phía ban chỉ huy tiểu đoàn. Khoảng 10 phút sau, Lai trở về cùng đoàn quân cứu viện. Chúng tôi leo lên gác, ném lựu đạn xuống. Giặc Pháp thất bại (…) trong khi ta không thương vong đáng kể” (…) “Trong một lần khác, Lai lọt vào vòng vây của lính Pháp. Giặc quyết bắt sống nên tràn tới. Lai không hề nao núng, tháo ngay ngòi nổ quả lựu đạn và ném về phía quân Pháp. Một tiếng nổ chát chúa vang lên, một số tên ngã ngay tại chỗ, những tên khác kinh hãi lùi ra xa. Lai cũng từ từ gục xuống và máu đỏ chảy dài, thấm đẫm chiếc áo mỏng đang mặc” - bà Nhâm đã không cầm được nước mắt khi nhắc lại người vệ út bé nhỏ mà bà đã coi như em ruột của mình (…) Tấm gương Trần Ngọc Lai đã nhanh chóng được truyền đi trên tất cả chiến tuyến, tới từng góc phố, căn nhà (…)




Ngày 17/2/1947, cùng với các chiến sỹ Vệ quốc quân, các vệ út của Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội. “Chúng tôi (…) chỉ còn 120 người (…) gắn bó như anh em ruột thịt chia nhau cái đói thắt lòng và cái rét se sắt trên chiến khu. Chúng tôi được đi học văn hóa, chính trị, văn nghệ, âm nhạc. Đội vệ út được đổi tên thành Thiếu sinh quân tuyên truyền vũ trang (…)” – vệ út Lê Ngọc Canh nhớ lại.


(trang
baophunuthudo.vn)