Nó có quân đóng ở đâu thì ta phải cố phát động phong trào dân địa phương đánh quân nó ở đó. Đích tối thiểu là để nó không thể kéo quân bên đó về đánh ta. Đích cao hơn là để nó phải dời một số quân đóng ở ta sang những địa phương ấy. Về việc mở mặt trận Lào và mặt trận Miên, Hồ Chủ tịch từng nói vắn tắt: “Giúp nhân dân bạn tức là tự giúp mình”.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Mặt trận Lào, Miên 1949”



Từ 1948, tôi được Thường vụ phân công chỉ đạo giúp cách mạng Lào và theo dõi việc giúp cách mạng Miên.

Tháng 3 năm 1948, Bộ Tổng chỉ huy ra chỉ thị “Về phương châm, phương thức hoạt động trên các mặt trận Lào và Miên”, nhấn mạnh giúp bạn xây cơ sở chính trị là việc cần thiết trước nhất. Muốn gây cơ sở chính trị, có thể cử một số cán bộ chính trị bí mật đi sâu vào vùng địch tạm chiếm, hoặc dùng vũ trang tuyên truyền mà hoạt động. Nơi nào đã có cơ sở chính trị khá rộng thì phát động chiến tranh du kích đi đến thành lập căn cứ địa kháng Pháp hay khu giải phóng. Coi trọng nguyên tắc bảo toàn lực lượng, càng đánh càng mạnh. Hết sức chú trọng giúp bạn đào tạo cán bộ.

Tôi dặn các anh phụ trách Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu I, Khu X, Khu XII, chú ý tìm thanh niên người Lào để đào tạo thành cán bộ giúp cách mạng nước bạn.

Một hôm, tôi nhận được báo cáo của anh Nguyễn Khang, bí thư khu ủy Khu XII, cho biết có một số sinh viên người Lào sơ tán lên Bắc Giang, thường nói chuyện đánh Tây, chưa biết xu hướng thế nào. Tôi yêu cầu anh Khang thông báo ý kiến của Bộ Tổng chỉ huy mời người phụ trách nhóm sinh viên Lào lên gặp tôi.

Giữa năm 1948, tôi đến Văn Lãng thuộc huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên gặp anh Cay-xỏn Phôm-vi-hản. Người sinh viên trẻ tuổi mới gặp lần đầu đã để lại trong tôi ấn tượng về sự chân thành, trí thông minh và nghị lực của mình. Anh bày tỏ nguyện vọng muốn được bộ đội Việt Nam giúp đỡ để trở về tổ quốc. Cuộc kháng chiến ở Lào đang thời kỳ khó khăn. Anh tin rằng về nước sẽ tìm được những người cùng chí hướng tập hợp thành đội ngũ chiến đấu. Tôi nói bộ đội ta đang chuẩn bị mở một con đường xuyên qua vùng địch tạm chiếm ở Tây Bắc tới biên giới Việt – Lào. Anh yêu cầu được cùng tham gia; anh biết tiếng Thái, có thể tiếp xúc với đồng bào Tây Bắc dễ dàng. Anh ý thức rõ những khó khăn, nguy hiểm đang chờ đợi mình, nhưng rất lạc quan và tin tưởng. Anh nói người Lào theo đạo Phật, rất yêu hòa bình, rồi nhắc một câu của Bác: “Nhưng phải là hòa bình trong độc lập, tự do”. Vì thế họ sẽ đoàn kết với người Việt Nam chiến đấu để giải phóng nước Lào khỏi ách xâm lược.

Tôi hoan nghênh ý kiến của anh và dành ba ngày giới thiệu với anh những kinh nghiệm công tác vận động quần chúng, gây cơ sở chính trị, tổ chức dân quân, đào tạo cán bộ, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng khu giải phóng. Sau đó, tôi cử cán bộ đưa anh đến đơn vị anh Bế Sơn Cương ở hướng Mộc Châu đang mở đường về Sầm Nưa, khuyên anh chú ý vùng Xiềng Khọ.

Cũng vào thời gian này, ở Liên khu V, anh Phạm Văn Đồng đại diện chính phủ ta tại nam Trung bộ hội đàm với ông Thao Xổm đại diện chính phủ Lào Ít-xa-la. Hai bên hoàn toàn nhất trí về chủ trương và các biện pháp phối hợp hoạt động ở vùng Hạ Lào. Sau đó, anh Phạm Văn Đồng lại hội đàm với các anh Khăm-tày Xi-phăn-đon, Xi-thôn Com-ma-đam về các biện pháp Việt Nam giúp Lào đẩy mạnh xây dựng căn cứ địa và phát triển chiến tranh du kích ở các tỉnh thuộc Hạ Lào.

Một thời gian sau đó, anh Cay-xỏn Phôm-vi-hản cùng anh Thao Ma lãnh đạo một đội vũ trang tuyên truyền gồm mấy chục chiến sĩ người Lào từ tây bắc Việt Nam vào Thượng Lào hoạt động và lập đơn vị vũ trang Lát Xa Vông. Chiến tranh du kích phát triển ở nhiều địa phương.

Sang năm 1949, cuộc kháng chiến của nhân dân Lào có nhiều chuyển biến. Ngày 20 tháng 1, tại đơn vị Lát Xa Vông ở Xiềng Khọ (Sầm Nưa) anh Cay-xỏn Phôm-vi-hản tuyên bố thành lập quân đội Lào Ít-xa-la, tiền thân của quân đội giải phóng nhân dân Lào hiện nay.

Sau này, tôi còn có nhiều dịp tiếp xúc cộng tác chặt chẽ và thân thiết với anh Cay-xỏn Phôm-vi-hản ở Sầm Nưa, Việt Bắc, Hà Nội, Viêng Chăn, lúc anh làm Bộ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ kháng chiến Pa-thét Lào, cũng như lúc anh làm Tổng bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Giữa chúng tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc về tình chiến hữu, tình đồng chí.

Tháng 3, khu giải phóng Hạ Lào thành lập, sau đó ủy ban kháng chiến tỉnh Viêng Chăn cũng được thành lập. Bộ đội Lào và bộ đội tình nguyện Việt Nam đoàn kết chặt chẽ, phối hợp hoạt động ở các địa phương, thu nhiều thắng lợi. Bộ đội Lào đã phối hợp với bộ đội Việt Nam trong chiến dịch sông Mã, tập kích tiêu diệt đồn Xiềng Khọ, buộc địch rút bỏ một số vị trí.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và chính phủ, Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ thành lập Ban Ngoại vụ với nhiệm vụ nghiên cứu kế hoạch, tổ chức lực lượng giúp cách mạng Cam-pu-chia (…)

Khu IX đưa lực lượng sang phối hợp với bạn hoạt động ở Ta-keo, Kam-pốt. Tại đây, ông Sơn Ngọc Minh, một nhà yêu nước nổi tiếng của Cam-pu-chia, đã tập hợp tổ chức nhân dân, xây dựng cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang khá mạnh, có căn cứ kháng chiến ở 4 huyện.

Khu VIII đưa cán bộ và lực lượng sang giúp bạn xây dựng cơ sở Prây Veng, Căng Đan, mở rộng hoạt động tới Ta-keo và Svây-riêng, xây dựng tổ chức Ít-xa-rắc, thành lập ủy ban dân tộc giải phóng ở nhiều nơi.

Khu VII đưa cán bộ và lực lượng sang cùng cán bộ và chiến sĩ Cam-pu-chia thành lập đơn vị hỗn hợp lấy tên là bộ đội Si-vô-tha hoạt động ở Svây-riêng. Bộ đội Si-vô-tha đánh một số trận, giải phóng nhiều phum (làng), đánh giao thông, nhiều lần làm gián đoạn đường thủy và đường bộ từ Sài Gòn đi Phnôm Pênh.

Khu V đưa cán bộ và lực lượng sang giúp bạn xây dựng cơ sở ở hai tỉnh Stung-treng và Kra-chê.

Đến cuối năm 1949, phong trào kháng chiến Cam-pu-chia đã phát triển tương đối đều khắp trong các vùng tây nam, đông nam, đông bắc và tây bắc. Mười bốn trong số mười lăm tỉnh đã có vùng giải phóng và căn cứ du kích. Phong trào đang từng bước phát triển xuống đồng bằng, buộc bộ chỉ huy Pháp phải điều sáu nghìn quân từ Nam bộ sang Cam-pu-chia đối phó. Chúng đóng thêm nhiều đồn bốt dọc biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia, nhằm ngăn chặn sự phối hợp chiến đấu giữa lực lượng vũ trang cách mạng của hai nước.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 562-564)