“Đất lửa nở hoa”




Ngày 25-10-2015… Trong khuôn viên Bảo tàng Quảng Trị có trưng bày một số vũ khí cũ của cả ta và địch. Lại gần, đọc tấm biển đồng: “Tên lửa SAM-2 do Liên Xô sản xuất, được Quân đội Nhân dân Việt Nam sử dụng lập nhiều chiến công xuất sắc”, thấy hơi ngậm ngùi. Bạn cung cấp cho ta đủ thứ vũ khí lợi hại, ta kháng chiến hoàn toàn thành công xong, chỉ ít lâu sau… Cách SAM-2 không xa, đứng lố nhố một sưu tập vỏ bom Mỹ đủ kích cỡ, bom thế mà cũng tịt ngòi y như pháo Tết nhỉ... Những cái gì ở xa tít đằng cuối sân kia? À. Tháng 2 năm 1973, Nguyễn Tuân “vừa tắm ở (…) mỏm bắc Cửa Việt, vừa nhìn sang sa trường còn lốm đốm những xác chiến xa (…) đen thui, xa xa trông như một lũ bọ hung quắt lại trên cát bỏng”.(1) Một số vỏ bọ hung đây, lẫn với vài vỏ máy bay cánh thẳng, chuồn chuồn, mấy cỗ pháo có cả “Vua Chiến Trường” (tức pháo 175mm của Mỹ) v.v., gọi là tượng trưng cho những phương tiện chiến tranh của địch bị quân ta tịch thu hay hủy diệt.

Bên trong Bảo tàng có trưng bày một số vũ khí quân trang quân dụng, nhưng nhiều nhất là hình ảnh. Bộ đội chủ lực, du kích địa phương, thanh niên xung phong, dân công, văn công… Bao nhiêu khuôn mặt trong sáng, hăng say. Có những tấm chụp chiến sĩ xung phong linh động đến nỗi người đứng ngắm ảnh tưởng mình đang nghe được tiếng thét tiếng kèn! Ấn tượng nhất vẫn là phụ nữ đánh giặc. Đây nữ du kích Hoàng Thị Chẩm ở xã Trung Hải, một xạ thủ bắn tỉa đã lập nhiều chiến công. Kia những nữ chiến sĩ của các khẩu đội súng cối liên tục bắn phá các cứ điểm dọc hàng rào điện tử McNamara: “Ai bảo em không vai sắt chân đồng / Vác pháo em đi mấy mùa chiến dịch / Đêm hò hẹn là những đêm pháo kích / Trăng hạ tuần soi nòng pháo nghiêng nghiêng / Lửa dựng ngút trời Dốc Miếu, Cồn Tiên / Pháo con gái nhưng chẳng hiền với giặc / Tầm hướng chỉnh rồi vén cao mái tóc / Ai biết trận này là trận bao nhiêu?”(2)… Làm sao khỏi nhớ hình ảnh những nữ pháo thủ Ngư Thủy (Quảng Bình) bế đưa từng viên đạn to vào nòng pháo bắn trả tàu chiến Mỹ ngoài khơi. Và những đội nữ pháo binh Long An ở Miền Nam: “Các em đi / Nòng pháo in ráng chiều cháy đỏ / (...) / Đêm nay lại nghe tiếng pháo gầm vang phía trời xa lắc / (...) / Ôi, có phải gió nổi bốn nghìn năm góp về một mùa xuân bão táp đã đưa các em đi làm ánh chớp giữa trời”(3)…

Ngắm sưu tập ảnh có lúc chợt nhớ: “Cả một vùng đồng ruộng Gio Linh nhất đẳng điền (…) trở nên những trảng cỏ tranh cỏ lác điểm đều đều những giếng bom ao bom”.(4) Nên ao nên giếng là bao nhiêu đất cát đã bay đi, trong đó có trộn lẫn bao nhiêu mảnh xác người?... Đã đến lúc rời Bảo tàng mà lên xe tiến thẳng đến cái chỗ đã xảy ra nhiều “trộn” nhất.

*

Đây rồi. Hào nước rộng thả sen, đã cuối mùa, chỉ còn lềnh bềnh vài lá sen tàn; có ai để ý, lá sen tươi chỉ đúng một màu xanh phấn, nhưng trong quá trình tàn nhiều lá có lúc lại điểm thêm màu kia sắc nọ trông ngộ như những đĩa màu họa sĩ; à, lại còn đám cuống hoa héo quắt, nhiều cái cùng với bóng của nó tạo thành nét gẫy sẫm màu độc đáo nổi bật trên nền nước sáng… Qua hào đến cổng thành, vào nghĩa trang.

Sao lại “nghĩa trang”? Trong 81 ngày đêm máy bay và tàu chiến Mỹ đã trút xuống thị xã Quảng Trị hơn 120 nghìn tấn chất nổ, như báo chí Tây phương lúc ấy đã sáng kiến so sánh, đó là khoảng gấp 7 lần bình quân hai quả bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống Quảng Đảo và Trường Kỳ!(5) Riêng khu vực thành cổ rộng chỉ 3 cây số vuông được đặc biệt chiếu cố, có ngày nhận hơn hai vạn quả đạn pháo (để ý hải pháo Mỹ có cỡ nòng 406 ly, đạn lớn như bom!).(6) Những trận mưa pháo kinh khủng nhất trong lịch sử chiến tranh đã in bóng hết sức đậm lên trang nhật ký của bộ đội ta: “Mẹ ơi con chắc không còn sống để nhìn thấy mẹ nữa, pháo, pháo suốt ngày đêm. Đầu con lùng bùng như muốn vỡ tung ra, ăn không được, ngủ không được, máu tai đã bắt đầu chảy rồi như các bạn con, khi chết đứa nào cũng đầy máu tai, máu mũi. Pháo trời ơi là pháo, mẹ ơi con chắc không về Bắc với mẹ được nữa”.(7) Trời ơi! Trời ơi! Thảo nào bên ta đã ước tính hơn 80% thương vong của bộ đội là do bị oanh tạc và pháo kích. Có lẽ đến bảy tám nghìn người cầm súng đã hy sinh mà không hề được bắn trả lại địch. Và chắc chắn đã có không ít xác bị trúng bom pháo nhiều lần, máu thịt xương văng tung tóe, trộn kỹ vào đất cát quanh nơi các chiến sĩ đang chờ chiến đấu. “Tại thành cổ (…) hài cốt các anh nguyên vẹn tìm thấy được đến giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay”.(8) Vậy đó, vì có chứa vô số mảnh di hài, cả cái diện tích bát ngát này được gọi là một nghĩa trang.

Người vào đây hành hương với ý thức “mỗi bước chân là một bước đi trên nền đất thấm máu hòa xương”, có khi “chỉ cúi xuống buộc lại dây giầy cũng đã thấy dâng lên nỗi nghẹn ngào”.(9) Có người chiến sĩ may mắn sống sót, khi về thăm lại chiến trường xưa đã viết nên những vần thật cảm động: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi / Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ / Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió / (...) / Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi / Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật / Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật / Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào / (...) / Thắp một nén nhang và khóc ít thôi / Tôi thầm nhủ lòng mình như vậy / Để một phút lắng lòng nghe bạn gọi / Bạn nằm lại nơi nào bạn ơi? / (...) / Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi / Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ...”.(10)

Rộng như “Trường Sơn”, nhưng vì lý do hiển nhiên ở đây không có một ngôi mộ truyền thống nào cả. Bước qua cổng thành, chỉ thấy mênh mông cỏ xanh, rất nhiều cây xanh, chính giữa thênh thang một lối đi lát gạch đỏ. Cuối “đại lộ đỏ” là một cái gò nhân tạo trên đỉnh có lư hương. Hình thù gò, lư hương… Thôi, đích thị Nó rồi. Ai đó đã thiết kế đài tưởng niệm liệt sĩ thật sáng tạo. Đoàn rước hoa lên, từng người bước tới dâng hương, đứng quây quần không phải bên cạnh mà ngay trên chốc Nấm!

Khói thôi nghi ngút, đoàn lục tục xuống, theo nhau chui vào lòng Mộ, thăm “di cốt” và nghe thuyết minh. Không hề có một mảnh xương nào. Trong tủ kính trong veo là “hành trang người lính”: súng, mũ tai bèo, dép lốp, ba-lô, ruột tượng gạo, bi-đông nước, chén ăn cơm… “Một cuộc đời có thật” có lúc tóm tắt lại chỉ có thế thôi. Đoàn đang quây quần ngắm, thì lời cất lên. Trời ơi, sao mà truyền cảm. Cả một cơn binh lửa kinh hoàng với những chịu đựng phi thường như sống lại qua cái giọng Quảng Trị vừa thê thiết vừa quyết liệt phát ra từ một chiếc áo dài tím. Có phải là một thân nhân của liệt sĩ đó không? Tưởng quanh đây những mắt khô nhất cũng đang rưng rưng. Chợt nhớ người nhân viên thuyết minh ở nghĩa trang Hàng Dương ngoài Côn Đảo mới gặp mấy tháng trước. Anh làm việc của mình cũng hiệu quả như vậy. Thanh niên ấy và phụ nữ này trông không giống diễn viên mà giống những người có cảm xúc chân thành sâu sắc về chuyện đã xẩy ra…

Không xa Mộ là Bảo tàng của thành cổ. Lẽ tự nhiên, có rất ít di vật trực tiếp từ trận tử chiến. Nhưng nhiều hình ảnh và di vật liên hệ, trong đó có những cái gây ấn tượng cực kỳ mạnh mẽ, như bức thư mười trang của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Thư ấy viết để thưa báo trước với người thân về cái chết coi như chắc chắn sắp đến của người viết thư. Có lẽ đáng nhớ nhất là cái câu này: “Thôi nhé mẹ đừng buồn. Coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”.

“Ai mà chẳng sống? Sống như các anh, thật là đáng sống!
Ai mà chẳng chết? Chết như
các anh, chết là sống mãi!”
.(11)

*

Sau 81 ngày đêm dưới mưa bom pháo, quân ta rút lui. Mức độ thương vong rất cao làm cho có người băn khoăn: tại sao không rút sớm hơn? À, nếu ta đã bỏ sớm, thì địch chiếm xong cổ thành rồi chịu ngừng lại ở đấy hay sao!!! Với lực lượng còn gần nguyên vẹn, chắc chắn địch sẽ ào ạt vượt sông Thạch Hãn, cố đẩy ta lui về bờ bắc sông Bến Hải, xóa sạch thành quả của ta ở mặt trận quan trọng nhất trong chiến dịch Xuân Hè 1972. Chốt cứng ở thành cổ, bắt địch phải chịu tổn thất cũng rất lớn, không phải để giữ thành cổ mà chính là để giữ nửa bắc tỉnh Quảng Trị. Giải phóng và giữ được một nửa Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín và các khu vực ven phía tây của Vùng II và Vùng III Chiến thuật của địch đã tạo cho ta một cái thế to nơi bàn đàm phán.

Phải so “Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm” với “Hà Nội 60 ngày đêm”. Ở Hà Nội Trung đoàn Thủ đô rồi phải rút, nhưng giặc Pháp bị cầm chân đã giúp bên ta có thời gian để hoàn thành những công việc chuẩn bị tối cần thiết cho cuộc trường kỳ kháng chiến mới bắt đầu. Còn ở Quảng Trị trận cố thủ vô cùng bi tráng đã góp phần quan trọng làm xảy ra một diễn biến sẽ làm cuộc trường kỳ kháng chiến ấy rút cuộc kết thúc với thắng lợi hoàn toàn cho dân tộc Việt Nam. Mọi hy sinh vì nước đều đáng trân trọng như nhau, nhưng có những hy sinh mang ý nghĩa cụ thể đặc biệt to lớn…

*

“Quảng Trị (…) là đất lửa”.(12) Lửa đây là tinh thần đấu tranh bền bỉ chống lại mọi đàn áp bất kể ghê gớm đến đâu. Lửa thiêng cháy trong lòng dân tộc. Mùa hè năm 1972, đông đảo thanh niên Việt Nam đã tới Quảng Trị góp “lửa”, trong đó có rất nhiều sinh viên, và cả giáo viên trẻ, từ thủ đô Hà Nội…

Trên đài tưởng niệm liệt sĩ có dựng một cây cột cao mà phần đỉnh mang dáng một ngọn lửa. Hẳn cái khối xi-măng cốt sắt sơn đỏ đang “phần phật” trên nền trời xanh thẳm kia là biểu tượng của ngọn lửa thiêng đã rực sáng năm xưa giữa tòa thành cổ này. Thành cổ nào?! Địch đã bom pháo bao nhiêu gạch ngói thế kỷ 19 lên trời cả rồi (13), cái bức tường sừng sững có cổng mình đi qua lúc nãy chỉ mới mọc lên ở nơi đây khoảng hai chục năm nay thôi. Tòa “thành cổ mới” nó như cái gì nhỉ?... À, có phải là như một đóa hoa khổng lồ nở bừng trên nền đất lửa!

*

Hành hương về, cảm nghĩ miên man có lúc chợt hiện thành vần:

        gần nửa thế kỷ sau tôi mới đến
        nơi các anh nằm xuống một mùa hè
        trời xanh mây trắng, thành cổ còn đây
        lửa đỏ hung tàn, là mê hay thật?

        nhìn lại đi, vô thanh lời gạch gỗ
        rõ ràng chưa, là phục dựng thôi mà
        ừ, mộng vui tí, đã tan ngay nhỉ
        cúi khẽ đầu, tôi bước với hương, hoa.

        kia mộ đó, một thôi nhưng to lắm
        lên đỉnh cao, lục tục cả đoàn trèo
        đặt thắp xong, theo nhau vào lòng nấm!
        xác ư? “hành trang” sau kính trong veo…

        bảy bom nguyên tử, đá cũng hóa nước
        máu thịt xương cùng đất cát chan hòa
        đã bay lên trời, tòa thành cũ ấy
        sừng sững bây giờ, đất lửa nở hoa!

rồi lại hiện thành vần:

        bảy lần Quảng Đảo, Quảng Trị ta!
        bền gan chiến sĩ cứ xông pha
        bao nhiêu gạch ngói lên trời cả
        sừng sững nơi đây vẫn một tòa!



Thu Tứ
Viết tháng 12-2015
Sửa tháng 6-2022













________
(1) Nguyễn Tuân, “Đất lửa Quảng Trị”,
, nxb. Văn Học, 1986.
(2) Trong “Qua cầu treo” của Khuất Quang Thụy sáng tác ở Quảng Trị năm 1969.
(3) Trong “Các em đi” của Nguyễn Chí Hiếu sáng tác năm 1969.
(4) NT, bđd. “Giếng” đây hẳn là giếng làng, to cũng gần như ao.
(5) Quả bom thả xuống Q.Đ. có sức nổ tương đương với 15 nghìn tấn TNT, quả xuống T.K. tương đương với 20 nghìn tấn TNT.
(6) Xem trang
vi.wikipedia.org.
(7) Xem “Quặn lòng mộ chung 16 héc-ta…” trên trang
baodatviet.vn.
(8) Theo Lê Lương Thọ, trong ban Quản lý Di tích Thành cổ.
(9) Xem chú thích 7.
(10) Trong bài thơ “Tấc đất thành cổ” của Phạm Đình Lân.
(11) Phỏng theo bản dịch điếu văn của vua Lê khóc Giang Văn Minh.
(12) Nguyễn Tuân, bài đã dẫn.
(13) Thực ra thành cổ vẫn còn vài đoạn tường và một phần của một cổng.