Hẳn ba-dô-ca đã hết đạn nên cái lô-cốt cao giữa sân mới còn đứng lừng lững khi bộ đội xung phong.

Trung đội trưởng Két. Cái người bưng rượu với cái người uống rượu gặp lại nhau để nhận là đồng chí, để ngay hôm sau không bao giờ còn có thể gặp lại nhau nữa. Bát rượu chát chiến lợi phẩm uống trong im lặng tưởng niệm chắc có thấy chát hơn lúc bình thường…

(Thu Tứ)



Tô Hoài, “Trên mặt trận sông Thao”




Mùa hạ năm 1949, Nguyễn Tuân và tôi theo tiểu đoàn 54, Trung đoàn Thủ Đô. Các đơn vị quân chủ lực mở chiến dịch sông Thao tiêu diệt một chuỗi cứ điểm hành lang của địch, lần lượt từ các đồn Đại Bục, Đại Phác, Khe Pịa, Ngòi Mác, Mã Yên Sơn lên đến đồn tiểu khu Phố Ràng.

Tôi đi cùng Nguyễn Tuân (…) Lần đầu tiên ở mặt trận, đi chung với Nguyễn, tôi mới thấy quả anh có nhiều đức tính của người lên đường.

Khỏe, vững. Hành trang không thừa, cũng không thiếu một thứ gì. Trên lưng, gọn gàng chiếc ba-lô Nhật (…) Một bao cơm nắm, thêm cái lưng lương khô quấn chéo ngang mình. Dây bi-đông nước, Nguyễn Tuân đã cẩn thận buộc ghì vào thắt lưng cho khi bước đỡ sốc.

Trong nghề đi – nghề đi, nghệ thuật đi, chứ sao! – Nguyễn Tuân với đức tính cẩn thận đã thành thói quen cầu kỳ đến đam mê (…) Lắm lúc thấy ông bạn đường chịu khó đến vậy, mình vừa để ý, vừa thích, vừa ngán ngẩm cho những chắt chiu khó nhọc của nghề đi: thật không biết thế nào là cùng! Nguyễn Tuân (…) mải mê có thể quên ngày tháng, nhưng sửa soạn đi thì nhớ đến từng ly. Cái phóng khoáng của ông ấy không lẫn với buông tuồng, cẩu thả (…)

Chặp tối, tập kết ở thị trấn Mậu A (…) Bộ đội (…) áo nâu, áo đen, có áo nhuộm lá cây, nhuộm pin xanh sẫm, thâm xịt (…) ngồi xúm xít đen ngòm trên sân đền Đông Cuông (…) Trung đội trưởng Két ở trong đám chiến sĩ. Người hầu bàn năm xưa đã trông thấy cái ông nhà văn hay uống “uýt-ky”, “quăng-trô” “xếch” ở nhà Thủy Tạ lúc chặp tối, sao ông ấy lại ở đây thế này (…) Trung đội trưởng Két đến trước mặt Nguyễn Tuân nói:

- Ông…

Nguyễn Tuân giơ cái gậy tre, nắm tay Két:

- Anh Két! Đồng chí Két! Tôi cũng qua sông đêm nay. Đồng chí ở 54 à?

- Vâng ạ.

Chỉ một thoáng thế thôi rồi mọi người lại hối hả sửa soạn công việc xuống thuyền qua sông (…) Suốt đêm ấy, mù mịt bóng sương, hơi nước và lầy lội, hầm hập. Không biết bao nhiêu, liên tiếp từng chiếc thúng, chiếc tam bản của các vạn chài từ Phú Thọ lên đưa bộ đội qua sông. Đi suốt đêm đến sắp sáng, qua mấy làng tề gần đồn Đại Bục, trông lên quả đồi lù lù đây rồi mà tiểu đoàn với các đơn vị trực thuộc vẫn loanh quanh lố nhố dưới ruộng, chưa tới nơi ém quân. Dụ kích địa phương dẫn lạc đường. Chúng tôi lõm bõm trên những cánh đồng mới cấy còn võng nước. Sau lưng anh nuôi quẩy nồi chảo, va lôông côông nghe rợn người, như tiếng nhạc ngựa đồn Tây ra đuổi (…)

Loanh quanh một lúc trời sáng, tất cả cũng lên được giữa đồi um tùm. Vừa tới lưng dốc đã nghe vang tiếng súng dưới ruộng. Tiếng nổ toác toác, thoạt nghe như cháy rừng nứa. Thì ra có người ra đồng làm sớm thấy nhiều vết chân giẫm nát lúa mới cấy, sợ quá về bẩm chánh tổng, cháng tổng lên báo đồn. Quan đồn đám đêm qua có du kích về. Hôm nay là 19 tháng 5, ngày quan trọng đối với Việt Minh. Đồn cho một tiểu đội lính Thái ra sục các đồi. Bọn lính Thái với bọn cai Tây cởi trần, xách súng bắn bừa vào bụi rậm rồi hô xông lên. Chúng nó sục cũng tình cờ, nhưng thế nào lại đúng đồi có ban chỉ huy tiểu đoàn và cả ban chỉ huy mặt trận.

Tiểu đoàn trưởng Vũ Lăng lập tức cho hai tiểu đội xuống chặn. Lệnh: “Tuyệt đối không lộ hỏa lực mạnh, chỉ được bắn súng trường, phát một. Nếu giáp lá cà, đánh dao găm”.

Chúng tôi ngồi xổm cạnh bụi tre xế đỉnh đồi. Ngổn ngang những gồng gánh bộ phận súng lớn chưa lắp (…) Giữa im lặng thấp thỏm, không biết bao nhiêu con người núp trong bụi lau, trong bóng lá (…) Nguyễn Tuân chống hai tay lên chiếc gậy tre, lom khom nhìn xuống đất. Tôi ngồi không yên, lại nhấp nhỏm đứng (…)

Chỉ huy phó chiến dịch Cao Văn Khánh đến bên, nói nho nhỏ trấn áp khéo chúng tôi:

- Đạn không bao giờ dính tôi đâu. Các anh ngồi yên đây, không có gì phải lo.

(…) Bỗng tiếng súng rộ lên một chặp dưới lưng đồi, rồi lại tắt ngay. Trong im lặng, một chiến sĩ liên lạc lên báo ta đã tiếp cận, đâm chết một thằng lính Thái. Tiếng nổ, đấy là chúng nó bắn chặn để khiêng xác thằng chết về.

Rồi cứ im im như thế đến quá trưa. Vẫn quạnh như tờ (…) Đồn Tây (…) phòng thủ (…) nghiêm ngặt hơn. Trèo lên cây đồi bên này, tôi trông rõ những người vác hòm đạn vào lô-cốt, như kiến tha mồi (…)

Rồi xế chiều. Mặt trời đã vàng khè trong màn sương các khe núi dâng lên. Đã tới giờ máy bay dưới xuôi không lên nữa. Một tiếng ầm, vang bốn phía.

Đại bác ta đã nã thẳng, xanh lè lô-cốt bên đồi. Nhưng chỉ đoàng đoàng được vài quả, nền đất đặt pháo của ta bị lún, pháo tạm câm. Khẩu súng phóng bom ngay phát đầu đã văng cả chốt đuôi (…) Nhưng các khẩu cối thì nhả đạn đều, tiếng rền nặng nề liên tiếp (…)

Bộ binh xông lên (…) Chúng tôi vào sân đồn Đại Bục, cái chỗ lúc trưa trông thấy lính Tây lính Thái trần trùng trục vác hòm đạn. Khói mù mịt. Quan đồn Tây mặc áo giả làm đàn bà Thái định chạy trốn bị trúng đạn chết dưới chân một luống đất. Nhưng trên cái lô-cốt cao cắm cờ tam tài ở giữa sân, đạn vẫn nã xuống (…)

Cái trống nhà chánh tổng treo ngoài đầu hồi nhà sàn không biết ai đã khiêng ra vứt lăn lóc giữa sân. Một đám vác xác người chạy qua. Nguyễn Tuân quần áo đen như hung thần hiện lên, tay cầm dùi trống nện theo mấy chiến sĩ đang nện trống bằng báng súng. Bấy nhiêu người đua nhau đánh trống ngũ liên thúc trận quyết hạ cái lô-cốt cuối cùng lừng lững trước mặt. Bọn lính Thái gan lỳ vẫn dai dẳng bắn xuống phát một. Một số chiến sĩ đã bị đạn tỉa chết. Một tổ xung kích bắt thang trèo lên thả lựu đạn vào lỗ châu mai. Tiếng súng im như tắc họng (…)

Nửa đêm, cả ban chỉ huy 54 lên một cái nhà sàn còn sót lại trong xóm xung quanh vẫn cháy rực. Chiếc dùi trống thò một đầu ra khỏi ba-lô Nguyễn Tuân. Cạnh bếp, một cái thùng đựng rượu vang to bằng một cái vại sành (…) Tiểu đoàn trưởng Vũ Lăng (…) giơ bát rượu vang: “Đúng hẹn với các anh nhé. Chúng ta vào uống rượu giữa đồn Đại Bục. Nào các anh! Mời ông Nguyễn”. Một lúc, Nguyễn và tôi nâng hai bát trước mặt, nhưng không đụng cốc, chúng tôi uống im lặng viếng hương hồn người bồi bàn – chiến sĩ trinh sát – trung đội trưởng Két đã hy sinh trong một đợt xung phong lúc nãy (…)