Tưởng tượng địch giữ được bình tĩnh, cứ tiếp tục dàn hàng ngang tiến lên. Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Chính Hữu, Lương Ngọc Trác hy sinh hay bị bắt! Cao Văn Khánh, chỉ huy phó Chiến dịch sông Thao, đại đoàn phó tương lai của Đại đoàn Quân Tiên Phong, cũng thế! Pháo bị phá hủy!

Thiết tưởng lực lượng bảo vệ phải luôn đi cùng. “Lăng ơi (…)”. Có lẽ “thật là tướng” thì không để xảy ra tình huống phải hô “thiên tài”. Nhưng “cậu” rồi sẽ liên tục rút kinh nghiệm để trở nên rất xứng đáng là tướng thật.
(Thu Tứ)



Lê Thọ, “Tiếng thét Vũ Lăng”




Chúng tôi vượt sông Thao vào cuối tháng 5 năm 1949. Mưa Việt Bắc tháng 7 mới bắt đầu nhưng thỉnh thoảng đã có mưa đột xuất, nước thượng nguồn sông Thao đã hơi đục và bên lở có chỗ nước xoáy rồ rồ (…)

Hôm nay họ vượt sông Thao vào đánh Đại Bục. Đại Bục là một trong những đồn chủ chốt nằm trên phòng tuyến sông Thao của địch chắn đường quân ta tiến vào Tây Bắc. Trận Đại Bục sẽ mở màn chiến dịch sông Thao. Ý định của Bộ Tổng (tức Bộ Tổng tư lệnh) về chiến dịch này là phải đánh gấp trước mùa mưa, phá vỡ cả hai phòng tuyến sông Thao và sông Chảy (…)

Năm giờ ba mươi phút chiều, nắng Tây Bắc cũng đã nhạt, bóng rừng rậm, núi cao đổ xuống mặt sông làm mặt sông sẫm lại, chuyến thuyền cuối cùng của đoàn quân đã sang bờ. Cứ cánh quân nào sang sông xong là được lệnh hành quân ngay vào trận địa, cánh bao vây chặn viện, cánh xung kích công đồn, cánh trợ chiến, mỗi cánh tiến một đường. Cuối cùng là chỉ huy sở và pháo. Vũ Lăng vừa sắp sửa lệnh cho cánh quân này xuất phát thì ban tác chiến báo cáo bỏ quên trống ở nhà, tận mãi xóm người Dao trên lưng chừng núi. Ra trận mà quên trống trận. Mặt Vũ Lăng sa sầm. Đã quy ước với tất cả các cánh quân: lệnh xung phong sẽ phát bằng trống, không thể thay đổi được nữa, anh đành bấm bụng lệnh cho một nửa tiểu đội liên lạc thật thuộc đường trở về khiêng trống đuổi theo sau (…)

Màn đêm sụp xuống núi rừng. Pháo lên vai, cánh quân cuối cùng xuất phát. Đi theo trận này, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Chính Hữu, Lương Ngọc Trác trong đội hình ban chính trị… Khoảng 8 giờ tối, trời chuyển mưa, chưa đến chính tiết mưa, sao trận mưa đêm nay to thế, đi dưới lá tôi có cảm giác như bao nhiêu thùng nước đang dội trên đầu. Tối như bịt mắt, đi phải vịn vai nhau, hoặc lấy lá mục có lân tinh xát vào áo người đi trước mới khỏi bị lạc. Cứ như thế mưa liền hàng tiếng đồng hồ. Vũ Lăng vô cùng lo lắng, anh nói: mưa thế này thì Phúc Ánh (tức đại đội trợ chiến) có thể mất đường vì đường trợ chiến nhiều đoạn phải đi dọc theo suối cái… Trợ chiến phải đến trước pháo và chỉ huy sở, vì một trong các nhiệm vụ của trợ chiến là bảo vệ pháo và chỉ huy sở.

Cuộc hành quân quá chậm. Vũ Lăng lên đầu hàng xem pháo binh khênh vác thế nào. Tôi cũng sờ lần xuống ban chính trị. Tất cả đều ướt sũng. Anh Nguyễn Tuân, anh Tô Hoài… mỗi người được ưu tiên một miếng vải sơn dầu mới – sản phẩm độc đáo mà cụ Nguyễn Sơn Hà nhà tư sản yêu nước đã tìm cách chế ra cho kháng chiến – mặc dù vậy, các anh cũng đều ướt sũng. Tuy nhiên, các anh vẫn lặng lẽ, mò mẫm bám hàng quân. Tôi hỏi Nguyễn Tuân: “Thế nào, Nguyễn có thấy vất vả lắm không?” (anh em cán bộ và lính Thủ đô lúc nào cũng coi anh như người đồng đội thân mật, chỉ gọi anh trống không là Nguyễn). Anh “hừ” một tiếng và cười nhẹ trong mưa rơi tầm tã, tiếng cười hài hước của anh như phê phán: câu hỏi thừa! Lối cười của Nguyễn ai mà không biết, một lối cười đầy kịch tính: khi ấy anh thường ngửa mặt lên trời vênh vênh cái mũi sư tử, cười nhẹ cũng rung cơ bắp từ vai đến rốn (…) Cuối cùng rồi anh cũng trả lời tôi, một giọng nói nửa như ca cẩm, nửa như phớt đời: “Trận mạc thì nó phải thế”.

Ba giờ sáng, pháo và chỉ huy sở tới chân một quả đồi gần trận địa. Trinh sát báo cáo chưa thấy đại đội trợ chiến đâu cả. Một tình thế đặt ra: không có quân bảo vệ, liệu pháo và chỉ huy sở có nên tiến lên sườn đồi, vào vị trí đã định trước không? Ban chỉ huy cùng đồng chí Cao Văn Khánh hội ý cấp tốc, nhất trí cứ lên đồi. Tôi thấy Vũ Lăng đứng lặng hồi lâu, rồi anh cho trong số năm liên lạc còn lại, hai người đi ngược đường tìm Phúc Ánh (…)

Đỉnh núi đã tan sương, vẫn chưa thấy đại đội của Phúc Ánh đâu. Vũ Lăng đứng ngồi không yên. Còn ba liên lạc, anh quyết định cho hai người mang lệnh đi điều một trung đội thuộc cánh quân chặn viện về để bảo vệ pháo và chỉ huy sở. Liên lạc lên đường một lúc, có vài tiếng súng ở phía ấy, Vũ Lăng giật thót, anh mở to mắt như hỏi tôi: Gặp địch à? Nhưng rồi không thấy súng nổ thêm, cả một vùng núi rừng lại im ắng trong chờ đợi.

Chín giờ sáng, trinh sát theo dõi đồn địch từ ngọn cây cao báo cáo có hai tiểu đội lính ngụy có Tây chỉ huy đang kéo ra khỏi đồn ở cổng chính. Vũ Lăng tập hợp lực lượng: còn một liên lạc, một nửa tiểu đội quân báo (…) cán bộ thuộc ban tác chiến, ban chính trị (…) tất cả ước chừng một tiểu đội. Vũ khí mới gay (…) hai khẩu các-bin (…) một súng trường (…) khoảng năm, sáu quả lựu đạn. Vũ Lăng trực tiếp chỉ huy, dẫn tiểu đội xuống núi. Kế hoạch của anh là trong lúc chờ quân cứu viện, đánh chậm, cố giữ không cho địch tiến lên chỉ huy sở và trận địa pháo bấy giờ còn đang ngổn ngang những bộ phận pháo chưa ráp lại, những giỏ đạn đại bác như những rọ lợn con và hàng trăm người tay không: dân quân, pháo thủ, nhân viên ban chính trị như anh Nguyễn Tuân và anh Tô Hoài… Vũ Lăng giao cho tôi quản bộ phận còn lại tìm cách tản ra, càng đi sâu vào rừng càng tốt, thậm chí trèo được sang mái núi bên kia càng hay (…) Nhưng từ chỗ sườn đồi đặt pháo và sở chỉ huy trở lên là rừng già trùng điệp ken đặc giang, tre, nứa, chỉ có rắn hay chồn mới có thể luồn qua, dù có tiểu đội tay dao chặt hàng tiếng đồng hồ chưa chắc đã mở được dăm mười thước. Tôi giật mình nghĩ đến đại đội Phúc Ánh có lẽ đang kẹt trong tình thế tương tự chăng (…)

Tôi hướng dẫn ngụy trang các bộ phận pháo và các giỏ đạn xong, bảo mọi người tìm chỗ ẩn núp, rồi quay trở xuống, đến nửa chừng chân núi chợt nghe tiếng súng nổ: thoạt tiên là hai tiếng lựu đạn, rồi kế tiếp hàng loạt tiểu liên. Tôi hiểu: ta ném lựu đạn, địch phản ứng. Thế là cuộc chiến đấu đã bắt đầu (…) Tiểu đội của ta chiến đấu rất kiên cường (…) Quần nhau độ nửa tiếng đồng hồ, quân ta đạn sắp hết, phải vừa đánh vừa rút lui, có người bị thương, y tá đang băng bó bị trúng đạn chết, tình thế núng lắm rồi. Vũ Lăng đã lùi lên đến chỗ tôi, phía sau tôi chừng mươi thước đã là đoàn người tay không. Nhìn lại sau lưng, tôi tình cờ thấy Tô Hoài nằm ép giữa hai rễ một gốc cây, người anh mỏng dính như xác cóc khô, mắt trợn tròn xoe kinh ngạc, anh núp tương đối kín. Còn Nguyễn Tuân ở bên, xác to, bò lổm ngổm, giấu được đầu thì hở mông, được mông thì hở đầu, loay hoay lúng túng. Liên thanh địch lia đã gần lắm, đạn bay bên mang tai chiu chíu, cắm vỡ thân cây. Vũ Lăng cắn chặt hai hàm răng, gò má nhô cao, mặt anh sắt lại (…)

Ở hàng cây trước mặt đã thấp thoáng sắc áo vàng cứt ngựa, chúng đang tản hàng ngang, thằng chỉ huy người Pháp khoát khoát tay giục tụi đằng sau tiến… Hình như đã biết bên ta hết đạn và cùng đường, chúng chỉ chờ dàn xong thế hàng ngang là xung phong ào lên tiêu diệt chúng tôi. Mặt thằng Tây căng thẳng, nó sắp sửa há miệng hô xung phong thì Vũ Lăng bỗng thét lên một tiếng thật to. Chúng tôi lập tức nổ súng và tung lựu đạn. Bọn địch sững sốt, đứng im tại chỗ, bắn loạn xạ. Đến tiếng hô xung phong thứ hai của Vũ Lăng thì cả quân ta đều hưởng ứng thét vang, hàng trăm người từ dân quân, pháo thủ, chính trị, tham mưu đến văn nghệ và tất cả đều thét lên hết cỡ, âm thanh ầm rung như núi đổ. Quân địch kinh hoàng, quay đầu chạy rào rào. Vũ Lăng hô tiếp: “Vây bắt lấy chúng nó!”. Quân địch càng cắm đầu chạy thục mạng, xuống đến tận chân núi mới trụ lại vì thấy quân ta không đuổi.

Liệu chúng còn dám đánh lên không? (…) Nhưng chúng chưa kịp hoàn hồn thì từ góc núi, phía đường mòn mở ra đường cái, một loạt đạn trung liên nổ dõng dạc. Biết có quân ta đang vít lại sau lưng, chúng hốt hoảng băng rừng chuồn thẳng.

Nghe tiếng trung liên, Vũ Lăng đổi sắc mặt, anh hớn hở quát to: Phúc Ánh đến.

Một lúc sau, Phúc Ánh xuất hiện trước mặt chúng tôi. Qua chỉ một đêm mà tôi thấy Phúc Ánh gầy tọp chỉ còn một nửa. Anh quắt lại như một cành khô, chỉ còn đôi mắt sáng, chân anh vẫn đi ghệt, quần áo thấm đẫm nước bùn và mồ hôi khô đi trông cứng như mo cau, chiếc nón lưới tung ra nhiều chỗ. Biết mọi người vừa chết hụt, mặt Phúc Ánh tím tái, anh đến trước Vũ Lăng đứng nghiêm, khi anh ngẩng thẳng mặt lên đưa tay chào quân sự, tôi thấy tròng mắt anh ứa đầy nước mắt. Anh báo cáo với Vũ Lăng dõng dạc: “Báo cáo, chúng tôi có lỗi”. Vũ Lăng cũng đứng nghiêm, anh muốn cười nhưng môi khô, không nhếch được mép. Anh nói với Phúc Ánh rất ôn tồn: “Cho đại đội về vị trí chuẩn bị ngay”. Phúc Ánh “rõ” một tiếng, chạy đi mau lẹ.

Từ phút ấy thế trận thay đổi. Bây giờ thì địch đang nằm trong vòng vây của ta.

Quân ra ráo riết chuẩn bị vào trận đánh. Vũ Lăng đi kiểm tra lại các mũi xung kích và trận địa trợ chiến. 15 giờ 30 phút, anh về lại đồi chỉ huy, đề nghị anh Cao Văn Khánh cho đánh sớm, được đồng ý, pháo ta 4 giờ chiều khai hỏa.

Trận đánh diễn ra đúng như kế hoạch. Lô-cốt địch sụp từng tầng một sau mỗi loạt đạn đại bác của ta, các cỡ súng máy của địch hầu như câm họng. Chỉ sau 20 phút, đột phá khẩu đã mở, xung kích đã bám đến chân rào, một quả phóng bom rơi trúng giữa đồn, đồn địch cháy ngùn ngụt. Vũ Lăng ra lệnh xung phong. Trận đánh kết thúc sau 35 phút – một kỷ lục diệt đồn nhanh gọn.

12 giờ đêm hôm ấy, thu dọn chiến trường xong, quân ta chuẩn bị rút qua sông.

Chúng tôi về khu tập kết tại một quả đồi ở gần đồn, một bản dân vừa giải phóng, đang sáng tưng bừng. Nhà sàn rộng rãi treo nhiều măng-xông và đèn đất, chật ních người - ở đây vừa diễn ra cuộc liên hoan gặp mặt, vừa là cuộc chia tay cấp tốc của các anh bộ đội chủ lực, địa phương, dân quân du kích, các anh cán bộ vùng tự do, cán bộ vùng địch hậu, kẻ lưu vong, người bám trụ… Một góc sáng trưng, lính quân báo đang khui rượu Tây và Bít-cốt đãi mấy anh bạn hẩu: sĩ quan pháo binh, trợ chiến, nhân viên chính trị, tham mưu, trong đó có cả Nguyễn Tuân và Tô Hoài. Có lẽ đã ngà ngà, Nguyễn Tuân ngửa mặt lên trời cười rung mái tóc, anh nói hồn nhiên: “Sáng nay tí nữa chúng nó xơi tái bọn mình. Bấy giờ bụng tớ nghĩ phen này thế là bỏ mạng sa trường, người tớ đã cứng hết ra, lịm đi như chết đứng. Chỉ đến lúc Vũ Lăng hô xung phong tớ mới sống lại!”. Anh em cười vang, anh lại nói tiếp: “Ra trận việc giấu mục tiêu quan trọng thật, mục tiêu càng nhỏ hoặc không có mục tiêu càng tốt… Thế mới biết tại sao thằng Tây dễ trúng đạn. Tớ cứ ghen với Tô Hoài, sao mà nó ẩn kín thế, chỉ cần vài cái rễ cây nhỏ đủ nó dung thân không đạn nào bắn được, chỉ có lưỡi lê sọc từ trên xuống nó mới chịu chết”. Trong khi đó Tô Hoài lặng lẽ ngồi giữa đám pháo binh lực lưỡng, trông anh nhỏ bé như một thiếu niên, bẽn lẽn như cô gái xòe ta vừa bắt được, nhỏ nhẹ dịu hiền, cứ cần mẫn ngồi ghi chép.

Thấy chúng tôi tới, các anh chia cho Vũ Lăng và tôi mỗi người một bát rượu Pi-péc-manh. Nguyễn lại ngửa mặt lên trời, cười rung mái tóc. Anh nói: “Chúng mình tự động khao quân rồi, bây giờ khao tướng”. Anh hạ giọng ôn tồn chậm rãi như vừa nói, vừa lắng nghe lại từng tiếng nói của mình: “Lăng ơi, cậu thật là tướng! Tiếng hô của cậu thật thiên tài!”. Anh gật gật đầu phong thái ung dung mỹ mãn như ông đồ đắc chí.


Tháng 10-1993

(In trong
Thượng tướng Vũ Lăng – Từ một quyết tử quân, nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2005. Khi tiểu đoàn 54 (trung đoàn Thủ Đô) đánh đồn Đại Bục, Vũ Lăng là tiểu đoàn trưởng, Lê Thọ là chính trị viên.)