Chiến dịch sông Lô 1949 cho thấy quân ta chưa có khả năng truy kích. Vì chỉ huy thiếu phương tiện để điều quân kịp thời, và vì quân thiếu phương tiện để tới nơi kịp thời (bộ đội đi bộ làm sao bắt kịp giặc ngồi tàu ngồi xe!).

Trong hoàn cảnh thiếu cả phương tiện truyền tin lẫn phương tiện chuyển quân như vậy, ta chỉ có thể đánh phục kích và đánh cứ điểm.

Đánh cứ điểm khó hơn đánh phục kích ở chỗ địch trong cứ điểm được công sự kiên cố che chở. Có thể kỳ tập (dùng mẹo lừa), nhưng lối này khó lặp lại. Phải lấy cường tập làm căn bản. Để cường tập thành công, cần có đủ súng lớn để tiêu diệt bớt các lô-cốt của địch và cần đủ súng nhỏ để trang bị cho các chiến sĩ xung kích.

Đại Bục là lần đầu tiên quân ta đánh cứ điểm với hỏa lực súng lớn áp đảo. Không biết tình hình súng nhỏ thế nào.

Ngoài báo cáo của chỉ huy trưởng Vũ Lăng, trận Đại Bục còn được kể lại ít nhất ba lần nữa, bởi Nguyễn Tuân, Tô Hoài và Lê Thọ. Lê Thọ cho ta biết trước giờ nổ súng đã xảy ra một sự cố có tiềm năng làm hỏng bét “đại sự”.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Chiến dịch sông Thao 1949”




Đầu tháng 4 (năm 1949), chấp hành nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh chuẩn bị chiến dịch Sông Thao ở Tây Bắc (…)

Mục đích của chiến dịch là tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng căn cứ địa Tây Bắc, phá thế uy hiếp đối với Việt Bắc từ phía tây, củng cố bàn đạp tiến sang Thượng Lào (…)

Giữa lúc đó, Bộ Chỉ huy Pháp mở cuộc hành quân lên Phú Thọ rồi lên Tuyên Quang (…) Mục đích của địch là quấy rối hậu phương ta, thu hút chủ lực ta về, gây thanh thế trước việc tướng Rơ-ve sang thanh tra và việc Vĩnh Thụy về nước.

Lúc này, trong cơ quan Bộ Tổng tư lệnh có hai ý kiến. Ý kiến thứ nhất đề nghị nên tiếp tục cho bộ đội lên Tây Bắc tiến hành chiến dịch Sông Thao. Ý kiến thứ hai đề nghị nên cho bộ đội quay trở về đánh địch ở Tuyên Quang. Tôi và các đồng chí phụ trách cân nhắc, đồng ý với ý kiến thứ nhất. Chúng tôi cho rằng dù địch lên Tuyên Quang với mục đích gì, tình thế cũng không cho địch đóng quân lâu ở Tuyên Quang. Rõ ràng là mặt trận đường số 4 đã tạo nên sức ép quá nặng đối với địch. Rồi đây, phòng tuyến Sông Thao bị đánh, nhất định chúng sẽ càng lúng túng hơn. Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho bộ đội tăng tốc độ hành quân lên Tây Bắc, mở chiến dịch Sông Thao theo kế hoạch đã định.

Mặt khác, tôi cho rằng địch hành quân lên Tuyên Quang là tạo cơ hội cho ta đánh địch ngoài công sự, nên quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch Sông Lô. Anh Bằng Giang được cử làm chỉ huy trưởng, anh Vương Thừa Vũ và anh Lâm Kính làm chỉ huy phó. Chúng tôi khẩn trương điều động 6 tiểu đoàn chủ lực của Bộ và 3 tiểu đoàn của Liên khu X tham gia chiến dịch. Bộ Tổng tư lệnh chủ trương (…) triệt tiếp tế (…) phát triển mạnh mẽ chiến tranh du kích (…) chủ lực sẵn sàng vận động kịp thời (…) tiêu diệt địch khi chúng rút lui. Đúng như ta dự đoán, địch chỉ ở thị xã Tuyên Quang được 3 tuần. Tiếng súng chiến thắng 19 tháng 5 của quân ta trên mặt trận Sông Thao đã buộc địch phải vội vã rút quân. Truy kích diễn ra trên hai bờ sông Lô, nhất là bên hữu ngạn. Có đơn vị đuổi kịp và đánh tốt ở Tràng Sảo, Lệ Mỹ, Tiên Du, Núi Hét. Trong chiến dịch này, Bộ Tổng tư lệnh đã phán đoán đúng, hạ quyết tâm chính xác, tác phong chỉ huy khẩn trương, nhưng việc chỉ huy gặp nhiều khó khăn, chủ yếu vì thiếu phương tiện thông tin vô tuyến để điều quân, nên “trận đánh quyết định” đã không diễn ra. Qua chiến dịch này, tôi thấy rõ từ đánh vận động quy mô nhỏ tiến lên đánh vận động quy mô lớn, chúng ta còn phải giải quyết nhiều vấn đề về tổ chức, trang bị và chỉ huy.

Khi chiến dịch Sông Lô còn đang chuẩn bị thì chiến dịch Sông Thao đã bắt đầu. Trong Chiến dịch Sông Thao, anh Lê Trọng Tấn được cử làm chỉ huy trưởng, anh Cao Văn Khánh làm chỉ huy phó.

Ngày 19 tháng 5, hai tiểu đoàn của ta đồng thời tiến công tiêu diệt hai cứ điểm Đại Bục, Đại Phác, lập chiến công xuất sắc mừng ngày sinh của Bác.

Địch vội vã điều quân từ Lào Cai, Phong Thổ đến đối phó.

Cuối tháng 6, ta tiến công tiêu diệt cứ điểm chỉ huy phân khu Phố Ràng và một số vị trí ở tả ngạn sông Thao. Phòng tuyến sông Thao bị phá vỡ một mảng dài 30km từ Bảo Hà đến Bắc Cuông. Đường liên lạc của địch giữa Bảo Hà với Lào Cai, giữa Bảo Hà với Nghĩa Đô bị cắt đứt.

Giữa tháng 7, ta tiến công tiêu diệt đồn Dóm và buộc địch phải rút bỏ một số vị trí khác. Phòng tuyến Sông Thao bị vỡ thêm một mảng lớn từ Ba Khe đến Bảo Hà dài 70km.

Chiến dịch Sông Thao kết thúc thắng lợi. Ta tiêu diệt và bức rút gần 30 vị trí. Tuyến phòng thủ Sông Thao bị phá vỡ từng mảng lớn. Cơ sở chính trị và vũ trang của ta trong vùng địch tạm chiếm được mở rộng. Trong chiến dịch này, bộ đội chủ lực tiến bộ vượt bực về chiến thuật đánh cứ điểm. Lần đầu tiên, ta tiêu diệt hoàn toàn một tiểu khu của địch gồm nhiều vị trí lớn, nhỏ, có công sự phòng ngự tương đối vững chắc.

Sau khi chiến dịch kết thúc, tôi nghe các đồng chí chỉ huy trực tiếp báo cáo các trận Đại Bục, Đại Phác, Phố Ràng.

Tiểu đoàn trưởng Vũ Lăng báo cáo trận Đại Bục. Địch có một đại đội bố trí trên hai mỏm đồi. 16 giờ 30 ta nổ súng. Pháo binh ngắm bắn trực tiếp. Súng phóng bom lần đầu ra trận. Một đám lửa phụt lên đỏ rực cả cứ điểm, tiếp theo là một tiếng nổ lớn. Nhiều ngôi nhà trong cứ điểm bùng cháy (…) Trong trận này, đơn vị có mang theo một chiếc trống. Tiểu đoàn trưởng hạ lệnh nổi trống cho bộ đội xung phong. Nhà văn Nguyễn Tuân cùng ra trận với đơn vị, đứng cạnh tiểu đoàn trưởng, vội giành lấy dùi để đánh trống. Các chiến sĩ xung kích cầm mác đạp rào lông nhím xông thẳng vào cái đồn mà ở nơi cổng chính viên sĩ quan chỉ huy người Pháp đã cho treo tấm biển “Villa des roses” (Biệt thự hoa hồng). Trong chỉ hơn 30 phút, quân ta tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Đại Bục.

Tiểu đoàn trưởng Vũ Yên báo cáo trận Đại Phác. Vị trí này là sở chỉ huy tiểu khu, quân số đông hơn Đại Bục. Tiểu đoàn trưởng quyết định không chờ pháo, ra lệnh cho súng cối bắn vào đồn và dùng mọi hỏa lực bắn thẳng bịt các lỗ châu mai, yểm hộ cho bộ đội bắc thang vượt qua lớp rào lông nhím để xung phong. Từ các lô-cốt, ụ súng chưa bị phá, quân địch bắn ra dữ dội. Rút kinh nghiệm trận Phủ Thông, lần này cùng đi với các chiến sĩ xung kích cầm mác, có cả những chiến sĩ mang súng trường, tiểu liên, ba-dô-ca. Các hỏa điểm trong đồn lần lượt bị dập tắt. Bộ đội xung phong tiêu diệt các ổ đề kháng. Đại Phác bị tiêu diệt sau một giờ chiến đấu.

Đồng chí Vũ Yên và đồng chí Vũ Lăng báo cáo trận Phố Ràng. Trận đánh diễn ra quyết liệt suốt 40 giờ. Quân địch dựa vào địa hình phức tạp, chống cự rất ngoan cố. Náu mình dưới công sự vững chắc, chúng dựng những khẩu súng cối gần như thẳng đứng bắn chiến sĩ ta đã đột nhập vào đồn. Cuối cùng, tiểu đoàn 11 và tiểu đoàn 54 phối hợp chiến đấu vẫn tiêu diệt hoàn toàn quân địch.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 557-560)