“Quanh làng là lũy tre xanh, cổng làng xây gạch có vòm cuốn cong cong. Một con đê cao, vững chắc, hai bên sườn phủ kín cỏ xanh mịn màng như nhung, chạy dọc bờ sông (…) một con sông hiền hòa, thơ mộng (…) Tất cả những con đường lớn nhỏ uốn lượn trong làng (…) đều (…) được lát gạch thẻ rất đẹp (…) theo lệ làng (…) cứ (…) sắp nên vợ nên chồng (…) phải bỏ ra một khoản tiền (để giúp tu bổ đường) (…) Thôn tôi đang ở đêm đêm (…) nghe rất rõ tiếng vi vu của sáo diều (…) Con thửng (sải cánh dài có tới ba thước) bay cao vài trăm thước (…) ru xóm làng bằng một bản nhạc ò e nghe như tiếng thở than tâm sự của mây, trời, sông, nước”… Làng Chuông hấp dẫn quá, cậu bé Miền Nam tập kết này thật may mắn.

(Thu Tứ)



Nguyễn Tấn Phát, “Tôi ở làng Chuông”



Một năm rưỡi đầu tiên, tôi học xong lớp một và lớp hai ở chợ Chuông (Hà Đông). Trường học sinh số hai của tôi đóng dọc bờ sông Đáy – một con sông hiền hòa, thơ mộng, nước trong xanh vào mùa xuân (…)

Vào các tháng lạnh mùa đông, lá xoan rụng hết, chỉ còn những cành cây cục mịch, thô kệch chĩa lên không trung. Nhưng khi mùa xuân đến, lá xanh biêng biếc phủ kín các cành. Rồi những chùm hoa trắng có điểm xuyết chút màu tím tỏa hương ngào ngạt. Cây xoan trở nên trẻ đẹp như cô gái xuân thì (…)

Làng Chuông rất giống những xóm làng khác ở đồng bằng Bắc bộ: quanh làng là lũy tre xanh, cổng làng xây gạch có vòm cuốn cong cong. Một con đê cao, vững chắc, hai bên sườn phủ kín cỏ xanh mịn màng như nhung, chạy dọc bờ sông Đáy. Phía ngoài đê có đình làng trồng nhiều cây duối có trái chín vàng nho nhỏ khuất trong vòm lá. Phía trong đê là chợ Chuông rất đông vui, nhất là đến ngày phiên chợ. Có một ngôi chùa lớn ngự phía bắc chợ với nhiều tượng Phật, tượng Kim Cương, La Hán chạm khắc tinh vi, đặc biệt có một cái chuông bằng đồng cao đến thước rưỡi treo trước chùa. Người dân làng Chuông sống bằng nghề làm ruộng và chằm lá làm nón. Nón chợ Chuông nổi tiếng đẹp và bền. Sáng nào ở chợ cũng có nhiều gánh nón lá trắng tinh bày bán. Nón lá từ đây theo thương lái đưa về Thủ đô và các làng quê khác. Tất cả những con đường lớn nhỏ uốn lượn trong làng, trong xóm, đều có chung một đặc điểm là được lát gạch thẻ rất đẹp. Vào mùa mưa bão, đi trên những nẻo đường như vậy, thấy lòng thật thanh thản, bước chân nhẹ tênh. Đội trống ếch thiếu nhi của làng và của trường học sinh Miền Nam chúng tôi tối tối vẫn nhịp nhàng khua trống trên các nẻo đường làng. Không ai biết những con đường bắt đầu có từ lúc nào. Chỉ biết theo lệ làng, ở đây cứ mỗi cặp uyên ương sắp nên vợ nên chồng đều có trách nhiệm phải bỏ ra một khoản tiền theo quy định để góp sức mở rộng, kéo dài hoặc sửa sang các khúc đường. Thôn tôi đang ở đêm đêm còn nghe rất rõ tiếng vi vu của sáo diều trên tầng không. Có một cánh diều (người dân gọi là con thửng) sải cánh dài có tới ba thước, phía đầu có gắn một ống sáo làm bằng khúc tre có một dây thép căng dọc bên ngoài. Con thửng này bay cao vài trăm thước, hứng gió và êm dịu ru xóm làng bằng một bản nhạc ò e nghe như tiếng thở than tâm sự của mây, trời, sông, nước. Tôi đặc biệt chú ý quan sát một củ su hào lớn trồng ở mảnh đất nhỏ trong sân nhà gia đình người dân tôi đang cư ngụ. Củ su hào lạ quá. Hồi ở nhà tôi chưa từng thấy củ gì có hình tròn, dèn dẹt, trắng bạc, các lá tỏa đều xung quanh. Người ta nói củ này ăn ngon lắm, có thể thái nhỏ xào mỡ, nấu canh, ăn sống, ăn luộc, muối chua, thậm chí lá su hào cũng ăn được. Tôi cứ đi tới, đi lui, ngắm nghía mãi củ su hào cho đến những ngày bếp ăn dày đặc các món su hào, sáng su hào, chiều su hào, canh su hào, xào su hào, kho su hào…


(Nguyễn Tấn Phát,
Ngôi sao hộ mệnh, nxb. Giáo Dục Việt Nam, 2015. Nhan đề phần trích tạm đặt.)