Thường người ra đi là đi về phía khói lửa, mỗi khi ngoái lại là thấy yên bình tương đối. Nhưng nếu đi từ Quảng Trị thì khi ngoái lại cũng thấy khói lửa tơi bời y như khi nhìn về phía trước. “Hậu phương” của nhà thơ đây:

“… pháo bầy, tọa độ
Thủy lôi, từ trường, bến bờ bom khoan rỗ
Hầm cột hầm kèo núng cát ngổn ngang…”.

“Phong cảnh” hệt tiền tuyến, nhưng thêm:

“Những tã lót nôi tre tàn tro đen nhẻm
Tiếng trẻ khóc nín trong cát âm âm”.

“Em áo lính” ngoái lại nữa đi. Để chân thêm cứng trên đường “cùng anh áo lính”.
(Thu Tứ)



Lê Thị Mây, “Lửa mùa hong áo” (II.2)




Sông ơi sông lòng ngoái lại thêm gần
Con ròng rọc kéo thời gian lên chót đỉnh
Tiếng tù và bịn rịn
Con nước ròng trăng khuyết sóng soải bơi
Phía sau làng ánh lửa người ơi
Lời từ biệt bập bùng sông nhức nhối.

Ôi phù sa đi về in bao lối
Không lời nào bày tỏ hết thương đau
Ức thuyền xô, pháo bầy, tọa độ
Thủy lôi, từ trường, bến bờ bom khoan rỗ
Hầm cột hầm kèo núng cát ngổn ngang
Sông khỏa sóng bạc đầu cây cụt ngọn.

Những tã lót nôi tre tàn tro đen nhẻm
Tiếng trẻ khóc nín trong cát âm âm
Những lớp học chữ i tờ lạc giọng
Chiếc mũ rơm chín rỡ nắng mùa màng
Sông trải sóng tưởng đang vào vụ gặt
Mà loang đầy máu đỏ
                                 bầm gan!

Ngoảnh về sông tìm náo nức quê hương
Ai ra trận cũng có sông để tiễn
Sông có nguồn sông có biển khơi xa
Em có anh sông nối bờ kỷ niệm
Môi chạm lời em gói giữ lời ca
Khi máu chảy suốt dọc đường ra trận.

Em áo lính cùng anh áo lính
Hồn sông quê nhuốm lá ngụy trang cành
Em vớt sóng vọng lời từ biệt
Nghe hai tay nguồn mạch sữa mẹ dâng
Từng vốc nước vã nồng nàn lên mặt
Nước mắt trào mặn chát trái sung non.


(Đoạn 2, khúc II - “Ngoái lại với sông làng”, trường ca
Lửa mùa hong áo, nxb. Quân Ðội Nhân Dân, 2003)