Không khí trong lành và mây và sao, dãy núi thật đáng trèo! Thế mà mới đây thôi… Nguyễn đi thăm những nền nhà cháy, thương và thù chất đầy lòng, rồi Nguyễn vào thăm những ngôi biệt thự nguy nga, khi trở ra thương và thù cũng chất đầy lòng. Nó đã bóc lột sức đồng bào mình thế này đây và bây giờ nó đang đốt giết hiếp để được tiếp tục bóc lột. Ai lên đỉnh núi vào “xanh, đỏ, trắng, vàng” biểu diễn đủ thứ kiểu cách văn minh lịch sự, còn ai xuống dưới kia vào bên trong lũy tre giở đủ thứ trò hết sức dã man?! Chuyến này Nguyễn trên đường lên Việt Bắc ghé qua Tam Đảo được thấm thía một điều không mới, sự tình cờ kể cũng là hay. (Thu Tứ)



“Tam Đảo 1948”

Nguyễn Tuân




Từ Khu IV ra Việt Bắc, Tam Đảo là dãy núi cao đầu tiên chúng tôi băng qua, dốc ngoằn ngoèo có nhiều chỗ dựng ngược 15 độ 20 độ. Cảnh đang sang hè. Đỉnh cao trên kia là cái phần thưởng đích đáng cho người bộ hành xiết mãi tay gậy, gò lưng xuống. Từ gà gáy cho đến bây giờ, trăng đã nhô lên khỏi đầu núi. Chân miết vào dốc Tam Đảo. Ngực phồng lên khí lành Tam Đảo. Tay tôi khua động trong mây Tam Đảo. Sao trời ở quãng đèo dốc này sáng tỏ hơn bao giờ. Và tôi có cái cảm tưởng là càng leo dốc, tôi càng gần với trăng sao hơn. Mây núi ở đây sát mắt mình. Giơ tay ra là quơ được mây. Mây bám sát lấy núi như cán bộ bám riết lấy nhân dân vùng tạm bị chiếm. Suối thác ồ ồ không ngừng bên tai, vui sướng như tiếng thủy điện hóa của Việt Nam sau này. Giấc ngủ đến, nặng như một đêm lành sau ngày gặt gấp. Tạm quên cái bầu trời pha-lê bên ngoài cửa sổ, tôi nhắm mắt. Cách sườn bên này, khỏi sườn núi kia, là Thái Nguyên rồi. Như là có ai đây chấm dứt bài hát: “Bắc Sơn, cùng Đô Lương… Thái Nguyên”. Ngủ đi lòng ta ơi! đây mới chỉ là một cung dài tiền trạm. Đây mới là một cửa ngõ phía nam của căn cứ Việt Bắc.

*

Đêm vừa qua, tôi đã ngủ trên chỗ tàn binh Communal đóng quân, cách đây năm tháng. Bị tỉa mòn ở Việt Bắc, tàn quân Pháp rút về xuôi và qua Vĩnh Yên, chúng có rẽ lên đây. Cả cái đám tiếp viện ở Cầu Đuống lên nữa. Hai chuyến, vào hai ngày 4 và 8 tháng chạp 47. Chúng án binh lại một đêm, đóng ngay ở khách sạn Mê-tô-bôn sừng sững năm tầng kia. Đồng bào tạt ngang vào núi kịp, không việc gì. Chúng đốt cháy cả một ngôi làng ở cách phố Tây này một cây số về phía dưới. Tôi xuống thăm. Sau cơn binh lửa tàn phá, cả làng chỉ còn nền nhà, nóc đã ra khói gần nửa năm nay. Gạch sạm vệt lửa, gỗ sém thành than và vụn thủy tinh tung tóe. Cây chưa lại màu lá ở nhiều gốc già. Hỏi đến chiến sự kéo qua, đồng bào cho biết rằng anh em dân quân xã Tam Đảo có bố trí tập kích giặc chỗ Dốc Sến. Khi chúng rút lui, có ném chín quả lựu đạn. Bị hy sinh mất một người. Sự thiệt hại ở đây, xét ra không đến nỗi nặng như dưới phố Liễn Sơn và làng Mán Cửu Yên dưới kia. Hai vùng dưới ấy, ngoài nạn lửa lại còn bị cái nạn hãm hiếp nữa. Làng ở xã Tam Đảo, nay hàn gắn vá víu lại, nhiều chiếc mái lợp tôn, bừa bộn lổn nhổn. Những dàn xu xu xanh tốt ra quả, băng bó lại vết thương. Chiều đến, nhìn xuống đường nhựa chữ chi, nhấp nhô khom khom những bóng gồng gánh đi chợ tỉnh cây số 8 chở thực phẩm lên Tam Đảo. Qua vực lam, tiếng chim “bắt cô trói cột” điểm điểm không ngừng. Thác Bạc ồ ồ đổ xuống, xuống mãi. Ở đây, nghìn thước khỏi mặt biển. Lấp loáng chỗ xa tít tắp của nhỡn giới là dòng sông Nhĩ Hà. Cái ngoẹo loáng ấy là cái tai Nhĩ Hà – con sông lớn đất Bắc chúng ta đấy. Lại thấy cả chỗ sông Lô đổ vào dòng Nhĩ. Đứng núi này trông núi nọ, thì phía tây nam Tam Đảo kia là Tản Viên (Ba Vì) chỉ trông thấy ngọn, chân mất hẳn trong hơi khói nhờ nhờ của bột phấn rừng thông. Tam Đảo có nhiều lâu đài. Biệt thự xanh, đỏ, trắng, vàng, chập chùng bám vào sườn đá. Ấy là sản nghiệp, là tàn tích thực dân. Bên cái nguy nga trùng trùng điệp điệp của một thời, lơ láo vài biệt thự của một vài người ta. Những bất động sản Tam Đảo tường, nóc, trần, nền vẫn y nguyên. Chỉ có cánh cửa là rỡ đi. Nhiều biệt thự còn nguyên cả khung kính. Ở đây, có thể dùng làm an dưỡng đường cho một số anh em thương binh. Trùng sốt rét hết làm ăn ở đây. Tôi đã vào nhiều lâu đài. Mỗi lúc ở đôi kiểu nhà xi-măng ấy trở ra, lòng lại xốn xang một cái gì. Đấy là huyết lệ của số đông bị rút ngược lên đỉnh núi cao. Đấy là sinh mệnh của con người biến trong tường gạch, móng đá, nền hoa. Rường cột lầu mái ấy là xương cốt con người trăm năm đô hộ cũ đó. Cỏ tranh ngoi trên cuối sân, trên vách lầu vắng, tôi thấy như có mả mới. Mùi hoang phế ở những điêu tàn khác gợi đến thương nhớ. Niềm tàn lạnh ở đây chỉ càng giục thù ghét nguyền rủa. Mỗi một khung cửa sổ không cánh cửa kia là một con mắt khuyết đồng tử, nhìn không chớp vào một không gian liên chi hồ điệp những tội ác. Ghé sát vào từng con mắt thong manh ấy, từ đáy nó hiện ra dần dần không biết bao nhiêu là đâm chém, tù đầy, bòn rút, giả trá, mưu mô. Lặn mặt trời, gió quẩn ào ào, từng loạt tiếng như tiếng vỗ tay tục tằn của hồn ma bóng quỷ khiêu vũ yến tiệc một lần cuối cùng đã xong rồi. Trận cuồng phong gặp vách đá, có lúc rền rĩ nhại lại cái rên xiết xưa kia còn chưa tiêu tan hết. Dưới ánh trăng ngà, cái bể bơi của tây đầm khô trơ đáy và lạnh như một cái vạc dầu nguội lửa. Vực Thác Bạc âm tối như lòng ngục và tiếng suối canh hai lào sào những phân trần của tội nhân đang xì xồ trong đêm ướt (…)

Tôi có sang cái nhà mát của Toàn quyền Đông Dương dựng riêng ra trên một quả núi biệt lập. Lầu này đã tan hoang. Gió quẩn non cao gỡ từng viên ngói đá đen vứt xuống vực sâu. Những viên rơi ngổn ngang trên thềm núi, trẻ con lom khom nhặt về dùng làm bảng đen viết tập. Của mình đấy, cứ mang về nữa đi, các em ạ!