Kế hoạch quân sự năm 1949 hướng đến ngày giải phóng vùng biên giới Việt Trung và ngày biến cả Đông Dương thành một chiến trường. Chiến tranh du kích vẫn phải hết sức duy trì, nhưng đồng thời phải gấp rút xây dựng bộ đội chủ lực để phát triển chiến tranh vận động với quy mô ngày càng lớn… (Thu Tứ)


Võ Nguyên Giáp, “Kế hoạch quân sự năm 1949”



Hội nghị Cán bộ Trung ương Đảng lần thứ sáu họp từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 1 (năm 1949) (…)

Nghị quyết (…) Những nhiệm vụ quân sự cần kíp là (…) thực hiện một thế cầm cự ngày càng có lợi cho ta, nỗ lực thực hiện phương châm chiến lược của giai đoạn mới là tích cực chuẩn bị tổng phản công (…) Tích cực giúp cách mạng Lào – Miên, mở rộng mặt trận Lào – Miên, thực hiện Việt – Lào – Miên là một chiến trường (…)

Nhân danh Tổng chỉ huy kiêm Tổng chính ủy, tôi triệu tập Hội nghị Cán bộ Chính trị và Quân sự cao cấp để phổ biến nghị quyết của Hội nghị Cán bộ Trung ương Đảng lần thứ sáu, bàn sâu thêm nhiệm vụ quân sự, thảo luận kỹ phương châm chiến lược và kế hoạch tác chiến.

Tôi trình bày Kế hoạch quân sự năm 1949, nội dung chủ yếu của kế hoạch là nhằm hướng yếu của địch và có tác dụng chiến lược lớn đối với ta, tập trung mở một số chiến dịch tiến công với mục đích tiêu diệt sinh lực địch, đánh tan các khối lính ngụy, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch, giành chủ động chiến lược từng bộ phận.

Ở chiến trường chính là Bắc bộ, hướng tác chiến chủ yếu là Cao – Bắc – Lạng và Tây Bắc, hướng tác chiến tiếp theo là phá thế uy hiếp của địch sau lưng Liên khu III ở Hòa Bình.

Ở Liên khu V, hướng chủ yếu là Tây Nguyên, nhất là bắc Tây Nguyên.

Ở Nam bộ, hướng chủ yếu là vùng Long Châu Sa và sông Tiền, sông Hậu.

Đối với Lào, Liên khu X có nhiệm vụ giúp bạn xây dựng và phát triển một số căn cứ du kích ở Bắc Lào, tiến tới lập khu giải phóng chính ở Bắc Lào. Liên khu IV có nhiệm vụ giúp bạn xây dựng căn cứ ở Trung Lào. Liên khu V có nhiệm vụ giúp bạn phát triển cơ sở ở Hạ Lào, nhằm xây dựng căn cứ Bô-lô-ven.

Đối với Miên, Bộ tư lệnh Nam bộ có nhiệm vụ tăng thêm cán bộ chính trị và lực lượng vũ trang vào nội địa, giúp bạn mở rộng cơ sở và căn cứ du kích, tiến tới nối liền căn cứ đông nam với đông bắc.

Để thực hiện nhiệm vụ (…) tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất (…) là xây dựng lực lượng, cấp bách nhất là xây dựng bộ đội chủ lực. Tôi hướng dẫn Bộ Tổng tham mưu tổ chức hội nghị xây dựng lực lượng do anh Hoàng Văn Thái Tổng tham mưu trưởng chủ trì, để nghiên cứu vấn đề tổ chức, biên chế trang bị đại đoàn chủ lực của Bộ và trung đoàn chủ lực của các Liên khu.

Ở Bắc bộ và Trung bộ, mỗi Liên khu có một trung đoàn chủ lực. Ở Nam bộ, mỗi Liên khu có một tiểu đoàn chủ lực (…)

Việc huấn luyện cán bộ và bô đội có tầm quan trọng quyết định (…)

Bộ Tổng tham mưu tổ chức lớp học “Rèn cán, chỉnh quân” cho hơn hai trăm cán bộ cao cấp và trung cấp của các Liên khu, các cơ quan và các trường (…) Tôi cùng với anh Hoàng Văn Thái, anh Văn Tiến Dũng và một số đồng chí phụ trách trực tiếp giảng bài và chỉ đạo lớp học.

*

(…) Ở hướng chính Cao – Bắc – Lạng, đêm 15 tháng 3, ta tiến công tiêu diệt Bản Trại – một cứ điểm kiên cố do một đại đội Âu Phi chiếm đóng (…) Trước trận đánh tôi chỉ thị cho đơn vị làm các công tác chuẩn bị thật tỉ mỉ, chu đáo và trực tiếp lên mặt trận kiểm tra công tác chuẩn bị và thông qua kế hoạch chiến đấu trên bàn cát. Khi trận đánh kết thúc, tôi nghe tiểu đoàn trưởng Thái Dũng báo cáo cụ thể trận đánh. Trong trận Bản Trại (…) các chiến sĩ lấy khăn tẩm dầu đặt ở hàng rào, đốt sáng soi rõ vị trí cho pháo và các loại súng bắn vào mục tiêu. Pháo đặt rất gần, pháo thủ ngắm bắn từng lỗ châu mai, khiến cho quân địch không thể ngóc đầu lên trong lúc chiến sĩ xung kích xông lên vượt qua cửa mở. Trận Bản Trại diễn ra trong 37 phút. Toàn bộ quân địch bị tiêu diệt (…)

Cuối tháng 4, ta đánh trận phục kích Bông Lau – Lũng Phầy trên đường số 4 và giành thắng lợi lớn (…) Hơn 500 quân địch phần lớn là Âu Phi bị chết, bị thương và bị bắt. Ta phá hơn 50 xe (khoảng một nửa đoàn xe địch) và 500 thùng xăng, thu hàng trăm súng (…) Đường số 4 – con đường vận chuyển tiếp tế có tầm quan trọng chiến lược ở Đông Bắc - trở thành “con đường không vui”, “con đường máu” và sau này là “con đường chết” đối với địch (…) Địch phải luôn luôn thay đổi quy luật vận chuyển, tăng cường tuần tra lùng sục những nơi hiểm yếu, bảo vệ cầu cống, củng cố các vị trí hai bên đường. Nhưng đêm cũng như ngày, không đoàn xe nào của địch không bị tổn thất. Trung đoàn bộ binh thuộc địa Ma-rốc có nhiệm vụ chuyên lo ứng cứu trên con đường nguy hiểm này, bị thiệt hại nặng. Binh sĩ địch gọi đây là “trung đoàn những người vô tội bị kết án tử hình”.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 550-554)