Đối với chiến sĩ, một phản ứng tiêu cực bình thường đã khiến “tôi thấy sợ hãi sẽ phải chịu đựng nỗi ân hận về một khuyết điểm không còn phương gì sửa chữa được nữa”. Còn đối với dân công: “(Ngày 19-12-1965) (...) Lại gặp những anh chị em dân công đang ngồi nghỉ bên đường (...) Các anh các chị (…) vui vẻ ra đây đào hào đắp lũy (…) tôi biết lấy lời nào ca tụng cho xứng”. Người có tấm lòng quý chiến sĩ, trân trọng dân công như thế, hẳn người ấy đã vui biết bao nhiêu khi được công tác ngay bên cạnh quân dân đang làm nhiệm vụ. (Thu Tứ)



Lê Vĩnh Hòa, “Bên chiến hào” (3)




Ngày 18-12 (năm 1965)

Tôi đang ngồi viết bên một gốc mít, nghe có tiếng súng lạch xạch mỗi lúc một gần. Lúc đó trời đã về chiều.

- Anh có nghe bài thơ nầy chưa?

Một cậu du kích đến sát lưng, khều tôi và hỏi.

- Chưa. Thơ gì?

- Thơ như vầy:

Giặc Mỹ kia xâm chiếm nước ta
Trải mấy năm không ghé được nhà
Tạm hiền đệ cho qua nhờ điếu thuốc.

“Cái điệu xin thuốc nầy có ý hơi gát về mặt xưng hô”. Tôi nghĩ thoáng qua như vậy, tiếp tục viết, nhưng vẫn đưa hộp thuốc ra. Cậu ta mở hộp, kêu lên:

- Ủa, hết giấy rồi anh.

Tôi chặc lưỡi:

- Vậy để sáng mai hiền đệ mượn mấy cô đem cơm về mua giùm mới có.

Cậu ta vô nhà. Rồi kế đó, súng nổ.

Khi tôi đứng lên giữa tiếng còi báo động thổi dồn dập, nhìn ra thì đã thấy toàn đội, để chi viện cho tổ cảnh giới đang đụng giặc, đã chạy xa rồi. Phất phới đủ màu áo du kích: màu dà, đỏ gạch tôm, xanh ve chai, xám pin đèn, đen mốc, xanh da trời…

Cối 81 và đại bác 105 ly của địch theo lệ thường nện dồn dập dọc theo đường hào tiến quân.

Trông theo đội du kích đang lùi lũi chạy về hướng lưới lửa, tôi bỗng thấy bứt rứt khó chịu vô cùng. Giấy hút thuốc thực ra còn trong ba-lô. Bận viết nên tôi làm biếng lấy. Cậu thanh niên kia có lẽ chưa kiếm được điếu thuốc, bây giờ đang đem sinh mạng ra bảo vệ cho đồng bào, trong đó có tôi. Tôi không có quyền tiếc một cái gì cho những người như vậy, huống hồ là một chút công đi mở ba-lô lấy tờ giấy.

“Nếu lát nữa mà cậu ta không trở về?”.

Dù biết rõ rằng từ hôm bao vây chi khu đến nay, đánh gần 40 trận, du kích ta ở mũi này chưa phải hy sinh một đồng chí nào, nhưng thầm nhắc câu hỏi ấy, tôi vẫn thấy sợ hãi sẽ phải chịu đựng nỗi ân hận về một khuyết điểm không còn phương gì sửa chữa được nữa.

Nửa giờ sau, đội trở về đủ y quân số. Địch 5 tên trúng đạn, một trung đội bị đánh bật lại chi khu.

Tôi vội kiếm cậu thanh niên đưa thuốc, giấy. Cậu ta vấn hút, nói chuyện bô bô, ra bộ tịch múa may nhảy nhót lung tung. Tôi mừng thầm, thấy cậu ta chẳng hề quan tâm hỏi tôi sao hồi nãy nói hết giấy mà bây giờ bỗng trở lại còn.

Ngày 19-12 (năm 1965)

Giã từ đội du kích. Thời gian quá ngắn ngủi.

Xin cám ơn các bạn đã cho tôi được sống bên cạnh những ngày chiến đấu hồn nhiên, không dứt tiếng cười. Xin cám ơn các bạn đã cho tôi được thấy tận mắt những con người vừa lớn lên trong chiến đấu, được nắm những bàn tay còn nóng hổi chiến công.

*

Lại gặp những anh chị em dân công đang ngồi nghỉ bên đường. Một bác có bộ râu ngạnh trê vác vá đi vòng quanh, hát một bài xưa xa lơ xa lắc:

“Nhớ thuở xưa kia, con cóc đi dạo bên hồ. Ô ố ồ, ô ố ồ…
Anh đi lang thang, về ngang nhằm hang con ếch. Uếch uếch uếch uếch…”.

- Biết hát không? Ghé văn nghệ chơi.

Một anh đưa tay ngoắc.

Thực tình, tôi vốn hát quá dở chẳng mấy khi dám cất giọng ở chỗ đông người, nhưng nhìn thấy mồ hôi thấm ướt trên lưng áo anh các chị, tôi tặc lưỡi đáp liều:

- Được, mần thì mần. Nói trước là không được hay đa.

- Thôi mà, rao chi. Cây nhà, lá vườn.

Tôi hát bài “Như cánh chim Kơ-nia” một cách rất bầm dập, lộn đuôi lộn đầu, nhưng khi chấm dứt, được hoan nghinh rất sốt sắng:

- Hát hay lắm!

Tôi biết tôi hát rất vô duyên, xưa nay chưa từng được ai khen bao giờ.

Xin cám ơn các anh các chị. Các anh các chị khen tôi chẳng qua là khen một chút nhiệt tình. Còn các anh các chị trăm công ngàn việc ở nhà, vui vẻ ra đây đắp hào đắp lũy đánh lấn chi khu, đáp lại tôi biết lấy lời nào ca tụng cho xứng được.


(Trong phần “Mấy trang nhật ký”,
Tuyển tập Lê Vĩnh Hòa, nxb. Tổng Hợp Hậu Giang và nxb. Văn Nghệ TPHCM, 1986)