Cuộc kháng chiến ấy là một kỳ tích làm nên bởi nhiều kỳ tích. Kỳ tích nào cũng bắt đầu với quyết định sáng suốt kịp thời của một người và sau đó là nỗ lực thực hiện đầy sáng tạo và dũng cảm của vô số người. (TT)



“Tự sản xuất vũ khí”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp




Sản xuất quốc phòng là mối quan tâm hàng đầu (…) Chỉ 13 ngày sau khi tuyên bố độc lập, Bác đã quyết định thành lập tổ chức ban đầu của ngành quân giới với hai nhiệm vụ: thu thập, mua sắm vũ khí, và tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí.

Ngày 25 tháng 9 năm 1945, với danh nghĩa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, theo lệnh của Bác, tôi ký giấy ủy nhiệm cho đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân “có đủ quyền trưng thu các xưởng và tất cả các vật liệu cần thiết cho kỹ nghệ binh khí để củng cố việc quốc phòng”.

Với (tình trạng) các ngành công nghiệp vật liệu, công nghiệp chế tạo chưa có, lại trong điều kiện chiến tranh (…) khi Chính phủ hỏi ý kiến một số các nhà trí thức cao cấp trong nước về việc sản xuất vũ khí thì nhiều anh em cho là ta không làm được.

Nhưng trong hoàn cảnh bị bao vây bốn bề, chúng ta phải nhất thiết vượt qua mọi khó khăn trở ngại, tổ chức sản xuất bằng được những thứ vũ khí có thể sản xuất được (…)

Hàng loạt các tổ sửa chữa vũ khí và chế tạo vũ khí (…) ra đời. Máy móc, nguyên liệu lấy từ cơ sở công nghiệp dân dụng nhỏ bé. Lực lượng nòng cốt là đông đảo công nhân từ các cơ sở công nghiệp, học sinh các trường kỹ nghệ, các trí thức yêu nước. Công việc thì từ nhồi nạp lại đạn, sửa chữa các loại súng, rèn dao găm, mã tấu, đến sản xuất lựu đạn, địa lôi, súng kíp (…)

Kháng chiến toàn quốc bắt đầu. Tôi chỉ thị cho ngành quân giới tổ chức những xưởng vũ khí nhỏ, gọn (…) đặc biệt chú trọng sản xuất (…) lựu đạn, mìn để tiến hành đánh du kích. Loại vũ khí này (…) ta có thể sản xuất nhanh, nhiều (…)

Tôi còn nhớ tại Hội nghị Quân sự Toàn quốc lần thứ ba tổ chức tại (…) Hà Đông (…) một vấn đề được trao đổi sôi nổi là (…) phải có một thứ vũ khí nào đó có thể tiêu diệt xe tăng, cơ giới của địch. Tôi mời đồng chí Trần Đại Nghĩa, người vừa được Bác bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Quân giới, phát biểu ý kiến (…) Anh Nghĩa cho biết anh đang chỉ đạo một nhóm cán bộ thí nghiệm để hoàn chỉnh đạn ba-dô-ca trong thời gian ngắn nhất (…) quân giới đã sản xuất được súng, nhưng riêng quả đạn thì chưa thành công (…)

Ngày 5 tháng 3 năm 1947, lần đầu tiên ba-dô-ca do ta chế tạo đã bắn cháy xe tăng của địch, góp phần bẻ gãy cuộc hành quân vây quét vùng Chương Mỹ - Quốc Oai (…)

Ở Nam bộ không có điều kiện để sản xuất ba-dô-ca, kỹ sư Lê Tâm đã nghiên cứu ra ba-dô-min (một loại mìn lõm) để đánh cơ giới địch. Ba-dô-min đã được sử dụng có hiệu quả trong trận La Ngà cũng như trong các trận diệt tháp canh của địch. Sau này các anh đã nghiên cứu chế tạo thành công súng và đạn SS với nhiều loại khác nhau. SS cũng theo nguyên lý không giật, kết cấu đơn giản, tiết kiệm được thuốc phóng (…)

Năm 1947, ta cũng đã thành công trong việc sản xuất (…) cối, lựu phóng (…)

Nói về sản xuất vũ khí, không thể không nói đến một thành công lớn của quân giới nước ta trong những năm chiến đấu trong vòng vây. Đó là việc chế tạo thành công súng không giật SKZ 60. Đây là loại vũ khí công đồn. Súng SKZ 60 chỉ nặng có 26 ki-lô-gam, lại có thể tháo rời để dễ mang vác. Đạn SKZ 60 là đạn lõm, nặng 8 ki-lô-gam, có khả năng xuyên bê-tông dày 60 xăng-ti-mét (gấp ba lần ba-dô-ca 60). Xuất trận lần đầu ở chiến dịch Lê Hồng Phong I, trong trận Phố Lu, SKZ 60 đã tỏ ra có hiệu quả trong việc phá lô-cốt địch (…) Sau này trong cuốn Chiến tranh Đông Dương, Luy-xiêng Bô-đa viết: “Nhưng, cái thứ gây khó khăn cho chúng tôi, cái thứ xuyên thủng bê-tông dày 60cm, là những quả đạn SKZ mà người Việt chế tạo trong các hang núi ở Chi Nê… Chỉ cần vài quả là đủ tiêu diệt tháp canh của chúng tôi”.

Được tin về những thành tích chiến đấu của SKZ 60, tôi cho gọi đồng chí Hoàng Đình Phu (…) lên báo cáo. Anh Phu cho biết súng SKZ 60 dựa trên nguyên lý pháo không giật bắn đạn lõm (…) Anh em cán bộ của Nha Nghiên cứu Kỹ thuật dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh Phu, được anh Trần Đại Nghĩa hướng dẫn, đã tự mình tính toán thiết kế không theo một mẫu nào có sẵn (…)

Cũng phải kể đến công lao của anh Tạ Quang Bửu. Là một nhà khoa học, giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (…) anh đã quan tâm đến công tác khoa học trong các lực lượng vũ trang (…)

Một kỳ tích nữa của cán bộ, công nhân ngành quân giới là đảm bảo nguyên liệu, vật liệu và máy móc cần thiết cho việc sản xuất vũ khí.

Nhận định giặc Pháp nhất định sẽ tiến công ta, ngay từ đầu tháng 11 năm 1946, Bộ Quốc phòng đã lệnh cho Cục Quân giới bí mật sơ tán, di chuyển các kho tàng, xí nghiệp ra khỏi các thành phố lớn, mang lên vùng rừng núi. Sớm hơn nữa, ngay từ tháng 5 năm ấy, Bác đã chỉ thị cho đồng chí Đặng Văn Cáp về Cao Bằng mở công binh xưởng chế tạo vũ khí chuẩn bị cho kháng chiến.

Trong cuộc tổng di chuyển cuối năm 1946 đầu năm 1947, khoảng 4 vạn tấn máy móc, dụng cụ, nguyên liệu được đưa từ các đô thị về nông thôn, lên rừng núi (tính từ Khu V trở ra) với quãng đường từ 50 đến ki-lô-mét, là một thắng lợi lớn lao của ngành quân giới.

Nguồn nguyên liệu vật liệu sản xuất vũ khí được tạo từ nhiều hướng, bằng nhiều con đường, với tất cả lòng dũng cảm, trí thông minh và cả sự hy sinh của công nhân và cán bộ. Ta không sản xuất được thuốc nổ. Ngoài một lượng dự trữ vẫn còn, phần lớn các thuốc nổ quý như tô-lít, mê-li-nít, đi-na-mít được khai thác từ các kho vũ khí chiến lợi phẩm, từ bom, đạn pháo, đạn cối không nổ. Việc tìm kiếm bom địch không nổ để tháo bỏ ngòi lấy thuốc nổ là công việc thường xuyên. Đây là việc vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi cả lòng dũng cảm và trình độ kỹ thuật. Tuy có những trường hợp không may xảy tai nạn, nhưng anh em vẫn không chùn bước.

Thiếu sắt thép chế tạo, ta có nguồn sắt thép rải rác trong cả nước. Đó là hàng nghìn ki-lô-mét đường ray, hàng trăm đầu máy xe lửa, hàng nghìn vành, bánh, trục xe lửa, hàng nghìn tấn sắt thép cũ ở hàng trăm cầu, hàng chục tàu lăn đường, hàng trăm xe cũ, chưa kể tới vỏ đầu đạn đại bác, vỏ bom chưa nổ.

Thiếu đồng, ta kêu gọi sự đóng góp của nhân dân. Vô số nồi đồng, mâm thau, lư hương, tiền Bảo Đại, tiền Khải Định đã được đem hiến cho kháng chiến.

Lượng nguyên liệu, vật liệu mua được từ vùng địch tạm chiếm, nhất là ở Nam bộ, đã góp phần quan trọng vào việc duy trì và phát triển nỗ lực sản xuất vũ khí (…)

Ngành quân giới đã tổ chức sản xuất (…) thuốc gợi nổ, diêm tiêu, thuốc đen, các a-xít cơ bản. Hàng trằm tấn diêm tiêu được sản xuất bằng phương pháp cổ truyền với những dụng cụ thô sơ từ phân dơi trong các hang động trên vùng núi cao kết hợp với tro bếp. Phương pháp thủ công nhiều khi nguy hiểm đến tính mạng con người (…)

Tôi đã gửi thư khen ngợi bộ phận chuyên nghiên cứu dập đạn DAM. Thành công này cùng với việc luyện được đồng thau theo kinh nghiệm của các nghệ nhân đúc đồng làng Ngũ Xã (Hà Nội) đã mở ra khả năng sản xuất được nhiều đạn. Trong hai năm 1949-1950, ta đã sản xuất được khoảng 2 triệu viên đạn DAM. Hai triệu viên đạn được sản xuất trong điều kiện khó khăn thiếu thốn đủ thứ có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Một thành tích nổi bật nữa là anh em đã chế tạo được nòng súng cối bằng vỏ các đầu đạn đại bác 105, 155mm của địch ghép nối lại.

Viết những dòng này tôi không thể không nhớ tới các cán bộ và công nhân đã hy sinh trong nghiên cứu - thử nghiệm, trong chế tạo vũ khí, trong điều chế hóa chất… Đây thực sự là một mặt trận thầm lặng với không ít chiến công rực rỡ, nhưng cũng đầy khó khăn gian khổ.

Hơn hai vạn anh chị em cán bộ và công nhân ngành quân giới, với những người tiêu biểu như anh hùng Ngô Gia Khảm, anh hùng Trần Đại Nghĩa (…) đã góp phần xứng đáng vào những thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến lâu dài.


(Hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006)