Cái dòng thoát nước thải của Hà Nội bây giờ, mới hồi tiền chiến nó hãy còn “trong vắt” và đầy rau muống xanh và bươm bướm trắng bươm bướm vàng và các cô gái vừa hái rau vừa hát...

Xưa kia, thời công tử Tú Uyên gặp tiên thì dĩ nhiên nó cực kỳ thơ mộng. Công tử tương tư, tới đền Bạch Mã cầu khẩn, nằm mơ:

“Thấy người cao mũ rộng xiêm,
Tay cầm thiết bảng trang nghiêm khác vời.
Trước sân sang sảng dạy lời,
Rằng: Mai sớm đợi ta ngoài sông Tô.
(...)
Nước trong vắt cỏ xanh rì,
Thạch kiều thấy đó giai kỳ nào đâu?”.

Cái cầu đá đó từng bắc qua chỗ nào bây giờ nhỉ?

À, còn cái “am sông Tô” của Nguyễn Tuân nữa, nó vốn ẩn ở đoạn nào của sông?

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Lạp, “Hái rau trên sông Tô”



Còi bước nhẹ lên nhịp cầu. Ba cây tre ghép liền nhau kêu ọp ẹp, như reo vui dưới bàn chân xinh xắn, trắng hồng. Ống quần Còi xắn cao, lồ lộ đôi vế tròn lẳn. Cái khăn vuông đồng tiền bằng chéo go thâm làm nổi hẳn màu da hơi xanh trên khuôn mặt trái xoan đầy đặn. Vài sợi tóc đen vờn trên làn má phơn phớt lông tơ. Sau gáy Còi, búi khăn vuông nhỏ tai bèo rung động như đùa với đôi dải yếm chúc bâu lả lơi bay. Chân Còi bước, người Còi rung rinh nhịp theo sự rung động của nhịp cầu.

Mặt trời sáng sủa của một sớm mùa đông tạnh ráo ngả dài bóng Còi trên những ngọn rau muống xanh tươi, điểm loáng thoáng hoa tím nhạt. Mấy con bươm bướm sặc sỡ vỗ cánh tung tăng bay, chăm chỉ tìm những bông hoa hé nở để hưởng cái nhụy tinh khiết, phảng phất hương thơm. Vài con no nê bay vút lên cao, đỗ ở những cọc nứa cắm chi chít trên sông như những cột buồm giữa một bến đông thuyền bè.

Gió đêm qua đã thổi dạt những bè rau sát vào hai ven sông. Giữa dòng một làn nước nhỏ hẹp, trong vắt, loang loáng ánh nắng, kẻ một vệt trắng dài tít tắp như một tấm lụa bạch. Họa hoằn, một luồng gió lạnh tạt ngang qua. Làn nước đang chảy lừ lừ về phía ô Cầu Rền, ngừng ngay lại, gợn sóng lăn tăn, rồi xô ngược về phía thượng lưu. Cứ thế dòng sông Tô lúc trôi xuôi, lúc đứng lặng, lúc ngược chiều, biếng lười và rụt rè như một người do dự ba phải vừa mới tiến lên để cố gắng đã vội quay ngoắt trở về, thủ cái thế “bằng chân như vại”.

Hai tay vân vê lan can cầu, Còi có ý nóng ruột. Chị kiễng cao chân, phưỡn ngửa ngực. Làn môi Còi chúm lại, loe ra, to tiếng gọi:

- Bác Nhi! Bác Nhi ơi!

Trên một bực cầu ao bắc ra sông ở đằng cuối xóm hiện ngay ra một người đàn bà, bác Nhi. Tiếng cười của bác vẳng đưa lại:

- Cô Còi đấy hả? Chăm lắm, tốt lắm. Chờ một tẹo, tôi buông thúng xuống đây.

Theo ngay lời nói, một con thuyền thúng đẩy xuống dòng sông. Bác Nhi bước vào thuyền. Hai tay cầm hai mảnh gỗ, bác dúng xuống mặt nước bơi. Chiếc thúng lặng lẽ lướt trên các bè rau, chậm chạp như một con rùa khổng lồ với đôi chân bẹt. Thuyền ghé vào chân cầu, bác Nhi niềm nở nói:

- Xuống đây cô.

Nhanh nhẹn, Còi bước xuống thúng. Thuyền chòng chành trên mặt nước, nhưng Còi không sợ hãi kêu rú như hôm đầu. Chị đã quen, đã hiểu được phải làm thế nào. Ngồi xuống, chị vui vẻ nói:

- Ồ bác để nước đầy thuyền thế này?

- Vẽ! Ụp được hay sao mà sợ.

- Không ụp nhưng tát cho khô, sạch sẽ vẫn hơn.

- Đấy, cô tát hộ đi.

Còi cầm lấy cái bát nhỏ nơi đáy thuyền. Chị múc nước té vào những nõn rau. Mấy con bươm bướm thấy động bay lên chấp chới, Còi mỉm cười, nhìn theo. Bác Nhi đã ghé thuyền vào cầu ao ban nẫy. Bước lên cầu, bác lấy ngón tay chỉ:

- Kìa cô trông: sơ rau cô thả chưa được nửa tháng mà đã đâm nõn kia kìa.

Còi reo lên:

- Ồ chóng quá nhỉ.

- Chậm đấy, nếu có mưa thì chỉ sáu bẩy ngày đã có mầm rồi. Mà mười hôm thì hái được.

Nói đoạn, bác lội xuống sông. Sông nông choèn, nước mấp mé đùi bác. Một giây sau, bác đã lôi lên một cái thúng dìm dưới đáy cầu. Bác chao thuyền cho sạch nước rồi đặt lên dòng sông. Ngồi vào thuyền, bác tươi cười hỏi:

- Móng tay cô đã dài chưa?

Còi xoè cả hai bàn tay lên cao. Mười ngón tay trắng nhỏ thon đã nhú lên những móng hơi dài. Bác Nhi cười ngặt nghẽo:

- Để làm gì cả mười ngón. Có vướng chết người không? Chỉ để hai ngón tay cái và hai ngón trỏ là đủ rồi. Đây như tay tôi đây này.

Bác Nhi xoè tay ra. Những móng ở ngón trỏ và ngón cái của bác dài và sắc như lưỡi dao. Nhưng các móng ấy đều thâm xịt vì ngày ngày hái có đến bao nhiêu là rau. Nhìn những ngón tay xinh đẹp của Còi rồi lại nhìn những ngón tay thô xấu của mình, bác chạnh lòng tưởng tới thời con gái. Mặt bác đượm một vẻ nhớ tiếc vẩn vơ. Nhưng chỉ thoáng một cái, bác đã vui vẻ pha trò:

- Tay những chị hái rau xấu xí nhỉ, cô Còi nhỉ. Nhưng được cái chân chị em mình thì trắng ghê!

Lời nói đùa làm cho Còi đỏ mặt, cúi nhìn đôi chân đặt trong lòng thuyền. Tuy ngượng nghịu, nhưng lòng Còi rạo rực một niềm vui. Chị nhận thấy chân mình có đẹp, người mình có đẹp thật. Đột nhiên Còi nghĩ đến Phả, đến bộ mặt rắn rỏi ngăm ngăm nâu của chàng trẻ tuổi có một tửu lượng không cùng. Tiếng bác Nhi làm Còi giật mình:

- Thôi dông dài mãi. Ta bắt đầu hái đi thôi.

Một làn gió lạnh lướt qua mặt, rũ tan cái mộng lòng của chị. Chị mỉm cười, nhanh nhảu trả lời:

- Phải, ta làm đi thôi. Bọn họ đã đến cả kia kìa.

Quả thực, theo chân đê năm bảu chị hàng rau đang bước lần xuống sông. Chị nào cũng ăn bận theo kiểu bác Nhi và Còi, quần xắn tới bẹn, thắt lưng con cón bỏ múi ra sau. Có chị đội cả cái thuyền thúng trên đầu, nhà chị xa, mỗi lần hái rau xong, chị phải đội thuyền về kẻo mất. Có chị đang loay hoay tìm thuyền dìm xuống đáy sông. Loáng một cái, trên mặt con sông Tô, điểm bồng bềnh đó đây có đến hàng chục chiếc thúng con con.

Mặt trời đã lên cao. Ánh nắng nhuộm vàng những bè rau muống rung rung theo hơi gió nhẹ. Bọn đàn bà ngồi lom khom trên thuyền, hai tay thoăn thoắt ngắt những ngọn rau tươi. Tiếng cuống rau gãy dòn nhẹ, đều như tiếng cánh ong bay - thứ ong siêng năng, cần cù, lặng lẽ gây mật ngọt. Bầu không khí thoáng đãng của dòng sông, đưa vào buồng phổi họ một nguồn sống dồi dào. Làn gió mạnh làm cho họ mạnh dạn. Tia nắng ấm khiến trong óc họ hiện lên hình ảnh no đủ của gia đình. Rất mau chóng, những bè rau bị xén ngắn ngọn trải dài ra phía sau những cái thúng. Và trong lòng thúng, những ngọn rau tươi cứ tiếp tục chất lên cao, lên cao.

Công việc gieo vào lòng họ niềm yêu đời bồng bột. Một chị ngừng tay hái, ngoảnh lên nói với Còi:

- Hôm nay nắng ấm, vui quá mày nhỉ.

Bác Nhi nhanh nhảu trả lời hộ:

- Ừ trời thích thật. Chị Cầm hát lên cho vui nào.

Còi bắt ngay lấy:

- Phải đấy, chị Cầm hát đi. Giọng chị trong trong là...

- Chịu thôi. Hát có phải là hái rau đâu mà lúc nào cũng hát được.

Cầm nhỉnh hơn Còi vài tuổi nhưng nhan sắc cũng chẳng thua gì Còi. Hai cô trẻ nhất và xinh nhất bọn. Mọi người cùng mến, nên cùng xúm lại ép:

- Cầm! Hát đi! Giọng mày trong thật.

- Hát! Có hát không thì bảo! Tao lại phang cho một đòn gánh bây giờ.

Cầm bơi vội con thuyền để tránh cây đòn gánh của người bạn giơ ra đe. Thuyền đã tránh ra xa, chị cười rũ rợi:

- Đố đuổi được đây đấy.

Cô bạn đấu dịu cốt để Cầm hát:

- Mày nhanh như cắt thì ai mà đuổi được. Thôi đây chịu thua đấy đấy. Nhưng Cầm ơi! hát lên cho chị em nhờ với nào.

Tiếng nhộn nhịp tưng bừng của xe cộ qua lại trên mặt đê gọi vào tâm hồn Cầm một nỗi vui náo nhiệt. Không muốn để bạn thúc giục nữa, Cầm ngừng thuyền giữa một bè rau xanh, ngửa mặt lên bầu trời vòi vọi, giặng hắng, rồi cất tiếng hát:

Tiền chì mua được cá tươi
Mua rau mới hái (ố a) mua người nở nang
Tiền trinh mua vội mua vàng
Mua phải rau héo (ư ư) mua nàng ngẩn ngơ.


Giọng hát của Cầm trong và cao, len lén vào tâm hồn mọi người. Ai nấy đều ngừng tay, mắt thẫn thờ như trao hồn vào cảnh mộng. Riêng một chị Nhi nheo lông mày. Chị đã cao tuổi, đường nhân duyên xem ra muộn màng. Chạnh lòng, Nhi cũng cất tiếng hát như thổ lộ nỗi uất ức:

Tốt duyên lấy được vợ già
Vừa sạch cửa nhà, vừa dẻo cơm canh
Hoài hơi mà lấy trẻ ranh
Ăn vụng xó bếp (ớ a ơ) ỉa quanh (là quanh) đầu nhà...


Mọi người cùng cười vang. Tiếng cười giòn quá làm cho chị càng hậm hực:

- Chứ không à! Hoài hơi mà lấy trẻ ranh.

Nhưng có một giọng nhẹ nhẹ nổi lên như gió đùa trong lá liễu:

Ta nghe tiếng hát đâu đây
Ta về (là ta... a a) rút thuyền mây đi tìm
Ta nghe tiếng hát bên kia
Ta về ta bảo (tình bằng ta bảo ớ à ơ) mẹ cha sang mời.


Khác với tiếng hát già dặn của Cầm, giọng hát của Còi ngọt ngào như tiếng chim câu thầm thì trên một cành cao. Bầu không khí vừa hơi vẩn đục vì sự giận dỗi bâng quơ của Nhi, lại lắng xuống. Tiếng hát đã im bặt nhưng trên mặt mọi người còn lộ vẻ bâng khuâng, như luyến tiếc một thứ gì thân yêu, quý báu vừa lọt qua kẽ tay rơi biệt tăm xuống giữa dòng sông. Một giây sau, bác Nhi ngẩng đầu, nói giọng thân mật:

- Em Còi hát hay chả kém gì em Cầm...


(Trích truyện dài
Ngõ hẻm. Nhan đề phần trích tạm đặt.)