Đánh đồn khó, là bởi ta phải phơi mình ra còn địch thì được núp kỹ. Ta đào chiến hào là tạo cho mình chỗ núp. Dĩ nhiên rút cuộc cũng phải nhảy lên xung phong, nhưng rút ngắn cái quãng thời gian làm bia cho địch bắn được bao nhiêu thì đỡ thiệt hại bấy nhiêu. (Thu Tứ)



Lê Vĩnh Hòa, “Bên chiến hào” (2)




Ngày 17-12 (năm 1965)

Những giờ tiền duyên im tiếng súng, bốn bên bỗng trở nên vắng vẻ một cách lạ thường. Nghe cả tiếng con chim kêu thỏ thẻ trên bệ cửa sổ một nhà hoang và tiếng gió thổi qua tấm lá rách tòn teng bên hông nhà.

Bóng tre râm mát suốt một quãng đường dài. Nắng đổ lốm đốm trên thân áo những đồng chí trinh sát loáng thoáng đằng xa.

Chi khu Vĩnh Thuận còn cách một rặng cây vườn, tôi dừng chân tỳ tay trên bệ đất nhìn về phía trước. Con đường hào tự nãy giờ len lỏi giữa những đám chuối sau vườn, tới đây bỗng xỉa một mũi “râu tôm” ra ngay mé lộ. Mấy cây cau gãy ngang nhưng thân vẫn còn chưa rời gốc. Ba cây dừa úa đọt. Một vùng đất lở lói vết đạn đào. Thật là lạ, bên cảnh tàn phá làm sao vẫn còn một cây bông trang trụi lá nhưng hoa đỏ lấp cành, đứng bên đường như một niềm vui bỡ ngỡ. Trên bãi cỏ, một cậu du kích trẻ sau phiên tuần tra, nằm ôm súng ngủ. Chiếc nón nỉ có gắn mấy bông bụp và bông vạn thọ úp che nửa vầng trán. Nắng rơi trên má soi rõ từng sợi lông tơ mịn và vàng. Cậu bé ngủ, mũi hếch lên, đôi lông mi dài sụp xuống, ngây thơ và dễ thương như đứa bé đang ngủ êm đềm bên cạnh mẹ.

Tôi nhảy lên khỏi chiến hào đi giữa con đường đất trắng của vùng ấp chiến lược cũ. Tất cả tan hoang, đồng bào đã trở về với vườn ruộng. Những dãy nhà liền mí dựng lên trong những ngày địch dồn dân lập ấp, bây giờ lại bị đạn của chúng, gục đổ tả tơi…

Trong buổi trưa vắng lặng, chi khu cô độc đang nằm hấp hối giữa cảnh hoang tàn đổ nát do chính nó gây nên.

*

Đêm nay chiến hào lấn lên 300 thước. Đội tiền tiêu bám mũi chuyển theo. Nằm trong căn nhà trống trải, nhìn lên thấy nhấp nháy sao trời. Tiếng chân tuần tra rơi trong đêm lặng lẽ.

Ngày 18-12

Trung sĩ Tụng núp sau gốc cây dừa, chửi thề một câu rất tục tĩu rồi khoát tay ra sau nạt lớn:

- Bắn chết mẹ thằng bận bộ đồ mốc cho tao. Tiến lên!

Tư Hơ bận đồ lục quân mốc, cùng tổ ba người ở bên này kinh Hai cách chúng không đầy 100 thước, nghe rõ nó chửi ngay mình, nóng mũi lên tiếng:

- Trung sĩ Tụng, mày có giỏi nhảy ra bắn chơi. Đừng có thụt ló sau gốc dừa mà làm phách.

Thằng trung sĩ vẫn không dám rời chỗ núp, miệng chửi thề om trời. Tư Hơ đưa bá đỏ lên vai ngắm, kêu lớn:

- Coi đây!

Nó vừa ló đầu dòm bị đẩy cho một phát văng mỡ óc chết tốt. Cả đám rùng rùng kéo nhau chạy về đồn.

Trận đó là trận ngày 6 tháng 12. Địch chết 3, bị thương 1.

Đồng chí Tư Hơ dẫn tôi đến xem chỗ còn một vết đạn lểu bên thân dừa, ngang tầm đầu người.

Trước ngày bao vây chi khu, Tư Hơ là đội viên du kích. Qua 2 tháng, đánh 10 trận, Tư Hơ bây giờ là xã đội phó, cùng với đội trực tiếp giữ mũi này.

Tôi không làm sao kịp nhớ tên từng đồng chí, không làm sao nghe kịp những câu chuyện nhiều khi thiếu đầu thiếu đuôi mà các đồng chí đã hấp tấp kể giữa những bữa cơm bên chiến hào, hay rỉ rả thì thầm trong đêm tối nằm bên hầm ô-buýt.

Trận ngày 12 tháng 10, tám tay súng của đội đánh lui một đại đội địch, diệt nhiều tên, bẻ gãy kế hoạch phản bao vây của chúng. Tính ra trong trận này, mỗi một du kích chưa được huấn luyện thuần thục của ta phải đánh với hàng 20 chục tên lính chủ lực nhà nghề của địch. Đó là chưa kể chúng được trang bị tốt hơn và có phi pháo yểm trợ.

Trưa hôm nay, đứng bên chiến hào nơi xảy ra trận đánh, nghe các đồng chí thuật lại tôi bỗng thấy thực ra cán cân lực lượng nghiêng hẳn về bên ta chứ không phải bên địch. Mỗi thằng địch ở chi khu bị bên ta 100 người vây đánh. Rõ ràng là không phải chỉ có những người du kích giữ mũi này bao vây chi khu, mà chi khu hiện đang bị bao vây và tấn công bởi gần 5 vạn đồng bào trong huyện, đa số không cầm súng mà cầm cuốc xẻng đào nên những công trình chiến đấu cực kỳ lợi hại!

Một cậu du kích 16 tuổi như cậu bé Hoàng với cây bá đỏ bắn từng viên một, có thể bình tĩnh chống trả và chịu được sức tấn công của hàng bao nhiêu tên địch trang bị tốt hơn nhiều, diệt một số và khiến chúng cuối cùng phải tháo chạy rút lui, đó là nhờ những đường hào ngóc ngách hiểm yếu mà hàng mấy vạn dân công đã ngày đêm đào xẻ để bảo vệ du kích, và nhờ hai bên đồng trống có hàng ngàn hố chông, bãi lửa do đồng bào bố trí để ngăn không cho giặc thọc vô sườn trận tuyến.

“Đánh giặc dưới đường hào này ấm lưng lắm”. Một du kích mới, vừa lau súng vội vã, vừa nói với tôi như vậy.


(Trong phần “Mấy trang nhật ký”,
Tuyển tập Lê Vĩnh Hòa, nxb. Tổng Hợp Hậu Giang và nxb. Văn Nghệ TPHCM, 1986)