Nhớ Điện Biên Phủ. Năm 1954 hệ thống chiến hào đại qui mô trên cánh đồng Mường Phăn đã góp phần quan trọng giúp bộ đội chủ lực ta toàn thắng giặc Pháp: “Làm nên chiến thắng có tiếng hát vang trời của các giàn đại bác / Lại có im lìm của tiếng cuốc chim” (Chế Lan Viên). Nhớ các khu địa đạo Vĩnh Linh, Củ Chi v.v. Rõ ràng những “kỳ quan kiến trúc quân sự” đã là một yếu tố then chốt giúp quân ta công thủ đều thành công bất kể hỏa lực cực kỳ áp đảo của đối phương. Quân kháng chiến Việt Nam đã mọc rễ trong lòng đất! Được như thế, là nhờ trước tiên đã mọc rễ trong lòng dân mà có sức lớn của dân... Các cô dân công chê “tôi” “giờ này lỏng nhỏng ngoài đường” thật là oan quá. Không có “tôi” đi “ngửi” thì bây giờ ai biết “mùi của chiến hào” ở một địa phương miền tây ngày ấy nó ra sao. (Thu Tứ)



Lê Vĩnh Hòa, “Bên chiến hào” (1)




Ngày 16 tháng 12 năm 1965

Sớm nay mưa phùn, những trận mưa cuối mùa không lớn hột mà lạnh. Một cô dân công lập cập trợt chưn té lăn kềnh trên mặt đất ướt. Tôi vội quay mặt, bước lảng đi cho cô ta đỡ ngượng.

- Trai tráng gì mà giờ này lỏng nhỏng ngoài đường, chờ coi người ta té rồi cười hả?

Cô bé vừa té đã chống tay đứng dậy, vểnh mặt nhìn một cách “hiếu chiến” nói với theo. Nhận ra cô ta đang mặc cái áo ni-lông màu hường, tôi nghĩ ngay được một câu trả đũa thật đau, vừa toan nói ra, vội ghìm miệng lại kịp.

Thấy tôi đứng ngẩn người ấp úng, các cô nói gì nho nhỏ với nhau rồi cười riêng rúc rích. Một cô đưa lển (?) lên cao hỏi lớn:

- Chịu thua rồi hả?

Tôi hơi tự ái, ngập ngừng một chút rồi trả lời xuôi xị:

- Thua.

Thôi, tôi đành chịu thua vậy. Các cô tuy có người còn khuyết điểm bận áo ni-lông, nhưng đang thực sự vất vả tham gia kháng chiến, mình mẩy bê bết bùn sình. Còn tôi, dù tôi cũng đang bận đồ ba ba mốc đi công tác đấy, nhưng nhìn lại thấy tay chưn mình sạch sẽ quá nên đâm ngượng không dám đôi co nhiều lời.

Tôi nghe thanh nữ xã Vĩnh Phong có người cầm súng giữ chiến hào đánh nhau với hàng trăm lính ngụy chi khu Vĩnh Thuận. Không biết các cô ấy có mặt trong số này hay không, nhưng cứ xét ra: đã đào công sự và nghi trang các chiến hào hậu cứ này được, thì việc theo đường hào này mang cơm ra cho các chiến sĩ giữ mũi đang ở đầu kia có nhiều chị đã làm, không phải là việc khó. Rồi từ chỗ đem cơm ra cho chiến sĩ đến việc gặp giặc tấn công, cầm cây súng bắn lại chúng để bảo vệ chiến hào như cô Hường, cô Lợi ở đây đã làm, đối với các cô hình như cũng không phải trải qua một bước gì dài cho lắm.

Cứ nhìn cách ăn mặc tôi cũng đoán được là trong số các cô đang tham gia phục vụ tiền tuyến một cách vui vẻ này chắc có nhiều cô ở theo bờ xáng – vùng vừa thoát thế kềm kẹp của chi khu ngụy cách đây không lâu. Có lẽ tấm áo ni-lông màu các cô chưa kịp rách để thay bằng cái áo vải đen như mọi người khác, nhưng cuộc sống bên trong ở đây đã đổi nhịp điệu rất nhiều.

*

Tôi để trọn ngày nay đi tham quan một mũi chiến hào.

Thật ra đi dưới những đường hào này không thể nào nhìn bao quát được cái tầm rộng lớn của những công trình thiết bị bao vây đánh lấn chi khu được. Không thể nào thấy được những chiếc cầu chướng ngại bắc ngang qua kinh xáng, những ụ đất chặn ngang từng khoảng lộ. Càng không thể nào thấy được những bãi lửa, hố chông trùng điệp trên các cánh đồng. Tất cả làm thành một hệ thống chằng chịt hàng mấy chục cây số thuộc ba xã vây quanh chi khu như một tấm lưới kiên cố.

Và ngay ở dưới trục chiến hào cũng không thể xem hết tất cả các mũi “râu tôm”, những ổ cá nhân chiến đấu như những lô-cốt ngầm, các điểm tựa tam giác có thể vừa phòng ngự, vừa bắn chận máy bay tiếp tế cho chi khu. Đi như thế này chẳng qua chỉ là để “ngửi” một chút mùi của chiến hào mà thôi.

Tôi ngồi nghỉ bên một bờ hào bị lấp. Tại đây những cuộc chiến đấu đẫm máu đã diễn ra trong 80 ngày đêm qua để giành đi chiếm lại từng thước đường. Địch lấp chỗ này ta đào chỗ khác, có nơi phải làm đi làm lại tới bốn năm lần. Quanh những đường hào này, những tay súng du kích Vĩnh Thuận, Vĩnh Phong, Vĩnh Bình đã diệt và làm bị thương gần 400 giặc. Hai tháng qua, 600 tên địch còn lại trong cái chi khu từng gây bao nhiêu tội ác đã biến thành 600 tên tù.

*

Tôi bỗng nghĩ đến mối liên quan mật thiết giữa mặt đất và con người. Chưa bao giờ chúng ta khắng khít với đất, tin vào đất hơn lúc này.

Dùng hàng bao nhiêu trăm tấn thuốc nổ, chín tháng qua, địch đã không thể bứng được dù chỉ là một xóm nhỏ của huyện này rời khỏi đất. Vì giặc, chúng chỉ tạm thời chiếm trời mà ta thì vĩnh viễn mọc rễ trong lòng đất.

Giặc có phi cơ phản lực nghe nói bay tới hai ngàn cây số một giờ. Tên phi công chỉ cần ấn ngón tay vào một nút điện là có thể trút xuống hàng loạt bom, mỗi trái bom có thể đào một lỗ đất sâu bằng cái đìa. Còn ta, ta có cái vá mỗi giờ chỉ đào được một công sự hay cao lắm là hai thước chiến hào. Nhưng phản lực cơ của chúng cũng không thể cứu được chi khu của chúng ra khỏi vòng vây chiến hào. Vì sau những chiếc máy tối tân kia chỉ có những con vật điên rồ đã bị đánh hổng chưn khỏi mặt đất. Còn cái vá của ta được sử dụng bởi hàng vạn tấm lòng ngùn ngụt lửa căm thù truyền kiếp, yêu đất như yêu chính bản thân mình.


(Trong phần “Mấy trang nhật ký”,
Tuyển tập Lê Vĩnh Hòa, nxb. Tổng Hợp Hậu Giang và nxb. Văn Nghệ TPHCM, 1986)