Võ Nguyên Giáp, “Phải vừa đánh vừa xây”




Bản chất của chiến tranh hoàn toàn mâu thuẫn với việc xây dựng đất nước vốn đòi hỏi hòa bình, ổn định. Những khó khăn của ta càng gay gắt (…) Kinh tế nông nghiệp lạc hậu (…) Quân thù đã có mặt trên hầu khắp lãnh thổ (…) Hoàn toàn không có nguồn chi viện vật chất từ bên ngoài (…) Những cơ sở vật chất nơi thì bị quân địch chiếm đóng, nơi thì bị chúng tàn phá (…)

Kháng chiến (…) nhưng không thể không chú trọng xây dựng đất nước, xây dựng chế độ mới. Hai nhiệm vụ liên quan mật thiết với nhau. Vì người dân chỉ dốc hết tâm lực của mình vào công cuộc kháng chiến nếu họ gắn bó với chế độ. Đường lối cơ bản của ta trong chiến tranh là: vừa kháng chiến vừa kiến quốc (…)

Qua mấy năm kháng chiến, chế độ mới ngày càng củng cố. Chúng ta đã có một nhà nước dân chủ (…) thực sự của dân, vì dân, một khối đoàn kết dân tộc rộng rãi và vững chắc, một nếp sống văn hóa lành mạnh. Đó là bảo đảm vững chắc cho lực lượng vũ trang hoàn thành nhiệm vụ ngày càng lớn của mình.

Sau thất bại của cuộc tiến công Việt Bắc (thu đông 1947), trong một cuộc họp báo ở Hà Nội, một viên sĩ quan Pháp đã giải thích là không hề có chính phủ Việt Minh như người Pháp vẫn lầm tưởng, chỉ có những căn nhà lá tồi tàn với những bộ trưởng ba-lô trên lưng, hồ sơ đựng trong xà-cột, sẵn sàng lẩn trốn vào rừng khi quân Pháp xuất hiện. Về bề ngoài, anh ta không quá nói ngoa. Nhưng điều rất lớn mà viên sĩ quan không hiểu, là chính ở trong những căn nhà lá với những ông bộ trưởng như vậy, những quyết định quan trọng của nhà nước Việt Nam đã ra đời và sẽ chôn vùi số phận quân đội viễn chinh.

*

Địch (phá hoại và) bao vây ta về kinh tế, ta đề ra chính sách tự túc tự cấp trên toàn quốc và ở từng địa phương để kháng chiến lâu dài (…)

Vấn đề lương thực được đặt lên hàng đầu. Bác kêu gọi:

Ruộng rẫy là chiến trường,
Cuốc cày là vũ khí,
Nhà nông là chiến sĩ,
Hậu phương thi đua với tiền phương
(…)

Nhờ (chính phủ tiến hành nhiều biện pháp khuyến nông) tuy ruộng vườn bị chiến tranh thu hẹp (…) nạn đói không xảy ra nghiêm trọng ở bất cứ đâu trong vùng tự do. Đời sống của những người nghèo khổ so với trước cách mạng đã khá hơn nhiều.

Chúng ta khuyến khích trồng bông, trồng dâu, nuôi tằm. Nghề kéo sợi, dệt thủ công được phục hồi và phát triển, nhờ đó vấn đề mặc được giải quyết một phần. Chỉ riêng Liên khu IV, năm 1949 đã dệt được 12 triệu 812 nghìn thước vải. Liên khu V đã tự túc được về mặc. Những bộ quân phục xi-ta bền đẹp đã trở thành niềm tự hào của Liên khu (…)

Ngay trong những ngày đầu kháng chiến, Chính phủ đã chủ trì nhiều cuộc họp với các nhà trí thức và kỹ sư tại Vân Đình để bàn việc mở mang công nghiệp của đất nước (…) Cùng với công nghiệp quốc phòng phát triển vượt bậc, các ngành công nghiệp khác hướng vào dân sinh, sản xuất nhằm thay thế hàng ngoại, cũng hoạt động mạnh. Trong ba năm đầu kháng chiến ta đã khai thác được hơn hai vạn tấn than, sáu ngàn tấn phốt-phát, ba trăm tấn diêm tiêu; đã sản xuất được một số hóa chất cơ bản: a-xít, xút, cồn 90 độ; đã đặt vấn đề luyện kim theo qui mô nhỏ.

Các ngành thủ công nghiệp dần dần được khôi phục (…) Đặc biệt nghề giấy phát triển mạnh trên cả nước. Toàn quốc có 553 xưởng giấy, trong năm 1949 đã sản xuất được 1587 tấn (…)

Cùng với việc xây dựng nền kinh tế tự chủ, chúng ta đã xây dựng một nền tài chính độc lập (…) Ngày 3 tháng 11 năm 1946 (…) Chính phủ ra sắc lệnh lưu hành tờ bạc Việt Nam trên toàn quốc (…) Tháng 4 năm 1948 (…) ra sắc lệnh bắt đầu từ ngày 22 tháng 5 năm 1948 thủ tiêu giấy bạc Đông Dương thay thế bằng giấy bạc Việt Nam (…) Việc đảm bảo cung cấp một lượng giấy bạc đáp ứng nhu cầu của kháng chiến là một cố gắng lớn của cán bộ, công nhân ngành tài chính. Cơ sở vật chất nhỏ bé, lại bị địch đánh phá nhiều lần (…) Đồng bạc Việt Nam trong những năm đầu tương đối ổn định (…) Nhưng (rồi) do Pháp mở rộng lấn chiếm đồng bằng và trung du (…) giá gạo tăng vọt. Đồng bạc Việt Nam bắt đầu mất giá (…) Cuối cùng, ta (…) phải quyết định thu thuế bằng thóc và phát hành đồng 500 (…)

Kế hoạch phục hồi kinh tế Đông Dương của địch cũng phá sản. Địch không thực hiện được kế hoạch chiếm đóng và xây dựng lại những vùng kinh tế quan trọng (…)

Phong trào đấu tranh của công nhân trong vùng địch kiểm soát ngày một phát triển, lúc thì gây phong trào lãn công, lúc thì bí mật phá hoại máy móc vật tư, nguyên liệu (…) Nhất là từ năm 1949, sau khi có một kế hoạch thống nhất giữa Bộ Quốc phòng – Tổng tư lệnh với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, việc phá hoại kinh tế địch lại càng đi vào chiều sâu.

Tóm lại, khó khăn của ta là khó khăn của bước đường đi đến thắng lợi, khó khăn của địch là khó khăn trên con đường đi xuống, không thể nào khắc phục được.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 526-537. In đỏ đậm do người trích.)