“Thua Tôn Hành Giả”




(…)

Trong tình hình văn hóa dân tộc đang đại biến chuyển, bây giờ không còn là lúc ta nên giữ gìn, khiêm tốn, khi phát biểu về những thành tích trong quá khứ nữa. Hết sức vắn tắt, suốt mấy nghìn năm qua, văn hóa Việt Nam đã liên tục phát triển theo một hướng nhất định, đạt đến những đỉnh cao theo hướng ấy mà không một nền văn hóa nào trên thế giới có thể so sánh được. Cụ thể, tổ tiên ta đã chỉ cải tạo tự nhiên vừa phải mà tập trung hầu hết khả năng tinh thần vào hoạt động cảm xúc. Chớ có coi thường cảm xúc! Nó mới chính là cái hoạt động làm cho sự có mặt của chúng ta trên cõi đời này may ra có ít nhiều ý nghĩa. Hay ho gì cái lối ngày đêm bóp trán nặn óc suy suy luận luận khám phá luật nọ luật kia, rồi cặm cụi hì hục chế tạo máy nọ máy kia, mà lòng thì trơ như đá! Ta chỉ ngước mặt ngắm trăng mà làm được bao nhiêu thơ hay. Họ đã bay lên trăng, chẳng thấy nhờ đó sáng tạo ra được lấy chỉ một bài thơ một bức tranh một bản nhạc có giá trị. Họ lên trăng, dửng dưng, mà khi lên được sao Hỏa, sao Mộc, rồi ra ngoài Thái dương hệ, ngoài Ngân hà v.v., chắc chắn cũng sẽ dửng dưng thôi. Bay như phải gió, bay lung tung khắp vũ trụ, thấy thật nhiều, mà chẳng thấy lòng mình ra làm sao cả, thì bay làm gì! Cái ý nghĩa của hiện hữu nó ở trong tất cả và từng vật chứ nó không phải trốn ở cái xó xa xôi nào trong vũ trụ. Biết nhìn thì nhìn một cũng thấy, còn không biết thì có nhìn được tất cả cũng không thấy… Ấy, chúng tôi ngon trớn, đã lỡ lạc qua nội dung triết lý mất rồi. Xin trở lại ngay với thành tích văn hóa của tổ tiên. Các cụ ta chẳng bù đầu săn luật chế máy để vọt lên thế giới nào cả, mà chỉ tập trung cảm xúc cái thực tại ngay xung quanh mình mỗi lúc một thêm tinh tế, rồi diễn cảm ra thành những nghệ phẩm đẹp đẽ tuyệt vời. Thậm chí các cụ có thể đọc một cuốn tiểu thuyết do người khác sáng tác, cảm cái nội dung hư cấu mà viết nên thơ có một không hai. Truyện Kiều đó.

Nhưng thơ hay không dùng để làm giàu hay chống vũ khí lợi hại của người Tây phương được. Tây chưa qua thì người Việt Nam tha hồ tiếp tục phát triển văn hóa mình theo hướng cảm. Một khi Tây đã qua thì (…) Cả một truyền thống văn hóa độc đáo nay không còn tương lai.

Sách Cảm nghĩ miên man viết về văn hóa Việt Nam là về cái văn hóa Việt Nam truyền thống đang hấp hối ấy. Chúng tôi xem công việc mình làm đại khái như đi dựng bia. Cái khổ là do nội dung chủ yếu là cảm xúc nên những thành tích tinh thần của tổ tiên ta không thể đem ra giảng được. Bia chỉ có thể cố gợi cảm xúc thôi, mà chỉ may ra gợi được đối với những người có tâm hồn nhạy cảm thôi. Người Việt Nam mai sau vì thuần lý trí nên đọc Kiều sẽ dửng dưng, rồi nếu có tò mò quay sang đọc những cái bia Kiều mà người trước như chúng tôi đã gắng dựng lên thì chắc chắn cũng vẫn chẳng thấy rung động một chút gì. Họ có còn tâm hồn đâu nữa mà rung với động!

Văn hóa Việt Nam truyền thống sẽ chẳng những mất ngoài đời sống, mà còn mất liên lạc trong tinh thần với người Việt Nam mai sau.

(…)

Thử nghĩ về khoa học. Khoa học kéo dài tuổi thọ của từng cá nhân, nhưng không có gì bảo đảm là sẽ kéo dài tuổi thọ của loài người. Ngược lại, khoa học có thể làm loài người chết sớm bằng ít nhất ba cách. Cách thứ nhất là thông qua thế chiến bằng vũ khí nguyên tử hay vũ khí gì đó ghê gớm hơn nữa. Cách thứ hai là thông qua đại biến môi trường do hoạt động kỹ nghệ. Cả hai cách này ai nấy đều nghe quen lắm rồi. Hôm nay chúng tôi muốn nói tới cái cách thứ ba.

Nhân loại không bằng Tôn Hành Giả! Con khỉ đá luyện xong bảy mươi hai phép thần thông, cưỡi mây lướt gió bay tới tận chỗ năm cái cột chống trời, vẫn còn y nguyên là một con khỉ lành mạnh. Nhân loại khám phá luật tự nhiên, chế phi thuyền bay mới tới mặt trăng, thì đã sinh tâm bệnh chí tử rồi. Bệnh đồng tính đang hoành hành ở Tây phương và có thể sẽ lan tràn khắp thế giới. Giữa chúng ta bây giờ có một thiểu số không thật ít mà nếu được gặp Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ làm Người rụng rời bưng mặt: ngày xưa ta nặn ra A-đam và E-và, sao bây giờ các con lại như thế này?!!! Cứ đà biến chuyển hiện nay, có thể đến lúc nào đó loài người như ta biết sẽ phải coi như đã chết rồi. Đó là cách tuyệt chủng thứ ba.

Nhưng tại sao lại bắt khoa học chịu trách nhiệm ở đây? Kể ra, khoa học không phải là chánh phạm mà là tòng phạm đắc lực. Chánh phạm là những thay đổi trong xã hội Tây phương sau Thế chiến thứ Hai. Cá nhân chủ nghĩa, quá độ trong quan niệm “quyền”, đạo đức suy đồi, văn hóa tâm linh suy thoái, tất cả cùng nhau khiến chẳng những mọi giá trị tinh thần hết sức nhanh chóng biến mất mà rút cuộc chính những tiêu chuẩn định nghĩa con người lành mạnh cũng không tồn tại nổi. Mô hình xã hội là gốc của bệnh. Khoa học giúp bệnh diễn biến siêu nhanh, thông qua tiến bộ kỹ thuật. Bởi vẫn còn mặc cảm tự tôn, Tây phương không biết là mình đang bệnh. Bệnh nặng không chữa dĩ nhiên sẽ chết. Tây chết, nhưng nhân loại còn đầy người khác, sao lại bảo tuyệt chủng? Thì cứ đà nơi nơi đang…, có thể sẽ lây bệnh Tây, chết theo Tây, chứ sao.

*

Hết buồn (…) chuyện nước mình đến bi quan về tương lai nhân loại!

Sách Cảm nghĩ miên man này có gì vui không? có gì tích cực không?

Thiết tưởng sách nhắc đến bao nhiêu thành tích rực rỡ của văn hóa Việt Nam truyền thống, sao lại không có gì vui? Thiết tưởng tìm hiểu, biểu dương những thành đạt của cha ông xưa kia là góp phần xây dựng lòng tự tin cho con cháu bây giờ, tạo cơ sở cho ý chí chống xâm lăng văn hóa, sao lại không có gì tích cực? Và thiết tưởng ngay cả chỉ ra rằng tương lai nhân loại có thể cực xấu cũng có giá trị tích cực là cảnh báo chúng ta không nên lon ton chạy theo học tất cả mọi thứ của Tây. Học Tây phương pháp khoa học thôi, cương quyết không học mô hình xã hội, thì ta có thể hơn Tây mà bằng được Tôn Hành Giả!

(…)



Thu Tứ
Trích phát biểu trong dịp ra mắt sách
Cảm nghĩ miên man
ngày 21-8-2015 tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc học,
Thành phố Hồ Chí Minh