“Vừa buổi sáng, lượt đi, Lương còn xuống nghỉ ở đấy mấy phút, vào một cái quán ngồi ăn quả chuối, uống bát nước chè tươi. Thế mà (…) tất cả đã thành tro than (…) Một người đàn bà đang lúi húi bới tìm trên nền nhà cháy đen, thỉnh thoảng lại ngẩng lên, mắt ngơ ngác. Một chị dân quân đi qua thấy thế đứng lại gọi: “Bác Dần tìm gì đấy!”, rồi bảo Lương: “Tội nghiệp, bác ấy quẫn trí mất rồi! Bác ấy đi làm, để ba đứa con ở nhà, lúc máy bay chúng nó đến thả bom, bác chạy về thì chỉ còn thế kia!”. Chị dân quân vào dắt người đàn bà ra, vừa đi vừa dỗ: “Bác về trong nhà với cháu””… “Lương (…) nhìn thấy những máy bay giặc mang bom là chỉ muốn lăn xả vào đánh kỳ cùng”.

Thoạt tiên, ta đánh là do kẻ kia nhất định chia cắt đất nước ta. Nhưng sau khi chiến sự bắt đầu, ta đánh còn vì những tổn thất đau lòng sờ sờ trước mắt.

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Mặt trận trên cao (5)



Trời trở xấu thêm mãi, mấy ngày luôn mưa như trút nước. Nhưng ngày nào đại đội bốn cũng có mặt ngoài sân bay, hơi hửng lên một tí là anh em lại cất cánh tập. Họ nghe loáng thoáng là sắp có những thay đổi trong đơn vị. Theo dõi hoạt động của thằng địch, họ thấy rõ là nó đang thắt chặt vòng đánh phá vào đến khu vực Hà Nội, Hải Phòng. Thêm một cái gay go mới nữa là đê. Mưa nhiều, nước các triền sông đang lên to. Đài ta báo tin nó đã ném bom mấy khúc đê sông Trà Lý ở Thái Bình, và cả mấy quãng đê sông Hồng, gần biển, dưới Nam Định. Hàng ngày nghe tin và nhìn trời, anh em đại đội bốn càng sốt ruột.

Việc thay đổi được thông báo vào một buổi tối: một số đồng chí lái được trên lấy đi để xây dựng những đơn vị mới, một số anh em mới đi học về sẽ tới bổ sung. Ở đại đội bốn cũng có mấy đồng chí được điều động. Bản được đề bạt làm đại đội trưởng và đưa đi một đơn vị mới. Sáu lên làm đại đội phó thay Bản. Trong biên đội của Lương sẽ có một cậu trẻ nữa.

Tan cuộc họp, ở hội trường về, anh em đại đội bốn còn xôn xao. Họ xúm lại quanh Bản và mấy đồng chí sắp chuyển, vừa đùa vừa bàn tán về tình hình.

- Anh Bản nhận nhiệm vụ mới lại đúng dịp bu nó lên thăm thì thú quá còn gì!

- Ấy, cái số tớ nó thế. Mẹ cháu chỉ lù đù vậy, nhưng hễ có chuyện gì hay trong đời tớ là y như rằng mẹ cháu lại có đấy để đỡ đầu cho mình rồi!

Họ lăn ra cười. Trong đại đội, tất cả anh em đều biết chị Bản và rất quý chị. Hai vợ chồng ấy lấy nhau từ ngày nhỏ tuổi theo phong tục cũ của làng họ. Bản tuy ngày trẻ cũng lam lũ nhưng sau này được đi học nhiều năm, được ra nước ngoài, nên tươi mưởi lên, còn chị vợ thì bây giờ trông đã ra người đàn bà đứng tuổi, có phần già hơn chồng. Từ ngày Bản về đơn vị ở đây, chị đã mấy lần lên thăm, lần nào cũng ở lại dăm bảy hôm, mỗi lần gặp chồng, chị như trẻ lại, đẹp ra, hai mắt lại sáng, hai má lại đỏ, lần nào lên thăm chồng, chị cũng đem lên cho anh em vô khối quà “cây nhà lá vườn”, khi thì gà, chuối, khi thì na, nhãn, vải thiều. Mấy cậu trẻ đã nhận chị là chị nuôi.

- Anh Bản đi thì chúng tôi cũng tiếc, nhưng chúng tôi chỉ lo nhất là từ bây giờ không được ăn quà của chị nữa.

- Chưa bằng mấy cậu em đã nhờ chị nuôi tìm vợ hộ cho chứ!

- Thôi, các bạn ơi, sắp kẻng rồi!

Toản đứng dậy, hích khuỷu tay vào người Lương, thì thào:

- Xem chừng tụi mình sắp được nện ra trò đấy.

Lương và Sáu về buồng. Họ bỏ màn, rải giường rồi vẫn chưa muốn đi nằm. Sáu còn pha một ca nước chè cuối nữa.

- Mấy đêm trời mưa, có lúc nằm nhớ nhà dữ quá, Lương à. Mình vừa được thơ một người bạn cũ kể chuyện năm ngoái trong đó, lần đầu nghe đài báo tin không quân ta hạ máy bay Mỹ, ảnh đang ăn cơm mà nghẹn cổ lại và cứ bỏ cơm đó đứng dậy chạy ra chạy vô như phát cuồng.

Từ ngoài sân văng vẳng đưa vào tiếng phong cầm, Toản đang kéo điệu “bài ca may áo”. Tiếng đàn có vẻ say sưa, điệu nhạc hồn hậu tươi vui làm cho Lương lắng tai theo dõi. Sáu ngồi đầu giường, gù gù cái lưng, tay cầm ca nước chè, mắt xa xăm. Một lúc, Sáu nhấp mấy ngụm nước rồi quay sang:

- Chi ủy đã bàn và đề nghị, đợt trực chiến sắp tới, cậu sẽ bay đôi với Toản. Cậu thấy sao?

- Rất hay! Toản đi với tôi thì hợp lắm.

- Chúng mình cũng nghĩ vậy. Toản nó mến cậu.

- Tôi cũng rất mến Toản, anh ạ. Nhưng kể ra, giá anh bay làm trưởng cho nó thì hơn. Toản nó bay có mặt còn hơn tôi và đang tiến nhanh, tôi chưa chỉ huy bao giờ và bay cũng không có gì xuất sắc sợ không giúp được mấy cho nó. Tiếc thật, anh Bản lại đi đúng ngay lúc này!

- Không sao, cậu có thể giúp cho Toản nhiều đấy. Chi ủy đã bàn kỹ, Toản nó linh hoạt và hăng hái, dũng cảm, nhưng chưa được chắc chắn, có thể hấp tấp sơ hở lúc chiến đấu. Cần nhất là rèn mạnh cho nó biết luôn luôn phối hợp với đồng đội. Lương đi với Toản sẽ rất hợp.

- Anh nhận nhiệm vụ đại đội phó, từ bây giờ cũng phải xa bọn tôi đi một tí đấy!

Sáu cười:

- Xa chi? Mình vẫn ở đây chớ đi đâu!

- Tôi chỉ muốn anh Bản ở lại với bọn ta cho đến hết đợt trực chiến này đã. Nhưng nghĩ là sắp có thêm những đơn vị mới thì cũng thú!

- Mau thật! Vừa năm ngoái mới có một nhúm anh em! Mình không thể ngờ là mau như thế.

Có tiếng kẻng bên ngoài. Sáu tắt đèn chui vào màn.

- Chết, mải chuyện quá. Ngủ ngon, cậu.

Nửa đêm, Lương tỉnh dậy. Bên ngoài tối mịt, trời đang sấm chớp, mưa đổ ào ào. Ở giường bên, Sáu ngáy đều. Lương bỗng nhớ lại những ngày nhỏ, anh cũng nằm nghe mưa đêm như thế này, mỗi ánh chớp lòe lên, sấm nổ đùng đùng, chú bé lại thấy như có những bóng người khổng lồ ngoài đêm tối đang giận dữ đánh nhau trên trời. Chú bé nửa sợ nửa tò mò, nhìn ra ngoài rồi lại trùm chăn lên đầu kín mít. Lương mỉm cười một mình với kỷ niệm ngày bé.

Mưa to quá! Thế là đã bốn hôm chưa có tin Quảng. Cũng chưa biết chừng! Như cậu Lân hồi cuối năm ngoái, lần ấy đã tưởng mất, thế mà bảy ngày sau lại có tin báo tìm thấy. Lân nhảy dù xuống gần biên giới, bảy ngày đêm đi trong rừng hoang, vượt hết ngọn núi này đến ngọn núi khác, ngày ăn củ rừng uống nước suối, tối lại leo lên cây. Đến ngày thứ bảy, cậu ta đói quá, ăn liều một thứ khoai lạ, không ngờ phải thứ củ ngứa, môi và lưỡi sưng vù lên, may đúng hôm ấy thì ra đến một thung lũng có người ở. Lân thấy một cái nhà sàn, đi đến chân cầu thang thì ngã ngồi xuống, không sao đứng lên được nữa. Một người đàn bà nghe động bước ra, trông thấy Lân hiểu ngay, vội đỡ Lân lên nhà rồi lấy ống mật ong đổ ra cho uống, sau đồng bào ở đấy bảo nếu chậm chút nữa thì Lân đã bị câm rồi… Quảng hôm ấy hăng quá! Đã bắn cháy một thằng Ép Trăm Linh Năm, lại vào quần luôn với một thằng nữa, nó chạy, cậu ta lăn xả đuổi theo, bị một thằng khác ở đằng sau phóng tên lửa. Quảng đã được một con, chị vợ dạy học trong Khu Tư, có một lần đã ra thăm… Lương rất hiểu tâm trạng của Quảng khi gặp địch. Lương cũng vậy, nhìn thấy những máy bay giặc mang bom là chỉ muốn lăn xả vào đánh kỳ cùng. Đối với người lái máy bay chiến đấu thì hình như mỗi quả bom mà tụi giặc thả xuống là làm cho mình khổ gấp hai lần mọi người. Lương vẫn nhớ lần ấy chiều muộn anh đi công tác trở về sân bay, xe qua một xóm bị bom bên đường. Vừa buổi sáng, lượt đi, Lương còn xuống nghỉ ở đấy mấy phút, vào một cái quán ngồi ăn quả chuối, uống bát nước chè tươi. Thế mà bấy giờ không còn gì hết, tất cả đã thành tro than ngổn ngang giữa những hố bom. Một người đàn bà đang lúi húi bới tìm trên nền nhà cháy đen, thỉnh thoảng lại ngẩng lên, mắt ngơ ngác. Một chị dân quân đi qua thấy thế đứng lại gọi: “Bác Dần tìm gì đấy!”, rồi bảo Lương: “Tội nghiệp, bác ấy quẫn trí mất rồi! Bác ấy đi làm, để ba đứa con ở nhà, lúc máy bay chúng nó đến thả bom, bác chạy về thì chỉ còn thế kia!”. Chị dân quân vào dắt người đàn bà ra, vừa đi vừa dỗ: “Bác về trong nhà với cháu”… Một tiếng sét lại nổ đoàng bên ngoài, hồi sấm ù ù lăn xa đi dần. Mưa tệ thật! Các đồng chí đi công tác về nói chuyện ở ngay Hà Nội, nước đã ngập hết các bãi ngoài đê, nhiều quãng ở đường bờ sông, nước đã cao hơn trong mặt phố đến mét rưỡi. Thời tiết năm nay ác thật! Vụ chiêm đã hạn, lúa mùa bây giờ đang tốt thì lại lo lụt! Lương nghe các anh nhiều tuổi nói từ hồi tháng tám năm bốn lăm chưa bao giờ nước to như năm nay. Mấy ngày qua, những lần bay tập nhìn xuống, Lương thấy rõ các triền sông, từ sông Đà, sông Lô, sông Thao, và về đến gần Hà Nội, sông Đuống, sông Hồng, còn bên kia thì sông Cầu, sông Phả Lại, đâu cũng mênh mông cả. Các dòng sông đều tràn bờ, nhiều chỗ không còn nhìn rõ đâu là sông đâu là đất nữa, chỉ thấy nước tràn lênh láng. Lương mới nhận được thư của Đào viết từ Hà Nội. Hai mẹ con được về thủ đô mấy hôm vì chồng Đào từ Vĩnh Linh ra Hà Nội họp hội nghị của ngành. Cả gia đình kéo đến ở nhà cô Tuyến, Đào kể trong thư là ngày nào Tuyến cũng đi đắp đê, hôm thì làm vào chập tối, hôm thì đi lúc tờ mờ sáng. Hà Nội vừa chống lụt vừa báo động ngày ba bốn bận và đã bắt đầu có báo động cả ban đêm rồi. Ngày nào cũng nghe súng nổ ở các phía ngoại thành dội vào, có buổi sáng mưa to mà máy bay trinh sát của địch cũng sạt qua, súng nổ râm ran trong nội thành. Đào dặn hai ba lần là nếu có dịp về Hà Nội thì Lương thể nào cũng phải đến nhà Tuyến, và Tuyến gửi lời hỏi thăm anh. Lương lại mỉm cười một mình. Chắc là mấy ngày ở Hà Nội Đào lại tha hồ mà tuyên truyền về ông anh cho cô bạn thân nghe. Kể ra lúc này được về qua Hà Nội xem thủ đô sống và chiến đấu ra sao cũng hay… Sáng mai Lương sẽ cho Toản biết là hai đứa sắp bay đôi với nhau, chắc nó cũng thích. Thật ra thì mình còn non lắm, so với anh Bản thế nào được! Lâu nay Toản nó quen tập với anh ấy rồi; nhưng Lương sẽ cố gắng xứng đáng với sự giao phó của chi bộ. Mình ít tài và thiếu kinh nghiệm, chỉ có cách là phải rất chịu khó và cẩn thận, để bù lại. Điều cần nhất là bàn bạc luôn với nhau cho thật ăn ý… Thôi, phải ngủ thôi, để dành sức, mưa to thế này chắc mai tạnh nắng, sẽ bay nhiều.

*

Những cơn mưa đêm như đã gột sạch bầu trời. Cả ngày hôm ấy nắng to (…)

Đại đội bốn bay được có vài chuyến lúc sớm, rồi sau là vướng báo động rền. Súng cao xạ nổ nhiều lần, cả ở phía trung du lẫn phía gần Hà Nội. Tới gần trưa thì tụi địch rút hết. Khoảng hơn một giờ, sáu chiếc Mích của đại đội bạn cất cánh đi về phía nam. Bọn Lương ở lại thấp thỏm, cho đến lúc nghe tiếng rít quen thuộc của máy bay ta trở về. Họ được biết anh em đơn vị bạn đã vào miền trong đánh một tụi A Bốn của Hạm đội Bảy. Tụi “chim ưng trời” này mười mấy thằng mang nặng bom ở ngoài biển nghênh ngang bay vào, không ngờ gặp Mích của ta, một thằng chưa kịp vứt bom đã bị bắn rơi không kịp ngáp, tụi còn lại cứ thế trút bừa bom chạy bán sống bán chết, mặc cho bọn tiêm kích Ép Tám ở lại quần với ta. Chúng nó đánh giáp lá cà với những chiếc Mích một trận sống mái, có lúc máy bay hai bên xuống đến cách mặt biển chỉ dăm chục mét, rút cục một thằng “thập tự quân” bị thủng sườn và bốc khói lảo đảo chuồn ra khơi. Tin chiến thắng của đơn vị bạn làm cho Toản hả lắm. Toản cứ đi đi lại lại ở hiên nhà: “Có thế chứ! Có thế chứ!”. Sáu gật gù:

- Biên đội Hòa đấy. Các cậu ấy đánh trận nào cũng rất chắc gọn.

Buổi chiều đại đội bốn lại ra sân bay. Vừa bắt đầu vào hội ý, thì họ nhận được lệnh của trung đoàn: các biên đội chuẩn bị chiều nay lần lượt bay trên trời thủ đô. Bản sướng quá, híp mắt cười và bảo khẽ mấy anh em: “Các cậu xem cái số tớ đỏ không! Bay một chuyến này với các cậu rồi có đi đâu thì đi chứ!”.

Biên đội của Lương cất cánh sau cùng với một biên đội bạn. Tám chiếc máy bay cùng lăn ra đường băng, đôi nọ tiếp đôi kia, lần lượt nối nhau lao lên trời. Lương bữa nay đi số bốn, anh cở cuối cùng đội hình, trước mắt anh, ba chiếc máy bay của Bản, Toản và Sáu lấp lánh trắng như bơi đi rất đều nhau trong khoảng không, đằng trước nữa, dưới thấp hơn, bốn chiếc màu xám của biên đội bạn in lên mặt đất mờ mờ dưới xa. Tám chiếc máy bay chiến đấu vẫn tiến về phía bầu trời Hà Nội, họ dàn đội hình rất đẹp như có một sợi dây nối vào nhau, không lúc nào xê đi xích lại. Bây giờ, dưới cánh họ đã là vùng ngoại vi thủ đô, hình như bao niềm tin cậy từ dưới đất đang nâng cho họ bay trên đây với một sức mạnh bình tĩnh lớn lao:

- Cây thông, xuyên lên!

Tiếng Bản ra lệnh hào hứng. Bốn chiếc Mích trắng theo nhau vút lên cao trong lúc biên đội bạn của họ sà xuống qua trên thành phố. Năm nghìn, sáu nghìn, bảy nghìn mét… họ vẫn lên cao nữa trong khoảng xanh bao la. Những người dưới đất nhìn lên chỉ còn thấy mấy cái chấm nhỏ, thỉnh thoảng lóe trắng một cái, rồi những chấm trắng vẫn nhỏ đi mãi, nhưng vẫn nghe một tiếng ù ù vẳng xuống.

Lương vẫn bám theo các bạn đồng đội. Họ lượn trên tầng cao, kiểm soát cả một vùng trời rộng xa yểm hộ cho biên đội bạn đang bay bên dưới, chung quanh Hà Nội. Phía xa kia là Biển Đông, một khoảng xanh lam lượn cong như một bầu trời thứ hai. Chân trời ngoài khơi đang đùn lên những đám mây đỏ rực ánh nắng chiều. Lương đưa mắt quan sát hai bên, phía sau, cả bầu trời bao la của ta lúc này quang sạch, không thấy bóng một thằng kẻ cướp nào.

Hoàng hôn đã đến, làm gợn lên lăn tăn những vệt mây trắng êm nhẹ như những sợi lông chim. Biên đội lúc này bay về phía tây và xuống thấp dần. Mấy chiếc máy bay vẫn tắm trong nắng sáng rực rỡ, nhưng bên dưới họ mặt đất đã từ màu vàng bụi chìm dần vào những khoảng tím biếc. Họ bay qua bên trên những dãy núi, một bên sườn lóe lên từng mảnh nắng sáng ngời, một bên sườn chìm vào bóng chiều tím ngắt. Giữa những lớp sóng núi trùng điệp vắng vẻ, Lương bỗng trông thấy một mái nhà sàn nhỏ xíu, trên một đỉnh núi cao, đang tỏa lên lất phất một làn khói lam nhạt như vẫy gọi lên mà bảo: Ở đây có người!

Họ vẫn tiếp tục xuống thấp và quay thẳng về thủ đô, sửa soạn đón biên đội bạn cùng về. Những dãy núi của tỉnh Hòa Bình đã ở sau lưng, mặt đất như dâng lên mỗi lúc một thêm gần, kia đã thấy một dòng sông, những rặng nhãn, rặng vải chạy dài trên bãi phù sa, mấy quả đồi úp tròn tròn giữa những ruộng nước nâu hồng lấp lánh, những đường kênh thẳng tắp đan ngang dọc như bàn cờ, rồi đây là những làng lớn của đồng bằng, những nóc nhà tranh nhà ngói chen chúc trong những lũy tre chật chội, những vệt đường nhựa từ các ngả chạy đến những ngã tư ngã năm, và đây, đã đến những khối nhà tường hồng mái đỏ vuông vuông như từng dãy hộp nổi lên giữa cánh đồng, rồi kia, những ống khói và cả một biển mái nhà nhấp nhô lẫn vào các lùm cây xanh và xa xa hơn một chút, bóng chiếc cầu Long Biên kẻ ngang qua dòng sông Hồng chảy một vệt dài. Bốn chiếc máy bay trắng bạc chầm chậm bay vào bầu trời thành phố, họ nghiêng cánh và nối vào sau biên đội bạn ở trên hồ Tây. Cả hai biên đội lượn một vòng, tám con én lửa vẫy cánh chào nhà Quốc hội, quảng trường Ba Đình, dinh Chủ tịch, Cột cờ, - đây bộ óc của đất nước, nơi đầu mối của muôn nghìn dây thần kinh từ khắp nơi chạy về và dẫn đi khắp nơi. Rồi dưới cánh họ bây giờ là những phố cũ từ bao thế kỷ xúm xít như tổ ong ở bên hồ Hoàn Kiếm. Chúng tôi đây, chúng tôi đây, Hà Nội ơi…