“Phù Nam và Lâm Ấp”

Lương Ninh





Do thư tịch cổ kể ông vua - đại tướng Phù Nam đi chinh phục có tên là (Phạm) Sư Man, lại thấy ở Võ Cạnh, gần Nha Trang (...) phát hiện được tấm bia, gọi là bia Võ Cạnh, trong đó có nói một triều vua tên gọi là Sri Mara nên L. Finot (1928) cho rằng Sư Man là phiên âm của Sri Mara; ông này đã chinh phục và cai trị đến Nha Trang (...) Sau, G. Coedes (1944) cũng nhắc lại như một giả thiết mà không bình luận gì. Không hiểu sao một sự đoán định dễ dãi và hàm hồ như thế này vẫn tồn tại đến nay ở một số người. Thực ra, Lâm Ấp - Champa có vẻ mạnh hơn, và thiện chiến hơn, thường uy hiếp, lấn chiếm Phù Nam nhiều hơn. Cho nên, vua Phù Nam nhiều lần phàn nàn với triều đình Trung Hoa và đến năm 484 lại cử Nagasena đi sứ nhà Tiền Tống dâng biểu nói: “Lâm Ấp và Phù Nam vốn cương giới liền nhau, thân thiện... nay (Lâm Ấp) muốn vĩnh viễn tách khỏi thiên triều... kính mong đem quân tướng đi đánh dẹp... hay cho một ít quân giúp thần, nhờ uy của thiên triều mà diệt tên giặc mọn (Lâm Ấp), trừng phạt điều ác...”. Như vậy, hẳn là không có việc Phù Nam xâm chiếm và cai quản nam Champa (...)

Bia Võ Cạnh được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã có tới gần một thế kỷ rồi (xin xem Lương Ninh, Vương quốc Champa, 2004). Từ Abel Bergaine đến L. Finot đoán theo tự dạng đều định niên đại cuối thế kỷ II - đầu thế kỷ III, hoặc muộn cũng là cuối thế kỷ III, nên càng dễ đoán định trùng hợp với Sư Man. Gần đây hơn, J. Filliozat (1969) chứng minh Sri Mara là một tước vua ở vùng Pandya miền nam Ấn-độ mà người xưa ở đây đã chịu ảnh hưởng Pandya hay chính là người Pandya, muốn gợi kỷ niệm về dòng dõi, hay muốn đồng nhất với một truyền thống được coi là cao quý, vẻ vang (...)

Phù Nam - Lâm Ấp (...) Nơi giáp ranh hẳn là vùng sông Ðồng Nai (...) Ðồng Nai đã nằm trong sự phát triển của Phù Nam và Bình Thuận cũng đã nằm trong sự phát triển của Champa, gắn kết với vương quốc Champa từ thời vua Bhavavarman, thế kỷ IV.


(Lương Ninh,
Vương quốc Phù Nam - lịch sử và văn hóa, Viện Văn hóa và nxb. Văn Hóa - Thông Tin, Hà Nội, 2005)