Khuyết danh, “Phan Bội Châu”




Sinh năm 1867, mất năm 1940. Hiệu Sào Nam. Tổ quán ở làng Đan Nhiệm, tổng Xuân Liễu, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ðậu đầu kỳ thi Hương ở Nghệ An năm 1900.

Phan Bội Châu yêu nước sôi nổi, năm 17 tuổi đã hưởng ứng phong trào Cần vương. Ông đi thi là cốt lập một cái danh cho dễ hoạt động cách mạng.

Phan Bội Châu chủ trương dùng phương tiện bạo động để đánh đuổi Pháp. Năm 1904 ông và một số đồng chí lập Hội Duy Tân, tạm thời ủng hộ duy trì chế độ quân chủ. Khi Cách mạng Tân Hợi (1911) bên Tàu thành công, ông giải tán Hội Duy Tân, lập Việt Nam Quang Phục Hội, với tôn chỉ mới là xây dựng Việt Nam Cộng Hòa Dân Quốc sau khi giành lại được độc lập. Năm 1924 ông lại bỏ Quang Phục Hội mà lập Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Phan Bội Châu cũng chủ trương tích cực tìm ngoại viện. Năm 1905 ông bắt đầu cuộc bôn ba kéo dài hai mươi năm, lúc bị giam ở Quảng Đông, lúc làm ruộng chờ thời bên Thái Lan. Từ hải ngoại ông liên tục gởi thơ văn về nước kêu gọi thanh niên xuất dương, làm dấy lên phong trào Đông du sôi nổi khắp ba miền.

Năm 1925 Phan Bội Châu bị Pháp bắt ở Thượng Hải, đưa về Hà Nội, lên án tử hình. Nhờ toàn dân sôi nổi chống án, ông chỉ bị giam lỏng ở Huế cho đến ngày qua đời (do đó mà có biệt danh "Ông già Bến Ngự").

Tuy chương trình đánh đuổi Pháp của Phan Bội Châu không mang lại được kết quả cụ thể gì lớn lao, nhưng tấm gương yêu nước sáng ngời của ông đã giúp giữ vững tinh thần bất khuất của người Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử quan trọng.