Thằng giặc không phải vừa. Ta phát động chiến tranh du kích, thì nó lập tức tới tấp xây dựng đồn bốt. Ta sáng kiến lập những đại đội độc lập thường trú ở các địa phương vừa yểm trợ du kích vừa hoạt động đánh phá riêng, thì nó cũng lập ngay những lực lượng ứng chiến địa phương vừa yểm trợ đồn bốt vừa hoạt động đánh phá riêng!

Ta phải “nhổ” bốt. Bằng quân chủ lực. Nhưng quân chủ lực của ta hơn một nửa chiến sĩ không có súng! Cũng không có chất nổ để phá hàng rào, nói chi đánh sập những công sự kiên cố. Trong khi quân nó súng lớn súng nhỏ chật bốt, lại có “lưới lửa” pháo binh bảo vệ, và nếu trận đánh kéo dài sang ban ngày thì xe tăng máy bay của nó sẽ ào đến.

Tuy hỏa lực hết sức yếu kém, ta vẫn cứ cường tập, với mác búp đa và thang gấp bằng tre, và ngay trận đầu đã suýt thành công trọn vẹn!

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Chiến tranh đồn bốt bắt đầu”



Sau khi cái gọi là “cuộc diễu hành quân sự” của tướng Lơ-cléc thất bại (…) quân Pháp đã phải quay về với (chiến lược) chiếm đóng và bình định. Việc chiếm đất được thực hiện thông qua một cuộc hành binh có xe tăng, pháo binh, máy bay, tàu chiến (…) Tiếp đó, lực lượng tiến công rút đi, sau khi để lại một bộ phận nhỏ (…) chia nhau đóng thành những đồn bốt (…) Bọn này phục hồi những chức sắc của thời kỳ thực dân trước đây (…) tổ chức “thân binh” với nhiệm vụ loại trừ mọi lực lượng kháng chiến (…) tại vùng đất mới chiếm (…)

Tại Nam bộ, lúc đầu quân Pháp đóng trong những đình chùa hay những ngôi nhà gạch kiên cố (…) (về sau xây) những “tháp canh”. Đó là những chòi cao khoảng năm, sáu mét, xây bằng gạch hoặc những vật liệu tre, gỗ kiếm được ở địa phương, chứa từ nửa đến một tiểu đội (…) Với hệ thống tháp canh dày đặc, quân Pháp đã kiểm soát được những vùng đồng bằng rộng lớn, phát hiện mọi hoạt động của ta, bảo vệ những đoàn quân xa di chuyển, tìm bắt cán bộ và xây dựng mạng lưới tề điệp (…) Trong năm 1948, tại Nam bộ, Đờ La-tua đã nâng con số tháp canh từ 500 lên 2000. Trên những đường giao thông quan trọng, cứ mỗi ki-lô-mét lại có một tháp canh (…)

Những đồn bốt ở Bắc bộ (…) số quân đông hơn, hỏa lực mạnh hơn, cách bố phòng cẩn mật hơn. Lực lượng đồn trú thường từ một trung đội tới một đại đội (…) Tất cả đều nằm trong lưới lửa bảo vệ của hỏa lực pháo binh và khi cần thì sẽ được cứu viện bằng lực lượng ứng chiến (…) Hệ thống cứ điểm nhỏ (này của giặc) (vừa) khống chế những vùng trọng yếu, hình thành thế chia cắt, bao vây, ngăn chặn bộ đội ta từ xa (vừa) làm chỗ dựa cho hội tề, gián điệp hoạt động, lùng sục cơ sở cách mạng, vây bắt cán bộ, o ép nhân dân địa phương. Đội ứng chiến (vừa) ứng cứu cho những đồn bốt (khi cần) (vừa) đánh phá những vùng mà địch nghi là có cơ quan, bộ đội, công xưởng, kho tàng của ta (…) Từ sau cuộc tiến công lên Việt Bắc, số cứ điểm nhỏ của Pháp tăng rất nhanh (…)

Đánh bại chiến lược chiến tranh đồn bốt là một việc không thể không làm (…) Nhiệm vụ khai phá một con đường (dẫn tới chiến thắng) được trao cho những tiểu đoàn chủ lực của Bộ (…)

Làm được nhiệm vụ này, đối với bộ đội ta, không dễ dàng. Chúng ta chưa có kinh nghiệm đánh địch trong công sự, đặc biệt là đánh cứ điểm. Một nhược điểm lớn chưa có khả năng khắc phục trong lúc này là bộ đội ta rất thiếu vũ khí. Qua một năm chiến đấu, ta đã thu được một số vũ khí, trang bị của địch, nhưng số chiến lợi phẩm này hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu của bộ đội đang phát triển nhanh về số lượng. Bộ đội Liên khu X được trang bị khá hơn cả trong toàn quân, nhưng số người có súng trong một đơn vị chỉ mới là 52 phần trăm. Những tiểu đoàn chủ lực của Bộ chỉ đạt được 41 phần trăm. Chúng ta thiếu thuốc nổ để mở hàng rào, rất ít súng liên thanh, đặc biệt là tiểu liên cần cho lúc xung phong.

Trong quá trình nghiên cứu, một chiến sĩ “Việt Nam mới” (trước đây là sĩ quan tình báo của Nhật) đề nghị, với mức trang bị của bộ đội hiện nay, nên chọn cách đánh kỳ tập. Với cách này, cần tổ chức những đại đội, tiểu đoàn đặc biệt tinh nhuệ, dùng bạch binh, tìm cách bí mật đột nhập đồn, tiêu diệt địch bằng đánh giáp lá cà. Tôi đã có kinh nghiệm về kỳ tập qua những trận Khai Phắt, Nà Ngần trước Tổng khởi nghĩa. Đây là cách đánh phù hợp với mức trang bị, sự thông minh và tinh thần dũng cảm của bộ đội. Nhưng cần tính tới trường hợp địch đề phòng cẩn mật, kỳ tập không giải quyết được. Tôi chỉ thị đi đôi với nghiên cứu cách đánh kỳ tập, ta phải nghiên cứu một cách đánh thứ hai: cường tập, có nghĩa là diệt đồn địch bằng sức mạnh, dùng hỏa lực mở cửa đột phá, sau đó bộ binh xung phong. Như đã nói, ta chưa có kinh nghiệm về cách đánh này, và thiếu hỏa lực.

Mùa xuân và mùa hè năm 1948, tiểu đoàn 45 của Bộ được trao nhiệm vụ đánh một vài cứ điểm nhỏ trong hệ thống phòng ngự của địch ở vùng rừng núi để rút kinh nghiệm. Những trận đánh cứ điểm Tu Vũ (18-3-1948), Phố Chùng (10-6-1948) ở Yên Bình Xã đều không thành công. Đánh địch trong công sự khác xa với những trận phục kích khi địch không có công sự che chở. Quân Pháp vốn có nhiều kinh nghiệm bố trí công sự và lưới lửa phòng ngự.

Mùa hè 1948, một số nơi đã áp dụng cách đánh kỳ tập thành công. Tiêu diệt đồn Cẩm Lý ở Bắc Giang là một trận khá tiêu biểu. Một đại đội độc lập cải trang thành phụ nữ gánh gạch vào đồn, rồi bất thần tiến công quân địch. Đại đội trưởng Ngô Ngọc Dương trong khi vật lộn với viên đồn trưởng Mulay, mặc dù tầm vóc nhỏ bé nhưng đã làm cho y chết vì tắc thở. Bộ đội giết và bắt sống cả trung đội đồn trú, thu toàn bộ vũ khí rồi rút lui an toàn. Sau vài lần bị lừa, địch đã thông báo cho nhau cảnh giác đề phòng, cách đánh kỳ tập gặp khó khăn.

Chúng tôi chọn một vài tiểu đoàn đã qua rèn luyện trong chiến dịch Việt Bắc, nghiên cứu cách tiêu diệt cứ điểm nhỏ bằng sức mạnh, có thể kết hợp cả kỳ tập. Cơ quan Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo việc thực hiện. Các tiểu đoàn được bổ sung cán bộ, quân số, tăng cường vũ khí trước khi đi vào học tập chiến thuật và kỹ thuật.

Đầu mùa hè năm 1948, trên một trái đồi gần ngã ba Phú Minh (huyện Đại Từ) nằm giữa khu căn cứ, xuất hiện một “cứ điểm” có lô-cốt, ụ súng và hàng rào lông nhím bao quanh.

Đây là sáng kiến của đồng chí Vũ Yên.

Tiểu đoàn 11 do anh chỉ huy, đã được lệnh chuẩn bị tiêu diệt cứ điểm Phủ Thông do một đại đội lê-dương đóng giữ trên đường số 3 bảo vệ cho thị xã Bắc Kạn. Đồng chí tiểu đoàn trưởng nhiều lần cùng cán bộ đi trinh sát. Anh quyết định cho bộ đội dựng lên công trình này, rập đúng theo mẫu đồn địch.

Phương pháp dựng mô hình cứ điểm địch để bộ đội diễn tập trước khi ra trận vận dụng lần này là lần đầu, sau đó trở nên phổ biến trong bộ đội ta.

Khi “đồn” đã xây dựng xong, cán bộ, chiến sĩ lần lượt vào đó đóng vai quân xanh đối phó với cuộc “tiến công” của quân đỏ. Qua nhiều lần tập dượt, họ biết sẽ gặp những khó khăn nào và cần phải làm gì trong trận đánh sắp tới.

Súng đạn vẫn là vấn đề nan giải. Mặc dù Bộ Tổng tham mưu đã chỉ thị tập trung vũ khí cho những đơn vị sẽ đánh cứ điểm, nhưng mỗi đại đội chỉ có từ 2 đến 3 trung liên. Tiểu liên không đủ cho các tiểu đội trưởng. Một nửa số chiến sĩ phải trang bị bằng mác búp đa để đánh giáp lá cà. Ta không đủ đạn để bịt các hỏa điểm của địch khi bộ đội xung phong, anh em bàn khắc phục bằng cách bí mật bò sát lô-cốt, ném lựu đạn vào lỗ châu mai. Ta không đủ thuốc nổ để phá hàng rào, các chiến sĩ đã có sáng kiến làm những thang gấp bằng tre, lót phên nứa ở phía sau, vắt qua hàng rào lông nhím để trèo vào đồn địch. Loại thang này còn được dùng mãi về sau trong những trận đánh đồn khi địch đã thay thế lớp rào lông nhím bằng những cọc sắt và dây thép gai.

Hạ tuần tháng Bảy, tiểu đoàn 11 lên đường. Mỗi chiến sĩ buộc một sợi chỉ đỏ ở cổ tay để ghi nhớ lời hứa không lùi bước trước khó khăn, quyết tâm tiêu diệt đồn địch.

Để trợ lực cho tiểu đoàn, Bộ Tổng tham mưu điều một khẩu đội sơn pháo 75 ly từ Liên khu X sang phối hợp. Khẩu đội này từng bắn chìm tàu địch trên sông Lô.

Sau mấy phát đại bác mở đầu nhằm uy hiếp tinh thần địch, đạn súng máy, súng trường của ta bắn khá trúng lô-cốt, ụ súng, buộc quân địch phải gục đầu sau lỗ châu mai bắn bừa bãi ra ngoài. Bộ đội ta lập tức tiến lên vắt thang qua rào lông nhím cho các chiến sĩ xung kích cầm mác vượt qua.

Mặc dù địch chống cự quyết liệt, hai mũi xung kích vẫn lọt vào đồn.

Sau hai giờ kịch chiến, bộ đội chiếm được ba phần tư đồn và sở chỉ huy. Nhưng rồi họ bị chặn lại trước lô-cốt cuối cùng. Đạn tiểu liên và lựu đạn đem theo đã sử dụng hết. Các chiến sĩ chỉ với cây mác trong tay không thể tiến lên trước những luồng đạn súng máy bắn chặn. Trời gần sáng, tiểu đoàn trưởng Vũ Yên cho bộ đội rút lui (…)

Tuy không thành công trọn vẹn, trận Phủ Thông đã mang lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm và một niềm tin mới; nếu chuẩn bị đầy đủ hơn thì đã tiêu diệt được đồn địch. Cũng phải thấy rằng trong một trận thí điểm, lẽ ra ta nên chọn một mục tiêu phù hợp hơn với trình độ tác chiến của bộ đội ta.

Tiểu đoàn 11 được nhận danh hiệu: “Tiểu đoàn Phủ Thông”.

Tiểu đoàn đã mở đầu cho truyền thống đánh cứ điểm của quân đội ta và trở thành một đơn vị đánh cứ điểm nổi tiếng sau này.


(Trích hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 513-519. Nhan đề phần trích tạm đặt.)