“Hôm đầu tiên về sân bay nhà, lúc trông thấy những chiếc máy bay chiến đấu mà anh đã (tập) lái bao lần rồi, nhưng bây giờ sơn ngôi sao vàng vòng đỏ ở hai bên cánh, thì trong người anh nao nao tất cả, cổ anh nghẹn lại, nước mắt bỗng rưng rưng cứ muốn trào ra, lúc ấy nếu chỉ có một mình thì có lẽ anh vừa khóc như trẻ con mà vừa cười và nhảy lên kêu hét thật to mới thỏa!”. Nước tôi ơi!

“Khi mẹ mất rồi, em mới giở cái bọc con của mẹ, thì toàn là những thứ cha để lại từ ngày đi giải phóng quân Nam tiến hồi khởi nghĩa, bà cụ giữ suốt mười mấy năm chẳng mất một thứ gì đâu! Có mấy chục cái thư, từ ngày chưa có hai anh em chúng mình kia, có cả một cái áo lót mình đã vá năm bảy miếng nữa (…) cuộc đời mẹ, một cuộc đời toàn những hy sinh, chịu đựng thầm lặng, trời ơi, phải có bao nhiêu tình yêu thương và lòng can đảm người ta mới sống nổi một cuộc đời như thế! (…) bao nhiêu nghìn vạn người đàn bà Việt Nam đã sống như mẹ và bây giờ lại có bao nhiêu người vợ, người mẹ khác cũng đang gánh vác những nỗi vất vả, thương nhớ, lo lắng hằng ngày như thế!”. Dân tôi ơi!

Một thời đáng trân trọng quá chừng. Mà đã lâu gì cho lắm đâu, người của thời còn sống đầy kia.

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Mặt trận trên cao (3)



Được ngày đi nghỉ phép lại gặp buổi trưa nắng quá. Trước mắt Lương, con đường bụi đỏ cứ như nhòa đi trong một lò lửa, nhưng anh vẫn đạp xe băng băng suốt mấy chục cây. Đi đến chiều, bắt đầu nghiêng bóng mặt trời thì anh nhìn thấy lấp loáng cái hồ nước giữa vùng đồi um tùm phía chân núi trước mặt. Trống ngực Lương khấp khởi đập mạnh lên. Cái hồ nước làm cho phong cảnh lạ hẳn đi, nhưng anh đã nhận ra quả đồi dài như con voi nằm phủ phục và những lũy tre gai quây lấy từng xóm nhỏ ở rải rác trên lưng chừng đồi. Kiều Sơn kia rồi thật!... Nhà hồi ấy ở cạnh đường, chỗ cuối mỏm đồi kia… Không ngờ lại có ngày hôm nay Lương về tìm em Đào đúng ở Kiều Sơn…

… Mới ngày nào mẹ đem hai anh em chạy tản cư lên đây. Hồi ấy Lương mới mười một, em Đào mới lên bảy. Ba mẹ con nhờ đồng bào dựng được căn nhà nứa chỉ vừa kê bàn máy khâu với tấm phản, ở đây ăn được một cái Tết, thì Tây nó lại càn đến. Lương nhìn chăm chăm về dải đồi đằng xa, những kỷ niệm cũ đang dồn dập sống lại trong anh… Đã mười lăm, mười sáu năm!...

Những quả đồi mọc ở đây thật không chê được! Toàn sỏi và đá ong, chỉ mọc được lưa thưa ít cụm cỏ gai, cuốc đến bật cánh tay mới cắm xuống được vài gốc sắn! Lương quên sao được cảnh những cánh đồng hạn ở đây, đất nẻ trắng, rắn lại như sành, tìm mỏi mắt mới thấy một vũng nước lờ lờ, cây lúa cứ úa quắt, lụi xuống. Đàn bà vùng này chỉ mặc quần cộc, ừ, còn nhớ bà Sơ trong xóm hay chạy đi chạy lại với mẹ, tứ thời bà chỉ đeo mảnh yếm nâu dày cộm với cái quần đùi vá hàng chục mụn, những buổi trưa bà ở ngoài đồng về ghé vào nhà xin ngụm nước, cái lưng trần của bà đen cháy hừng hực như còn khét mùi nắng…

Kiều Sơn bây giờ đã khác nhiều thật! Cái hồ nước kia như ở đâu bay đến đây! Dạo còn học bên nước bạn, có hôm đọc báo Nhân Dân thấy tin khánh thành đập nước Kiều Sơn do nhân dân trong huyện tự đắp lấy, bây giờ Lương mới thấy tận mắt. Và hai mắt anh cứ muốn nhìn mãi, không chán. Đồng ruộng đang no nước, đầy ăm ắp cả. Những dòng mương lớn nhỏ kẻ ngang dọc, óng ánh. Mấy cô gái, quần xắn cao, vai khoác súng trường, tay đẩy cào cỏ, đi đi lại lại giữa lúa mơn mởn xanh. Tất cả đã đổi thay hết! Cho đến những dãy đồi sỏi cằn nọ cũng đã biến thành từng khu rừng bạch đàn non, lao xao trên đầu khi Lương đạp xe qua…

Cái hồ phía trước mỗi lúc một mở rộng, trên mặt nước sáng phẳng lặng đang chạy lướt lốm đốm mấy vệt bóng mây. Trông lúc này đã thấy rõ cái đập, nó nổi lên như một bức thành giăng ngang giữa hai quả đồi. Bên bờ hồ, ở một đầu đập, hình như là một dãy nhà đổ vụn, còn sót lại lô nhô mấy mảng tường gạch. Có lẽ đấy là dấu vết mấy trận bom Mỹ dạo tháng năm vừa qua. Dạo ấy nghe đài báo tin, Lương bồn chồn mất đến mấy tuần lễ mới nhận được thư của Đào cho biết cô ấy cùng cháu bé đều bình yên. “Vẫn nguyên vẹn cùng với cái đập nước Kiều Sơn” – Đào nó vẫn giữ nguyên cái tính hay đùa như thế! Chà, làm thế nào Lương có dịp bắn tan xác một thằng Ép Trăm Linh Năm ở ngay đây, cho nó rơi cắm đầu ngay xuống bên bờ hồ kia! Có lần đi đón đánh một tụi địch ở Thái-lan sang, biên đội của Lương đã bay qua vùng này, nhưng hôm đó anh chỉ kịp liếc mắt xuống một cái, từ hơn năm nghìn thước nhìn xuống, Kiều Sơn chỉ là một chấm nhỏ lẫn vào trăm nghìn núi đồi làng mạc xanh xanh thấp thoáng dưới những màn mây.

*

Trông thế mà đường đi quanh co, mãi chiều muộn Lương mới tìm vào được đến chỗ Đào ở. Cái xóm ấy ở kín trong một quả đồi khuất nẻo, thưa thớt dăm nóc nhà. Lương dắt xe đạp leo lên hết cái dốc đầu xóm thì gặp một bà cụ đang quét ngõ và vun rác đốt khói um gần bên một gốc mít. Anh bước đến hỏi thăm, bà cụ loắt choắt ngẩng lên nhìn, không nói gì, rồi lại đưa chổi quét tiếp. Lương đoán bà cụ nặng tai, anh nhắc lại:

- Cụ làm ơn chỉ giùm cháu nhà chị Côi ạ.

- Anh hỏi chị Côi nào?

Bà cụ bấy giờ mới dừng tay chổi, hỏi lại anh, đôi mắt nhăn nheo nhìn kỹ Lương một lần nữa. Thì ra bà cụ chẳng nghểnh ngãng tí nào, xem ý bà đang theo dõi kẻ lạ!

- Thưa cụ, cháu tìm người nhà, cháu có cô em gái sơ tán ở nhà chị Côi.

- À…

Đôi mắt bà cụ nheo lại.

- Em gái à?

- Vâng ạ, cô cháu tên là Đào.

- Thế thì phải… Cô ấy mới đi làm về, vừa chạy sang bên nhà trẻ hợp tác, đón thằng bé con. Mời anh vào trong nhà.

Bà cụ nhìn Lương lần nữa, trong đôi mắt già như nhận ra một điều gì vui vui.

- Cô ấy đang mong anh lắm đấy.

Lương dắt xe bước dài trong cái sân đất nhỏ sạch quang, có trồng mấy gốc cau. Bà cụ lòng còng đi bên cạnh anh.

- Dáng chừng đi cũng nhiều đường đất đấy nhẻ. Anh bỏ xe vào nhà mà nghỉ. Có hút thuốc thì sang hàng xóm mượn điếu, nhà toàn đàn bà cả, chẳng chè thuốc gì đâu. Có nước vối đấy, nước nguội cả. Anh có pha chè để tôi đi đun ấm nước.

- Ấy chết, con không hút thuốc cũng không uống chè, cụ cứ mặc con.

- Ôi dào! Anh có diêm cho bà lão xin mấy que, dóm bếp khỏi phải thổi nùn rơm. Diêm dạo này khó mua. Ấy, nhà cả ngày chỉ có mình tôi, cô ấy cứ sáng sớm ăn cơm rồi là bế con đi đến chiều, cái Côi nhà tôi cũng chỉ về buổi trưa một tí lại biến đến tối mịt. Nó là cháu dâu tôi, thằng chồng nó làm thợ mộc ở công trường tận bên Việt Trì. Đấy, hai mẹ con cô ấy ở gian buồng đầu nhà ấy. Anh em lâu ngày mới gặp nhau đấy hử?

- Vâng, thưa cụ đã gần bảy năm đấy ạ. Vì con phải đi học xa…

- Có, cô ấy đã có nói chuyện tôi nghe… Ngày bà cụ mất thành ra anh cũng không về được nhẻ. Rõ tội nghiệp!

Bà cụ lại quay sang nhìn Lương và bỗng nhiên cười móm mém, bây giờ bà cụ mới nói điều đã nghĩ mãi từ nãy.

- Trông anh như hệt cô ấy.

Gian buồng của hai mẹ con Đào là một bên chái của căn nhà ba gian vách đất, mái tranh. Bên ô cửa sổ nhỏ, kê một cái bàn gỗ mộc, trên bàn xếp một chồng sách, cái phích nước, mấy hộp sữa bột cũ, mấy cái cốc bát nhựa và đủ thứ đồ lặt vặt của một người mẹ nuôi con nhỏ. Ở một góc bàn có vật gì tròn sơn vàng, bằng quả dứa con: à, cái vỏ một quả bom bi! Sát vách phía trong là chiếc giường tre, góc giường xếp cái ba-lô, cái va-li, bọc chăn. Tất cả đồ đạc chỉ có thế. Lương đứng ngoài bậc cửa nhìn vào, trong gian buồng im lặng chỉ nghe thấy tiếng tích tắc của cái đồng hồ báo thức. Trong lòng anh khẽ lắng lại. Hai mẹ con cô ấy ở thế này đây… Lương bỗng mỉm cười thấy một khẩu súng trường tựa ở vách với cái bao đạn còn vứt bừa bãi trên đầu giường.

*

Tiếng Đào cuống quít ngoài đầu ngõ.

- Đâu, anh cháu đâu? Ối giời ơi!

Lương đứng vội lên, bước ra sân, anh thấy Đào cõng con sau lưng từ ngoài ngõ hớt hải đi vào. Nỗi mừng rỡ làm cho hai bên má cô đang ửng đỏ, trên vầng trán lấm tấm mồ hôi xõa xuống mấy mớ tóc rối. Sau vai Đào ló lên cái đầu chú bé, hai mắt đen đang mở tròn.

- Anh!

Cả gương mặt Đào náo động, đôi mắt long lanh, đôi môi nhoẻn cười rồi bỗng mếu xệch đi. Đào vẫn cõng con đứng sững giữa sân trước mặt anh, mắt cô mọng những nước mắt.

Lương chìa hai tay, cười.

- Cháu ra với bác nào.

Đào quay lưng cho anh đón đứa bé rồi lấy bàn tay chấm giọt nước mắt vừa lăn xuống má. Thằng bé rất bạo, nó đã túm lấy cái bút gài ở túi ngực Lương và gọi bập bẹ.

- Chú bộ đội.

- À, đây là bác bộ đội kia, cháu nhé!

Lương cười to và nâng bổng đứa bé lên cao cho nó cưỡi lên cổ anh, làm nó reo lên khanh khách, cứ túm lấy tóc anh mà nhún nhẩy.

- Sơn nghịch nào, không được túm tóc bác thế!

Đào mắng con và hỏi Lương:

- Anh chắc đói lắm rồi nhỉ? Anh chơi với cháu để em đi thổi cơm.

- Ờ, mẹ con nhà mày có gì cho bác ăn nhanh lên, không bác đói lả, chết lăn ra đây này.

Lương đã lấy trong xà cột ra chiếc máy bay gỗ nhỏ, giơ lên đùa với đứa cháu. Đào bật cười, khóe mắt còn ngấn ướt.

- Em vẫn để dành cho anh con gà mái béo lắm, anh không lo!

Lương ngoái đầu lại.

- Thôi, gà qué làm gì, lích kích cô ạ.

- Em làm chỉ một tí là xong thôi. Anh cứ lên nhà chơi với cháu. Sơn không được quấy bác nhé.

Đào đã chạy xuống bếp.

Trời tối dần. Họ ngồi ăn ngay ở hiên nhà. Đào rải chiếc chiếu và bưng mâm lên. Dưới bếp vẫn bập bùng ánh lửa, bà cụ và chị Côi cũng đang ăn cơm. Lương bảo:

- Cô mang đĩa thịt gà xuống biếu bà cụ.

- Có đâu đấy cả rồi. Thôi, anh đặt cháu xuống. Sơn sang đây với mẹ nào. Con tôi muốn buồn ngủ.

Bữa cơm yên tĩnh bên ngọn đèn dầu hỏa nhỏ lại gợi cho Lương bao kỷ niệm những ngày anh còn ở nhà với mẹ và em. Đã bao nhiêu năm, hôm nay anh mới lại được ngồi bên mâm cơm gia đình, cái ánh đèn dầu kia như lấp lánh, bồi hồi những nỗi nhớ, niềm thương…

- Anh ăn đi chứ!

Đào lại gắp thêm thức ăn bỏ vào bát cho anh. Bé Sơn lúc này đã lăn vào nằm trong lòng mẹ, thiu thiu ngủ. Lương mỉm cười, hỏi:

- Chú Nhơn có thỉnh thoảng về thăm được hai mẹ con thằng cu không?

- Trước thì vài ba tháng một lần nhà em vẫn về đấy, nhưng từ dạo Mỹ nó ném bom, đã hơn năm nay nhà em chưa về được vì bận quá, mà từ trong ấy ra đường đất cũng xa lắm.

- Chú ấy vẫn ở trong biên phòng Vĩnh Linh đấy?

- Vâng. Đáng nhẽ thì năm nay nhà em được đổi ra ngoài này gần vợ con hơn, nhưng bây giờ giặc nó đánh thế, ai lại bỏ mà đi cho đành. Thành ra anh ấy lại xin ở lại.

Hai anh em lầm rầm nói chuyện khẽ. Đào chỉ ăn một vài miếng, hình như cô nhìn thấy anh cô là đã no. Qua từng ấy năm mà trông anh Lương vẫn thế. Anh ấy có vạm vỡ ra, rắn rỏi hơn, không những trên khuôn mặt không còn những nét hơi măng của người con trai mới lớn mà trong từng cử chỉ của anh cũng như lộ ra tính quyết định nhanh chóng, chắc chắn hơn. Nhưng cái miệng anh thì vẫn hay cười như thế, và mỗi khi cái miệng ấy nở nụ cười hồn nhiên và hiền lành thì trông anh lại y như hồi mới mười chín, hai mươi tuổi, khi còn ở nhà. Đào có cảm tưởng trước mặt cô vừa là người anh mà cô vẫn hơi sùng bái một tí, lại vừa là một người em còn vụng vể mà cô phải săn sóc trông nom, giúp đỡ. Và cô cứ ngồi bên mâm, gắp thức ăn và xới cơm cho Lương, hết bát này đến bát khác.

Lương ăn rất ngon miệng. Nhìn em gái bế đứa con nhỏ, anh vẫn còn như chưa hết lạ. Ngày anh đi thì Đào còn là cô bé mười lăm, mười sáu, mà bây giờ đã thành người mẹ trẻ. Có lúc Lương bỗng thầm giật mình thấy Đào giống mẹ quá, từ vẻ mặt, đôi mắt, đôi hàng lông mày, cho đến dáng người, đôi vai… Phải rồi, Đào giống mẹ từ hồi đã rất xa, Lương mới lên bốn, lên năm, còn chưa vỡ trí khôn, nhưng những hình ảnh mẹ hồi bấy giờ trẻ, tươi như hoa, vẫn còn phảng phất mãi trong những miền thầm kín nhất của trí nhớ anh cho đến tận bây giờ. Như trong một tia sáng, Lương vụt thấy lại một buổi tối cha anh nằm đùa với anh, cho anh cưỡi lên bụng, mẹ ngồi bên cạnh cứ rũ ra mà cười. Sau này, khi đã biết nhận xét, Lương không còn được thấy cha nữa, cho đến bây giờ anh chỉ nhớ mặt cha qua mấy tấm ảnh nhỏ còn để lại, và anh cũng không bao giờ nghe mẹ cười sung sướng như thế nữa. Hình ảnh mẹ ngày ấy làm cho Lương hơi bàng hoàng, hình như đến tận buổi tối nay, trông thấy Đào ngồi ôm con, anh mới nhìn thấy cả một quãng đời của mẹ mà từ ngày trước anh chưa hiểu, điều đó làm anh nghĩ càng thương mẹ. Lương lại ngước mắt nhìn em gái, anh thấy Đào đẹp và tươi quá, ánh đèn dầu như làm cho khuôn mặt trái xoan của Đào càng dịu dàng hơn, hai má hây hây như thoa phấn, đôi mắt nhanh nhẹn đen và sáng dưới vầng trán ngay thẳng và đầy nghị lực. Cái miệng cười của Đào, đôi mắt dào dạt của Đào, tất cả đều đang tràn ra hạnh phúc, như không làm sao che giấu được.

Một tiếng máy nổ xình xịch vừa nổi lên trong đêm, làm cho Lương lắng tai.

- Hình như có ô-tô?

- Không phải, tiếng máy xay xát của hợp tác xã đấy anh ạ. Máy dạo này cứ chạy suốt đêm.

- Khá quá nhỉ.

- Trước kia vào chập này là nhà nào cũng ù ù thình thịch xay thóc giã gạo. Đi làm cả ngày về đã mệt, lại còn lo làm được mẻ gạo để thổi cơm, cũng khổ, lắm nhà vợ chồng gắt gỏng nhau cũng chỉ vì mẻ gạo chưa giã. Bây giờ đưa ra máy có một hào một yến gạo, lại được cả cám, cả tấm mang về, bà con người ta thích lắm.

Bữa cơm xong, Đào vào trong buồng đặt con ngủ rồi hai anh em ngồi trên chiếc chiếu uống nước. Hai bà cháu chị Côi cũng lên nhà. Chị Côi còn trẻ lắm, có lẽ chị còn ít tuổi hơn Đào, người chị dong dỏng cao và khỏe chắc, cánh tay tròn lẳn trong ống tay áo cánh, má đỏ hồng, mớ tóc cặp sau gáy buông vắt vẻo đến ngang lưng theo kiểu các cô gái trẻ ở nông thôn ngày nay thích để tóc. Chị rất tự nhiên và ngồi xuống chiếu, sau lưng Đào.

- Cô hàng dứa hôm nay mừng nhé.

- Cô hàng dứa nào? – Lương hỏi.

- À, đấy là điều bí mật của chúng em, tí anh hỏi chị Đào thì biết.

Chị Côi nhoẻn cười tinh nghịch, đôi mắt chị dừng lại mấy giây nhìn Lương với vẻ hơi tò mò.

- Anh cho em hỏi nhá, các máy bay của ta là do người mình lái cả đấy hả anh?

- Chả người mình lái thì ai lái!

Lương cười, trả lời.

- Em cũng biết thế, nhưng em muốn hỏi anh cho nó thật đích xác thôi. Thích quá nhỉ. Trước có anh giáo ở trường cấp hai cứ bảo là lái máy bay phản lực phải người to lớn lắm mà phải nằm mới lái được kia. Chị Đào có nhớ thằng Mỹ rơi xuống dạo tháng năm không, nó nặng đến một tạ ấy. Thế mà người mình cũng lái được. Tài giỏi thật!

Lương lại cười:

- Chẳng những lái, mà còn bao nhiêu việc trên sân bay, kỹ sư, thợ máy, cũng toàn bộ đội ta tất. Mình học thì có việc gì mà chẳng làm được.

- Ấy dạo năm ngoái, máy bay ta mới ra, có lần mấy cái qua đây mà chúng em đứa thì chạy, đứa thì định bắn đấy. Bây giờ quen lắm rồi, cứ nghe tiếng cũng biết cái nào là của ta, cái nào là của thằng Giôn-xơn. Tiếc quá, tối nay em lại phải đi họp đội. Thôi anh ở nhà nhé.

- Họp gì thế, cô Côi?

Đào ngoái lại hỏi.

- Bàn việc điều hòa lương thực trong hợp tác xã, chắc lại đến mười hai giờ đêm mới xong.

Chị Côi nhanh nhẹn đứng dậy.

- Mày lại đi đấy hả, cái Côi?

Bà cụ nằm nghỉ trong nhà cất tiếng hỏi. Chị Côi ngoái đầu nói vọng vào:

- Vâng, bà cứ đi ngủ đi, con còn họp khuya đấy.

Những câu hỏi ngộ nghĩnh của chị Côi làm cho Lương còn vui mãi. Anh nhớ lại lời các bạn về trước kể chuyện, hồi không quân ta mới chào đời, có lần xe chở các đồng chí lái của ta đi qua bên một đoàn các chị dân công đang đắp ụ ở gần sân bay, bỗng một chị gọi to: “Anh ơi, anh!”. Trên xe, một đồng chí ngoái lại: “Chị hỏi gì đấy?”. Thế là mấy chị cười khúc khích, bảo nhau: “Đúng người mình rồi!”.

Nói gì đến các chị, ngay Lương, hôm đầu tiên về sân bay nhà, lúc trông thấy những chiếc máy bay chiến đấu mà anh đã lái bao lần rồi, nhưng bây giờ sơn ngôi sao vàng vòng đỏ ở hai bên cánh, thì trong người anh nao nao tất cả, cổ anh nghẹn lại, nước mắt bỗng rưng rưng cứ muốn trào ra, lúc ấy nếu chỉ có một mình thì có lẽ anh vừa khóc như trẻ con mà vừa cười và nhảy lên kêu hét thật to mới thỏa!

Nhà lúc này lặng tờ. Hai anh em ngồi thức bên ngọn đèn dầu. Đào vừa vá cái áo vừa kể lại những ngày cuối cùng của mẹ. Trong đêm tĩnh mịch giữa những đồi cây, chỉ nghe thấy tiếng cái máy xay vẫn xình xịch nổ đều đều phía xa. Thỉnh thoảng ở chuồng trâu sau nhà lại phì phò tiếng con trâu thở mạnh, rồi tiếng nó giậm chân, khua sừng lục cục đuổi muỗi.

- Trước em cũng không ngờ bà cụ yêu và nhớ ông cụ đến thế. Hôm đã mệt lắm, mẹ gọi em đến, bảo: “Đáng lẽ mẹ đã chết theo cha các con từ lâu; bây giờ hai anh em mày cũng đã nhớn, nên người được cả rồi, thôi mẹ đi theo cha cũng được yên lòng”. Khi mẹ mất rồi, em mới giở cái bọc con của mẹ, thì toàn là những thứ cha để lại từ ngày đi giải phóng quân Nam tiến hồi khởi nghĩa, bà cụ giữ suốt mười mấy năm chẳng mất một thứ gì đâu! Có mấy chục cái thư, từ ngày chưa có hai anh em chúng mình kia, có cả một cái áo lót mình đã vá năm bảy miếng nữa! Còn mấy cái ảnh thì ngày trước mẹ cũng đã cho anh xem rồi.

- Mẹ có dặn gì không?

- Hồi ấy em đã viết thư cho anh đấy. Mẹ bảo: chúng mày đừng quên cha, bao giờ thống nhất rồi, hai anh em tìm cách mà vào Nam một lần thăm mộ cha. Em xem ý mẹ thì muốn cải táng cho ông cụ về ngoài này đấy.

- Chỉ sợ lâu quá rồi, cô ạ. Vả lại anh nghĩ ở đâu cũng là đất nước mình.

- Em thì em định bao giờ vào trong ấy tìm được chỗ ông cụ nằm rồi, em sẽ lấy một nắm đất đem về rắc lên mộ bà cụ.

Hai anh em cùng ngồi im một lúc. Đào ngước mắt lên nhìn anh, đôi mắt vừa âu yếm vừa như suy tính thầm một điều gì. Lương vẫn còn cảm động vì những lời nói của em gái, anh tự bảo thầm: “Mình thì đoảng lắm, chẳng bao giờ nghĩ được như cô ấy!”. Nghe Đào gọi cha là “ông cụ”, Lương thấy ngồ ngộ. Cha chết trẻ, những bức ảnh còn để lại đều chụp từ ngày cha mới hai mươi lăm, hai mươi bảy, cũng trạc tuổi anh bây giờ. Trong một thoáng, Lương bỗng như nhìn thấy tất cả cuộc đời mẹ, một cuộc đời toàn những hy sinh, chịu đựng thầm lặng, trời ơi, phải có bao nhiêu tình yêu thương và lòng can đảm người ta mới sống nổi một cuộc đời như thế! Còn bao nhiêu nghìn vạn người đàn bà Việt Nam đã sống như mẹ và bây giờ lại có bao nhiêu người vợ, người mẹ khác cũng đang gánh vác những nỗi vất vả, thương nhớ, lo lắng hằng ngày như thế!...

Lương ngẩng lên, gặp đôi mắt Đào đang nhìn anh. Đào mỉm cười:

- Em đang nghĩ tiếc quá, giá anh về tuần trước có phải vừa dịp quá không! Cái Tuyến nó ở chơi với em cả một ngày.

- Ờ…

- Hay là bây giờ anh đạp xe về thị xã. Còn kịp đấy anh ạ, đi chuyến tàu hai giờ đêm, vừa sáng là đến Hà Nội thôi. Mai chủ nhật, Tuyến nó được nghỉ đấy.

Lương cười:

- Cô làm gì mà nóng như lửa thế!

- Chứ không à! Biết bao giờ anh mới lại được một ngày nghỉ. Anh thì cứ lừng khừng! Không có đám nào hơn đâu, em bảo thật đấy. Nó tốt lắm kia, em ở với nó gần ba năm liền, còn hơn chị em ruột, mà anh xem thư nó viết cho anh thì anh cũng đoán được còn lạ gì, anh còn muốn kén đến thế nào nữa?

- Nào tôi có dám kén chọn gì đâu?

- Anh gặp nó một lần nói chuyện xem nào. Trông ngoài Tuyến nó xinh lắm, xinh hơn trong ảnh nhiều, anh nhé. Nó cũng mong gặp anh lắm.

- Đấy là cô đề cao anh cô quá mức rồi tưởng tượng ra thế thôi.

- Không! Em biết chứ! Nó vẫn giữ từng lá thư của anh, bây giờ nó chỉ mong gặp tận mặt anh. Có khi nó đã thầm yêu anh rồi cũng nên.

Lương phì cười.

- Dù thế nào thì bây giờ anh cũng không đi Hà Nội được. Sáng mai anh lại phải về sân bay rồi.

Đào xịu mặt.

- Thế đấy! Thế thì biết làm thế nào! Anh rồi chết già!

- Bây giờ cô lại hạ thấp anh cô quá! Tôi đã già đâu.

- Chứ không à! Anh gần ba mươi tuổi còn gì!

- Đâu!

Lương chỉ cười trừ hà hà.

- Nhỡ người ta ngại bộ đội thì sao. Thời chiến này!

- Anh khinh thường bọn em thế à?

Đào vẫn cười nhưng đã có vẻ hơi giận. Lương phải giảng giải một cách đứng đắn hơn.

- Nói thật ra thì anh chưa muốn có người yêu. Phần là anh ít thì giờ quá, mà phần nữa là anh không muốn nhỡ rồi làm cho người ta phải khổ vì mình. Mà mình cũng bận bịu, có khi lại yếu mềm đi. Bao giờ đánh Mỹ xong sẽ tìm người yêu, lập gia đình cũng không muộn.

Lần này thì Đào bật cười.

- Anh toàn nói lý thuyết! Sao lại làm khổ ai? Mà việc gì yếu mềm đi! Thế bao nhiêu người có vợ, có chồng, là bỏ xó cả đấy! Thôi được, để em tìm cách lo cho anh chứ anh thì bận thật, chẳng có thì giờ nào. Có khi rồi em rủ nó lên tận trên ấy thăm anh một hôm.

Lương chuyển sang chuyện khác để khỏi phải cãi lý với em.

- Ban nãy chị Côi nói cô hàng dứa nào thế?

Đào cười:

- À, tại hôm nó ném bom ngoài đập, chiều hôm ấy em gánh đến hai thúng bom bi lên huyện đội, qua đường gặp ông nào như một ông trung đoàn trưởng đi ô-tô qua, ông ấy xuống xe cứ bắt tay em mãi rồi lại nói đùa: “Hoan hô cô hàng dứa”. Thế là chị Côi cứ chế em mãi.

- Chết, sao cô liều thế?

- Gánh bom đã tháo kíp chứ có gì đâu mà liều! Hôm ấy lúc đầu em đi theo anh huyện đội vào tháo bom, trông thấy những quả vàng vàng còn lăn lóc cả trên đỉnh gò, trong người nó vừa lạnh lại vừa nóng, rợn quá, nhưng chẳng lẽ đã “xung phong” lại bỏ chạy, sau cứ làm theo anh ấy tháo được một quả rồi tháo luôn được cả mấy chục quả.

- Thế mà cô chẳng viết thư gì cho anh!

- Hôm ấy em được bắn cả súng máy anh nhé. Bây giờ là em được chính thức ở tổ súng máy đấy.

- Lúc chiều tôi đi qua đập thấy chỗ cơ quan của cô đã tan cả, còn mỗi cái biển gỗ trên đống gạch vẫn rõ mấy chữ: trạm khí tượng Kiều Sơn.

- Vâng, khi cơ quan chuyển vào trong này, chúng em cũng quên cứ bỏ cái biển đấy. Hôm ấy nó chỉ ném được cái xác nhà, các máy móc đã sơ tán đi trước cả còn gì đâu. Ở ngoài ấy chỉ còn có mấy cái cọc đo mức nước ở giữa hồ. Thế sáng mai anh đi sớm thật à?

Lương gật đầu.

Trăng đã bắt đầu lên, chênh chếch đầu những ngọn cau. Đào nghe tiếng bé Sơn cựa mình trong nhà bèn đứng lên, cầm đèn đi vào. Lương nhìn ra những dãy đồi trước mặt, bỗng anh thấy phía chân trời nhấp nhoáng liên tiếp như có ánh chớp. Pháo bắn rồi! Một chuỗi những hạt đỏ lừ thong thả duỗi dài bên trên những đồi núi chập chùng mờ mờ, rồi vỡ lóe giần giật giữa trời. Liền theo hàng trăm chấm lửa từ nhiều phía cùng bay lên, đan vào nhau tới tấp. Bây giờ mới nghe tiếng máy bay lẫn trong những tiếng nổ ầm ầm dội đến.

Đào ở trong nhà chạy ra, hai anh em đứng giữa sân, nhìn về phía trận đánh đêm vẫn đang mỗi lúc một dữ dội đằng xa.