“Núi gồng mình lớp lớp (…) Sương giăng ngùn ngụt (…) Gió nép kín khe sâu chờ giờ nổi bão”. Giữa tự nhiên bên này biên giới đã vào thế sẵn sàng “đón” quân xâm lược, không phải chỉ có đông đảo “phục binh nín thở kiên gan”, mà còn có cả “muôn thánh thần nước Việt đợi xuất chinh”! Quang cảnh dưới đất hùng tráng đến nỗi “giữa lưng trời” “mây xếp cánh tơ ngó sựng”!

“A ha (…) ầm ầm”. “Tiếng quân reo ngựa hí vỡ cả trời (…) Liễu Thăng cụt đầu hóa đá vẫn còn run”…

“Khúc tráng ca” này quả thực là “lồng lộng” khó gặp.

(Thu Tứ)



Lê Tú Lệ, “Khúc Chi Lăng tráng ca”




Có gì xa bằng xa ngái
Có gì thiêng như là quan ải
Chi Lăng – Chi Lăng
Vạt nắng trắng chiều
Mây cuộn hình chữ S
Núi gồng mình lớp lớp
Ải Quỷ, Ngõ Thề khoanh kín một vùng thung

Ta là Kai Kinh – Kai Kinh – Kai Kinh (1)
Sừng sững từ hồng hoang
Lởm chởm cả hoang hồng
Vâng thiên mệnh trấn ngõ vào Đại Việt
Bốn ngàn năm chưa một ngày ta ngủ
Bốn ngàn năm gác trời nghe gió hú
Mắt trừng dõi dải biên cương
Đây Hàm Quỷ, Phượng Hoàng, Kỳ Lân, Mã Yên
Sông núi ngút ngàn
Sương giăng ngùn ngụt
Mây xếp cánh tơ
           ngó sựng giữa lưng trời
Phục binh nín thở kiên gan
Muông thú thu mình giấu vuốt
Gió nép kín khe sâu chờ giờ nổi bão
Muôn thánh thần nước Việt đợi xuất chinh

Kìa lũ xâm lăng tới
           A ha…
Ta gầm thỏa chí thần công
Ma trận núi sông vào cuộc
Này bẫy đá ầm ầm rung chuyển
Này muôn cây lẫy nỏ rùng rùng
Tiếng quân reo ngựa hí vỡ cả trời
Xác giặc chất chồng lớp lớp
Liễu Thăng cụt đầu hóa đá vẫn còn run (2)

Ta là Kai Kinh – Kai Kinh – Kai Kinh
Tên ta rền địa chấn
“Chi Lăng quan hiểm dữ thiên tề”(3)
“Mười kẻ đi chỉ một người về”(4)
Hỡi Liễu Thăng
Ta cấp thuyền giấy này
           ngươi ngược sóng về đi…

Có gì xa bằng xa ngái
Có gì thiêng như là quan ải
Ơi lữ khách Sài Gòn vấn vương mùa hoa tam giác mạch
Từ biên cương phía Bắc
Cho ta gửi về Nam tiếng trống thúc quân đồng vọng
Khúc tráng ca lồng lộng đến muôn đời.


Lạng Sơn – Sài Gòn 2013




_________
Chú thích của tác giả:
(1) Dãy núi Kai Kinh bọc vòng một bên thung lũng Ải Chi Lăng.
(2) Liễu Thăng Thạch, tảng đá hình người cụt đầu tại Ải Chi Lăng.
(3) “Ải Chi Lăng hiểm trở bằng trời”: thơ Phạm Sư Mạnh (đời Trần).
(4) Từ thời nhà Tấn (265-420), quân xâm lược phương Bắc đã truyền tụng câu thơ hãi hùng: “Quỷ Môn Quan, Quỷ Môn Quan, thập nhân khứ, nhất nhân hoàn”.