Giai đoạn giặc đánh bom Hà Nội ác liệt, người Hà Nội không có công tác cần ở lại phải sơ tán ra các vùng quê xung quanh, lắm “người thân yêu” bị tạm lìa “người thân yêu”, do đó mà “Ôi những chiều thứ bảy”… Ở quê thì tương đối an toàn hơn, nhưng “hương lúa đồng (cũng) vương nồng khói đạn”, “trên ruộng lúa (cũng) những hố bom khoét sâu”. Cho nên “đợi chờ phấp phỏng” là ở cả “hai đầu nỗi nhớ”. “Chiếc xe đạp” lao về phía “bóng ai đang đứng đợi”, “phút gặp gỡ”, chao ơi! (Thu Tứ)



Hoàng Trung Thông, “Những chiều thứ Bảy”




Những buổi chiều thứ bảy thủ đô
Từng đoàn xe vun vút ra ngoại ô
Thồ gạo, củi và thồ tất thảy
Tôi đi theo dòng người tuôn chảy
Như dòng sông xanh thắm hẹn hò
Ôi những chiều thứ bảy, những chiều
Người thân yêu tìm đến người thân yêu
Dưới mái rạ những xóm làng sơ tán
Hương lúa đồng còn vương nồng khói đạn
Những đoàn xe nòng pháo xé hoàng hôn
Những hàng cây nghiêng ngả bồn chồn
Phủ bóng xuống những dãy dài tên lửa
Những hố bom khoét sâu trên ruộng lúa
Bên con kênh bình thản nước êm trôi...

Tôi đi trên lối thuộc đường quen
Chiếc xe đạp lao vào trong bóng tối
Nơi thấp thoáng bóng ai đang đứng đợi
Những chiếc hôn nóng hổi dưới trời khuya
Không gian như rạn nứt những chia lìa
Bỗng gần lại trong giờ phút ấy
Phút gặp gỡ những chiều thứ bảy
Sau đợi chờ phấp phỏng yêu thương.