Thời Pháp thuộc, ở địa phương ấy đê vỡ tới nơi mà tên quan kia cứ thản nhiên ngồi đánh tổ tôm… (xem “Sống chết mặc bay” của Phạm Duy Tốn).

Sang thời đất nước trở lại độc lập, trong tình huống tương tự một “đầy tớ dân” nghĩ và làm: “Nếu đê vỡ thì bà con ở dưới đê sẽ hết sức khó khăn (…) Đê chưa vỡ hẳn thì không thể rút lui được. Cứ phải cố gắng đến cùng (…) Mấy đêm liền tôi và anh (…) cùng trực ở lều tác chiến”.

Sực nhớ ông quan thời trước Pháp thuộc trong tiểu thuyết
Thanh đạm của Nguyễn Công Hoan. “Cha mẹ dân” này cũng “hộ đê” hết mình.

Người cai trị làm “cha mẹ” hay làm “đầy tớ” đều tốt cho dân. Chỉ khi người cai trị làm đầy tớ của giặc, dân mới khổ.
(Thu Tứ)



Mai Thúc Lân, “Thả rồng rơm cứu đê”




Vào chiều ngày 26 tháng 7 năm 1986 (…) cán bộ của Văn phòng Ủy ban tỉnh sang báo cáo là đê Nội Doi ở xã Kim Châu, huyện Quế Võ, có nguy cơ bị vỡ. Anh Quất (bí thư tỉnh ủy tỉnh Hà Bắc), tôi, anh Tống Văn Xương, trưởng ty Thủy lợi, tức tốc đi thẳng xuống Nội Doi (…)

Chúng tôi đến nơi thì trời đã sẫm tối, trên đê chỉ có mấy người túc trực; anh Tý, chủ tịch huyện, đang đi điều quân lên để đối phó. Nhìn ra sông thấy một cái xoáy nước rất mạnh đang ồng ộc đổ qua thân đê vào đồng và đang rộng ra rất nhanh. Tình hình rất nghiêm trọng. Nếu không chắn được xoáy nước thì đê vỡ là cái chắc. Mà nếu đê sông Cầu vỡ, cả thị xã Bắc Ninh, huyện Tiên Sơn sẽ ngập, quốc lộ 1 sẽ bị tắc, một số làng mạc sẽ bị nước nhấn chìm. Phải báo cáo ngay với Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão Trung ương, đồng thời huy động ngay các lực lượng quân đội đóng ở thị xã Bắc Ninh như trường Sĩ quan Chính trị, trường Sĩ quan Thông tin, ra hỗ trợ.

Nước cứ xoáy vào thân đê càng lúc càng mạnh và đã kéo đi một mảng đê khá lớn. Anh Xương chỉ đạo anh em huy động rơm và tre ở các xóm lân cận bó thành những “con rồng” đem thả theo xoáy nước để làm giảm lực chảy của nó. Lại trưng tập ngay một số thuyền đến chở đá của hợp tác xã vôi Quyết Tiến ở gần cầu Đáp Cầu xuống cột thả theo những bó tre rơm. Công việc tiến hành khá thuận lợi, xoáy nước đã yếu dần, có vẻ có hy vọng khắc phục được. Anh Quất hội ý với tôi và anh Xương ở lại trực chỉ huy hiện trường, anh ấy và một số đồng chí lãnh đạo khác phải lo phương án hai nếu sự cố xảy ra. Đến khoảng ba giờ rưỡi sáng thì tình hình trông rất khả quan, khi anh Nguyễn Cảnh Dinh ở Hà Nội gọi lên hỏi kết quả của việc cứu đê, tôi báo cáo là có khả năng khắc phục được nhưng chưa bảo đảm chắc chắn. Nhưng chỉ sau đó hơn nửa giờ thì toàn bộ những con rồng rơm có đá cột theo được thả xuống đã bị nước đẩy chảy tuột vào đồng khoét sâu thêm vào thân đê, đê chỉ còn là một thành chắn bên phía đồng. Một số chiến sĩ quân đội đang khẩn trương bó các con rồng rơm thấy tình hình đê vỡ đến nơi rồi nên muốn rút về. Tôi động viên: “Phải bình tĩnh, còn nước còn tát các cậu ạ!”. Mấy chiến sĩ đứng cạnh tôi vặn lại: “Nước thế này thì tát thế nào được hở chú?”. Nhưng không lẽ bó tay ngồi nhìn đê vỡ. Tôi với anh Xương, anh Tý bàn với nhau là một mặt cứ phải thả rồng tre rơm, mặt khác phải trưng tập mấy chiếc thuyền chở đá cho đánh đắm ngay chỗ xoáy nước để hạn chế lực chảy của nước rồi tính toán sau. Nhưng đánh đắm thuyền thì phải có chất nổ. Tôi phân công các anh đi trưng dụng thuyền, còn tôi chạy bộ vào trường Sĩ quan Thông tin yêu cầu đưa ngay chất nổ ra hiện trường. Trời đã sáng rõ, mưa vẫn không dứt, nước sông Cầu vẫn cuồn cuộn chảy. Tôi cứ nghĩ là nếu đê vỡ thì bà con ở dưới đê sẽ hết sức khó khăn: nhà cửa, tài sản và cả tính mạng bị uy hiếp nặng nề. Rồi mất mùa, rồi nạn đói, dịch bệnh hoành hành, bao nhiêu là vấn đề sẽ xảy ra...

Tôi chạy ra đến nơi thì vì thấy lâu quá, các anh trực chiến đã cho đục thủng đánh chìm một chiếc thuyền đá ngay chỗ xoáy nước. Cùng lúc, ở Trung ương điện về công bố quyết định của Hội đồng Bộ trưởng thành lập ban chỉ huy tiền phương cứu đê Nội Doi do tôi làm trưởng ban, anh Thái Cán – Phó Tư lệnh quân đoàn 2 – và anh Trần Nhơn – Thứ trưởng Bộ Thủy lợi – làm phó ban. Lãnh đạo tỉnh tăng cường thêm anh Đỗ Bình Dương – Phó Chủ tịch phụ trách Nông lâm nghiệp cùng tham gia chỉ đạo. Quân đoàn 2 và quân đoàn 14 của quân khu đưa thêm lực lượng xuống hỗ trợ. Người đông thêm, lại phải tổ chức lực lượng hậu cần, chỗ ăn nghỉ để trực chiến trên đê. Tôi đề nghị anh Thái Cán bố trí phương tiện và nhân lực túc trực, nếu xảy ra vỡ đê thì ứng cứu kịp thời, dứt khoát không để chết người.

Nước sông Cầu đã lên đến đỉnh và biện pháp đánh đắm thuyền đá, thả rồng rơm vẫn chưa ngăn được xoáy nước. Mảnh đê bên đồng giờ chỉ còn lại một cái gờ như một bức tường. Anh Xương bảo với tôi: “Tình hình này khó mà giữ nổi, anh Lân ạ! Phải cho chuyển ngay sang phương án hai thôi!”. Nhưng tôi nghĩ đê chưa vỡ hẳn thì không thể rút lui được. Cứ phải cố gắng đến cùng. Mấy toán dân công đã quay đầu, vừa chạy vừa hô to: “Vỡ đê rồi! Vỡ đê rồi! Bộ đội cũng có người nao núng. Đồng chí Hoàng Chính, đại tá Chỉ huy phó Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đứng trên mũi chiếc thuyền vừa đánh đắm, hét to vào loa tay:

“Tất cả về vị trí. Đê chưa vỡ được, mọi người phải bình tĩnh chiến đấu”.

Anh Trần Nhơn từ Hà Nội lên. Anh Nhơn là một kỹ sư thủy lợi kỳ cựu, có kinh nghiệm trong việc cứu đê chống lũ lụt nên khi anh lên, chúng tôi rất mừng. Sau khi hội ý chớp nhoáng, anh Nhơn đi quan sát hiện trường rồi phân tích là do xoáy nước đã phá thân đê quá rộng rồi nên cứ bỏ rồng rơm thì không ăn thua. Cần phải làm những tấm lưới thép to, buộc rơm vào thả xuống trước rồi thả đá theo mới có khả năng ngăn được xoáy nước. Phương án của anh Nhơn được chỉ đạo thực hiện ngay, nhưng làm những tấm lưới thép như thế phải có lực lượng cơ khí và phải mất đến ba, bốn giờ. Chiều hôm đó, anh Lê Ngọc Hiền – Phó Tổng tham mưu – bay trực thăng lên thị sát gặp chúng tôi đề xuất là Bộ Quốc phòng có thể cho máy bay cẩu những tấm pa-nen lớn ở công trường Thủy điện sông Đà lên thả xuống để ngăn dòng nước lại. Nhưng phương án này cũng không thể thực hiện được vì thân đê còn quá mỏng, nếu thả những tấm pa-nen nặng xuống, nước dội vào thì e đê sẽ bị bục. Có tiếng của một ông cụ nào đấy ở trong làng đang chạy lụt nói với theo đoàn anh Hiền: “Bây giờ có thánh cũng chẳng cứu được đê nữa đâu các ông ạ!”. Rồi một số người xô lại phía tôi, người thì chê phương án đánh đắm xà-lan, người đưa ra phương án giữ đê cổ truyền, người đề nghị phải cho lặn xuống để tìm nguyên nhân, người thì bàn lui vì cho rằng không thể cứu được. Tôi phải quát lên:

“Thôi không bàn cãi gì nữa. Tất cả phải làm theo phương án của Ban chỉ huy tiền phương! Tôi chịu trách nhiệm”,

và chỉ đạo cứ tiếp tục lao rồng rơm, chờ thực hiện phương án của anh Nhơn. Ngay trong đêm đó, các khung lưới thép đầu tiên có buộc rơm đã được thả xuống. Những chiếc thuyền chở đá đã chờ sẵn để lao đá theo. Đến sáng thì thấy nước chảy qua đê đã yếu đi. Chúng tôi cho huy động dân công đan rọ tre, làm rọ sắt bỏ đá vào rồi liên tục thả xuống. Đến chiều, nước hầu như chỉ lọt qua các kẽ hở. Tình hình trông rất khả quan.

Mấy đêm liền tôi và anh Trần Nhơn cùng trực ở lều tác chiến. Đến đêm 30 tháng 7, thì có thể nói chắc chắn là đê đã cứu được. Trời đã hết mưa và nước sông Cầu cũng đã rút dần (…) Cũng đêm hôm đó, tôi mới có được một giấc ngủ yên.


(Trong hồi ký
Chuyện đời ấm lạnh buồn vui của Mai Thúc Lân trích in trong sách Mai Thúc Lân trong thương nhớ, nxb. Văn Học, 2015)