Đám giặc xưa giặc trước nào cũng lồ lộ, mà tự hào dân tộc bấy giờ rất mạnh mẽ, nên “dân mình” tự nhiên “sôi nổi” chống giặc.

Giặc bây giờ có thứ giặc nấp kỹ đằng sau những cái mà chúng gọi là giá trị phổ quát, trong khi tự hào dân tộc đã trở nên yếu ớt, nên “dân mình” hững hờ…

Thua thứ giặc mới mẻ này thì nước vẫn còn, nhưng hồn nước thì về chín suối!
(Thu Tứ)



Hồ Chí Minh, “Dân ta nồng nàn yêu nước”




“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ cướp nước và lũ bán nước!” (trong “Báo cáo chính trị” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trình bày tại đại hội lần thứ hai của Đảng Lao Động Việt Nam họp tại Việt Bắc tháng 2 năm 1951)

“Sau trận Đông Khê, những ngày chờ địch, Bác nói: “Dân mình ghê thật! (…) Người ta tính sau ba trăm năm bị đô hộ thì một dân tộc sẽ bị đồng hóa. Giao Chỉ bị đô hộ một ngàn năm! (…) Bên trên thay đổi gì thì thay, dưới thôn, làng vẫn thế! Vẫn đền miếu thờ phụng Hai Bà Trưng, Bà Triệu…”” (trong hồi ký Đường tới Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp)