Nhắc tên dãy núi dài nhất nước để nhấn mạnh quyết tâm, chứ lúc bấy giờ hoàn toàn chưa có kế hoạch tận dụng Trường Sơn. Rồi Trường Sơn sẽ bị giặc khác “đốt” bằng cả lửa thật lẫn “lửa” hóa học, nhưng Trường Sơn sẽ không chịu “cháy” sạch mà vẫn đủ kín đáo để hàng hàng lớp lớp quân đi trên con đường mang tên người đã sớm nhắc tới nó! (Thu Tứ)



Hồ Chí Minh, “Dù phải đốt cả...”




Trung ương đã quyết định cần tích cực chuẩn bị cho hai cuộc họp Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân đại biểu đại hội. Bác giục chuẩn bị từ tháng bảy. Tình hình đã khẩn trương lắm. Bác nói: “Có thể còn thiếu một số đại biểu nào đó chưa về kịp cũng họp, nếu không thì không kịp được với tình hình chung” (...)

Giữa lúc công việc bề bộn như thế, Bác bỗng bị mệt. Đã mấy hôm liền, Bác sốt nóng. Song Bác vẫn gượng làm việc. Mỗi khi tôi tới thảo luận công việc, hỏi thăm sức khỏe, Bác chỉ nói: “Chú cứ xuống làm công tác, tôi không việc gì”. Nhưng tôi thấy Bác yếu nhiều, người hốc hác hẳn. Có hôm tôi đến, Bác đang lên cơn sốt, miệng toàn nói mê. Thuốc men chẳng có, chỉ kiếm được vài viên thuốc cảm và ký-ninh, Bác đã uống, mà không thấy đỡ. Thường khi, nếu không phải lúc nghỉ, không bao giờ Bác nằm, thế mà bây giờ Bác phải chịu nằm, lại mê sảng luôn. Bấy giờ trong các đồng chí thường gần Bác, chỉ còn lại mình tôi ở Tân Trào. Hôm ấy Bác mệt lắm, tôi rất lo. Tôi nói “Hôm nay tôi cũng thong thả, xin ở lại với Bác đêm nay”. Bác mở mắt và hơi gật đầu.

Đêm ấy, tôi nghỉ lại với Bác trên cái lán ở giữa rừng. Lúc nào tỉnh, Bác chỉ nói chuyện tình hình: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Mỗi lúc nhớ ra điều gì, Bác lại dặn. Bác lúc ấy chắc cũng thấy mình yếu quá, có ý muốn dặn lại công việc. Bác nói về công tác củng cố phong trào: “Lúc nào cũng phải chú trọng xây dựng chi bộ, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và các phần tử trung kiên. Trong chiến tranh du kích, lúc phong trào lên, ta phải hết sức phát triển, vừa phát triển vừa chú trọng xây dựng căn cứ cho thật vững chắc, để đề phòng lúc khó khăn mới có chỗ đứng chân được”.

Suốt đêm ấy, Bác vẫn lúc tỉnh, lúc mê. Hôm sau, tôi viết thư hỏa tốc về Trung ương. Tôi lại tìm hỏi bà con địa phương xem có thứ thuốc men gì không. Bà con nói gần đây có một ông lang quen trị bệnh sốt nóng. Tôi cho người cưỡi ngựa đi đón ông thầy về. Ông cụ lang già người Tày xem mạch, sờ trán Bác, rồi đốt cháy một thứ củ vừa đào trong rừng về, hòa vào cháo loãng đưa Bác ăn. Sau đó Bác tỉnh. Hôm sau, Bác ăn thêm vài lần với cháo loãng nữa, cơn sốt nhẹ dần. Bác lại gượng dậy tiếp tục làm việc ngay (...)


(Trích hồi ký
Từ nhân dân mà ra. Chỗ in đỏ đậm là do người trích.)