Thu Tứ, “Mấy ngày Côn Đảo”




Nhìn trên bản đồ, Côn Đảo có dáng một con trâu hay con bò. Ở vào quãng cổ nó là đường băng của sân bay Cỏ Ống, chạy từ bờ bên này qua tận bờ bên kia, khoảng một ngàn ba trăm mét. Non tiếng đồng hồ sau khi rời Thành phố Hồ Chí Minh, cái “xe khách có cánh” ATR-72 vù vù cánh quạt đáp xuống…

Trung tâm hành chính và dân cư là một dải đất thấp bằng phẳng nằm ở vùng bụng bò, nhìn ra vịnh Côn Sơn. Đoàn vào một khách sạn trên bãi An Hải cát trắng.(1) Nơi đây phía trong bãi có nhiều cây lớn tạo không gian xanh kín đáo, còn mặt biển thì lặng như mặt hồ nhờ có một cầu tàu khá dài mới xây chặn gần hết sóng, nói chung là chỗ nghỉ ngơi lý tưởng.

Trong ba ngày rưỡi ở đảo, ngoài “bãi nhà” vừa kể, đoàn tranh thủ tham quan được thêm hai thắng cảnh.

Chùa Vân Sơn, tức chùa Núi Một, xây gần đỉnh một quả núi. Bước qua tam quan là bắt đầu lên chùa. Đường lên hai bên cây cối mọc khá rậm rạp, có đoạn cây giao cành che gần kín, ngước mặt thấy xa xa phía cuối “hầm” có một lá quốc kỳ đang phấp phới… Trèo độ trăm bậc cấp thì đến gác chuông. Bước vào tầng dưới, ngoái nhìn lại, chao ơi, cả một bức tranh trời nước tuyệt đẹp được hai hàng cột và nền và trần đóng khung: dưới trời trưa xanh biếc mây trắng như bông, vịnh Côn Sơn xanh lặc lìa với vài ba hòn đảo xanh um! Ngắm tranh tự nhiên xong, tiếp tục đăng sơn thêm chút nữa là gặp tòa ngang dãy dọc của Vân Sơn Tự. Chùa mới được tôn tạo quy mô cách đây mấy năm, xây dựng lại theo phong cách chùa cổ ngoài Bắc với những mái đầu đao cong vút vừa mạnh mẽ vừa uyển chuyển. Thiền môn trang nhã nơi non nước hữu tình, thấy mà chợt muốn đi tu quá!

Lên non chơi xong rồi xuống bể chơi.

Cái bãi Đầm Trầu đường xuống xấu quá, đầy những ổ voi ngập nước cứ lù lù trước mũi xe trông thật ngại vì chẳng biết sâu mấy… mét. Nhưng xe xuống đến nơi thì thấy thật đáng đi. Cái gì mà gió lồng lộng liên miên bất tuyệt, như đã bắt đầu thổi từ thời khai sinh lập địa và sẽ còn thổi cho tới tận thế! Gió làm sóng bạc đầu lô xô ào ạt kéo vào bờ. Sóng không cao nhưng mà hình như độ dồn dập đủ làm rụt lại những chân chực thò xuống nước, vì bãi chỉ thấy có người qua lại trên cát chứ chẳng thấy có ai tắm. Cát đây vàng chứ không trắng, vàng cát với xanh biển trông cũng đẹp đôi. Ở một đầu bãi có nhiều tảng đá màu đen chồng chất, có tảng thật to bị thời gian tạc thành một cái mặt Tôn Ngộ Không đang nhăn mặt… khỉ với tảng bên cạnh. Đá tràn xuống nước, làm sóng vấp, nước sôi văng bọt tung tóe. Vùng biển này có san hô chăng, mà trên bãi thấy rải rác những đầu nhánh san hô nhiều cái hình thù khá lạ… Gió với sóng ở bãi “Gió” như để chữa cái tội làm mất khí thế tắm biển, đã nhanh chóng tạo khí thế nhậu. Cả đoàn sát cánh trong cái quán nhỏ xíu, thi đua đánh rỗng ruột bao nhiêu lon bia Cọp, làm trơ vỏ bao nhiêu sò ốc và khiến độ hai chục trái cốc biến thành trái chôm chôm. Suốt buổi, một cái võng gần bàn nhậu tưởng nó là một cái màn, chao đứng đáy mà bay phần phật…

Cảnh đẹp Côn Đảo được ngắm tương đối kỹ có thế thôi. Nhưng chỉ thấy thoáng qua trên đường đi thì có lẽ cũng không ít. Những lúc xe chạy ven sườn núi, trông biển trông bờ chợt ước đang đi xe máy để có thể ngừng lại mà “nuốt” lấy cảnh trời nước bao la hay sóng trắng vỗ đá đen kia...

Nghe danh Côn Đảo điểm du lịch tự nhiên đã khá lâu, nay mới có dịp tận mắt:

“Không đi không biết Côn Sơn
Đi rồi mới biết còn hơn tiếng đồn”.

*

Nhưng dĩ nhiên người Việt Nam yêu nước đi Côn Đảo trên hết là đi hành hương thánh địa.

Ngay sau giải phóng, nhà thơ Lê Chí ra viếng Côn Đảo, viết những câu thơ:

“(…) Ðã đành đến lúc mình vui
Nhưng trăm năm ấy còn vùi thịt xương
Mặt trời đỏ cát Hàng Dương
Nào ai chẳng nhớ con đường đã qua
Bồn chồn sóng vỗ gần xa
Nửa như tiếng hát, nửa là tiếng kêu
Lưng chừng Ðất Dốc phong rêu
Khổ sai từng bước cheo leo tháng ngày...” (bài “Hương nhãn”).

Đối với người nước ngoài, Côn Đảo chỉ là tự nhiên đẹp đẽ hãy còn ít nhiều “bí mật”. Đối với ta, mảnh đất khoảng năm mươi cây số vuông (chỉ tính đảo lớn) này là nơi trong suốt một trăm mười ba năm – tính từ thảm sát ở bãi Sọ Người năm 1862 đến giải phóng năm 1975 – không biết bao nhiêu đồng bào đã sống vô cùng khổ sở và chết vùi nông một nấm không tên. “Vùi nông” đây không phải nói bóng bảy đâu, mà chính là sự thực đau lòng. Theo lời nhân chứng, trước kia sau những trận mưa lớn, người ta có thể thấy xương trắng lộ ra ở chỗ nọ chỗ kia.

Nghĩa trang Hàng Dương không phải là nghĩa trang tù đầu tiên ở Côn Đảo, nhưng từ khá lâu đã trở thành nơi khách hành hương đến thắp nén hương tưởng nhớ những người đã khuất. Bây giờ bề thế, trang nghiêm, với cổng thật cao, tháp cao vút, nhiều công trình điêu khắc ấn tượng, nhưng căn cứ vào vị trí rất ngẫu nhiên của các nấm mộ vô danh ta dễ dàng hình dung thái độ xem thường của giặc Pháp xưa kia khi cho thi hành thủ tục cuối cùng đối với các liệt sĩ. Đại khái, ấy là “khiêng vất”, chứ không phải là chôn cất.

Hướng dẫn viên ấy làm việc rất giỏi. Một thành viên trẻ của đoàn cho biết khi nghe thuyết minh cô đã rưng rưng nước mắt. Thì chính mình, đứng bên mộ nghe những lời kể thật truyền cảm, cũng đã có lúc thấy rưng rưng. Tự hỏi phải chăng người kể là máu mủ của một tù nhân?

Đoàn được dẫn đi tham quan ngược thời gian: thăm nơi an nghỉ ngàn thu xong, mới đến viếng chỗ các liệt sĩ đã “sống”. Địa ngục trần gian là một từ nhàm vì bị lạm dụng, nhưng dùng để chỉ các nhà tù Côn Đảo, nhất là các “chuồng cọp”, thì thật khó chọn từ nào khác cho thích hợp hơn. Ở đây, mọi lối tra tấn “tích cực” đều giống như công trình (!) xây dựng trên nền đã rất cao, vì đồng bào ta bị giam trong chuồng là bị tra tấn rồi, liên tục ngày đêm bởi điều kiện vệ sinh vô cùng kinh khủng và chế độ ăn uống chết đói. Thời Pháp có loại chuồng cọp đặc biệt không mái để người tù tha hồ “thưởng thức” nắng và mưa! Thời Mỹ - ngụy, chuồng cọp lại được thiết kế để tù nhân phải thường xuyên nghe thứ “nhạc” kinh dị là những tiếng dập then cửa sắt hết sức chấn động. Chuồng Mỹ - ngụy xây sơ sài hơn chuồng Pháp, nhưng về hiệu quả chưa chắc chịu nhường chút nào, vì giặc sau tiến bộ hơn đánh cả đòn cân não. Về tra tấn tích cực, ngoài những lối đã nhiều người biết và những lối đột xuất giặc có thể nghĩ ra bất cứ lúc nào, ở đây có một lối độc đáo được thiết kế sẵn là giặc đứng bên trên trần chuồng cọp (không lát kín mà xây chấn song) dùng gậy sắt chọc xuống thân thể người tù gây thương tích rồi ném vôi bột và đổ nước xuống!

Trong địa ngục trần gian không phải chỉ có tù nhân phái nam. Rất nhiều phụ nữ hoạt động yêu nước sa cơ cũng phải vào đây chịu đựng đủ thứ sáng kiến nhục hình cực kỳ dã man độc ác của bầy quỷ sứ. Nghĩ đến nông nỗi của các bà các mẹ các chị mà nghe xót xa, phẫn nộ không biết chừng nào.

Tham quan Côn Đảo thánh địa xong, cảm thấy muốn thốt lại hai câu thơ đã thốt về Côn Đảo tự nhiên. Nhưng lần này không phải là thưởng thức vô tư, mà là tưởng nhớ ngậm ngùi, căm giận sâu sắc:

“Không đi không biết Côn Sơn
Đi rồi mới biết còn hơn tiếng đồn”!

*

Côn Đảo hiện nay vẫn còn yên tĩnh, sạch sẽ hơn hẳn những điểm du lịch điển hình. Có dân nghèo, nhưng xem ra việc kiếm ăn không căng bao nhiêu. Cái đêm cuối đoàn ăn tối rồi ngồi hát karaoke, có lúc có một cô bé cầm tập vé số vào tiệm nhưng chỉ nhoẻn cười ngồi xuống nghe hát, hình như quên mất việc bán! Ờ, còn cái sinh hoạt văn hóa tâm linh lấy liệt sĩ Võ Thị Sáu làm tâm điểm. Nghe nói rộn rịp lắm, nhất là về đêm, nhưng tới nay cũng chưa phát sinh những hoạt động buôn bán tiêu cực…

Hướng về tương lai, ngẫm nghĩ, thấy muốn đề nghị nhà nước cấm đôi điều. Thứ nhất, cấm xây sân cù. Thứ hai, cấm xây đại khách sạn, đặc biệt thứ đại khách sạn chiếm bãi biển. Cần cấm để bảo tồn cảnh quan tự nhiên. Quan trọng hơn, bởi cả hai hình thức cơ sở kinh doanh này đều coi như đóng cửa cảnh đẹp Việt Nam đối với đa số người Việt Nam! Thiết tưởng ít nhất ở nơi đây, vì cái ý nghĩa tốt đẹp của bao nhiêu chịu đựng, hy sinh phi thường mà dấu vết còn sờ sờ kia, hãy để cho bất cứ người dân nghèo nào cũng có thể đến thưởng thức cảnh đẹp đất nước mình ở bất cứ chỗ nào.

Ước ao tha thiết, nhưng cứ trông những “hiện tượng xây” khắp nước mà lòng rất đỗi hồi hộp, tự hỏi khi mình có dịp trở lại thăm thì liệu Côn Đảo có còn như trong mùa hè năm 2015 này hay không.


Tháng 8-2015







__________
(1) Đoàn đây là đoàn
Tuần Báo Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh.