Nó tưởng bở, mở cuộc tiến công chiến lược “cứng” vào căn cứ địa Việt Bắc của ta. Ta chẳng những dạy cho nó cạch không bao giờ dám tiến công lên Việt Bắc nữa, mà còn sau đó mở ngay cuộc phản công chiến lược “mềm” bằng cách “phát động chiến tranh du kích rộng khắp ở vùng sau lưng địch”. Cuộc phản công này sẽ kéo dài cho tới ngày kháng chiến toàn thắng!

Trông giặc bắn chết hết đứa con này tới đứa con khác mà nhất định không khai chỗ giấu cán bộ, ông Nguyễn Huy Cường!
(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Biến sau nó thành trước ta”




Nhìn vào bố trí quân sự của Pháp ở Bắc bộ thì ngoài miền Tây Bắc, Đông Bắc và tuyến Lạng Sơn - Cao Bằng - Bắc Kạn, trục đường số 5 cũng là một chiến trường có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Đối với địch, đây là con đường huyết mạch nối liền đầu não và căn cứ hậu cần chủ yếu của quân Pháp ở miền Bắc là Hà Nội với cảng Hải Phòng. Đối với ta, phần lớn nguồn nhân lực, vật liệu từ đồng bằng Bắc bộ và một phần từ Thanh – Nghệ chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc và tỏa đi các nơi đều phải vượt qua hành lang này.

Ngay từ những ngày đầu kháng chiến toàn quốc, quân Pháp đã thường xuyên dồn mọi cố gắng để giải tỏa đường số 5. Những đơn vị lê-dương thiện chiến và quân ngụy mở hàng trăm cuộc càn quét dữ dội vào những xã ven đường, đóng nhiều đồn bót ở những nơi hiểm yếu và thực hiện “đốt sạch, phá sạch, giết sạch” để lập vành đai trắng. Địch lập hội tề và tuần tra, canh gác suốt ngày đêm. Một trung đoàn pháo binh đêm đêm bắn chặn những ngả đường quân ta có thể tiếp cận.

Mùa hè năm 1947, trong một cuộc họp riêng với các đồng chí chỉ huy quân khu đồng bằng tại Yên Giã, huyện Đại Từ, để bàn chủ trương hoạt động ở khu vực đường số 5, tôi đã nói với anh Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh Chiến khu III, rằng: “Đây sẽ là nơi giành giật ác liệt giữa ta và địch. Cần dùng các tổ du kích bí mật và các đội vũ trang tuyên truyền để xây dựng và giữ vững cơ sở, tổ chức chính quyền hai mặt, phát động một cuộc chiến tranh giao thông bằng mọi hình thức, đặc biệt là phục kích và đánh địa lôi, giữ vững các tuyến liên lạc và vận chuyển của ta”.

Tháng 2 năm 1948, thực hiện chủ trương của Bộ Tổng chỉ huy, Mặt trận 5 được thành lập để thống nhất và trực tiếp chỉ đạo các lực lượng tác chiến ở khu vực đường số 5. Ban chỉ huy Mặt trận do đồng chí Dương Hữu Miên, trung đoàn trưởng trung đoàn 42 làm chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Năng Hách, chủ tịch tỉnh Hải Dương làm chính ủy. Anh Đỗ Mười và anh Nguyễn Khai thay mặt Liên khu ủy Liên khu III trực tiếp chỉ đạo mặt trận.

Đầu tháng năm, Mặt trận 5 mở đợt “Tổng công kích đường 5” lần thứ nhất. Đợt này không đạt được kết quả mong muốn, vì dựa vào hoạt động quân sự đơn thuần của bộ đội chủ lực, thiếu phối hợp chặt chẽ với mọi lực lượng ở địa phương, chưa gắn liền hành động quân sự với hoạt động đánh địch về cả chính trị, kinh tế.

Lúc này, các cán bộ, du kích cùng các đơn vị bộ đội vũ trang tuyên truyền đã trở về thâm nhập vùng địch hậu gây dựng cơ sở, nắm dân, sống chết cùng nhân dân đấu tranh với địch. Ngay ở khu tập trung đông dân như Kẻ Sặt, địch đóng hơn một chục vị trí, nhân dân vẫn nuôi dưỡng, che chở cán bộ, giúp bộ đội nắm địch, cất giấu thương binh. Nhân dân các xã Ái Quốc (Nam Sách), Như Quỳnh (Văn Lâm), Bình Định (Cẩm Giàng) đã đào hàng trăm hầm bí mật, có gia đình đào tới sáu hầm bí mật ở trong nhà, ngoài vườn, ngay cạnh hàng rào vị trí địch để che giấu cán bộ. Ở thôn Kim Huy (Mỹ Hào), gia đình ông Nguyễn Huy Cường cho một nửa tiểu đội bộ đội ở chuẩn bị trận đánh mìn trên đường số 5. Địch đánh hơi thấy, sục vào nhà tìm hầm bí mật. Chúng bảo ông bà Cường: “Nếu không chỉ hầm, cứ 15 phút bắn chết một đứa con”. Sau 45 phút, giặc bắn chết cả ba người con của gia đình. Ông Cường phanh ngực áo thách giặc bắn tiếp. Địch kéo ông về bốt. Các chiến sĩ ta được bảo vệ an toàn. Những tấm gương bất khuất, anh dũng hy sinh bảo vệ cán bộ, bộ đội ở vùng địch hậu dọc đường số 5 cũng như trên cả nước không sao kể xiết.

Tháng 10 năm 1948, Ban chỉ huy Mặt trận 5 mở đợt “Tổng công kích đường 5” lần thứ hai. Du kích xã Trần Hưng Đạo đánh địa lôi phá hủy một đầu máy và tám toa xe, làm chết và bị thương hàng trăm quân địch (…) Trong năm 1948, 26 đoàn tàu của địch bị đánh đổ trên đường số 5, chủ yếu là vào mấy tháng cuối năm (…)

Cuối tháng 11 năm 1948, tôi chủ trì hội nghị Hà Nội – Đường 5 – Hải Phòng do Bộ Tổng chỉ huy triệu tập gồm đại biểu ủy ban kháng chiến và ủy ban bao vây kinh tế của các tỉnh thành Hà Nội, Hải Dương, Kiến An, Hải Phòng, cán bộ chỉ huy dân quân du kích ven đường số 5, chỉ huy các đại đội độc lập, các đội biệt động, các đơn vị chủ lực khu. Kết luận hội nghị, tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của mặt trận đã nêu trong huấn lệnh:

“Chiến lược của ta trong lúc này không những nhằm mục đích đánh tan mưu mô chính trị và kinh tế của địch nói chung, mà phải đánh rất mạnh vào vùng sau lưng địch (…) Đem chiến lược này áp dụng vào chiến trường Bắc bộ thì Hà Nội phải được coi là mặt trận địch hậu quan trọng nhất về chính trị và quân sự, Hải Phòng và đường 5 là mặt trận địch hậu quan trọng nhất về quân sự và kinh tế. Nhiệm vụ của chúng ta là (…) cắt đứt đường 5”.

Đường số 5 đã trở thành “Con đường khủng khiếp” đối với kẻ địch. Trong lời tuyên dương của Bộ Quốc phòng – Tổng chỉ huy năm 1948, mặt trận Đường số 5 được coi là “Mặt trận điển hình thứ nhất đánh vào địch hậu, vùng biển và miền đồng bằng”.

Bình - Trị - Thiên là một chiến trường dài và hẹp, không phải là trọng tâm hoạt động của địch. Nhưng về phía ta, vùng cán xoong này lại có tầm quan trọng vì nối liền Thanh - Nghệ - Tĩnh với Khu 5. Với quyết tâm lớn của Liên khu ủy và Bộ tư lệnh Khu IV, hàng chục đại đội độc lập, đội vũ trang tuyên truyền cùng hàng trăm cán bộ, đảng viên đã tiến vào sau lưng địch, khôi phục cơ sở, phát động chiến tranh du kích, đẩy mạnh kháng chiến trong những ngày “Quật khởi”. Trận đánh vận động ở Đồng Dương đã diệt gọn một đại đội Âu Phi. Trận phục kích Hói Mít phá hủy toàn bộ đoàn tàu địch với 80 tấn vũ khí, tiêu diệt và bắt sống đại đội hộ tống đã gây tiếng vang trên cả nước (…)

Trên chiến trường Khu V và cực nam Trung bộ, phương thức “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” cùng các tổ vũ trang công tác thuộc trung đoàn 120, 80, 83, 108… đã được vận dụng có kết quả rõ rệt (…)

Bộ đội ta đã theo cán bộ tiến lên Tây Nguyên, kết hợp tiến công quân sự với vận động gây cơ sở, lập các khu căn cứ ở Kon Tum, Đắc Lắc…

Cùng với sự phát triển của chiến tranh du kích, công tác vận động binh lính địch là cuộc chiến đấu phối hợp không có tiếng súng, đi vào lòng người để thức tỉnh tinh thần yêu nước ở mỗi người Việt, vì lẽ này hay lẽ khác phải cầm súng cho địch. Đảng ta coi công tác địch vận là một công tác có ý nghĩa chiến lược, nhất là từ khi địch mở rộng hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền. Trong năm 1948, công tác địch vận đã làm mọt ruỗng những đồn bót, những đơn vị thân binh. Ở nhiều vùng nông thôn, ngụy quyền địch mới dựng lên đã trở thành người giúp đỡ kháng chiến, được nhân dân gọi là “tề hai mặt”, “tề cứu quốc”. Cuối năm 1948, theo mệnh lệnh của Trung ương, cuộc tổng phá tề đã diễn ra trên khắp các vùng địch hậu, tại nhiều nơi đập tan bộ máy chính quyền địch ở cơ sở và khôi phục chính quyền ta.

Đưa chiến tranh vào sau lưng địch tất yếu phải đối phó với những cuộc càn quét ngày càng dữ dội của chúng; do đó, từ những ngày đầu kháng chiến toàn quốc ở Bắc bộ cũng như trước nữa, ở Nam bộ đã xuất hiện những làng chiến đấu, ấp chiến đấu.

Ông cha ta đã có truyền thống rào làng, tổ chức hương binh để chống giặc cướp cũng như giặc ngoại xâm. Làng xã vốn có từ nghìn xưa trong cộng đồng người Việt cư trú ở lưu vực sông Hồng, đã trở thành một đơn vị hành chính từ thời lập quốc. Sự gắn bó huyết thống của một hay vài dòng họ trong một làng ngày càng thêm bền chặt qua cuộc đấu tranh lâu dài với thiên nhiên khắc nghiệt và những cuộc chống ngoại xâm liên tiếp để tồn tại. Chính từ đây đã hình thành nền văn hóa Việt Nam. Nằm trong lũy tre xanh, sau những rặng dừa, hệ thống đường sá, vườn tược, ao hồ và kênh rạch bình yêu từ lâu đã trở thành trận địa hiểm nghèo với quân xâm lược.

Lũy tre, gò đống, mương lạch, hồ ao cùng với hào giao thông, hầm hố chiến đấu trở thành phòng tuyến chặn địch. Nhiều làng xóm được chia thành tuyến, thành các khu vực có ổ tác chiến, đường hào, hầm bí mật nhiều tầng nối thông nhau để tiện cơ động chiến đấu. Một hệ thống canh gác và báo động từ xa được thiết lập cả trong và ngoài làng. Từ những làng chiến đấu riêng rẽ, ở một số nơi đã hình thành cụm làng chiến đấu liên hoàn.

Nhân dân dựng làng chiến đấu để bám trụ ngay tại quê hương, vừa sản xuất, vừa đánh giặc, chống càn, làm bàn đạp tấn công địch, đấu tranh chính trị, địch vận. Làng chiến đấu đã trở thành mục tiêu chủ yếu của các cuộc tấn công càn quét vào khu du kích. Trong hai năm 1948 – 1949, số lần càn quét đánh vào làng chiến đấu chiếm hơn ¾ tổng số hàng nghìn cuộc hành quân càn quét của địch ở đồng bằng Bắc bộ.

Địch có khi dùng đơn vị nhỏ đánh biệt kích, nhiều khi dùng lực lượng lớn bao vây hợp kích có đại bác, xe tăng, máy bay bắn phá, ném bom dữ dội. Chúng bao vây phục kích ngoài làng để chặn bắt cán bộ, bộ đội và du kích. Khi tấn công vào được trong làng, chúng lùng sục, đốt phá, giết chóc…

Quân dân các làng, ấp được tập dượt theo nhiều phương án chiến đấu, từ ngoài làng, địch đã bị tiêu hao vì mìn chông, cạm bẫy và hỏa lực từ các tuyến ven làng bắn ra. Lợi dụng địa hình tự nhiên và nhân tạo phức tạp trong làng cùng hệ thống chiến lũy, công sự, hầm ngầm chuẩn bị sẵn, bộ đội và dân quân, du kích ẩn hiện bất ngờ, dùng lựu đạn, súng trường, giáo mác… đánh gần, tiêu diệt địch khi chúng lọt vào làng.

Bắt đầu nổi lên những lá cờ: Đình Bảng (Bắc Ninh), Chi Lăng (Lạng Sơn), Vật Lại (Sơn Tây), Cảnh Dương, Cự Nẫm (Quảng Bình), Khu Xi Tơ của anh hùng Núp (Gia Lai), Tân Phú Trung với những địa đạo tiền thân của Củ Chi nổi tiếng sau này…

Làng chiến đấu là một biểu hiện của tinh thần bất khuất của dân tộc ta, một thách thức với kẻ thù xâm lược. Làng chiến đấu trở thành pháo đài kiên cố của chiến tranh nhân dân ở địa phương, một đặc điểm của chiến tranh Việt Nam.

Đưa chiến tranh vào vùng sau lưng địch là một chủ trương đúng đắn và sáng tạo trong lãnh đạo chiến tranh của ta. Chỉ một năm sau ngày kháng chiến toàn quốc, lực lượng vũ trang còn rất non trẻ đã cùng toàn dân mở một cuộc phản công chiến lược “mềm” nhằm vào sào huyệt địch trên cả nước. Với việc “biến hậu phương địch thành tiền phương ta”, chúng ta đã đảo lộn thế cờ, tạo sự bình ổn cho hậu phương ta, biến hậu phương địch thành chiến trường. Chiến trường mới này đã ghìm chân quân địch tại chỗ, buộc địch phải chuyển những cuộc tiến công vào chủ lực ta thành những cuộc càn quét không có hiệu quả. Mặt trận mới này cho phép chúng ta đánh những đòn trực diện vào chính sách cơ bản của thực dân xâm lược Pháp là “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, “dùng người Việt hại người Việt”.

Đây là thành công lớn nhất của ta trong năm 1948. Phát động chiến tranh du kích rộng khắp ở vùng sau lưng địch đã mang lại cho cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện sự chuyển biến về chất, đưa cuộc kháng chiến vững vàng bước sang một giai đoạn mới.


(Trích hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006. Nhan đề phần trích tạm đặt.)