Tại sao ra đời cái “hỗn hợp phẩm”? Thiết tưởng nó là kết quả của sự kiện Hoa tộc đã liên tục bành trướng về phía nam. Phía đó không phải đất trống, mà là địa bàn của Việt tộc. Vì môi trường tự nhiên bắc nam khác nhau, Hoa tộc tính tình rất thực tế, trong khi Việt tộc “mơ màng” hơn nhiều. Hoa xuống ở đất mới chiếm, một phần do tính tình bị “thủy thổ” làm thay đổi, phần nữa do không diệt chủng, bài trừ văn hóa bản địa, mà hợp chủng, hấp thu văn hóa, nên dần dần người Tàu thành ra một giống người lai, cả về máu huyết lẫn văn hóa, với những nét gốc Hoa chủ động hơn những nét gốc Việt. Bành trướng bắt đầu từ lâu trước thời Khổng Tử. Đến Khổng thì người Tàu không còn cực đoan như hồi đời Thương. Vì có ảnh hưởng Việt nên Nho giáo “trung dung”. Nhưng trung dung đây là lý thuyết thôi. Trên thực tế, Nho giáo Trung quốc ít nhiều thiên về “cực”.

Tư tưởng Lão Tử có gốc Việt tộc. Triết lý Phật giáo có gốc Dravidian. Lâu lắm, Lão và Phật mới nhập được vào Nho giáo Trung quốc. Nhưng cũng chỉ là vào lý thuyết thôi.
(Thu Tứ)



Cao Xuân Huy, “Tống Nho là hỗn hợp”




Tống Nho đã (...) gán cho Khổng Tử những tư tưởng triết học của Lão Tử. Ngoài ra, Tống Nho lại còn vay mượn cho Nho giáo nhiều khái niệm (...) của Phật giáo (...) Cái mà người ta gọi là Tống học, hay Ðạo học, hay Tân Nho giáo này thật ra chỉ là một hỗn hợp phẩm giữa Lão, Phật và Khổng.


(Cao Xuân Huy,
Tư tưởng phương Ðông – Gợi những điểm nhìn tham chiếu, nxb. Văn Học, 1995, tr. 179)