Cảm khái biết chừng nào!

Từ những chú bé chăn trâu trở thành những người lái loại máy bay chiến đấu tối tân nhất. Từ một lực lượng vũ trang mà rất nhiều thành viên còn phải chiến đấu bằng giáo mác trở thành một quân đội có không quân rất hẳn hoi.

“… Ta là đàn chim bay trên cao xanh (…)
Ðây đó hồn nước ơi!
Không quân Việt Nam vút trên ngàn mây gió (…)”.

Giấc mơ của Văn Cao năm 1945 đó. Chỉ hai thập kỷ sau, đã trở thành hiện thực.

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Mặt trận trên cao (1)



I

Còn đêm, những chuyến ô-tô chật ních đã nối đuôi nhau tấp nập chở ra sân bay từng đoàn các thợ máy, kỹ sư, các cán bộ và chiến sĩ quân giới, quân nhu, thông tin, khí tượng, tham mưu… Trên các đường băng thênh thang thẳng tắp, qua lại bóng những chiếc xe vận tải quân sự, mỗi chiếc xe lại dắt theo một chiếc máy bay phản lực như con chim rất to, đuôi vểnh cao, ngoan ngoãn im lặng lăn từ từ đến chỗ xếp hàng, mỗi khi qua gần một ngọn đèn điện thì lại loáng lên những vệt sáng. Từng tổ thợ máy đã xúm xít chung quanh những con nhạn chiến, những chiếc xe phát điện kéo vòi lòng thòng lần lượt đến trước từng chiếc máy bay. Rồi trong bóng tối người ta nghe một tiếng động cơ nấc nhẹ và chỉ một giây đã gầm lên như sét nổ rung chuyển đêm tối, trong lúc một luồng lửa phụt đỏ rực làm cho tất cả chung quanh sáng lung linh lên. Đầu đường băng lòe ra luồng lửa của một chiếc máy bay khác, rồi một chiếc nữa, lại chiếc nữa, lại chiếc khác, rồi một chiếc khác nữa, lại chiếc nữa, lại chiếc khác, trong chốc lát cả cái sân bay đã gầm thét náo động một góc trời.

Bấy giờ là lúc chuyến xe “ca” bắt đầu đón những người lái có nhiệm vụ cất cánh buổi sớm.

Cũng như nhiều ngày khác, hôm ấy, từ trước sáng Lương đã cùng các bạn anh ngồi chờ ở “bến xe ca”. Trời bữa nay nhiều gió, vài giọt mưa lất phất bay qua cái vòng sáng quanh cột đèn. “Bến xe ca” thật ra chỉ là một ngả ba đường, nơi đây anh em đã kiếm ít hòm gỗ đóng hai ba chiếc ghế dài để ngồi đợi xe. Cả khu doanh trại chung quanh còn tối om im lìm. Phía xa chỉ có một căn nhà đã bật đèn, qua cánh cửa mở người ta thấy bên trong nhà đỏ rừng rực, trong cái ánh đỏ ấy như bơi ra bơi vào những bóng người lúi húi bận rộn: đấy là nhà bếp lúc này đang hoạt động im lặng nhưng ráo riết. Dưới chân cái cột đèn, mấy anh em trong biên đội của Lương vừa ngồi đợi xe, vừa nói chuyện với nhau.

- Ô mưa thật các cậu ạ!

Biên đội trưởng Bản, người tròn như hạt mít, đi đi lại lại, đưa bàn tay ra hứng những giọt nước mưa và nhìn lên bầu trời đã hơi lờ mờ sáng dần trên đầu họ.

- Không lo đâu, anh Bản!

Sáu ngồi xổm trên vệ cỏ, gù gù cái lưng, ngửa mặt lên trông trời và nói tiếp:

- Mưa bóng mây qua quít vài giọt thôi.

Những giọt mưa lúc này bỗng lộp độp rơi nặng hơn. Chiếc xe ca của họ đã đến. Đó là một chiếc ô-tô vận tải, khoang sau bỏ ngỏ. Cậu lái xe thò đầu ra ngoài ca-bin:

- Các đồng chí đại đội bốn lên đi.

Trong mấy phút chỉ nghe tiếng giầy lạo xạo trên sỏi rồi lộp cộp va vào thành xe. Cùng lúc ấy lạch phạch chạy tới một chiếc bình bịch nhỏ đèo theo anh chính trị viên đại đội ngồi vắt vẻo đằng sau. Trên chuyến xe ca sắp chuyển bánh rộn lên những tiếng reo vui vẻ:

- Anh Khải hôm nay đi trước chúng tôi à?

- Anh Phúc ơi, cẩn thận, chớ có đánh ngã chính trị viên của chúng tôi đấy.

- Không lo, cơ quan tham mưu lái thì nhất định đảm bảo chứ! Các đồng chí đi sau nhé!

Tiếng cười của Khải vọng lại, cái bình bịch con đã vọt lên trước.

Lương leo lên xe đến ngồi cạnh Toản, đồng chí trẻ nhất đại đội và là người lái cùng biên đội với anh. Chiếc ô-tô bắt đầu lắc mạnh, chạy đi trên con đường đá ven đồi. Toản móc túi áo lấy bao Điện Biên, họ chụm đầu vào nhau, bật lửa châm thuốc lá.

- Mai cậu Lương đi phép đấy à?

- Ừ, mình được hai ngày.

- Hơi vội nhỉ?

- Bây giờ, thế là nhiều lắm rồi còn gì nữa. Đào nó ở cũng xa, nhưng mình cũng đủ thì giờ ở lại được một buổi tối. Chỉ phải chịu khó đạp xe mấy chục cây từ bến ô-tô trên huyện về chỗ hai mẹ con cô ấy.

- Từ ngày về trung đoàn, bây giờ cậu mới về thăm nhà đấy nhỉ?

- Ờ, kể ra là từ ngày mình vào bộ đội, cuối năm năm chín.

- Cậu đã nghĩ đem quà gì về cho thằng cháu chưa?

Lương cười:

- Có chứ! Mình đã gọt cho nó một chiếc Mích con.

*

Vòm trời trên cao đã sáng dần, mấy ngôi sao cuối cùng nhấp nháy mỗi lúc một nhợt nhạt. Sau lưng họ, chân mây đã từ màu da cam dần dần đỏ hồng lên một màu lửa. Đám mây xám trên đỉnh đầu họ cũng đang tan nốt, để lộ ra thấp thoáng những mảng da trời.

Mấy giọt mưa sớm làm cho không khí mát nhẹ, những làn gió thổi gợn lăn tăn các thửa ruộng lúa hai bên đường. Còn sớm thế mà Lương thấy người ta đang tát nước, cào cỏ tấp nập cả. Người làm đồng hầu hết là các bà và các chị em thanh niên. Phía những lũy tre đằng xa, từng dòng người đang gồng gánh kéo đi giữa đồng như đi chợ. Anh đại đội trưởng Kiến chỉ tay nói:

- Đồng bào đi sơ tán đấy.

Ừ phải, khoảng gần sáng, cứ mỗi lần chập chờn thức dậy là Lương lại nghe tiếng loa gọi văng vẳng phía những làng ấy. Mấy ngày nay tụi địch trở đi trở lại ném bom cái cầu sắt trên đường xe lửa, và chúng còn nhiều lần mon men tới sát sân bay. Buổi trưa hôm qua, một tụi Ép Trăm Linh Năm mò đến cái cầu một lần nữa nhưng bị pháo ta bắn rát, chúng nó trút bom chệch ra đến non ki-lô-mét. Tình hình đang căng thẳng, nhưng nếu người đi qua thoạt nhìn thì không ai biết được. Bây giờ các làng ven đường sắt ngày nào cũng cho các cụ già em nhỏ đi từ sáng sớm tránh sang các khu vực lân cận cách dăm bảy cây số, rồi đến chiều tối người ta lại tìm về nhà cửa.

Căm thật! Lương im lặng nhìn về những dòng người vẫn kéo đi đằng xa.

Xe đã vào đến khu vực sân bay. Trời vừa tang tảng sáng, mấy ngọn đèn điện còn chưa tắt nom như những hạt cườm vàng long lanh rớt trên nền trời đỏ.

Anh em đại đội bốn từ trên xe lục tục nhảy xuống đường băng bê-tông. Họ đảo qua trước dãy máy bay chiến đấu đã xếp một hàng thẳng. Lương thấy trên chiếc số 24 của anh, cậu Ngọ, tổ trưởng thợ máy, đang cởi trần đứng trên cái thang sắt nhỏ, cúi mình vào trong buồng lái, hí hoáy xem lại cái gì. Ngọ vừa ngẩng lên, ngoái đầu thấy Lương, họ cùng giơ bàn tay vẫy chào nhau một cái. Rồi Lương rảo bước theo các bạn tới chỗ tập hợp. Anh đã trông thấy cái xe com-măng-ca của trung đoàn trưởng đỗ trên cỏ bên cạnh chiếc ô-tô cấp cứu của y tế sân bay. Anh Thuần ra sớm thế!

Anh trung đoàn trưởng đã mặc bộ áo quần kháng áp và đội cái mũ da để bay. Khuôn mặt anh nhuộm nắng đen cháy, đôi lông mày to rậm, cằm vuông, rõ ra vẻ tướng võ. Nhưng cái miệng anh lại rất tươi, luôn luôn như cười mủm mỉm và hơi ngượng ngập.

- Đại đội bốn sáng nay bay tập theo kế hoạch đã phổ biến. Trong khi bay phải cảnh giác, luôn sẵn sàng chiến đấu. Địch có bốn tàu chở máy bay tập kết ngoài khơi, có khả năng nó đánh khu vực Hà Nội, Hải Phòng và đánh ta ở đây.

Sau mệnh lệnh của đại đội trưởng Kiến, tất cả anh em chạy vào chỗ nhà trực ban và bắt đầu mặc những thứ quần áo dầy cộm với những ống vòi, những đường nẹp chạy dài, bó chặt lấy chân tay thân thể! Chiếc Mích đầu tiên đang rú máy ầm ầm lăn ra đường băng cất cánh. Lương vừa chụp cái mũ vải lót trên đầu vừa ngoái nhìn ra qua cái cửa sổ liếp. Chiếc máy bay đang đứng lại, cánh và đuôi rung lên, như con chim đang rướn mình lấy đà, rồi nó bật chạy lao đi và cất bổng lên khỏi mặt đất trong tiếng gầm ào ào như bão thổi.

- Cậu nào bay khí tượng đấy nhỉ?

Toản soát lại khẩu súng lục bên hông và quay sang Lương:

- Hôm nay bên đơn vị bạn thế nào cũng có chầu đánh to. Bọn mình lại đóng vai trò hoan hô thôi!

- Biết đâu đấy!

Bản đã mặc xong quần áo, đứng lắc lắc người ở góc nhà nói lại.

- Cậu không nghe trung đoàn trưởng dặn gì à? Có khi bọn ta đang tập mà lại có dịp chiến đấu cũng nên.

- Không lo, không lo!

Sáu vỗ vai Toản:

- Cứ tập cho thật tốt đi, còn thì tha hồ đánh. Cậu nóng máy lắm rồi hả?

- Nóng hẳn đi chứ lại!

Chính trị viên Khải cười trả lời hộ, rồi nói thêm với Toản:

- Cậu cứ yên trí, hôm nay cậu sẽ bay đôi đầu tiên. Nếu nó không quấy, cậu có thể làm được hai chuyến trong buổi sáng. Chiều nay cậu cũng sẽ được bay chuyến nữa. Thế đã đủ bù lại hôm qua chưa?

- Tôi còn phải lo bù cho mấy hôm trước nữa kia, anh Khải ạ!

Toản cười, ngồi xổm xuống một cái, nhún thử lại xem hai đầu gối có thoải mái không rồi nhanh nhẹn đứng lên úp cái mũ da lên đầu, gài quai mũ lại.

Anh em biết Toản đang buồn. Đã liền hai ngày, vào tập sắp đến lượt Toản cất cánh thì báo động kéo dài đến hết giờ. Chiều qua, khi về nhà, Toản ngồi vào mâm cơm cứ lầm lì, nhai mãi không hết ba bát. Toản lo tập cứ buổi đực buổi cái đứt quãng thế, không biết bao giờ mới có thể được chuyển sang trực chiến

- Ban chỉ huy xếp đặt thế là tươi quá rồi! Cậu Toản thật là được lời như cởi tấm lòng nhé. Ta ra chuẩn bị ngay thôi.

Bản đến bên Toản kéo đi. Họ cùng bước ra đường băng.

Vầng mặt trời đã nhô lên khỏi những đám mây đỏ ở chân trời và ném ra những tia nắng chói nghiêng là là, nhuốm một mầu hung xẫm lên mặt cỏ. Chiếc Mích lên dò khí tượng đã từ màn mây trên cao hạ xuống và bắt đầu lượn vòng rộng quanh sân bay. Cùng một lúc, dưới sân, một chiếc máy bay trắng bạc, thon dài như một mũi tên, đã gầm máy, tiếng nổ của nó giòn khô mãnh liệt: anh Thuần chuẩn bị bay.

Bốn anh em ngồi xuống vệ cỏ nhìn theo chiếc máy bay như một con thoi dài từ từ lăn về phía đầu đường băng rồi đứng lại ở đó, chờ cho bạn nó, lúc này đã buông càng và bánh, nhẹ nhàng chạm đất và vun vút chạy về phía cuối đường băng đằng xa. Lập tức nó lăn ra giữa đường băng, đứng gầm máy rồi lao đi trắng toát và cất cánh dựng đứng trên trời trong tiếng nổ như tiếng sét. Sáu gật gù:

- Động tác anh Thuần tốt lắm!

Lương cũng ngửa đầu theo dõi đường bay của anh trung đoàn trưởng. Tuy về đơn vị chưa lâu và trước kia chưa biết anh Thuần, nhưng Lương đã rất mến anh. Lương được biết trong cuộc kháng chiến chống Pháp, anh Thuần đã chỉ huy một trung đoàn bộ binh chủ lực, anh đã lăn lộn khắp các chiến trường trên miền Bắc, từ đường số bốn, sông Lô, sông Thao, đến Tây Bắc, đồng bằng, Điện Biên Phủ. Năm nay anh đã ngoài bốn mươi, nhìn anh, cũng như anh Vỹ, chính ủy, Lương thường nghĩ đến cha, nếu cha còn sống thì bây giờ chắc cũng là một cán bộ chỉ huy như các anh. Các anh cũng cùng một lứa hoạt động cách mạng với cha nhưng trẻ hơn đến mười tuổi, khác nào những người anh cả của Lương và các anh em trong đơn vị.

Trên cao, anh Thuần đang vòng gấp, chiếc máy bay lẫn vào những đám mây trắng dội xuống một tiếng rít kịch liệt rồi như tắt ngấm hẳn máy, biến đi đâu mất. Thật ra nó đã xuống thấp và đang tiến thẳng đến giữa sân bay mà chưa ai nghe thấy tiếng. Lương trông thấy rõ cả cái đầu tròn đội mũ của anh Thuần trong khoang lái, chiếc máy bay xoay nghiêng phụt xuống một luồng gió nóng hổi làm cho những đám cỏ lau bên cạnh đường băng nghiêng rạp đi rào rào.

Xem cách bay của anh Thuần cũng thấy được phần nào tâm tính anh: ngay ngắn, đúng mức, cẩn thận và khi cần thì rất quả quyết.

Cũng như trung đoàn trưởng, hầu hết các đồng chí xây dựng nên đơn vị phản lực đầu tiên này đều từ bộ binh cũ hồi kháng chiến chống Pháp. Trước cách mạng, họ là những chú bé chăn trâu bò ở các làng mạc, những chú “nhau” đi đội than, nhặt xỉ ở các lò lán, các bến sông, nhà ga, hoặc những em học sinh như những con chim sẻ của các hè phố. Họ đã trở thành những anh du kích, dân quân, bộ đội đánh Pháp, bao phen vào sống ra chết, vót từng que chông, gài từng quả lựu đạn để bẫy giặc, phải tằn tiện từng phát đạn súng trường. Kháng chiến xong, thường họ chỉ đọc thông viết thạo, anh nào giỏi thì học văn hóa, đến trình độ lớp năm, lớp sáu. Vậy mà bây giờ họ đã lái những loại máy bay rất mới lạ, rắc rối, hầu hết đã đánh nhau với địch dăm bảy, chín mười trận trên không và đã thành cán bộ các đơn vị bay của ta. Lương thấy các anh lớp trước mỗi người một vẻ đều có kinh nghiệm chiến đấu lâu dài mà bọn trẻ như Lương còn thiếu. Như biên đội trưởng Bản chẳng hạn, anh vốn trước là một đồng chí du kích đường năm Hải Dương, cho đến bây giờ cách bay và chiến đấu của anh vẫn có cái gì rất tinh khôn, có lúc khôn đến quái quỉ làm cho Lương vừa phục vừa bật cười. Bản không thích diễu võ giương oai bao giờ, bay chiến đấu với anh, Lương có cảm tưởng Bản lúc nào cũng nhìn trước nhìn sau, liên tục dò nắn thằng địch, gấp rút ước lượng tình hình xem đánh cách nào bất ngờ hơn cả. Hình như Bản vẫn là đồng chí du kích cũ, nhưng bây giờ cánh tay ném lựu đạn của anh đã dài ra thành cả chiếc phản lực có thể từ xa đến chớp nhoáng nện vào đầu thằng địch trong lúc nó chưa kịp hiểu ra sao. Còn Sáu, người bay một đôi với Lương và là trưởng cơ của anh, thì lại có một cách khác hẳn. Sáu người Nam bộ, quê ở Gia Định không xa Sài Gòn – Chợ Lớn, trước cách mạng anh đã làm phu đốt than trên tàu thủy chạy đường Tiền Giang từ Mỹ Tho lên Nam Vang, trong cuộc kháng chiến đánh Tây anh làm trong một xưởng quân giới ở bưng biền. Tính Sáu ngày thường rất củ mỉ cù mì, ít nói, chỉ hay cười để thay lời. Ngoài giờ học tập hoặc bay chiến đấu, về đến doanh trại là Sáu không yên chân yên tay bao giờ, hình như lúc nào hai bàn tay anh cũng phải lắp cái gì đó, đóng cái gì, chữa cái gì, không cái ghế thì cái chuồng chim, không cái chuồng chim thì cái quạt máy. Bao giờ Sáu cũng kiểm tra máy bay rất kỹ, khi cất cánh, khi hạ cánh, khi bay, anh đều rất cẩn thận, gượng nhẹ với máy bay, nhưng khi chiến đấu anh có những đòn không ai lường trước được. Trong những lúc gay go, ác liệt, anh thường nảy ra những cách đương đầu táo bạo, dữ dội làm thằng địch không kịp trở tay! Sáu đã bắn một thằng Ép Trăm Linh Năm nổ ngay giữa trời và một lần khác, anh đuổi một chiếc Ép Tám của Hạm đội Bảy ra tận ngoài biển, thằng này vào loại đáo để, bị thương đã lảo đảo, nó còn vòng lại phụt tên lửa sạt qua chiếc Mích của Sáu, chỉ chút xíu nữa thì thành ra cả hai cùng đâm xuống nước. Nhưng Sáu nhanh mắt tránh được, sà theo thằng địch xuống sát mặt biển bắn cho đến lúc nó nó rơi chìm nghỉm. Cái mộng của Sáu là có một ngày nào được bay trên một chiếc Mích vào tận Nam bộ, đánh tụi máy bay trong đó, còn bây giờ trước mắt là phải hạ được một “Con Ma” cho đủ cỗ mấy loại tiêm kích mới và mạnh nhất của “Không quân Hoa Kỳ”.

Trong biên đội này còn Lương và Toản chưa hạ được thằng địch nào. Tuy vậy, Lương cũng đã chạm nhau với địch mấy trận và đã được nổ súng, còn Toản thì mới chỉ bay tập. Nhưng anh em đều nghĩ Toản rồi sẽ lập công xuất sắc. Toản lên trên không như cá gặp nước, anh em vẫn nói đùa là Toản với chiếc máy bay còn khăng khít hơn là nhạc sĩ với cây đàn của mình!... Vì Toản rất thích kéo đàn “ắc-coóc”, mặc dù không được thạo lắm. Vấn đề đối với Toản là rèn luyện cho thật dày dạn, bình tĩnh, khôn ngoan trước thằng địch.

Anh Thuần đã hạ cánh và ra đài chỉ huy đứng cạnh đại đội trưởng Kiến. Cứ từng đôi, những con chim thép lần lượt cất cánh và bay lượn trong những lớp mây lúc này đang kéo đến giăng kín bầu trời. Kế hoạch tập của đại đội bốn sáng nay có lẽ trót lọt, không bị địch quấy rối nhiều như mấy hôm trước.

- Đến lượt chúng mình rồi đấy!

Sáu đứng dậy, xoa tay phủi quần và cùng Lương đi nhanh đến trước hai chiếc máy bay của họ, hai chiếc số 22 và 24 đỗ cạnh nhau.