Trong bài ký “Đường lên tây Tây Bắc” trong tập Sông Đà, Nguyễn Tuân có kể chút ít về những người đi “nhen lửa trong lòng nhân dân”:

“Cán bộ gây cơ sở địch hậu Tây Bắc hồi ấy chỉ đem theo trên người một cái bật lửa, một cái thuổng đào củ mài và một tấm lòng. Rạch bẹ chuối rừng ra hứng lấy từng giọt mà uống, ngắt lấy búp cỏ gianh mà nhai cho đỡ đói đỡ khát; nằm trong hang đá mà khát mà đói mà thèm muối, nhìn đá lấp lánh trong hang mà mơ đến những tảng những hòn muối mỏ. Muối thời chiếm đóng là vàng trắng. Giặc Pháp đã đem cái vàng trắng ấy ra mà thử lòng bọn tham bọn xấu. Cũng đã có những đứa ham mấy bơ muối mà cắt đầu anh cán bộ đem nộp cho Tây. Cán bộ địch hậu hồi ấy nhớ muối và thèm đi trên đường cái quan. Có đồng chí mải mê nhen lửa trong lòng nhân dân Tây Bắc để Cách mạng sớm bùng ngọn khắp nơi, mong Tây Bắc mà giải phóng rồi, thì cái nguyện vọng đầu tiên và cũng giản đơn của anh lúc ấy sẽ là được nhảy ngay xuống con đường trục mà chạy suông một đoạn giữa mặt đường thênh thang chói chang ánh sáng tự do, cười nói cử động thừa thãi với cái tư thế của một người làm chủ đất nước mình. Ẩn ẩn hiện hiện, cái hình ảnh anh cán bộ địch hậu Tây Bắc thèm muối thèm đường cái chính xứ đã đeo đẳng tôi suốt ngày đường.”

Công việc khó khăn đến thế mà vẫn có người nhận làm, thật là đáng hãnh diện không biết chừng nào cái giai đoạn lịch sử cực kỳ hào hùng ấy!

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Phải chiếm lại Tây Bắc”



Mùa xuân năm 1947, nhiều đơn vị, từng trung đoàn, tiểu đoàn của ta lần lượt bị bật ra khỏi vùng địch tạm chiếm, vì họ không thể tìm được một chỗ đứng chân yên ổn. Có khi họ phải rút ra chỉ vì thiếu lương thực, đạn dược. Nhiều đơn vị đã được lệnh quay trở về địa bàn cũ. Nhưng những đoàn quân dài dằng dặc rất khó tránh tai mắt của địch. Mỗi lần bị lộ, họ lâm vào những trận đánh bất lợi, và cuối cùng lại bị bật ra.

Từ đầu mùa xuân năm 1948, với những đại đội độc lập, các đội vũ trang tuyên truyền và các đội công tác, đông đảo bộ đội ta đã quay về vùng địch tạm chiếm một cách khá êm thấm, lặng lẽ vượt qua vành đai đồn bót, mạng lưới tề điệp của địch. Họ có khả năng đi rất sâu vào vùng địch hậu mà vẫn giữ được an toàn vì không bị kẻ địch phát giác.

Ở những vùng cơ sở bị mất trắng, công việc phải tiến hành dài ngày và rất gian khổ. Đêm đêm cán bộ, chiến sĩ từ một miếu hoang, một bãi tha ma ngoài cánh đồng, hoặc một hang sâu, búi cây bên bờ suối, lần vào làng, bản bắt mối với từng người dân, từng gia đình, thăm hỏi, tìm hiểu tình hình. Có lúc họ bất thần xuất hiện giữa đám đông, một phiên chợ, một buổi cầu kinh, một ngày hội chùa, dùng loa vạch tội ác của quân Pháp, tuyên truyền kháng chiến, kêu gọi đồng bào đứng lên đấu tranh, rồi biến mất trước khi quân địch kéo tới. Bộ đội ta trở về với cách làm của những đội tuyên truyền vũ trang trước ngày Tổng khởi nghĩa. Dần dà họ gây lại được cơ sở, phục hồi những tổ chức quần chúng, những tổ du kích. Họ bắt đầu có chỗ đứng chân. Những cán bộ, đảng viên, du kích trước kia bị bật khỏi địa phương giờ lại theo lực lượng vũ trang trở về làng xóm cũ.

Đến cuối năm 1948, trừ những trung đoàn chủ lực của Bộ, các trung đoàn khác trong toàn quân chỉ giữ lại ban chỉ huy trung đoàn với một tiểu đoàn tập trung, còn đều giải thể thành các đại đội độc lập; tổng số có 103 đại đội tiến vào vùng tạm bị chiếm và vùng tranh chấp, làm nhiệm vụ đại đội địa phương của các huyện. Như vậy, hai phần năm chủ lực các khu, chứ không phải một phần ba như dự kiến, đã trở thành đại đội độc lập.

Từ lâu trên chiến trường miền Bắc, mối quan tâm của chúng ta là vùng rừng núi Tây Bắc và Đông Bắc, đặc biệt là Tây Bắc. Đứng về hình thái chiến trường, Tây Bắc là địa bàn chiến lược quan trọng không chỉ đối với Việt Bắc mà cả Đông Dương (…) Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, ta đã sớm đưa một số đơn vị lên mặt trận miền tây chiến đấu và xây dựng căn cứ địa ở vùng rừng núi giáp với Lào. Một người chiến sĩ trẻ tài hoa trong đoàn quân Tây tiến ngày đó, sau này là nhà thơ Quang Dũng, đã có những câu thơ:

Tây tiến đoàn quân không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm…


Khi trở lại Việt Bắc, tôi đã nhiều lần trao đổi với anh Trần Tử Bình, lúc bấy giờ là Ủy viên Quân ủy Trung ương, và một số cán bộ chủ chốt về một kế hoạch quy mô lớn. Bước thứ nhất là giải phóng Tây Bắc, Hòa Bình và giúp bạn giải phóng Thượng Lào, tạo nên một bàn đạp để từ đó mở ra một hướng vu hồi chiến lược, đưa chủ lực lớn của ta theo sông Mê Kông tiến vào Nam bộ.

Trong những lần bàn bạc với các anh Bùi Quang Tạo, Song Hào, Lê Trọng Tấn, chúng tôi nhận thấy chưa có khả năng đưa đơn vị lớn trở lại Tây Bắc. Lai Châu là tỉnh duy nhất ta chưa lập được chính quyền trong Cách mạng tháng Tám. Sơn La lập được chính quyền một thời gian ngắn thì bị địch chiếm lại. Quân Pháp đã tạo ra cái gọi là khu tự trị Thái, bình định ráo riết, xây dựng một hệ thống đồn bót dày đặc, và sử dụng bọn phìa, tạo, thổ ty khống chế khá chặt chẽ đồng bào dân tộc thiểu số. Cần phải tiến hành từng bước có chuẩn bị chu đáo. Tôi gợi ý các anh vận dụng những kinh nghiệm của đội quân Nam tiến trước Tổng khởi nghĩa. Bắt đầu bằng những đội tuyên truyền vũ trang mở đường, gồm đa số những người am hiểu địa phương, nhất là các chiến sĩ người dân tộc. Đội tuyên truyền đi trước, bắt mối, xây dựng cơ sở ở những vùng sâu, mở đường cho những đại đội độc lập đi tiếp theo. Từng đại đội độc lập sẽ gắn bó với địa phương, phát triển phong trào ở từng vùng nối liền với nhau thành những căn cứ liên hoàn. Phối hợp với các hoạt động này, các tiểu đoàn tập trung sẽ đánh một số trận có tiếng vang để mở rộng căn cứ.

Ngày 20 tháng 1 năm 1948, sau Hội nghị Trung ương, tôi ký bản chỉ thị trao nhiệm vụ cho Liên khu X (Khu X và Khu XIV hợp thành) tổ chức các Ban xung phong tuyên truyền tiến vào bốn tỉnh ở Tây Bắc xây dựng cơ sở, lập chỗ đứng chân, mở rộng căn cứ Tây Bắc, mở đường quốc tế sang Lào, chuẩn bị để sau này tiến vào Nam.

Một thời gian ngắn, Liên khu báo cáo bốn đội vũ trang xung phong tuyên truyền Quyết Thắng, Trung Dũng, Quyết Tiến và Lào Bắc do những cán bộ chính trị và quân sự tin cậy phụ trách đã được tổ chức xong, sẵn sàng lên đường.

Tôi về Liên khu X làm việc với Liên khu bộ tại một vùng rừng cọ tỉnh Phú Thọ. Rồi đi qua Đào Giã, Vũ Ẻn, vượt sông Thao, lại đi một chặng đường nữa qua vùng đồi cọ và đầm lầy, tới huyện Cẩm Khê; gặp anh Lê Trọng Tấn cùng với cán bộ và chiến sĩ trung đoàn Sơn La vừa rút về, trong đó có những cán bộ vừa được chỉ định tham gia các ban xung phong.

Nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ ta lần này rất nặng. Họ sẽ phải vượt hàng trăm ki-lô-mét đường rừng toàn là vùng trắng, quân địch kiểm soát chặt chẽ. Những ngày dài gian khổ, hiểm nghèo, bệnh tật, đói rét đang chờ họ. Nhưng trên mỗi gương mặt trẻ măng, từ cán bộ tới chiến sĩ, đều ánh lên niềm tin ở thắng lợi. Họ cảm thấy cái vinh dự của thế hệ trẻ được lựa chọn làm người mở đường giành giật lại những vùng đất quan trọng của Tổ quốc.

Tôi nói chuyện với anh em về vị trí của Tây Bắc đối với kháng chiến của ta và cách mạng các nước Đông Dương, sự cần thiết phải giải phóng đồng bào các dân tộc Tây Bắc khỏi cuộc sống đọa đầy, và nhắc lại nhiệm vụ Bác trao cho các đội là phải xây dựng tốt cơ sở quần chúng, cắm bằng được lá cờ đỏ sao vàng trên vùng đất chiến lược ấy.

Trong không khí xúc động đưa tiễn anh em lên đường thực hiện một nhiệm vụ rất khó khăn, tôi ứng khẩu đọc tặng anh em mấy câu thơ:

Sông Đà, sông Mã uốn dòng
Ghềnh rêu thác bạc ghi công anh hào
Con vàn (1) tung cánh bay cao
Ngọn cờ chỉ hướng, ngôi sao dẫn đường.


Sau một thời gian, căn cứ Tây Bắc được mở rộng.


(Trích hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 497-500. Nhan đề phần trích tạm đặt.)





_________
(1) Tên loài chim như con vạc (chú thích của sách).