Năm 2023 tình hình vẫn y như thế. Nghe thứ nhạc ấy, trông những màu tóc trên đầu nam nữ thanh niên, những “bông” trên tai nam thanh niên, mà buồn quá.



“Biến to rồi”




Phố sinh viên nào chả vui. Chỉ trông những mặt non nớt, những chân thoăn thoắt như chực nhẩy cẫng lên kia, đã thấy đời nhẹ lắm.

- Hỏi nhờ anh tí.

Cậu sinh viên kể ngay vanh vách tên những quán cà-phê và quán karaoke trong khu vực. Vừa học hành vừa học cà vừa học ca...

Ðà Lạt đêm khoe áo len. Những mảng mầu sáng tối rủ nhau đi rước gió.

- Vào thử, nhé.

- Tùy anh.

*

Thành phố du lịch mà mất điện! Ðèn lửa lom đom, đứng dưới mái hiên Ngân hàng nhìn sang chợ, nhìn xuống dốc phố N.C.T., tưởng đang ở một cái thị trấn heo hút nào trên Tây Nguyên hay Tây Bắc.

- Hé mở không nhỉ?

Ði. Dăm bước đã ngay trước cửa. Cửa vẫn “hé” chỉ vừa đủ lọt độ một người rưỡi. Hẳn chủ cố ý mở nửa chừng để tạo chút duyên cho cái cửa hàng quá trống trải, giá không có ít bàn ghế nhôm, nhựa con con, không có mấy nồi chè, thùng nước đá, thì có thể làm chỗ dựng gửi đến vài chục chiếc xe máy.

Chè Hé tối nay âm u như cà-phê nghệ sĩ. Mỗi bàn một nến leo lét, chốc chốc ngọn lửa lả lay chực tắt khi gió thốc vào.

Cà-phê! Rùng mình nhớ “nhạc” vừa được thưởng thức ở mấy cái “động” trong phố sinh viên.

- Ở đây khỏi nghe nhạc não, ăn chè chắc ngon, anh.

- Lúc não như cháo, lúc náo như cháy nhà, điên!

Gió lại thốc, đem vào những hạt nước li ti làm tê da mặt.

- Mai anh về khéo mưa to...

- Mai em ở lại khéo mưa to!

Mắt cười vẫn trẻ, nhưng đuôi mắt rạn chân chim.

*

“Bác” tài non tuổi mà đứng đắn, chỉ tật hay lườm lơ. “Không có ghế cho ngồi thì kêu mỏi. Giờ có ghế thì đứng! Chịu mấy cha!” Lơ ngoan ngoãn ngồi xuống ghế nhỏ gần cửa, đờ mắt nhìn dốc quanh co.

Y hồi hộp. Chuyến này đi xe khách quên mang theo bộ nhét tai chống... nhạc, sắp bực mình đây.

Trỗi rồi. Lạ, hết bản này sang bản khác, y vẫn chưa ngọ ngoạy, vùng vằng.

Cuộc trao đổi bắt đầu thế nào nhỉ. Có lẽ y vừa lòng nhạc nên buột miệng tán thưởng với cô gái ngồi bên. Cô chia sẻ nhiệt tình, lúc nào đó y chợt bốc, thôi khen thứ nhạc đang nghe, xoay qua công kích thứ đang không phải nghe.

- ... Cái giọng nam bây giờ lạ quá, cô thấy chứ. Nó mềm cách quái đản, như thể người hát là một cô gái!

- Ðúng đấy ạ.

- Nói chính xác, là nó giống giọng nữ trước kia. Chứ giọng nữ bây giờ lại không mềm thế nữa!

- Chú nói y như thày cháu. Thày chủ nhiệm vẫn bảo bọn cháu rằng giọng nam ca sĩ ở nước ta đang nữ hóa...

- Cô để ý xem, có phải chỉ đổi có cái giọng không thôi đâu. Lời nữa! Ðàn ông con trai mà rên rỉ tình phụ như sắp nhảy xuống sông tự tử, mà than thân trách phận rũ rượi, sướt mướt! Và vừa trách “em” bây giờ se sua, đua đòi, chỉ biết vật chất, vừa năn nỉ ỉ ôi thôi “em” sao cũng được miễn còn yêu “anh”!

- Vâng, đúng thế đấy ạ.

Ngon trớn, đã vù qua cái gì đấy đáng chú ý, giờ vòng trở lại. “Thày em” dạy khoa gì...

- Cháu học khoa sử, năm chót. Bọn cháu đồng cảm với chú, nhưng biết mình chỉ là số ít, rất ít, chú ạ.

Y bất giác xoay mặt ra phía cửa sổ, vờ ngắm cảnh. Cô gái đội mũ, đeo khẩu trang, cả khuôn mặt chỉ còn lộ đôi mắt đen lấp lánh.

*

Chả quen biết gì mà thao thao, y hơi áy náy. Nhưng cũng tại cô bé và những cô bạn học của cô, nhất là tại cái ông giáo dạy sử nào đó đã dạy cho các cô cách nghe nhạc trẻ hệt như cách y nghe.

- Ra trường...

- Cháu sẽ xin về quê dạy học, chú ạ.

Về quê dạy trẻ những trang sử anh hùng, những thời lành mạnh, đẹp đẽ. Trẻ học để thi, thi để quên mà học thứ khác! Trẻ lớn lên, đua nhau bắt chước Tây từ A đến Z, gái hùng hổ dẫn đầu “đổi mới”, trai theo sau vừa cũng đổi vừa ẽo ợt van xin...

- Ðến cái thời biến hóa...

- Chú bảo gì cơ?

*

Y chợt chú ý nhìn bên ngoài. Mới xuống đèo Bảo Lộc, mới vào trạm nghỉ Nhật An ăn trưa, mới qua mấy hòn đá khổng lồ ở Ðịnh Quán, thế mà xe đã sắp đến ngã ba Vũng Tàu. Ðộ ba, bốn giờ chiều. Nắng còn gắt.

Cô sinh viên xuống xe. Vừa chúc may mắn, trông lại thì như thể nắng, khói và bụi đã nuốt mất cô rồi.

Xe đò P.T. vào tận trung tâm Thành Phố. Bước xuống, y hơi lảo đảo. Không phải say xe, mà điên người vì chặng chót phải chịu trận thứ nhạc quái quỉ tên lơ lờ đờ thừa cơ hội mở. Cứ giọng nữ tớn lên, giọng nam oặt xuống, còn ca từ thì thảm không thể nào hơn!

“Bọn cháu (...) biết mình (...) số ít”.

“Ðồng chí” gì ơi, giáo sư chủ nhiệm ơi, có bao giờ đọc những dòng này.



Thu Tứ
Thăm Đ.L. năm 2008
Viết năm 2009