“Hồ Chí Minh”




Cuối năm 2013, khi thăm Việt Nam tổng thống Nga Vladimir Putin có đến viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở thủ đô Nga bây giờ vẫn còn tượng đài Hồ Chủ tịch. Thành phố Vladivostok sắp có tượng đài. Ngày 5 tháng 6 năm 2015, trang điện tử Pravda.Ru đăng lại Di chúc… Đối với người lãnh đạo một đất nước nhỏ xa xôi qua đời cách nay đã gần nửa thế kỷ, thái độ trọng vọng bền bỉ của một đại cường quốc thật đáng chú ý, nhất là trên bối cảnh nước Nga không còn theo chủ nghĩa cộng sản. Rõ ràng đông đảo dân Nga thấy nơi con người ấy một thứ phẩm chất gì đó hoàn toàn phi chính trị, vượt lên trên mọi thứ chủ thuyết… Biết bao nhiêu lời đã được viết ra về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hãy ôn lại vài lời ngắn gọn nêu rõ được cái phẩm chất trường tồn.

*

Mở đầu tập hồi ký Chiến đấu trong vòng vây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết:

“… Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa quốc tế vô sản có những nét không giống với những người cùng thời. Chính theo lời Người kể lại, khi đó Người chưa hiểu bao nhiêu về Quốc tế II, Quốc tế III. “Quốc tế nào ủng hộ giải phóng các dân tộc thuộc địa thì tôi theo” (…) Nguyễn Ái Quốc gia nhập đảng cộng sản là để cứu dân tộc mình. Ngay từ năm 1921, Nguyễn Ái Quốc (đã bắt đầu công khai phát biểu những ý) không có trong những văn kiện của Quốc tế Cộng sản. Cho tới năm 1928, trong Hội nghị lần thứ sáu, Quốc tế Cộng sản vẫn giữ nguyên nhận định: những dân tộc thuộc địa chỉ có thể được giải phóng sau khi cách mạng vô sản ở chính quốc thành công. Ngay từ thời đó, người cộng sản Nguyễn Ái Quốc đã có sắc thái riêng (…) Nguyễn nếu không hẳn là một người lữ hành cô đơn thì cũng gặp không ít khó khăn (…) Chính cương Đảng, cũng như tên Đảng, do Người soạn thảo và lựa chọn, không được chấp nhận. Trong đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương dự Đại hội lần thứ bảy của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc chỉ có mặt những ngày cuối với tư cách một đại biểu tư vấn. Có thời gian Người làm công việc rất bình thường là duy trì mối liên hệ giữa Quốc tế với các đồng chí trong nước”.

Hình dung một đảng viên hễ cứ có cơ hội là lại nói hoặc viết về vấn đề giải phóng các dân tộc thuộc địa, là một vấn đề mà Quốc tế Cộng sản lúc bấy giờ hoàn toàn chưa quan tâm. Chắc chắn chẳng bao lâu đa số đảng viên khác bắt đầu nhìn người ấy bằng con mắt ít nhiều nghi kỵ: “Hắn” chực lợi dụng Quốc tế vào việc riêng của nước hắn đấy à? Nghi thế là rất hợp lý và đúng… tim đen của Nguyễn “Ái Quốc”. Nguyễn còn đem nông nỗi của dân tộc mình ra kể lể với Hội Quốc Liên nữa kia (ngày 30-8-1926).

Trong Bản sắc văn hóa Việt Nam, Phan Ngọc đọc kỹ Hồ Chí Minh toàn tập rồi kết luận: “Tư tưởng Hồ Chí Minh (…) trước hết là tinh thần yêu nước (...) trước sau vẫn lấy quyền lợi đất nước làm mục tiêu”.

Về tâm tư của mình, chính Hồ Chủ tịch cũng từng bày tỏ: “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.(1) Thiết thực đến thế là cùng. Mà lời thì rất đỗi bình dị. Thảo nào, như Mai Quốc Liên nhận xét, “người ta thấy Cụ Hồ gần mình lắm (…) gần gũi như cánh đồng lúa Việt Nam”.(2) Cánh đồng lúa bị những gót giày đinh giầy xéo lên đang tìm cách đưa những gót giày ấy ra khỏi nó, đơn giản có thế thôi.

*

Nguyễn Ái Quốc nhận thức trong trường kỳ lịch sử ở phương Đông không tồn tại mâu thuẫn giai cấp trầm trọng như ở phương Tây. Bất công xã hội tới mức cực đoan chỉ là tình trạng bất thường do đất nước bị ngoại nhân cai trị. Vì thế, “nguyện vọng của Hồ Chủ tịch không phải là xóa bỏ giai cấp (…) xóa bỏ chế độ người bóc lột người (…) những điều thường được nhắc đến trong mọi công trình về chủ nghĩa xã hội”(PN, sđd.), mà chỉ là như vừa nêu trên. Thế thì tại sao Nguyễn lại chọn theo đi theo con đường cộng sản? Thiết tưởng có ba lý do:

Thứ nhất, cũng như nhiều người yêu nước sáng suốt khác, Nguyễn Ái Quốc biết rằng giặc Pháp sẽ không bao giờ tự ý trả lại độc lập cho nước Việt Nam. Cũng như đối với giặc Tàu xưa kia, “kịch liệt bạo động” (lời Phan Bội Châu) là cách duy nhất để phục hồi chủ quyền.

Thứ hai, cũng như những người ấy, Nguyễn lại biết rằng do chênh lệch vật chất quá lớn giữa đế quốc Pháp và nước ta, để đánh Pháp thành công ta cần ngoại viện. Câu hỏi là nên cầu sự giúp đỡ ở ngoại nhân nào? Ba yêu cầu căn bản về nguồn ngoại viện là: có thể cung cấp cho ta những vũ khí hiện đại, cảm thấy có được cái gì đó khi giúp ta đánh đuổi Pháp và bản thân khó là một mối nguy cho nền độc lập của nước Việt Nam. Liên bang Xô-viết vừa mạnh vừa muốn bành trướng chủ nghĩa cộng sản vừa không có tham vọng đất đai ở Đông Nam Á, rõ ràng là chọn lựa lý tưởng.

Thứ ba, không như những người ấy, tuy hết sức cầu ngoại viện, Nguyễn đồng thời nhận thức được rất sâu sắc cái nhu cầu động viên và tổ chức toàn dân thành lực lượng kháng chiến dũng cảm kiên trì. Tuy người Việt Nam có truyền thống bất khuất trước ngoại xâm nhưng trong hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, hứa hẹn nhân dân một tương lai thật hạnh phúc sau khi đánh giặc thành công vẫn là điều cần làm. Và do có nhiệt tình sẵn sàng tham gia tích cực không thôi chưa đủ, nhân dân còn phải hành động theo kỷ luật chặt chẽ nữa, công cuộc đấu tranh tự giải phóng cần một cách hữu hiệu để những người lãnh đạo có thể đi sâu vào dân mà tổ chức cho thật chu đáo. Nhu cầu của ta là thế, thì vừa hay có “Quốc tế” cung cấp cùng một lúc cả lý thuyết chính trị cực kỳ hấp dẫn lẫn phương thức hoạt động cụ thể cực kỳ lợi hại. Chủ nghĩa cộng sản rõ ràng cũng là chọn lựa lý tưởng.

Ngẫu nhiên, Liên Xô vừa là nguồn viện trợ vật chất khả dĩ nhất vừa là nguồn cung cấp phương tiện tinh thần. Tinh thần ta đem ngay về được, nhưng vật chất thì phải chờ.

*

Trong hồi ký Những năm tháng không thể nào quên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa ra lời nhận xét: “Bác kiên quyết trong nguyên tắc và linh hoạt về sách lược. Và khi sách lược đã định ra rồi, Bác cũng rất kiên quyết thực hiện sách lược”. Ta có thể ứng dụng nhận xét ấy vào ngay chính cái việc nước lớn nhất. “Nguyên tắc” đây là cứu dân tộc cho bằng được, còn “sách lược” là theo Quốc tế Cộng sản.

Nhưng ta kiên quyết và kiên quyết, thì kẻ thù cũng đủ hai kiên quyết. Đế quốc Pháp tuy chính quyền khi thuộc đảng phái này khi thuộc đảng phái khác, nhưng bất kể đảng nào cầm quyền chính sách đối với các thuộc địa tối hậu vẫn luôn luôn là: giữ không thời hạn. Cách thức thực hiện chính sách này cũng không hề có lúc nào thay đổi, gồm thứ nhất tích cực chia rẽ dân bị trị và thứ hai đàn áp thẳng tay mọi hoạt động nguy hiểm cho nền đô hộ. Chỗ khác nhau duy nhất giữa các đảng phái Pháp trong vấn đề thuộc địa chỉ là cho dân bị trị hưởng ít hay nhiều tự do. Dù giặc có cho người Việt Nam hưởng nhiều tự do như công dân Pháp, đối với ta điều ấy cũng hoàn toàn vô nghĩa. Điều ta cần là giặc cút khỏi đất nước mình.

Con đường cứu nước dài dằng dặc. Ngoại viện mãi mãi mới chịu đến. Trong nhiều năm Quốc tế Cộng sản tiếp tục hững hờ với việc giúp các dân tộc bị trị thoát ách ngoại xâm. Rồi trên thế giới xẩy ra một cơn binh lửa khủng khiếp trong đó Liên Xô phải sát cánh với các nước tư bản cùng đánh phe Trục. Rồi sau khi Thế chiến thứ Hai kết thúc, phải thêm vài năm nữa thì mâu thuẫn chủ nghĩa giữa Liên Xô và Mỹ mới lăm le chực biến thành xung đột vũ trang. Rồi ngay cả sau khi Liên Xô quyết tâm tích cực ủng hộ kháng chiến Việt Nam thì kháng chiến vẫn phải đợi bên Trung Quốc quân Mao đánh bại quân Tưởng mới có thể bắt đầu nhận được viện trợ. Phải mất đến gần 30 năm (1921-1950), người thanh niên năm xưa đã trở thành “Bác”, lời tha thiết cầu xin giúp đỡ mới có kết quả! Ba mươi năm đằng đẵng đấu tranh trong cô đơn. Trước Cách mạng tháng Tám, bao nhiêu máu đảng viên cộng sản đã đổ, trong số người hy sinh có cả những cán bộ cao cấp nhất, thế mà Đảng vẫn kiên cường tiếp tục hoạt động. Trong giai đoạn 1945-1950, quân ta phải “chiến đấu giữa vòng vây, hoàn toàn không có nguồn tiếp tế từ bên ngoài”, thế mà chẳng những không bị tiêu diệt lại còn thắng những trận vẻ vang, tự bồi dưỡng bằng vũ khí cướp được của địch. Đó là minh chứng hết sức hùng hồn của tinh thần tự lực tự cường của dân tộc mà đảng cộng sản Việt Nam nói chung, Nguyễn Ái Quốc nói riêng, đã có công khơi lên và giữ vững trong hoàn cảnh cực kỳ thử thách.

Về việc ứng dụng chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, vì biết Đông khác Tây, bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề cứng nhắc. Đã có lúc, do nhu cầu động viên nhân dân tiếp tục hy sinh cho kháng chiến, do một số cán bộ nhận thức còn chưa đủ sâu sắc, và cả do áp lực của nguồn viện, mà xẩy ra quá độ. Nhưng Đảng đã kịp thời sửa sai. Tuy vẫn đáng tiếc, tầm mức của quá độ ở Việt Nam là rất bé nhỏ so với ở Liên Xô và Trung Quốc. Sau Hồ Chủ tịch, để tiếp tục làm tốt việc nước, lãnh đạo Đảng cũng luôn tỏ ra mềm dẻo về việc này. Thực ra bây giờ ở ta chủ nghĩa cộng sản đã thay đổi tới cái mức mọi lời hô hào chống cộng đều hoàn toàn vô giá trị.

*

Trở lại thái độ của đa số người Nga đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đâu có gì lạ. Hàng chữ tiếng Nga khắc sâu trên tấm biển đồng dưới bức chân dung Hồ Chủ tịch ở Mạc-tư-khoa nghĩa là: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Nước Nga rất thấm thía cái câu nổi tiếng ấy bởi đã phải hy sinh đến 27 triệu dân để giữ gìn độc lập, tự do. Vừa cảm thông nhiệt tình chống xâm lược, người Nga lại vừa cảm phục một tấm gương dũng cảm. Trong lời giới thiệu khi in lại di chúc của Hồ Chủ tịch, trang Pravda.Ru trầm trồ: “… bài học anh hùng của dân tộc Việt Nam (…) nước nhỏ (…) có thể chẳng những đối đầu với đế quốc lớn nhất mà còn đánh bại nó”.

Đó là bài học có giá trị phổ quát hiển nhiên. Chẳng qua không tiện công khai tán dương, chứ chắc chắn ngay cả hai đế quốc cựu thù kia cũng cảm thấy y như bạn Nga của ta thôi.

*

Riêng đối với dân tộc mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đáng được đặc biệt trân trọng vì một lý do nữa.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại ấn tượng khi gặp Hồ Chủ tịch lần đầu: “Ba mươi năm xa Tổ quốc, qua hai mươi bảy quốc gia trên bốn châu lục, Nguyễn Ái Quốc vẫn giữ nguyên vẹn cốt cách dân tộc Việt Nam” (CĐTVV).

Phan Ngọc nhận xét: “Khác nhiều người cộng sản sau này (...) Nguyễn Ái Quốc khẳng định giá trị to lớn của văn hóa truyền thống” (sđd).

Cái cốt cách và cái nhận thức đúng đắn của người lãnh đạo tối cao có ảnh hưởng hết sức rõ ràng đối với xã hội Việt Nam một thời. Nguyễn Khoa Điềm hồi tưởng: “… thời kỳ chúng ta có Bác Hồ, có các đồng chí tiền bối cách mạng (…) Đạo đức được tuyên truyền (…) bao gồm đạo đức truyền thống (…) Lúc đó, chúng ta thấy giáo dục đạo đức trong xã hội rất tốt, quan hệ con người với con người nói chung lành mạnh”.(3)

Chẳng những đưa dân tộc ra khỏi vòng nô lệ, nhờ hiểu sâu sắc con người và xã hội Việt Nam, Hồ Chủ tịch còn giữ cho dân tộc khỏi mất đi cái vốn văn hóa tinh thần vô cùng quý giá.

Cách mạng tháng Tám sắp được 70 tuổi. Việc nước bây giờ khác nhưng cũng đầy thử thách. Hết sức mong người sau luôn làm sao cho khỏi uổng công người trước.



Thu Tứ
Tháng 6-2015





















_________
(1) Nói lần đầu tháng 1-1946 và được nhắc lại gần y nguyên trong
Di chúc.
(2) Trong bài “Tư duy Hồ Chí Minh”,
Tiểu luận và phê bình văn học, 2011.
(3) Trong
99 góc nhìn văn hiến Việt Nam (nhiều tác giả), nxb. Thông Tấn, 2006.