“Chúng tôi mãi mãi tri ân…”, lời của Xăm đéc Hêng Xom Rin nghe vui tai quá. Nhưng bao nhiêu công của, xương máu chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh ấy có đem lại cho nước Việt Nam được cái gì thiết thực hay không?

Có chứ. Chỉ cần ta quên đi một cái từ rất nhàm thì sẽ thấy. Làm gì có chuyện “diệt chủng”. Bè lũ Pôn Pốt chỉ hết sức tàn bạo chứ không phải là điên. Chắc chắn nếu ta không can thiệp thì chúng cũng không giết hết sạch dân Cam Pu Chia đâu. Có thể chúng sẽ giết thêm một đôi triệu người nữa, rồi thôi giết mà bắt đầu xây dựng lại đất nước Cam Pu Chia theo ý chúng. Ngay bên cạnh ta sẽ là một quốc gia công khai cực kỳ thù nghịch đối với ta. Quân Việt Nam vượt biên giới là để chặn cái dòng lịch sử Cam Pu Chia rất bất lợi cho nước Việt Nam ấy. Nghĩa là ta đã làm cái việc “thay đổi chế độ” như Mỹ làm ở I-rắc ấy mà. Nhưng ta khác Mỹ ở chỗ có cớ vững vàng là sự kiện mà cả thế giới công nhận là vô số người Cam Pu Chia đã bị giết, trong lúc Mỹ khi xâm lược I-rắc thì chỉ có lời của Mỹ mà sau này cả thế giới đều biết là không đúng sự thật.

Đã 35 năm rồi, và chắc sẽ tiếp tục như thế được khá lâu nữa, Cam Pu Chia không công khai chống phá Việt Nam. Đó là một kết quả cụ thể không hề nhỏ.

(Dĩ nhiên trong lòng người Cam Pu Chia, bất chấp những lời “mãi mãi tri ân” của lãnh đạo, bất chấp những tượng đài vinh danh chiến sĩ Việt Nam ở Phnom Pênh v.v., vẫn mãi mãi là nỗi hậm hực đối với người Việt Nam về cái việc Thủy Chân Lạp đời xưa. Việc ấy ta đành chịu thôi.)
(Thu Tứ)



Trương Tấn Sang, “Chiến thắng chung...”




Sau chiến thắng năm 1975, nhân dân Việt Nam và nhân dân Cam-pu-chia thiết tha mong muốn được sống trong hòa bình để khôi phục và phát triển đất nước (…) Nhưng tập đoàn Pôn Pốt, Iêng Xa-ri, Khiêu Xam-phon đã phản bội nhân dân Cam-pu-chia và phá hoại truyền thống đoàn kết hữu nghị của nhân dân hai nước, thực hiện chính sách diệt chủng ở Cam-pu-chia và xâm lược biên giới tây nam Việt Nam (...)

Chỉ trong 3 năm 8 tháng và 20 ngày, chế độ Pôn Pốt đã giết hại gần 3 triệu người dân Cam-pu-chia vô tội (…) Tội ác của chế độ diệt chủng Pôn Pốt ở Cam-pu-chia đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ (...)

Đối với Việt Nam, chúng (…) tiến hành cuộc chiến tranh xâm chiếm biên giới tây nam của Việt Nam (…) chúng tàn phá làng mạc, giết hại dã man người dân, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em (…) Tội ác của chúng đối với nhân dân Việt Nam là không thể dung tha (...)

Việt Nam đã thực hành quyền tự vệ chính đáng của mình, đập tan các hành động xâm lược, và sau đó đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết Cứu nước Cam-pu-chia, của nhân dân Cam-pu-chia anh em, cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân Cam-pu-chia (…) đánh đổ chế độ diệt chủng vào ngày 7-1-1979 (…) Sau ngày giải phóng, hàng ngàn cán bộ chuyên gia, hàng vạn quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục sát cánh cùng nhân dân Cam-pu-chia anh em thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc và ngăn chặn sự quay trở lại của chế độ diệt chủng (…)

Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng, liệt sĩ (…) mãi mãi ghi nhớ công lao to lớn của các đồng chí quân tình nguyện, cán bộ chuyên gia (…)

Nhìn lại chặng đường 35 năm qua, chúng ta tự hào và vui mừng nhận thấy quan hệ (…) giữa Việt Nam và Cam-pu-chia được các thế hệ lãnh đạo (…) dày công vun đắp (đã) phát triển tốt đẹp, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước (…)

Hợp tác kinh tế (…) phát triển nhanh. Kim ngạch thương mại hai chiều (…) đã đạt khoảng 3,5 tỷ USD trong năm 2013 và đang phấn đấu đạt 5 tỷ USD vào năm 2015. Việt Nam là một trong 10 nước đứng đầu về đầu tư vào Cam-pu-chia với 126 dự án và tổng vốn đăng ký hơn 3 tỷ USD, tập trung ở một số lĩnh vực: trồng cao su, phát triển nguồn điện, viễn thông, tài chính, ngân hàng, dầu khí, hàng không (…)

Nhân dịp này, chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu mà nhân dân Cam-pu-chia anh em đã dành cho nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay (…)


(Trích diễn văn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong lễ kỷ niệm 35 năm ngày 7-1-1979)