Thì ra có một thời cái từ “chiến tranh du kích” có nghĩa hoàn toàn khác. Trong Thế chiến thứ Hai và sau đó một chút, đó là khi những binh đoàn lớn “đi để đánh” trên những diện tích mênh mông…

Chiến tranh du kích như bây giờ hiểu thì chính là cái cách đánh nổi tiếng mà dân tộc Việt Nam đã dùng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Lực lượng “đi để đánh” ở ta chỉ là một số rất ít “người dân, có súng và không có súng”. Đánh lối này là như giăng khắp nơi một “tấm lưới vô hình bao la (…) níu chặt lấy quân viễn chinh (…) làm cho một bộ phận lớn của chúng bị sa lầy (…) tiêu hao”.

Nhưng ta không phải chỉ đánh một cách ấy, mà “kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp đánh nhỏ với đánh vừa, đánh lớn.
(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Chiến tranh du kích Việt Nam”




Chiến thắng Việt Bắc làm nức lòng quân và dân cả nước, củng cố niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến trường kỳ. Từ mọi miền, mọi chiến trường thư và điện chúc mừng liên tiếp gửi về. Đài phát thanh và báo chí ta phổ biến rộng rãi ý nghĩa thắng lợi và những kinh nghiệm chiến đấu ở Việt Bắc (…)

Ngày 15 tháng 1 năm 1948, nửa tháng sau chiến thắng Việt Bắc, Trung ương triệu tập hội nghị mở rộng tại khu căn cứ.

Trời mưa. Cán bộ về họp phải lội qua mười khúc suối trước khi tới nhà hội trường nằm giữa rừng cây, tre nứa còn tươi. Nhiều người xúng xính chiếc áo chiến lợi phẩm. Quần áo ướt lướt thướt nhưng bộ mặt ai nấy đều vui tươi.

Hội nghị phân tích về những biến chuyển mới trong tình hình quốc tế. Nhiều nước Tây Âu đã chấp nhận kế hoạch Mác-san (Marshall). Căn cứ quân sự Mỹ xuất hiện ở nhiều nơi nhằm bao vây Liên Xô (…) Hồng quân Trung Hoa đang mở những trận phản công lớn (…)

Với đà phát triển của chiến tranh du kích ở Nam bộ và của kháng chiến trên cả nước, đặc biệt là sau chiến thắng Việt Bắc, hội nghị thống nhất với nhận định của Thường vụ là “Lực lượng so sánh giữa ta và địch đã biến chuyển. Nếu ta tích cực và mau lẹ phát triển ưu điểm, sửa chữa nhược điểm thì chiến dịch Việt Bắc là một cái đà cho ta nhảy sang giai đoạn thứ hai của cuộc kháng chiến lâu dài. Hội nghị dự kiến, trước mắt địch sẽ chuyển sang bình định và càn quét dữ dội vùng tạm chiếm, dồn nỗ lực vào Nam bộ và nam Trung bộ, lập ra những vùng tự trị, tổ chức thêm chính quyền tay sai ở các cấp, chuẩn bị đưa Bảo Đại về nước.

Về quân sự, với quyết tâm đẩy cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới, hội nghị Thường vụ nhận thấy cần “phát triển dân quân, phát triển chiến tranh du kích khắp nơi, nhất là trong vùng địch kiểm soát” và “tập trung đánh vận động tiêu diệt địch, quét những đồn lẻ của địch, bắt địch thu hẹp địa bàn lại, đột kích những thành phố nhỏ”.

Ngày nay nhìn lại, thấy những nhận định, chủ trương trên đây là chính xác, thể hiện sự nhạy cảm và trưởng thành của Đảng ta qua hai năm lãnh đạo kháng chiến.

*

Ngày 19 tháng 1 năm 1948, Hội đồng Chính phủ họp.

Sau chiến thắng Việt Bắc, Bác đã bàn với Trung ương nhân dịp này để động viên tinh thần bộ đội, đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng vũ trang qua hơn hai năm chiến đấu, cần thành lập Bộ Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia Việt Nam, phong quân hàm cho một số cán bộ quân đội và tặng thưởng huân chương cho những người đã lập được chiến công. Chủ trương của Đảng được toàn thể thành viên của Hội đồng Chính phủ hoan nghênh.

Ngày 20 tháng 1 năm 1948, Bác ký sắc lệnh phong quân hàm cho một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội. Tôi được trao quân hàm Đại tướng. Các anh Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình được phong Thiếu tướng. Đối với Nam bộ, quân và dân Nam bộ chiến đấu sớm nhất, đã trên hai năm, Bác và Trung ương đã cân nhắc, cuối cùng đi tới quyết định phong quân hàm Trung tướng cho anh Nguyễn Bình. Ngoài ra, một số cán bộ cấp cục hoặc chỉ huy các liên khu được phong cấp Đại tá. Việc phong quân hàm chỉ mới tiến hành cho những cán bộ chủ chốt, chưa thực hiện với toàn quân.

Hội đồng Chính phủ dự định tổ chức lễ phong quân hàm Đại tướng vào ngày 27 tháng 5 năm 1948 (…)

Ngày 27 tháng 5 (…) Hội đồng Chính phủ tranh thủ họp phiên toàn thể để giải quyết một số vấn đề quan trọng: đánh giá tình hình trong nước, âm mưu của Pháp, nhất là âm mưu chia rẽ của bọn chúng và cách đối phó; lập quy chế công chức mới thay cho chế độ công chức thời Pháp thuộc và giao cho Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính nghiên cứu thang lương công chức; ra sắc lệnh thành lập Ban Thi đua Toàn quốc và chọn ngày 19 tháng 6 năm 1948, ngày kỷ niệm 1000 ngày kháng chiến, làm ngày phát động phong trào thi đua toàn quốc.

Cuộc họp kéo dài tới nửa đêm vẫn chưa xong, phải tiếp tục họp vào sáng hôm sau.

Ngày 28 tháng 5, vào lúc 1 giờ chiều, lễ phong quân hàm được tổ chức trọng thể.

Một hội trường mới dựng bên dòng suối lớn, dưới tán cây rừng, dựa vào sườn núi, vách mới đan còn thơm mùi nứa. Phía trong đặt một bàn thờ Tổ quốc trang hoàng giản dị, có cờ đỏ sao vàng và lọ hoa cắm một chùm hoa núi; xung quanh là các băng đỏ ghi khẩu hiệu: Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi (…) Bác và cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban Thường trực Quốc hội đứng hai bên bàn thờ, các thành viên Chính phủ đứng trước bàn thờ. Bác, tay cầm sắc lệnh gọi tôi lên. Bằng giọng trang nghiêm và xúc động, Bác nói: “Hôm nay thay mặt Chính phủ và nhân dân…” rồi bỗng ngừng lời, rút khăn tay lau nước mắt (…) Lát sau, Bác nói tiếp: “… Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm trọn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho…”. Bác trao cho tôi sắc lệnh. Cụ Trưởng ban Thường trực thay mặt Quốc hội, anh Phan Anh thay mặt Hội đồng Chính phủ phát biểu chúc mừng. Anh Tạ Quang Bửu thay mặt Bộ Quốc phòng bày tỏ lời chúc mừng và lời hứa của toàn thể bộ đội sẽ nêu cao tinh thần chiến đấu anh dũng dưới sự chỉ huy của Đại tướng. Tôi xúc động phát biểu mấy lời, từ đáy lòng vô cùng nhớ tiếc các anh hùng liệt sĩ, chân thành biết ơn Bác, Quốc hội và Chính phủ đã dành cho tôi vinh dự cao cả. Tôi hứa sẽ đem hết tinh thần và nghị lực làm tròn nhiệm vụ, góp phần khiêm tốn của mình vào sự nghiệp đấu tranh cho độc lập của Tổ quốc.

Sau buổi lễ, chúng tôi ngồi quây quần bên Bác. Bác nói: Việc phong tướng cho chú Giáp và các chú khác hôm nay là kết quả biết bao hy sinh chiến đấu của đồng bào, đồng chí… Các thế hệ đi trước chiến đấu cho độc lập mà sự nghiệp không thành, nhắm mắt vẫn còn chưa thấy độc lập, tự do. Chúng ta ngày nay may mắn hơn, nhưng trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn (…) Cuộc nói chuyện trở thành buổi ôn lại truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc ta (…)

*

Bước sang năm 1948, quân Pháp đã mở rộng phạm vi chiếm đóng trên nhiều vùng khá rộng của lãnh thổ nước ta.

Ở miền Nam, chúng đã chiếm tất cả những thành phố, thị xã. Tại miền Trung, ta còn giữ Thanh – Nghệ - Tĩnh và ba tỉnh ở Liên khu V (…) Địch kiểm soát hầu hết miền Tây Bắc và phần lớn miền Đông Bắc, tạo sức ép vào căn cứ địa Việt Bắc (…)

Chiến thắng vĩ đại đầu năm 1789 của quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ đã chấm dứt thời kỳ đương đầu với quân xâm lược (…) từ một nước tuy lớn hơn (…) nhưng về kinh tế, kỹ thuật, thì ở cùng một trình độ phát triển như nước ta.

Bước vào thời kỳ cận hiện đại, nhân dân ta, cũng như những dân tộc nhược tiểu khác, bắt đầu phải đối phó với chiến tranh xâm lược của những cường quốc tư bản (…) vượt xa về trình độ phát triển kinh tế, kỹ thuật (…)

(Đến nay) chưa hề có tiền lệ thắng lợi trong cuộc đối đầu giữa các dân tộc nhược tiểu với các đế quốc thực dân hùng mạnh.

Chúng ta (…) chiến đấu giữa vòng vây, hoàn toàn không có nguồn tiếp tế từ bên ngoài (…)

Ở đây, tôi muốn (…) nêu lên những đặc điểm cơ bản của chiến tranh du kích ở nước ta, của chiến tranh du kích Việt Nam.

Trước hết, nói đến đặc điểm chiến trường. Có những nhà lý luận kinh điển về quân sự của thế giới, như Clau-dơ-vít, đã từng nói đến cách đánh du kích và khẳng định rằng cách đánh ấy chỉ có thể tiến hành được ở những quốc gia rộng lớn như nước Nga. Mao Trạch Đông khi nói đến chiến tranh du kích cũng cho rằng chiến tranh du kích chỉ có thể thực hiện thắng lợi ở những nước có diện tích bao la như Trung Quốc chẳng hạn (…) Trong hàng ngũ cán bộ ta, cũng có người đặt câu hỏi: nước ta là một nước nhỏ, chiến trường hẹp, có khả năng giành thắng lợi bằng chiến tranh du kích hay không? (…) Thực tiễn lịch sử đã chứng minh một chân lý mới (…) Chiến tranh du kích của một nước nhỏ đã đi đến thắng lợi.

Xét về lực lượng tác chiến, thì đối với ta đánh du kích là cách đánh chủ yếu của người dân, có súng và không có súng (…) Quần chúng tiến hành những hoạt động chiến đấu thích hợp với khả năng của mình. Đây là một đặc điểm rất cơ bản trong kháng chiến toàn dân của ta. Nó cho phép ta duy trì cuộc chiến đấu ngay trong những vùng tạm chiếm.

Một số nhà nghiên cứu về chiến tranh Đông Dương cho tới nay vẫn cho rằng du kích của ta thường dùng số đông áp đảo số ít (…) giống như cách đánh của những binh đoàn du kích Trung Quốc (…) Ta không chủ trương và hoàn toàn không có điều kiện tổ chức ra những binh đoàn du kích lớn như ở Trung Quốc hay trong Chiến tranh Vệ quốc Liên Xô. Nguyên tắc tác chiến của chiến tranh du kích ta (…) Lấy yếu đánh mạnh, lấy ít đánh nhiều (…)

Những đặc điểm nói trên của phạm vi chiến trường và lực lượng tác chiến đưa đến một đặc điểm nữa. Nếu ở Trung Quốc, du kích được hiểu là “đi để đánh” (…) thì những đội du kích của ta lại luôn luôn gắn với làng, xã (…) không “đi để đánh” mà trụ bám tại địa phương, có di chuyển cũng chỉ trong địa phương (…) tiến hành những hoạt động chiến đấu muôn hình muôn vẻ (…) không phải chỉ là thuần túy quân sự (…)

Chiến tranh du kích Việt Nam (…) là tấm lưới vô hình bao la, giăng khắp nơi, níu chặt lấy quân viễn chinh và làm cho một bộ phận lớn của chúng bị sa lầy, ngày càng bị tiêu hao (…)

Trong cuốn Cách đánh du kích dùng để huấn luyện cho các cán bộ ở Pắc Bó từ năm 1941, Bác đã viết: “Du kích là đánh úp hay đánh lén, đánh lúc kẻ thù không ngờ (…)” (…)

Ngày 15 tháng 4 (năm 1948), Hội nghị Dân quân toàn quốc lần thứ hai khai mạc. Anh Trường Chinh cùng tôi và anh Văn Tiến Dũng trực tiếp chỉ đạo hội nghị. Giữa hội nghị, Bác tới thăm (…) Trong hội nghị, tôi giải thích thêm về huấn lệnh “Phát động du kích chiến tranh, nhiệm vụ quân sự căn bản trong giai đoạn này”. Nhiệm vụ của các đội dân quân, du kích được xác định cụ thể như sau:

Một là quấy rối: (bằng phương tiện thô sơ) giết một vài tên địch là việc cần làm cho phổ biến (…)

Hai là phá hoại đường sá, cắt điện tín, điện thoại của địch (…)

Ba là trừ gian, phòng gian.

Bốn là (…) cùng bộ đội tác chiến (…)

Chúng ta cần một bà đỡ để đường lối kháng chiến toàn dân phát động chiến tranh du kích trở thành hiện thực. Những đại đội độc lập (…) được trao sứ mệnh nặng nề này (…)

Với việc đưa chiến tranh vào vùng sau lưng địch, biến hậu phương địch thành tiền phương ta, năm 1948 chúng ta thực sự triển khai một cuộc phản công chiến lược, với hình thức độc đáo, qui mô rộng khắp, đánh vào toàn bộ quân viễn chinh và bộ máy tay sai trên toàn cõi Việt Nam.


(Trích hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006)