Ðọc lại tập truyện Hoa vông vang (1942), nẩy ý muốn biết thêm về Ðỗ Tốn. Tra thử vài từ điển văn học, không thấy tên. Lục bộ Văn xuôi lãng mạn Việt Nam (1930-1945), thấy có tác phẩm Ðỗ Tốn, nhưng không thấy một chữ nào về tiểu sử tác giả. Văn ra đời cách nay mới sáu, bảy chục năm, mà nhà văn hình như không còn dấu vết!

Nhất Linh rất thích truyện Ðỗ Tốn, có lần so Ðỗ Tốn với Thạch Lam: “Tôi thấy hai nhà văn này có nhiều chỗ giống nhau và tôi tin Ðỗ Tốn sẽ là một Thạch Lam thứ hai trong văn giới nước ta.”(1)

Chắc chắn hai người có nhiều chỗ giống nhau, nhưng thiết tưởng cũng có chỗ khác nhau đáng kể: Thạch Lam trầm, còn Ðỗ Tốn thì bồng bột.

Trong truyện “Một kiếp người” sau đây, tâm hồn sôi nổi của tác giả không để lộ nó ra rõ bằng trong đôi truyện khác, nhưng ta cũng có thể lờ mờ thấy...

(Thu Tứ)

(1) Trong lời tựa tập
Hoa vông vang.



Đỗ Tốn, “Một kiếp sống”



Một hôm tôi trở lại ấp Trung Dã, cái ấp mà cha mẹ tôi đã bán cho một người quen sáu năm trước đây. Ấp đó ở cách phủ Ða cũ độ hơn một cây số, nên khi chiều đến tôi thủng thẳng đi bộ ra phủ để thăm lại cảnh cũ, và cũng hy vọng may ra có gặp một người quen nào chăng.

Tôi tới trường học thì ông giáo Ðoan ở đấy đã đổi đi nơi khác từ lâu; nhà ông Thịnh cân gạo sầm uất năm xưa nay cũng đã để cho người khác thuê ở bẩn thỉu. Phủ Ða cũ nay đã trở nên cảnh tàn chết! Từ ngày Nhà Nước nắn thẳng con đường cho chạy ra ngoài, và nhất là từ ngày phủ lỵ thiên đi cách đấy bảy cây số thì đời sống ở đó tàn dần, những ô-tô cũng chạy trên con đường mới, không qua đó nữa.

Lúc đi ngang qua nhà bưu điện trông thấy cây cối um tùm, tự nhiên tôi sực nhớ ra ông Kình: ông làm chủ nhà bưu điện ở đây. Có quen với thầy tôi, nhưng vui tính một cách đơn sơ, vả lại tâm tính ông cũng giản dị nên ông vẫn ưa nói đùa phiếm với chúng tôi ngày tôi còn nhỏ. Tôi rẽ đi vào tuy trong tâm cũng đoán trước là ông đã đổi đi làm việc ở nơi khác rồi. Ðến gần cổng tôi hỏi một nhà thợ may mới biết là ông Kình vẫn còn ở đây. Tôi liền đi vào: tới sân vắng, một con chó choàng tỉnh dậy uể oải sủa mấy tiếng rồi thôi; tôi thấy có bóng người thoáng qua bức mành dưới nhà ngang... Tất cả im lìm như không cần để ý tới người vào. Một lát sau tôi mới nghe thấy một giọng nói quen quen từ nhà trên vọng ra: "U em ra xem ai hỏi gì mà chó sủa thế?..." Sau khi tôi ngỏ ý muốn gặp "ông chủ" thì một lát sau tôi mới thấy ông Kình chậm chạp vén bức mành mành bước ra hiên: ông mặc quần áo trắng dài, gương mặt đã già dặn hơn hồi trước một chút. Tôi cúi chào. Mặc dầu là chào lại tôi, ông Kình vẫn thản nhiên hỏi:

- Ông là ai, xin ông cho biết,... ông hỏi có việc gì?

Tôi cười đáp:

- Ông không nhận ra được tôi à? Tôi là Huân đây mà, Huân con ông T...

Lúc ấy ông Kình như sực tỉnh, mắt ông mở to, miệng há hốc kêu "à " một tiếng rồi ông bước xuống cười vui vẻ đưa cả hai tay ra nắm lấy tay tôi mà lắc rất mạnh.

- Thế mà tôi cứ ngỡ là ai... Cậu lớn quá rồi, phải lớn lắm... vào chơi, vào chơi, quý hóa quá...

Rồi ông quay ra lớn tiếng gọi người nhà pha trà, ông cười nói luôn miệng cùng hỏi thăm về cha mẹ tôi. Lúc người vợ đi thoáng qua trong phòng ông vội gọi ra:

- Này nhà này, có cậu Huân lên chơi đấy... cậu Huân con ông chủ Ðỗ ấy mà... Gớm bây giờ lớn thế rồi cơ đấy... mới ngày nào ra chơi đây còn để đầu trọc...

Hai vợ chồng vui vẻ cười nói và ngắm tôi một cách lạ lùng, rồi họ khen tôi lớn, rồi họ suýt soa:

- Mới ngày nào... mới ngày nào...

Khổ cho tôi là lại phải trả lời bà vợ về sức khỏe cùng công việc của thầy mẹ tôi một lần nữa.

Có một lúc chuông điện thoại rền kêu làm ông Kình vội đi sang phòng làm việc ở bên, bà vợ thì đã xuống bếp hay đi đâu không rõ. Ngồi lại một mình, tôi đưa mắt nhìn quanh. Nhà bưu điện nhỏ chia làm ba phòng hẹp. Phòng ngoài là phòng làm việc, phòng trong là chỗ gia đình ông Kình ở, chỉ có phòng giữa mà tôi đang ngồi là hẹp nhất, ở đấy kê một chiếc bàn con bốn cái ghế để tiếp khách, và một cái ghế ngựa mà tôi chắc buổi tối để các trẻ ngủ vì tôi thấy trên tường có lủng lẳng mấy sợi dây gai để xâu lao màn. Ngồi không cũng chán, tôi bèn đứng dậy tới nhìn vào một khung kính lớn có dán nhiều tấm ảnh cũ kỹ đã ngã ra màu vàng cùng lấm tấm trắng, cái khung mà tôi đã thấy vẫn treo ở đó sáu năm trước đây. Vừa lúc ấy ông Kình lại ra tiếp tôi. Trong khi nói chuyện, thỉnh thoảng ông lại đưa tay với cái điếu thuốc lào kéo một hơi dài mơ màng... Nhưng có một lúc vì tiếng trẻ khóc ở phòng bên làm chúng tôi phải lớn tiếng nói chuyện, và cũng vì trong phòng quá nóng nên ông bảo:

- Ta ra ngoài sân ngồi nói chuyện thoáng hơn.

Trong gió mát ban chiều, hai chúng tôi ngồi uống nước trà nói chuyện bâng quơ cùng thảnh thơi nghe sáo diều. Cứ lúc lúc ông Kình lại luồn tày vào trong áo gãi ngực gãi nách một cách ra vẻ khoan khoái lắm. Những lúc ấy ông lim dim, miệng hơi há, mặt ông đực ra một cách sung sướng... và có khi hứng, ông hóp cả ngực lại rồi luồn bàn tay vào mãi tận bắp tay bên kia gãi vơ vẩn. Tôi nghiệm ra thường thường sau những cơn gãi yên lặng khoái trá đó, ông Kình hay vui tính nói một câu pha trò. Bữa nay cũng vậy, gãi xong ông quay sang hỏi tôi:

- Thế nào, cậu có chấm món nào chưa, con trai lớn rồi, lấy vợ đi thì vừa chứ...

- Thưa ông, kể thì cũng định thế đấy ạ...

Tôi vui cười đáp, rồi quay ra nghĩ vẩn vơ thì đã lại thấy ông Kình đưa tay với cái điếu vẫn để trên ghế bên cạnh, uốn chiếc xe cong xuống, đánh diêm kéo một hơi dài, đoạn ông ngẩn mặt ra thở khói một cách say sưa. Nhưng rồi như chợt tỉnh mộng, miệng hãy còn tỏa khói, ông quay nhìn tôi nói:

- Hút thuốc, hút chơi một điếu!

Tôi ngỏ ý là tôi không biết hút thuốc lào thì ông vui đùa cười bảo:

- Quốc hồn quốc túy mà không biết, thế này thì hỏng mất, thanh niên giờ hỏng to. À, hay ăn na, na chín cây, của nhà trồng mà, phải, tốt lắm...

Không để tôi trả lời, ông đã ngoảnh gọi:

- Này nhà, bảo mang ra đây mấy quả na... Chọn hạng nhất ất, quý khách cơ mà gì...

Trong lúc chúng tôi đương vừa ăn na vừa vui về câu chuyện "cây nhà lá vườn" thì một đứa nhỏ chạy tới đòi bố cho ăn na. Ông Kình quay ra vui vẻ gắt:

- Cái thằng này chỉ hỗn thôi nào!

Rồi ông ngoảnh lại tươi cười bảo tôi:

- Cháu đấy cậu ạ. Cháu tham ăn lắm.

Ông vừa nói vừa bẻ đưa cho con nửa quả na:

- Thôi đây, cầm lấy đi vào mau, giặc con!

Ngồi nhìn cậu bé vui thú chạy đi, tôi hỏi:

- Thưa ông, cậu em lên mấy rồi ạ?...

- Cháu lên bảy... Tôi đang định trù tính cho cháu ra Hà Nội học đấy cậu ạ, cậu xem tôi tính như thế có phải không, chứ học ở nhà quê nó mụ đi mất... trẻ ở tỉnh xem ra vẫn tinh khôn nhiều...

Nghe nói thằng bé lên bảy, tôi chợt nhớ ra rằng trước kia bà Kình sinh được đứa con nào là chết đứa ấy, không sao nuôi được lâu, nên đến khi sinh đứa này, bà phải đến nhà tôi xin một cái áo trẻ con cho nó mặc để lấy phước... "Thế mà đã lên bảy", tôi nghĩ xong quay sang hỏi:

- Ông đã ở đây được bao lâu rồi ạ?

Sau khi kéo một hơi thuốc lào, ông Kình vừa thở khói vừa bấm đốt ngón tay đếm, đoạn rồi ông mở to mắt ngạc nhiên kêu:

- Mười lăm năm rồi cơ đấy!... À thật à? Êu ôi, thời giờ chạy chóng thật!... Mới độ nào tôi tới đây cậu hãy còn bé lắm, đầu trọc lốc, cứ thường hay đánh cái vòng chạy chơi...

Ngừng một lát, ông đưa mắt nhìn cảnh vật quá quen, rồi lơ mơ nhếch mép mỉm cười tiếp:

- Ở đây những ngày ấy xơ xác có gì đâu; những cây này là do tay tôi trồng cả đấy chứ, kể trông cũng khá gọn mắt phải không cậu...

Trông những thân cây đã già cỗi nứt nở, tôi thấy nản quá. Mười lăm năm sống ở một phố nhỏ, kéo một đời làm việc điều hòa, nhàn không ra nhàn, bận không ra bận! Tôi nhìn ông hỏi:

- Sao ông không tính làm công việc gì khác,... ở đây mãi chán chết?

Mắt vừa hấp háy chớp chớp, tay vừa luồn vào trong áo gãi bả vai, ông co gập người lại đáp:

- Cậu nói cũng phải, ở đây chán thật, nhưng cậu tính tôi còn làm được việc gì bây giờ! Ngày xưa tôi cũng tính may quần áo tây mặc đi chơi chỗ này chỗ kia cơ đấy,... nhưng nay đã năm con rồi cậu bảo còn gì!... cứ sòn sòn năm một, bây giờ muốn hãm cũng chẳng được... Còn phải lo cho chúng nó đủ ăn, đủ mặc...

Vừa lúc ấy chuông điện thoại lại leng keng rền kêu làm ông Kình bỏ dở câu chuyện, hấp tấp chạy vội sang phòng làm việc.

Tôi ngồi nhìn ít cây na vun sới cạnh vại nước, trước căn bếp mà khói đang nặng nề chui ra mái rạ mà ngán cho đời sống chôn chân ở đây!... Mười lăm năm trông làn khói ấy và vun xới mấy cây ấy thì chịu sao cho được! Một lúc sau ông Kình đi ra lắc đầu than:

- Ðiện thoại gọi suốt ngày, bây giờ chủ nhật cũng phải làm việc mới chết chứ! chẳng dám đi đâu...! Ấy lắm khi ngồi nhà suốt buổi thì chả có việc gì đâu, thế mà hễ cứ động bước chân ra đến cổng là y như có chuông kêu. Bạn bè cũng phải bỏ mặc cả, với lại có ra đến phố cũng thấp thỏm lo lỡ ra ở nhà có chuông điện thoại thì cậu bảo còn nói câu chuyện gì cho vui được! Cái chuông giết người!

Ông vừa nói dứt lời đã lại đưa tay với lấy cái điếu và hút luôn một hơi thật dài; đoạn rồi ông cười để lộ một hàm răng vẩu vàng khè vì khói thuốc...

- Ấy ở đây chỉ có cái điếu là tri kỷ, người bạn tâm sự của tôi đấy cậu ạ... Ngày xưa tôi cũng như cậu, tôi không biết hút thuốc lào,... nhưng ở đây, những phút buồn...

Mắt chớp nặng nề như buồn ngủ, ông ngừng lại rồi ngả lưng trên ghế xích-đu mơ màng. Gió chiều êm nhẹ mơn ru, văng vẳng đưa lại tiếng sáo diều quê. - Nhưng rồi có một lúc như chợt tỉnh, ông Kình đột ngột nhỏm dậy nhìn tôi nói:

- À, hay ở lại ăn cơm, để bảo bắt gà, nhà có sẵn... phải rồi... Cơm xoàng thôi mà!

Tôi vội cười thoái thác:

- Xin ông để cho khi khác...

Chưa để tôi nói hết câu, ông đã thân mật cười pha trò:

- Vẽ, ở lại đánh một bữa cho vui, "gà cây nhà lá vườn" ấy mà...

Nhân thể câu chuyện cơm, tôi cười xòa đứng dậy nói:

- Thôi, xin ông để cho khi khác... ông cho phép về kẻo đã gần tối, xin ông nói giúp tôi có lời kính chào bà.

Trong lúc tiễn đưa tôi ra cổng, ông Kình đã lại luồn bàn tay vớ vẩn đưa trong nách và mắt lại chớp lia lịa, miệng há hốc một cách khoan khoái.

"Ðoán ông này lại sắp nói khôi hài gì đây", vừa nghĩ thế tôi vừa giơ tay bắt tay từ biệt, nhưng còn mải bận gãi, nên ông Kình yên lặng đưa tay trái cho tôi bắt, mặt vẫn ngây đờ như còn mải theo một hình ảnh đâu đâu.

Lúc tôi đi đã được mươi bước thì quả nhiên có tiếng ông Kình vui vẻ nói theo:

- Hôm nào ghé lên chơi nữa nhá... Lên mà tập hút thuốc lào chứ, không thì hỏng mất.

"Lên mà tập hút!..." - Ra đến ngoài đường cái, tôi còn mỉm cười nghĩ tới câu "ngày xưa tôi cũng như cậu, tôi không biết hút thuốc lào!"

Lững thững tôi đi tắt qua đồi bãi về cho gần... trông những cỏ bạt gió hiu hiu thổi, tôi thấy rộng rãi...

- Ít ra đời cũng khoáng đạt như cỏ đồi, cũng may mà đời ta không như cây na vun xới, ám khói, ngày ngày sống bên vại nước ướt át.

Tôi còn nhớ sáu năm trước đây đã có lần tôi nghe thấy ông Kình nói điều mà ông cho là đẹp nhất và ông mong ước nhất là chiều chiều mặc một bộ quần áo pi-gia-ma lụa, chân đi đôi dép dừa, thung thăng bách bộ đi rong chơi mát. Tôi lắc đầu mỉm cười với điều mong ước quá nhỏ ấy - mộng đơn sơ của các cô gái quê mong có cái thắt lưng hồ thủy với chiếc váy sồi. Phải, tôi không nên lấy làm lạ thấy đời kẻ có những hoài vọng đơn giản ấy cứ già dần đi như cây na bên bếp, để rồi sẽ tiêu diệt một cách chắc chắn trong phố phủ xưa kia.