Thơ Hồ Xuân Hương giống cô gái Việt chân quê ăn mặc quý phái lối Tàu.

Cô gái, hay nội dung thơ, là tính ưa bỡn cợt về chuyện ấy, cái ấy của người Việt. Áo quần cô, hay hình thức thơ, là thể Ðường luật đạo mạo điển hình văn minh Trung Quốc.

Gái ta mặc đồ Tàu mà “người ta” ngắm không lạ mắt!

Ðược thế, nhờ đâu?

Thiết tưởng, thứ nhất do ở loại sợi dùng để dệt vải: chữ trong thơ Hồ Xuân Hương gần như thuần nôm.

Thứ hai, đã dùng sợi Việt, khi dệt tác giả lại dệt theo cách Việt: câu thơ Hồ Xuân Hương tự nhiên như lời nói buột ra.

Nội dung Việt, từ vựng Việt, ngữ pháp Việt: ba cái Việt xúm nhau “đánh mềm xương” thể thơ Tàu!

(Thu Tứ)



“Hồ Xuân Hương”, “Kẽm Trống”



Hai bên thì núi giữa thì sông
Có phải đây là Kẽm Trống không
Gió giật sườn non khua lắc cắc
Sóng dồn mặt nước vỗ long bong
Ở trong hang núi còn hơi hẹp
Ra khỏi đầu non đã rộng thùng
Qua cửa mình ơi nên ngắm lại
Nào ai có biết nỗi bưng bồng.