Giặc thất bại ở Việt Bắc năm 1947 vì ta có hai điều kiện “địa lợi” và “nhân hòa”. Điều kiện thứ hai cũng hết sức quan trọng. Rừng che núi đỡ, nhưng lên rừng núi mà không tranh thủ được nhân dân trên ấy thì không tồn tại nổi. Không có sự tham gia nhiệt liệt của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, không thể có chiến thắng Việt Bắc. Mà không có Việt Bắc, không thể có Điện Biên Phủ! Đúng là lâu lắm rồi mới lại xẩy ra đoàn kết xuôi ngược qui mô như thế. Thực ra trong kháng chiến chống Pháp, đồng bào miền ngược đóng góp rộng và sâu hơn trong cuộc đánh Nguyên Mông đời Trần nhiều. Đó là một thành tích đặc biệt của đảng cộng sản Việt Nam.

Cái sự kiện Pháp không tiến công chiến lược Việt Bắc một lần nào nữa cho thấy kẻ thù học nhanh lắm. Chỉ một lần thôi, đã biết kệch ngay, giỏi.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Ý nghĩa Việt Bắc 1947”



Sau khi địch rút khỏi Việt Bắc, tôi đi gặp Bác và anh Trường Chinh để báo cáo.

Bác đã từ Bản Cóc trở về Khuổi Tát. Người đã qua cơn yếu mệt, nhưng còn gầy và xanh. Ánh lửa lại reo vui trong ngôi nhà sàn giữa rừng sâu (…)

Sáng hôm sau, tôi chào Bác lên đường sang Tuyên Quang dự lễ mừng chiến thắng.

Hơn hai tháng qua là những ngày cực kỳ căng thẳng và bận rộn (…) Người nào cũng gầy đi vì thiếu ăn, mất ngủ và luôn luôn hành quân di chuyển. Nhiều người khổ sở vì bệnh nấm phát triển do trời mưa, quần áo giặt không kịp khô, đôi chân lở loét vì lội suối nhiều.

Ngồi trên mình ngựa lững thững ra khỏi rừng, thấy đất trời như vừa qua một cơn bão. Những ngôi nhà đổ rụi, những đống tro than, những ngôi mộ mới. Nhưng không gian yên tĩnh lạ lùng. Không còn tiếng máy bay, tiếng pháo, tiếng bom. Rừng cây xanh hơn. Những dải sương trắng trên sườn núi cũng mượt mà hơn.

Đồng bào sơ tán lục tục quay về làng, bản, mang theo những vác tre, nứa, chuẩn bị dựng lại nhà mới. Nét mặt ai nấy đều tươi tỉnh.

Dòng sông Lô sau những ngày gầm thét, chan hòa máu giặc, đã trở lại màu xanh bất tận, êm đềm chảy giữa núi rừng Việt Bắc.

Sông Lô đang trôi mau
Tin mừng về với bao người
Sông trôi quanh co về
Mừng một mùa chiến công…


Bản Trường Ca Sông Lô của nhạc sĩ Văn Cao đã ra đời trong dịp này (…)

Thị xã Tuyên Quang đổ nát, sực mùi tanh tưởi của những thứ giặc Pháp còn để lại.

Đồng bào lũ lượt từ khắp nơi kéo về dự lễ mừng chiến thắng.

Một kỳ đài lớn, khẩu hiệu, cờ xí rực rỡ đã được dựng trên sân vận động. Vũ khí thu được của địch xếp từng đống trong các gian phòng triển lãm.

Các anh trong Khu ủy và Bộ tư lệnh Khu X, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban chỉ huy quân sự tỉnh Tuyên Quang… cùng các chiến sĩ bộ binh, pháo binh, dân quân tự vệ đã chiến thắng quân địch trên sông Lô, sông Gâm, đường Hà Tuyên, ki-lô-mét số 7 đều có mặt.

Hàng nghìn bó đuốc sáng rực xua tan sương giá và gió lạnh mùa đông, làm rạng rỡ những khuôn mặt chiến sĩ mang các vũ khí tự động mới thu được của địch, nước thép xanh bóng rầm rập diễu qua lễ đài.

Tôi đọc bản Nhật lệnh của Bộ Tổng chỉ huy nhân kỷ niệm một năm toàn quốc kháng chiến, ba năm ngày thành lập Giải phóng quân, và lễ mừng chiến thắng quân giặc trong cuộc tiến công Thu Đông đầu tiên vào Việt Bắc của chúng, chuyển lời khen ngợi của Hồ Chủ tịch và Chính phủ.

Sau đó, tôi thay mặt Bộ Tổng chỉ huy gắn huân chương lên quân kỳ những đơn vị đã lập chiến công.

Trong vinh quang của chiến thắng Việt Bắc lại nổi lên những cái tên mới: trung đoàn Sông Lô, tiểu đoàn Bông Lau, tiểu đoàn Bình Ca, tiểu đoàn pháo binh 410.

(…)

Cuộc tiến công chiến lược vào Việt Bắc, ngày nay nhìn lại, là cuộc tiến công mang nhiều tham vọng nhất của Pháp trong suốt quá trình chiến tranh xâm lược Đông Dương. Nó đã diễn ra trong thời kỳ lực lượng vũ trang ta còn ở độ tuổi ấu thơ.

Tác giả của nó là Van-luy (…) Van-luy nhận xét nước Việt Nam ngày nay (…) được lãnh đạo chặt chẽ. Muốn tái chiếm Việt Nam trước hết “phải đập nát cái đầu” là Việt Minh (…) Để làm việc này, cần tiêu diệt “khu cố thủ Việt Minh” nằm ở thượng du Bắc bộ, bao gồm: chụp bắt cơ quan đầu não, loại trừ quân đội thường trực và phá hủy mọi tiềm năng chiến tranh. Xa-lăng, người đã chứng tỏ tài năng khi còn là chỉ huy sư đoàn thuộc địa thứ 9 trong chiến dịch giải phóng nước Pháp, đã có mười ba năm ở Đông Dương, rất quen thuộc với vùng thượng du Bắc bộ, được trao nhiệm vụ này. Với binh lực hùng hậu trong tay, trước ngày mở cuộc tiến công, Xa-lăng tuyên bố sẽ hoàn tất mọi mục tiêu trong ba tuần.

Xa-lăng quá chủ quan với những kinh nghiệm từ khi còn là đồn trưởng một đồn binh ở thượng du thời Pháp thuộc, khi một viên quan Tây với vài chục lính khố xanh, khố đỏ có thể khống chế cả một vùng dân cư rộng lớn. Lần này, quân Pháp không được những thổ ti, chành mán đem rượu và gái ra đón, mà chỉ thấy những bản làng hoang vắng, không lương thực, không gia súc. Họ thú nhận: “Dân chúng lẩn tránh chúng ta như tránh dịch hạch”.

Sĩ quan và binh lính Pháp trên chiến trường nhận thấy sớm hơn rất nhiều so với Tổng chỉ huy của họ về những khó khăn, nguy hiểm mà họ phải đương đầu trong cuộc chiến tranh này. Những thư từ, nhật ký nhòa máu và nước sông mà ta thu được trong chiến dịch đã nói lên nỗi khiếp sợ của họ:

“Chúng tôi bị bao vây bốn phía. Đi ra ngoài một bước là lập tức bị đạn bắn tỉa từ trên núi xuống”, “Chúng tôi bị phục kích nhiều lần và tổn thất khá nặng”, “Chúng tôi không càn quét được gì hết, vì vừa đi qua, địch liền trở lại ngay”, “Đây là cuộc chiến đấu của những toán quân nhỏ trên rừng núi. Nó đã gây cho ta những tổn thất nặng nề”, “Người ta tự hỏi những hy sinh và cố gắng của mình sẽ vô ích chăng?” (…)

Xa-lăng đã không chụp bắt được cơ quan đầu não của kháng chiến. Cuộc hành binh Lê-a táo bạo quả có gây cho ta sự bất ngờ. Nhưng Van-luy đã lầm lẫn lớn khi cho rằng thị xã Bắc Kạn nhỏ bé đã trở thành “thủ đô mới” của kháng chiến. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, không khi nào có một cơ quan trung ương của ta ở tại một thị xã, thị trấn. Tất cả đã chia thành những bộ phận nhỏ thường xuyên di chuyển, hòa vào với nhân dân ở những bản làng hẻo lánh, được sự che che chở của nhân dân, khiến địch khó có thể phát hiện, trong khi vẫn duy trì được mọi hoạt động lãnh đạo điều khiển cuộc kháng chiến trên cả nước.

Địch đã không đánh quỵ được quân chủ lực ta. Không những thế, qua cuộc tiến công, bộ đội ta còn được rèn luyện trong tác chiến, trưởng thành thêm một bước và được bổ sung thêm khá nhiều trang bị, vũ khí.

Địch tuy có phá được một số kho tàng, thu được mười triệu bạc Việt Nam của Ty Ngân khố, nhưng còn quá xa mục tiêu “phá hủy tiềm năng chiến tranh”, vì những kho tàng của ta được bố trí phân tán, hơn nữa tiềm năng kháng chiến chủ yếu nằm ở trong dân.

Địch cũng không bịt kín được biên giới phía bắc. Những thị xã, thị trấn địch mới chiếm và một loạt đồn bót dựng lên dọc biên giới chỉ là những vị trí cô lập giữa vùng kiểm soát rộng lớn của ta, sẽ trở thành mục tiêu cho những trận đánh tiêu diệt của bộ đội sau này.

Mặc dầu bị tấn công bất ngờ và gặp khó khăn trong những ngày đầu, chúng ta đã sớm giành lại quyền chủ động trong quá trình đối phó, làm thất bại cuộc tiến công đầy tham vọng của địch với những nguyên tắc chiến lược, chiến thuật đề ra từ mùa hè. Chúng ta đã sớm tìm ra được cách đánh với một kẻ thù nhiều lần mạnh hơn mình.

Về nghệ thuật quân sự, cũng đã hình thành cơ sở cho một hình thức chiến dịch phản công, phối hợp các lực lượng quân và dân, ba thứ quân, với sự chỉ huy trực tiếp các hướng của chiến trường dưới sự chỉ đạo của một cơ quan chỉ huy gọn nhẹ sau này thường gọi là Bộ chỉ huy tiền phương.

Nếu như thắng lợi lớn về quân sự trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến là do ta chủ động buộc địch phải chấp nhận, sớm hơn một đêm, cuộc tổng giao chiến tại những đô thị, thì lần này, ta lại giành được thắng lợi do chủ động khước từ trận đánh lớn mà kẻ địch cố ý tìm kiếm với ý định đánh quỵ chủ lực ta. Một kinh nghiệm được rút ra trong chiến tranh cách mạng là khi lực lượng còn yếu thì trì hoãn trận đánh quyết định, đồng thời sử dụng những đơn vị vừa và nhỏ nhằm những nơi hiểm yếu mà tiến công tiêu diệt từng bộ phận địch.

Ngay từ buổi đầu cuộc chiến, đã có những mệnh lệnh chỉ thị cho bộ đội phải kiên quyết tránh dàn tuyến đánh trận lớn mà chỉ đánh tiêu hao, tiêu diệt bộ phận bằng cách phục kích địch trên đường vận chuyển, tập kích địch ở nơi mới đóng quân, bằng những lực lượng tương đối nhỏ. Hoạt động của bộ đội phải kết hợp với hoạt động rộng khắp của dân quân du kích, quấy rối, bắn tỉa, phá hoại, làm vườn không nhà trống… Quyết định kịp thời phân tán bộ đội thành tiểu đoàn tập trung hoạt động trên từng khu vực và đại độc độc lập gắn liền với từng địa phương để đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, là tổ chức bảo đảm cho phương châm tác chiến này.

Những nhát búa tiến công của địch đã giáng vào chân không.

Bộ chỉ huy Pháp đã phạm sai lầm cơ bản khi đem 12000 quân mở hai gọng kìm tiến công bao vây trên một vòng cung quá rộng, ôm cả năm tỉnh Việt Bắc. Với chiến thuật “con trăn” này, dù có một lực lượng quân đông gấp bội cũng sẽ thất bại, vì ở chiến trường rừng núi nó dễ bộc lộ nhiều nhược điểm. Chúng ta đã kịp thời khai thác đúng chỗ yếu nhất của cuộc tiến công là những đoàn quân xa, những tàu bè buộc phải thường xuyên di chuyển trên những trục đường bộ, đường sông nhất định để duy trì sức sống cho một đạo quân lớn không thể tìm ra tiếp tế ở địa phương. Nó cho phép những đơn vị nhỏ của ta với trình độ, trang bị hạn chế có thể giáng trả quân địch những đòn hiệu quả. Lần đầu tiên, tàu chiến của Pháp, tưởng là bất khả xâm phạm, đã bị pháo binh dũng cảm và sáng tạo của ta đánh chìm.

Thời tiết, khí hậu, muỗi rừng Việt Bắc cũng là một thứ cường toan nhanh chóng gặm mòn sức chiến đấu của quân viễn chinh trên chặng đường dài hành quân. Lực lượng quân Pháp hùng hậu lúc đầu, không thể tìm được một trận giao chiến quyết định với chủ lực ta, buộc phải xé nhỏ thành những đội quân chiếm đóng ở một số thị xã, thị trấn, những đồn bót nhỏ rải rác trên dọc đường giao thông để đối phó với những trận phục kích có cường độ ngày càng cao. Và cuối cùng, quân địch chỉ còn cách co lại để tìm đường rút lui.

Đồng bào các dân tộc, quân và dân ta ở Việt Bắc đã làm sống lại hào khí của dân binh, thổ binh các làng bản, hang động thời Trần, cùng quân các lộ, quân triều đình, ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông (…) Có thể hiểu vì sao trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, đã không diễn ra một cuộc tiến công chiến lược nào nữa của địch vào căn cứ địa Việt Bắc.

Cuộc tiến công Thu Đông của Pháp là một thất bại chiến lược nặng nề, ảo tưởng dùng hành động quân sự quy mô lớn hòng sớm kết thúc chiến tranh đã tan thành mây khói.

Với ta, thắng lợi Việt Bắc trước hết là thắng lợi của đường lối chiến tranh toàn dân, của sức mạnh đoàn kết chiến đấu của quân và dân, của khối đoàn kết keo sơn các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông… tại căn cứ địa cách mạng với sự phối hợp của các chiến trường toàn quốc.

Thắng lợi ấy là một cái mốc lịch sử, động viên cổ vũ cả nước, tạo ra tiền đề và điều kiện để chuyển cuộc kháng chiến sang một giai đoạn mới.


(Trích hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 480-486. Nhan đề phần trích tạm đặt.)