Những mùa hoa trên đất nước mình (7)



Mùa hoa ban

Hoa ban Tây Bắc, mùa ban pún hoa, nở rộ lung linh, hoa trắng núi trắng giời (cũng trắng núi trắng giời như mưa mùa ở Tây Bắc) hoa nở không kịp rụng (...)

Ban (...) là (...) hoa đặc thù của Tây Bắc (...) Việt Bắc không có hoa ban (...)

Trên đường trục số 6, có nhiều quãng ban mọc tập trung hai ven đường. Như quãng Đại Cò Nòi, quãng Tiểu Cò Nòi, đèo Pha Đin và đèo Khau Ma Hông ở Lai Châu v.v. Mùa ban nở tháng hai, hoa trắng có tí má hồng xếp hàng sẵn bên đường như một buổi liên hoan đón khách quý vào thăm khu Tây Bắc. Không phải là cưỡi ngựa xem hoa, mà là ngồi com-măng-ca mà xem hoa; ngồi bên cái máy nổ vận tải mà xuyên qua dặm hoa ban, cái xe hiện đại đi qua cả một thiên tình sử cũ của người Thái vẫn còn lưu lại một chút hương mát mát xa xa.

Theo chỗ tôi biết ở Tây Bắc, có một khu rừng ban rất dài rất rộng, cứ đi bộ với một đà bước vừa phải, thì đi đường rừng hai ngày liền mà không hết hoa ban. Từ bờ sông Đà qua Nậm Gin rồi bắt qua đường trục số 6, quãng rừng này toàn là ban. Hạnh phúc thay cho người đi công tác mùa xuân mà lọt vào trận địa hoa này vào lúc nó mãn khai thi đua nở cho hết để đóng mùa. Đứng ở bên phía Quỳnh Nhai nhìn sang núi bên Tuần Giáo, cứ thấy (giữa) xanh xanh đùn đùn lên những chòm khói bằng cái nong, giống hệt tán khói đạn cao xạ nổ giữa bầu trời. Sang sông Đà, đi gần mãi lại thì mới sực nhớ là mùa xuân ban pún, rừng ban đang ra những tàn những tán hoa trắng.

Ban ở sau lưng anh, ban ở trước mặt, ban ở bên phải, ban ở bên trái, ban ở trên đầu ở trên đỉnh núi, ban ở dưới chân ở trong lòng lũng. Ban ngang ngang tầm người anh nhưng lại nép ở bên kia mép vực đá. Nếu không thấy sợ sa xuống vực, cứ vừa bước vừa ngước lên, thấy mây trời cứ vờn vào nhị vào cánh ban trong suốt, ánh sáng như lọc qua một thứ giấy thông thảo hồng hồng. Nếu không sợ vấp, vừa bước vừa nhìn xuống vực sâu, thấy rừng hoa trắng như đang loãng ra trên dòng suối thăm thẳm xanh ve dưới lũng sâu. Trắng trời trắng núi một thế giới ban. Người anh ròng rã hai ngày quyện trong một mùi thơm mát nhẹ đăng đắng ẩn ẩn hiện hiện một mùi phong lan rừng cấm. Từ trên thinh không phả xuống cái hương tình của tình sử Thái, luồng thơm này liên tiếp những luồng thơm khác. Đôi lúc, một luồng gió nóng tạt ngang vào, thổi từ một quả đồi người Mèo đang đốt cỏ gianh làm nương tra bắp. Có hơi nóng đốt hương, hương ban bốc mạnh lên như cái ngào ngạt hấp hơi của một gian buồng nhiều vòng hoa hồng nẫu cánh vì tiếng nhị tiếng sáo và hơi trầm hơi nến. Con ngựa thồ tài liệu đi trước, móng ngựa trước móng ngựa sau đều bết những cánh ban vừa giẫm lên, còn hăng lên cái mùi hoa tươi bị nghiến nát.

Hoa ban tiếng Mèo gọi là pà lầu. Pà là hoa. Chữ lầu có nghĩa là già, người già. Một anh bạn Mèo cắt nghĩa cho tôi nghe: “Hoa ban là thứ hoa có thể làm cho người già trẻ lại như là cô gái Mèo mặc váy chếp bằng lanh trắng. Màu trắng hoa ban làm cho bà già Mèo nhớ lại tuổi thanh xuân mình mặc váy trắng in hình lên núi xanh mùa xuân.”

Ngày xuân công tác vùng cao, con ngựa đi trước, anh đi sau. Hoa ban cứ rụng xuống suốt dặm dài, ngày hôm đầu vừa nở vừa rụng, ngày hôm sau vẫn liên tiếp nở và rụng. Con ngựa xem chừng đã mỏi cổ mỏi đuôi lắm rồi. Cả hôm qua cả hôm nay, nó luôn lắc bờm và quất đuôi hất những cánh hoa đã ùn lên mình nó (...) (Trích từ bài “Nhật ký lên Mèo” của Nguyễn Tuân)