Nó “đánh thẳng vào tim” kháng chiến, chực bắt hoặc giết lãnh đạo và tiêu diệt quân chủ lực. Than ôi, lên đến nơi chỉ gặp núi sừng sững và rừng thăm thẳm, chẳng thấy lãnh đạo đâu mà cũng chẳng thấy quân chủ lực tập trung chờ bị tiêu diệt đâu. Hóa ra chó săn Việt gian đã không thâm nhập được vào các cơ quan đầu não của kháng chiến mà biết chỗ ở của các yếu nhân. Hóa ra quân chủ lực chẳng những không tập trung mà còn phân tán, tránh hẳn các cuộc giao tranh trong điều kiện bất lợi. Ta không đánh khi nó muốn. Ta bám sát, đánh khi nó sơ hở. Nó không thấy ta, nhưng nó đi đến đâu cũng bị ta thấy. Hai bên đường bộ đường sông luôn có bao nhiêu đôi mắt theo dõi những xe những tàu và không biết lúc nào thì địa lôi thủy lôi nổ tung hay họng pháo khạc lửa!

Nó cũng gớm lắm: “Ban đêm (…) đốt đèn, lửa một nơi, giấu quân một nơi. Nhiều lúc (…) đội nón lá, mặc quần áo giả dân địa phương”, quân bỏ chốt thì rút lúc 2 giờ sáng… Mưu mẹo và thận trọng thế chắc chắn có giúp giảm thiệt hại nhưng thiệt hại vẫn là “quá nhiều” như chính phía nó sau này xác nhận.

Sướng không biết chừng nào cái việc tịch thu được cơ man là súng, gồm cả 2 khẩu pháo 105 ly!

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Tổng kết Việt Bắc 1947”



Sau trận Bông Lau, từ Bình Gia, tôi và cơ quan chỉ huy trở lại Tràng Xá. Đồng chí Đào Văn Trường ở lại mặt trận Đường số 4 làm phái viên đốc chiến. Tôi đánh điện cho anh Thái trao lại quyền chỉ huy mặt trận Đường số 3 cho trung đoàn Bắc Kạn và trở về cơ quan.

Những xáo trộn do bị bất ngờ ngày đầu chiến dịch đã được khắc phục. Binh lực ta đã bố trí xong và các mặt trận đang đánh địch một cách chủ động. Đã tới lúc Bộ Tổng chỉ huy một mặt phải tiếp tục chỉ đạo đánh bại cuộc tiến công chiến lược của địch ở Việt Bắc, một mặt phải giải quyết nhiệm vụ của toàn quân trên cả nước, trước mắt và lâu dài.

Tin chiến thắng từ các mặt trận tiếp tục bay về. Ngày 10 tháng 11, pháo binh Khu X chiến thắng lớn trên sông Gâm, đánh đắm 4 trong số 5 tàu địch trên đường từ Chiêm Hóa về Tuyên Quang, diệt khoảng 200 quân địch. Trận đánh này là một biểu hiện trưởng thành của pháo binh về cách đánh: có kế hoạch, biết nghi binh, phối hợp với bộ binh, dân quân, vừa diệt được tàu địch, vừa thu được chiến lợi phẩm. Trong trận đánh này, lần đầu ta thu được của địch 2 khẩu lựu pháo 105 ly.

Ngày 19, công an và tự vệ thị xã Tuyên Quang đánh địa lôi diệt gần 100 tên địch ở ki-lô-mét số 6 đường Hà Tuyên.

Do những trận đánh liên tiếp của ta trên sông Gâm và đường số 2, các cơ quan thông tấn địch đã gọi “Tuyên Quang là một nghĩa địa khổng lồ”. Báo cáo của quan tư Lơ-giốt (Lejosne) ngày 13-11-1947 viết: “Đại bại của thủy binh khiến binh lính rất chán nản. Sĩ quan đang ra sức giữ vững tinh thần, nhưng không nên đưa họ ra trận nữa vì tinh thần sẽ suy sụp mau (…)”.

Từ đầu tháng 11, quân Pháp buộc phải đóng thêm nhiều đồn bót nhỏ bảo vệ các tuyến đường tiếp tế số 4 và số 3. Trước khi có một đoàn xe qua, địch phải tung quân lùng sục hai bên đường, nhưng vẫn không tránh khỏi những trận phục kích bất ngờ tại chỗ này hay chỗ khác.

Ngày 23 tháng 10, cánh quân của Bô-phrê đến Đài Thị. Ngày 26, quân của Com-muy-nan tới Đài Thị thì Bô-phrê đã lui quân trở lại Chợ Đồn. Cuộc gặp gỡ của hai cánh quân ở hợp điểm Đài Thị đã không diễn ra. Từ cuối tháng 10, cả hai gọng kìm đều bắt đầu co lại. Phía Tây, Com-muy-nan rút khỏi Đầm Hồng, Chiêm Hóa. Phía đông, Bô-phrê rút khỏi Bản Thi, Chợ Đồn, Chợ Rã.

Nhiều chiến trường trên cả nước đã có những hoạt động chiến đấu phối hợp với quân và dân Việt Bắc.

Khu XIV, bộ đội Tây tiến giải phóng Chiềng Sai. Công tác vận động quần chúng ở Sơn La đạt nhiều kết quả. Nhiều lính Thái đào ngũ.

Ở Hà Nội, biệt động hoạt động mạnh tại nội thành, diệt Trương Đình Tri, thủ hiến Bắc phần Việt Nam. Du kích quấy rối Chèm, Cầu Giấy, Văn Điển, Vĩnh Tuy. Đại đội độc lập phối hợp với du kích tập kích địch ở Đan Phượng, Hoài Đức, Cần Kiệm. Cuộc tổng phá tề ở ngoại thành Hà Nội đã bắt giữ gần 300 tên tề gian ác. Ở Nam phần Bắc Ninh, toàn bộ tề bị phá. Quần chúng nổi dậy như hồi Tổng khởi nghĩa.

Khu V và Khu VI đánh địch khá mạnh. Những trận tập kích ở Ninh Hòa, Trại Dầu, Cam Ranh gây cho địch nhiều thiệt hại. Trên đường 19, chiến sĩ Ngô Mây dùng bom diệt gọn một trung đội địch, anh dũng hy sinh.

Nam bộ phối hợp với Việt Bắc tốt hơn cả. Bộ đội Gia Định phục kích ở Gò Nổi. Nửa đêm 14 tháng 11 năm 1947, tất cả các vị trí ven Sài Gòn đều bị tập kích: Thị Nghè, Gia Định, Gò Vấp, Bến Cát, Bà Quẹo, Bà Điểm, Phú Lộc, Phú Thọ, Ngã Năm… Các ban công tác thành ném lựu đạn vào trại lính, vào những nơi ăn chơi dành riêng cho binh lính. Bộ đội Thủ Dầu Một phục kích ở Phú Văn Hưng. Trận phục kích trên đường Thủ Dầu Một – Phú Riềng phá 10 xe, diệt 60 địch, bắt một số.

Ở Biên Hòa, Lộc Ninh, Tây Ninh, Tân An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, nhiều vị trí quân địch bị tập kích, nhiều toán quân đi lẻ bị đánh. Hàng trăm binh sĩ ngụy mang súng trở về với kháng chiến.

Qua một tháng đối phó với cuộc tiến công chiến lược của địch, cùng với những thắng lợi đã nổi lên một số nhược điểm:

Quân đội ta phát triển nhanh về số lượng, có tinh thần chiến đấu cao, nhưng phần lớn chưa qua huấn luyện cơ bản, trình độ chiến thuật, kỹ thuật thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trước mắt và sắp tới.

Kháng chiến của ta là kháng chiến toàn dân, lấy chiến tranh du kích làm chính, nhưng trong thực tế đến nay chiến tranh du kích của ta chưa phát triển rộng khắp, hiệu quả còn hạn chế.

Ngày 10 tháng 11, Bộ Tổng chỉ huy ra huấn lệnh “Luyện quân lập công” nhằm rèn luyện, nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật của bộ đội.

Ngày 14 tháng 11, Bộ Tổng chỉ huy ra tiếp huấn lệnh “Phát động chiến tranh du kích, nhiệm vụ quân sự cơ bản trong giai đoạn này” nhằm khẳng định lại vị trí của chiến tranh du kích trong cuộc kháng chiến.

Kế hoạch Clố-clo đã không diễn ra như địch dự kiến.

Ngày 17 tháng 11, tôi trở về Lục Giã.

*

Binh đoàn Com-muy-nan đã tập trung lại ở thị xã Tuyên Quang. Phần lớn binh đoàn Bô-phrê cũng dồn về thị xã Bắc Kạn. Hai đạo quân lớn vẫn nằm ở hai sườn căn cứ địa. Có cơ sở để phán đoán quân địch sẽ phải rút. Những tuyến tiếp tế cho hai đạo quân, đường bộ cũng như đường sông, đều bị uy hiếp nặng. Không quân Pháp không đủ khả năng bảo đảm việc tiếp tế. Nhưng bao giờ quân Pháp sẽ rút? Rút theo đường nào? Và cũng không thể không tính đến một âm mưu của địch nhằm vào khu căn cứ! Đây chính là một mục tiêu quan trọng của cuộc tiến công mà quân Pháp chưa đạt được.

Ngày 18 tháng 11, Bộ Tổng chỉ huy nhận được điện của Khu X: “Địch rất hoang mang rệu rã. Đề nghị cho tập trung bộ binh và pháo binh tiến công tiêu diệt địch ở Tuyên Quang.

Tôi thấy tuy tinh thần địch sút kém sau những thất bại liên tiếp, nhưng quân địch còn rất đông, vũ khí mạnh, bộ đội ta với trình độ trang bị, kỹ thuật như hiện nay không có khả năng mở một một trận đánh lớn vào thị xã Tuyên Quang. Bộ Tổng chỉ huy ra lệnh cho Khu X: Theo dõi thật sát mọi hoạt động của địch, sẵn sàng đánh địch khi chúng rút lui.

Sáng 21, Bộ Tổng chỉ huy được báo cáo lúc 2 giờ sáng, quân Pháp đã bí mật rời thị xã Tuyên Quang. Địch chia làm hai bộ phận, một bộ phận nhỏ đi tàu xuôi dòng sông Lô, còn đại bộ phận tiến sang Bình Ca đi về phía đông. Địch bỏ lại toàn bộ quân trang quân dụng vì không dám đốt phá. Ta bỏ lỡ cơ hội đánh địch khi chúng rời thị xã.

Chúng tôi phán đoán cuộc rút lui của địch đã bắt đầu, trong khi rút có thể quân Pháp sẽ kết hợp lùng sục đánh phá những cơ quan đầu não của ta.

Tôi chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu viết điện, lệnh cụ thể cho các đơn vị chuẩn bị đánh địch trên đường rút lui và bố trí bảo vệ các cơ quan.

Ngày 22, đại bộ phận binh đoàn Bô-phrê từ Bắc Kạn chuyển về Chợ Mới; sau đó, vì đường sá đã bị phá hoại, phải bỏ xe đi bộ về Thái Nguyên, cùng lúc, một tiểu đoàn luồn rừng qua Quán Vuông tiến về phía Chợ Chu.

Binh đoàn Com-muy-nan rút về Sơn Dương rồi chia làm hai bộ phận: một bộ phận theo đường đèo Kháng Nhật đi về Vĩnh Yên, một bộ phận vượt đèo Khế tiến sang Phú Minh.

Như vậy, ngày 25 hai bộ phận, quân của Bô-phrê ở Chợ Chu và quân của Com-muy-nan ở Phú Minh từ hai phía đang tới gần khu vực ngoại vi ATK của ta. Ở đây, ta đã bố trí các đơn vị chủ lực mạnh do đồng chí Phạm Ngọc Mậu, đồng chí Thái Dũng, đồng chí Vũ Lăng… chỉ huy để tiêu diệt các cánh quân tiến sâu của địch. Toàn quân và dân đều sẵn sàng chiến đấu.

Anh Trường Chinh gọi điện cho Bộ Tổng tham mưu hỏi tình hình:

- Liệu quân địch có thể vào ATK không?

Anh Hoàng Văn Thái báo cáo:

- Dọc đường hành quân cho tới nay, địch không lùng sục quá sâu vào hai bên đường. Bộ đội nhất định không để quân địch lọt vào ATK của Trung ương.

Ngày 26, một tiểu đoàn quân dù Pháp nhảy xuống La Hiên và Tràng Xá, thuộc huyện Võ Nhai, nơi bộ phận cuối cùng của cơ quan ta vừa rút đi. Quân Pháp lùng sục vùng xung quanh chỉ thấy bản làng vắng lặng.

Chúng tôi được tin thêm, ngoài cánh quân từ Phả Lại tiến lên Phủ Lạng Thương, Nhã Nam, còn một cánh quân từ Hà Nội tiến lên Vĩnh Yên. Rõ ràng là những cánh quân này có nhiệm vụ đón và yểm trợ cho lực lượng rút lui từ Việt Bắc về.

Dọc đường số 3, đường số 13, đường Phú Minh – Chợ Chu, quân của Bô-phrê cùng quân dù chỉ sục sạo hai bên đường, không dám tiến sâu. Nhiều cơ quan của ta chỉ cách địch một, hai ki-lô-mét. Có lúc tôi đang làm việc ở Lục Giã thì có tin quân địch đã tới gần. Tất cả cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan đều cầm vũ khí ra sát rìa rừng cùng với bộ đội chủ lực bố trí ở những nơi địch có thể đột nhập, nhưng đã không phải nổ súng.

Quân Pháp chỉ lướt qua những nơi này một cách chiếu lệ. Trời sắp tối là họ vội dừng chân, tổ chức canh phòng cẩn mật. Ban đêm, họ đốt đèn, lửa một nơi, giấu quân một nơi. Nhiều lúc binh lính Pháp đội nón lá, mặc quần áo giả dân địa phương.

Mặc dù tinh thần địch sút kém, nhưng chúng có trang bị mạnh, lại tổ chức hành quân thận trọng và chặt chẽ, còn quân ta trang bị kém, thiếu phương tiện thông tin cho nên không có điều kiện đánh tiêu diệt lớn mà chỉ có thể bám địch tiêu diệt từng bộ phận nhỏ.

Những tiểu đoàn chủ lực của ta bám sát hai binh đoàn rút lui và quân dù tăng viện, đánh địch ở quán Ông Già, Mỹ Trạng, cầu Huy Ngạc, Phú Ninh, Quảng Nạp, Lục Giã, La Hiên, Quân Quang, Trại Cà, La Khê, Dào Vuông, Nà Nội… Một bộ phận của trung đoàn 174 phục kích ở đèo Khế đã làm cho hai cánh quân của Com-muy-nan và Bô-phrê không liên lạc được với nhau.

Ở mặt trận sông Lô lại diễn ra một số trận phục kích trên bộ, trên sông ở Bình Ca, ki-lô-mét số 5, Lã Hoàng, đánh đắm một số tàu, diệt một bộ phận quân địch rút lui.

Trên đường số 3, đường số 4, đã có những hoạt động tác chiến phối hợp. Bộ đội ta diệt một trung đội địch ở Phủ Thông, phục kích ở đèo Giàng, phá hủy 17 xe, diệt hai trung đội địch. Một tiểu đoàn của trung đoàn Cao Bằng phục kích trên đường Đông Khê – Cao Bằng gây thiệt hại nặng cho một đại đội Âu Phi.

Những đại đội độc lập phối hợp với dân quân du kích đánh địch khắp nơi. Tự vệ thị xã Thái Nguyên đánh du kích diệt hàng trăm địch. Du kích Phú Xuân đánh 20 trận nhỏ làm cho quân địch không dám sục vào làng, được tặng thưởng huân chương. Du kích Đại Từ phục kích ở Khương Linh, Cù Vân, Đình Đôi, Cầu Giốc.

Trên chiến trường trung du, dân quân du kích và đại đội độc lập đánh địch ở Đông Anh, Thiện Kế, Phù Lỗ, An Đạo, Chợ Vàng, Yên Thế. Tiểu đoàn tập trung Việt Yên phục kích ở Tam Lộng diệt gần hai trung đội địch. Đại đội địa phương Đáp Cầu diệt 30 quân địch trên đường đi Bắc Giang.

Các thị xã, thị trấn Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Đáp Cầu, Việt Trì, Vĩnh Yên, Phúc Yên… lần lượt trở về tay ta.

Ngày 19 tháng 12, đúng một năm sau ngày toàn quốc kháng chiến, cuộc tiến công chiến lược của Pháp nhắm vào căn cứ địa Việt Bắc kết thúc. Chỉ còn một lực lượng địch ở thị xã Bắc Kạn, thị xã Cao Bằng và những vị trí nhằm bảo vệ giao thông trên dọc đường số 4 từ Lạng Sơn tới Cao Bằng và đường số 3 từ Cao Bằng xuống Bắc Kạn.

Hàng nghìn binh lính địch đã chết và bị thương trên các nẻo đường Việt Bắc. 270 lính ngụy rời bỏ hàng ngũ địch trở về với nhân dân. 18 máy bay bị bắn hạ. 16 tàu chiến và 38 ca-nô bị đánh chìm. 255 xe các loại bị phá hủy.

Phía ta, 260 chiến sĩ hy sinh, 168 người bị thương. Ta mất một khẩu pháo 75 ly, 4 trung liên, 40 súng trường. Ta thu được 2 lựu pháo 105 ly, 3 sơn pháo 75 ly, 16 pháo 20 ly, 42 súng cối, 377 súng liên thanh các cỡ, 45 ba-dô-ca, 1660 súng trường và hàng chục tấn quân trang quân dụng.

Năm 1971, trong tập hồi ký của mình, tướng Xa-lăng đã dành một đoạn dài viết về cuộc tiến công Việt Bắc. Xa-lăng cũng thấy đây là một chủ trương mạo hiểm. Nhưng với tin tức tình báo thu lượm được và hai binh đoàn quân viễn chinh gồm toàn những đơn vị thiện chiến trong tay, ông ta tin tưởng có thể nắm chắc phần thắng lợi.

Xa-lăng coi cuộc hành binh Lê-a bắt đầu ngày 7 tháng 10 năm 1947 là một đòn quyết định “đánh thẳng vào tim kẻ thù”. Ông ta đã ngồi trên máy bay trực tiếp thị sát cuộc nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn. Lúc 11 giờ 35 phút, Xô-va-nhắc (Sovagnac) từ mặt đất báo cáo qua vô tuyến điện: “Ông Hồ Chí Minh bị bắt đã yêu cầu chấm dứt chiến tranh”. Xa-lăng vội vã bay về Hà Nội báo tin mừng với Sài Gòn. Cao ủy Bô-la-e và quyền Tổng chỉ huy Bát-tê (Battet) hấp tấp bay ra Hà Nội. Xa-lăng lúc đó đã biết mình lầm: “Tôi – chúng ta đã bị đánh lừa”. Cũng theo lời Xa-lăng, hai vị cấp trên đã bỏ bữa cơm chiều, quay trở về ngay Sài Gòn sau khi đã tặng cho ông ta những lời “không phải là… biểu dương!”.

Phía Pháp đã cho điều tra tin trên mà cho đến nay vẫn chưa kết luận. Ta biết rõ hôm ấy, bọn lính dù bắt được một cụ già trông chững chạc, nói tiếng Pháp, yêu cầu chấm dứt chiến tranh xâm lược. Lúc biết không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng đã bắn chết khi cụ tìm cách chạy thoát. Đó là cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, một nhân sĩ yêu nước tâm huyết và uy tín. Cụ Tố hy sinh là một tổn thất lớn cho ta.

Những ngày cuối tháng 10, Xa-lăng cùng với Bô-la-e nhiều lần bay thị sát chiến trường, đã rút ra kết luận:

1. Quân Pháp chiếm được một số thị trấn, thị xã, nhưng lực lượng đã bị dàn mỏng trên những vị trí cô lập quá xa nhau, thường xuyên bị đối phương bao vây, quấy rối, tiến công.

2. Tuy quân Pháp lùng sục vào được một vài kho tàng ở Bắc Kạn, Chợ Đồn, nhưng mục tiêu chủ yếu của chiến dịch còn quá xa vời.

3. Quân Pháp thiệt hại quá nhiều về người và phương tiện, nhất là trên các trục đường giao thông trên bộ và trên sông, đến nỗi việc tăng viện và tiếp tế chỉ còn dựa vào đường không là chính, vừa rất tốn kém vừa rất khó khăn vì không đủ máy bay.

Xa-lăng không đề cập tới kế hoạch Clố-clo mà chúng ta đã có trong tay, nhưng lại nói tới một kế hoạch mới với tên gọi là Xanh-tuya (Ceinture), có nghĩa là “Siết vành đai”, kéo dài từ ngày 19 tháng 11 đến ngày 30 tháng 11 năm 1947, nhằm dồn sức vào khu tứ giác Tuyên Quang – Thái Nguyên – Phủ Lạng Thương – Việt Trì để tiêu diệt lực lượng ta, nhưng đã không đạt được mục tiêu. Như chúng ta đã thấy, những cuộc hành quân “đèn cù” hạ tuần tháng 11 của quân Pháp chỉ nhằm nghi binh, hạn chế mức thiệt hại của hai binh đoàn Bô-phrê, Com-muy-nan trên đường rút lui.


(Trích hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 474-480. Nhan đề phần trích tạm đặt.)