Biết chữ vốn chỉ một số rất ít người. Mở trường dạy cho toàn dân là một quyết định lịch sử.

Đây một cái “trường tôi”: “Phúc đến lớp bổ túc bình dân học vụ ở chùa Cầu Đông mà anh đang phụ trách. Lớp học toàn phụ nữ, phần lớn là những người đi ở. Theo lệnh mới của Ủy ban, lớp phải cấp tốc bế mạc trước ngày chính thức mãn khóa. Phúc không ngờ mọi người đến đông thế, gần như đủ mặt những người học trò nghèo khổ của anh. Họ hỏi anh nếu kháng chiến thì đi đâu, anh nói: “Tôi ở lại”. Tức thì cả lớp đứng lên nói: “Anh ở lại thì chúng em cũng ở lại”. Họ quyến luyến không nỡ rời nhau. Phúc đã mấy lần đi, nhưng đều phải trở lại, vì họ khóc quá và chính anh cũng khóc. Mãi đến khi một tổ cứu thương đến đặt trạm cấp cứu ở chùa, họ mới chịu giải tán, nhưng với biết bao nhiêu bịn rịn” (trong
Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng). Cái học chưa bao giờ cảm động thế này.

Phúc không phải là thầy mà là lính. Lính đánh giặc dốt. Mặt trận này quân ta sớm giành thắng lợi giòn giã.

(Thu Tứ)



Tố Hữu, “Trường tôi” (1946)


Tặng các chiến sĩ bình dân học vụ




Trường tôi kiểu cách gì đâu
Không ham mái ngói, chẳng cầu tường vôi
Nhà tranh vách đất đủ rồi
Đình quang chiếm chật, được ngồi là may
Trường tôi vui giữa luống cày
Bến sông, bãi chợ, bóng cây, lưng đồi
Trường tôi vui giữa biển khơi
Chữ reo mặt sóng, chữ ngời ghe câu
Trường tôi vui giữa rừng sâu
Chữ theo đuốc lửa, đêm thâu tiếng người
Lại đây, ơi bạn mình ơi!
Trường tôi vang vọng dồn lời nước non
Ta nghèo, không mực thì son
Bút tre phấn gạch, bà con tạm dùng
Nghiêng đầu trên tấm bảng chung
Phơ phơ tóc bạc, bạn cùng tóc xanh
Này em, này chị, này anh
Chen vai mà học, rách lành sao đâu!
I tờ mớm chữ cho nhau...


1946