Nếu chỉ cuồng tín cái gì đó mà không bắt người khác phải tin vào cái đó theo mình thì người cuồng không nguy hiểm cho ai.

Rắc rối là Tây vừa cuồng tín vừa “cuồng truyền”, lại vẫn còn rất mạnh về cả lực cứng lẫn lực mềm.

Bao giờ phần còn lại của thế giới mới được thôi sợ Tây “thay đổi chế độ” ở nước mình?

(Thu Tứ)



Nguyễn Hiến Lê, “Người Tây cuồng tín”




Theo tôi, phương Tây khác chúng ta nhất ở điểm họ có bản tính cực đoan, cuồng tín, không bao dung (tr. 110)

cho tới khi bị người phương Tây xâm lăng, Trung Hoa và Việt Nam không hề biết sự kì thị tôn giáo (...) Tín đồ Do Thái giáo bị trục xuất, cướp bóc, tàn sát ở châu Âu; một số lánh qua phương Ðông, tới Trung Hoa, được sống yên ổn, đãi ngộ tử tế, tới nỗi họ đồng hóa với Trung Hoa, cho nên khi quốc gia Do Thái thành lập ở Palestine, người Do Thái ở khắp nơi trên thế giới kéo về Israél, mà không có người Do Thái Trung Hoa nào cả (tr. 110)

Do Thái giáo và Ki Tô giáo vốn là anh em với nhau, đều thờ Chúa Trời, đều tuân những luật của Moise, một vị thánh của Do Thái, đều tụng một Thánh kinh; hơn nữa, chúa Ki Tô cũng là Do Thái (...) vậy mà tín đồ hai tôn giáo đó trong non hai ngàn năm coi nhau như kẻ thù không đội trời chung. Khắp châu Âu, Do Thái bị giết chóc (...) pogrom, không thế kỷ nào không xảy ra dăm ba lần (...) nhốt vào trong các ghetto (...) tước đoạt hết của cải rồi trục xuất. Càng về gần thời hiện đại, các cuộc tàn sát càng dã man (...) trong thế chiến vừa rồi, châu Âu đã thành một lò sát sanh khổng lồ, kinh khủng: nội trong trại giam Auschwitz, ba triệu người Do Thái đã bị thiêu ra tro! Chính bi kịch Do Thái trong non hai ngàn năm đó đã là đầu mối cho bi kịch ở bán đảo Ả Rập ngày nay (tr. 111)

Ngay trong Ki Tô giáo nữa, từ khi Luther (1483 - 1546) ở Ðức, rồi Calvin (1509 - 1564) ở Pháp, tách ra khỏi giáo hội La Mã, cải cách Ki Tô giáo, lập một tân giáo, thì những kẻ ngày đêm tụng niệm lời của Chúa: “Con không được giết người”, “Con phải yêu người khác như anh em của con”, nổi điên lên như một bầy thú dữ, cấu xé nhau, chém giết nhau, gây những cuộc Chiến tranh tôn giáo trong hơn một thế kỷ ở gần khắp Tây Âu. Riêng ở Pháp, từ 1562 đến 1598, có tới tám lần chiến tranh tôn giáo, mỗi lần kéo dài vài năm, chết hằng chục vạn người. Kinh khủng nhất là cuộc tàn sát đêm lễ Thánh Barthélemy (24 tháng 8 năm 1572): nửa đêm, khi chuông giáo đường Thánh Germain L"Auxerrois đổ, do lệnh của vua Charles thứ IX, hằng đoàn quân lính và tín đồ Công giáo võ trang túa ra ở khắp Paris để tận diệt bọn Tân giáo. Chỉ nội một đêm đó, mấy trăm ngàn (?) tín đồ Tân giáo bị tàn sát (tr. 112)

Chính sự bất bao dung, sự kì thị (...) làm (...) nổi lên phong trào chống sự bất khoan dung, chống sự kì thị (...) bọn “triết gia” của thế kỷ XVIII (...) kiện tướng là Voltaire. Trong mấy chục năm, Voltaire không ngớt dùng ngọn bút sắc bén, giọng mỉa mai hóm hỉnh, cay độc để đả đảo tinh thần kỳ thị tôn giáo (...) Chính ông cùng với Rousseau, Diderot và một số “triết gia” khác (...) đã mở đường cho cuộc cách mạng 1789, hạ chế độ quân chủ và những đặc quyền của tôn giáo ở Pháp (...) Nhưng người phương Tây bao giờ cũng không bỏ được tinh thần cực đoan, bất bao dung của họ, cho nên chính những triết gia đả đảo sự bất bao dung tôn giáo đó cũng mắc cái tật bất bao dung như ai vậy. Họ chỉ trích người, mà khi người chỉ trích lại, thì họ đòi bịt miệng (tr. 113-114)

Qua thế kỷ XIX (...) ở châu Âu không còn những vụ xung đột tôn giáo nữa, nhưng lịch sử phương Tây trong thời hiện đại vẫn là lịch sử của sự bất bao dung, sự kỳ thị (...) Không còn kì thị tôn giáo (...) thì người ta kỳ thị chủng tộc (...) kỳ thị cả ý thức hệ (tr. 115)


(Nguyễn Hiến Lê,
Ðể tôi đọc lại, nxb. Văn Học, 2001, tr. 200-201. Nhan đề phần trích tạm đặt.)