Đánh đường sông, rồi đánh đường bộ. Hai chiến thắng mở đầu đầy ý nghĩa. Số phận giặc trên cái đất nước này là phải chôn chân ở một số chốt, hễ rời là mất mạng như chơi.

Nói thì dễ, nhưng thực ra phục kích cũng có thể là cơ hội cho địch tiêu diệt lực lượng ta. “Trong chiến tranh, không ít khi xảy ra trường hợp chủ trương đúng đắn của người chỉ huy không đem lại kết quả. Vì chiến thắng chỉ có được với những hành động mưu trí, dũng cảm của những người trực tiếp chiến đấu trên chiến trường”. Nghĩa là, phải giỏi từ tướng đến quân và quân phải đầy tinh thần nữa thì mới thắng được.

Đèo Bông Lau, cái tên thật hiền. Bông lau, bông lúa, bông sen, bông súng…, từ núi cao xuống đồng bằng, từ rừng thẳm ra đồng xanh, tất cả rồi sẽ “pha máu” cho đến khi trên quê hương không còn nghe nện gót giày của quân xâm lược.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Chiến thắng đèo Bông Lau”




Buổi tối ngày 25 (tháng 10-1947), chúng tôi tới cơ quan tỉnh Lạng Sơn ở Bình Gia (…)

Đoạn đường số 4 từ Lạng Sơn tới Cao Bằng nằm giữa rừng núi cao hiểm trở, rất thuận lợi cho những trận phục kích. Lực lượng ta trên quãng đường này có trung đoàn 74 của Cao Bằng và trung đoàn 11 của Lạng Sơn. Theo phân công, trung đoàn 11 đánh địch từ Đồng Mỏ qua Lạng Sơn tới Đông Khê; từ Đông Khê lên Cao Bằng thuộc trách nhiệm của trung đoàn 74. Bộ đã điện lệnh cho hai trung đoàn sớm tổ chức những trận đánh địch vận chuyển trên đường số 4. Cách đây ít ngày, tôi đã cử anh Đào Văn Trường trưởng phòng tác chiến của Bộ lên đây để nắm tình hình và đôn đốc việc đánh địch.

Thực hiện huấn lệnh 101, cả hai trung đoàn Lạng Sơn, Cao Bằng đều đã phân tán thành những tiểu đoàn tác chiến trên từng khu vực và đưa một số đại đội độc lập về các địa phương trọng yếu để phát động chiến tranh du kích. Lạng Sơn và Cao Bằng đều là vùng căn cứ địa lâu ngày của cách mạng, nhân dân giác ngộ sớm, nên phong trào chiến tranh du kích phát triển khá tốt. Vừa tới Lạng Sơn, đã được tin ở Cao Bằng, công nhân xưởng quân giới Lê Tổ và dân quân các xã Hào Lịch, Hưng Đạo, Hùng Việt đánh lui một cuộc tiến công qui mô của Pháp. Tuy nhiên, bộ đội chủ lực còn chưa đánh được trận phục kích nào đáng kể. Các đồng chí ở trung đoàn 11 báo cáo quân địch đề phòng rất cẩn mật trên đường vận chuyển, các đoàn xe luôn luôn có xe thiết giáp hộ tống.

Tôi nhấn mạnh, với việc đánh chiếm hai thị xã Cao Bằng và Bắc Kạn, đường số 4 đã trở thành con đường huyết mạch của địch. Chúng ta phải biến đường số 4 thành con đường chết đối với kẻ thù, không phải chỉ trong thời gian trước mắt, mà lâu dài trong suốt quá trình địch còn chiếm đóng vùng Đông Bắc của tổ quốc. Địa hình đường số 4 từ Thất Khê tới Cao Bằng hoàn toàn phù hợp với những trận phục kích ở quy mô tiểu đoàn, ta có thể gây những thiệt hại lớn cho quân địch, chủ động khi đánh cũng như khi rút, bảo tồn được lực lượng và tăng cường thêm trang bị với những vũ khí cướp được. Điều quan trọng hiện nay là cần nắm vững quy luật những cuộc hành quân vận chuyển và tiến hành một số trận đánh để rút kinh nghiệm.




Tôi ở lại Bình Gia trong một bản của người Nùng. Nhà sàn ở đây khá rộng rãi, sạch sẽ, mái lợp ngói. Chủ nhà tiếp đón rất ân cần. Người Nùng và người Tày nói chung một thứ tiếng, nhưng trang phục, tập quán có khác nhau. Người Tày nhuộm răng đen, phụ nữ mặc áo dài. Người Nùng cả nam lẫn nữ đều mặc áo ngắn, để răng trắng. Trước kia, giữa người Nùng và người Tày có sự chia rẽ, trai gái Nùng, Tày thường ít khi lấy nhau. Từ ngày có cách mạng, tình hình đã khác hẳn, người Nùng và người Tày như anh em một nhà.

Ngày 27 tháng Mười, tôi gửi điện lệnh cho cả ba mặt trận:

- Mặt trận đường số 4: kiên quyết tổ chức một số trận phục kích đánh tiêu diệt địch.

- Mặt trận đường số 3: bao vây, cắt tiếp tế, bức địch rút khỏi khu vực Chợ Đồn, Chợ Rã.

- Mặt trận sông Lô: đưa pháo lên đánh địch trên sông Gâm, bức địch rút khỏi Chiêm Hóa, Đầm Hồng.

Bốn ngày sau, sáng 31 tháng 10, tôi vừa thức dậy thì có điện thoại từ đường số 4 báo tin chiến thắng lớn ở Bông Lau. Người báo cáo là đồng chí Thế Hùng, chính trị viên trung đoàn 11, được phân công đi sát chỉ đạo một tiểu đoàn chiến đấu trên đường Đông Khê – Thất Khê. Mười bảy giờ chiều hôm trước, tiểu đoàn 374 đã phục kích một đoàn ba chục chiếc xe địch trên đèo Bông Lau, phá hủy 27 xe, diệt 104 địch, bắt 101 tên, thu toàn bộ vũ khí, nhiều quân trang quân dụng trong đó có 600 chiếc dù.

Đây là tin vui lớn thứ hai trong vòng một tuần lễ. Nó khẳng định giá trị của chủ trương mở ba mặt trận nhắm vào những tuyến vận chuyển thiết yếu của địch. Trong chiến tranh, không ít khi xảy ra trường hợp chủ trương đúng đắn của người chỉ huy không đem lại kết quả. Vì chiến thắng chỉ có được với những hành động mưu trí, dũng cảm của những người trực tiếp chiến đấu trên chiến trường. Những triển vọng tươi sáng đã mở ra cho bộ đội chủ lực ta trong chiến dịch này qua hai chiến thắng Sông Lô và Bông Lau.

Tiểu đoàn 374 gồm những đơn vị trước đây phân tán làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở ở những bản làng trong tỉnh Lạng Sơn mới tập trung lại, với toàn bộ chiến sĩ là những người dân tộc Tày, Nùng. Vũ khí, trang bị của tiểu đoàn không có gì đặc biệt. Tiểu đoàn chưa hề có kinh nghiệm đánh tập trung. Tôi cử ngay đồng chí phái viên Đặng Văn Việt xuống tiểu đoàn đem theo thư khen của Tổng chỉ huy và nghiên cứu kỹ những kinh nghiệm, nguyên nhân thành công của trận đánh.

Trận phục kích đã được bố trí rất khéo. Các chiến sĩ là người địa phương nên rất thông thuộc địa hình, thời tiết và quy luật vận chuyển của những đoàn xe địch. Trận đánh nổ ra vào 5 giờ chiều, là lúc ở vùng cao về mùa đông trời đã gần tối. Đoàn xe ba chục chiếc có xe bọc thép hộ vệ từ Đông Khê xuống, sau khi qua đỉnh đèo Bông Lau hiểm trở, yên trí đổ dốc về phía Thất Khê, nơi binh lính sẽ được nghỉ ngơi. Giữa lúc đó, một trái bom 25 ki-lô-gam bất thần nổ ở lưng chừng đèo, lật nhào chiếc xe thứ hai. Chiếc đi đầu chạy thoát. Chiếc xe thứ ba bị trúng đạn ba-dô-ca bốc cháy. Đoàn xe bị đánh bất ngờ ùn tắc lại. Tiểu đội công binh tiếp tục giật địa lôi. Xe địch chiếc lao xuống vực, chiếc quay ngang đâm vào vách núi. Ba-dô-ca, đại liên, trung liên của ta trút đạn vào đoàn xe. Sau mười phút nổ súng, ba đại đội xung kích của ta từ ven rừng Khau Phia đồng loạt xung phong. Quân địch già nửa là Âu Phi chống cự yếu ớt. Binh lính ngụy bỏ chạy vào rừng sâu. Bộ đội thu chiến lợi phẩm rồi đốt cháy các xe. Bên ta chỉ có một chiến sĩ hy sinh và năm người khác bị thương. Số vũ khí, đạn dược thu được khá lớn.




Xa-lăng sau này viết trong hồi ký: “Họ đánh những trận phục kích lớn hàng mấy trăm người, dùng những quả mìn điều khiển từ xa kết hợp với súng máy trên những đoạn đường dài khiến cho quân Pháp bị tổn thất nặng nề”.

Sau sông Lô đến lượt đường số 4 bị cắt đứt nhiều ngày. Địch phải dùng máy bay thà dù tiếp tế cho Bắc Kạn, Cao Bằng, đóng thêm một số đồn bót nhỏ dọc đường và huy động lực lượng càn sâu vào phía tây nam Đông Khê, Thất Khê 11-12 ki-lô-mét. Tiểu đoàn 374 vừa lập công ở Bông Lau, lại có dịp cùng một đại đội độc lập và dân quân du kích chặn đánh địch ở Áng Mò, Văn Mịch diệt gần tám chục quân địch, đánh lui một cuộc càn quét.

Kinh nghiệm trận đánh Bông Lau được nhanh chóng phổ biến đi các nơi. Đây là một trận đánh tiêu diệt giòn giã, diệt gọn cả một đơn vị phần lớn là lê-dương mà ta chỉ thương vong rất ít. Thắng lợi Bông Lau mở đầu cho hàng loạt trận phục kích lớn sau này. Bộ Tổng chỉ huy quyết định tặng danh hiệu “Tiểu đoàn Bông Lau” cho tiểu đoàn 374. Bài hát Bông Lau, “Bông Lau, Bông Lau, rừng sâu pha máu…”, ra đời.

Từ đó, đường số 4 trở thành con đường máu của quân địch.


(Trích hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 471-474. Nhan đề phần trích tạm đặt.)