Nói phong cảnh miền tây Nam bộ, người ta ít nghĩ đến núi. Nhưng miền tây có núi và như Nguyễn Văn Hầu kể dưới đây, leo dốc Bảy Núi có người “gục ngã, nằm bệt”, phải nhờ người khác “lấy thuốc vượng tim nhểu vào miệng” cấp cứu!

Thời Pháp thuộc núi rừng hiểm trở là nơi ẩn thân của nhiều nhà ái quốc. Tuy không thành công, các “đạo sĩ” Thất Sơn đã “thành nhân”, thành những người được nhân dân kính trọng, tôn thờ.

“Năm ba con chim xanh nghe dư vang giựt mình rời nhánh, chắc chúng bay bổng lên nên buông ra những tiếng kêu nhỏ giọt rơi rớt xuống lòng rừng...”. Dư vang làm chim rơi tiếng, rồi chim rơi tiếng làm người đi trong rừng rơi dòng ký linh động ghê!
(Thu Tứ)



Nguyễn Văn Hầu, “Ba mươi giờ trên núi Cấm”




Ngày hôm sau, chúng tôi đến đường cái, nơi để xe, thì kim đồng hồ quả lắc treo trên tháp canh đã chỉ 9 giờ kém 5. Xe rù máy rồi vụt lướt trên con đường sát núi, khi lõm xuống lúc lồi lên như thuyền băng trên sóng biển. Chín giờ rưỡi thì chân núi Cấm đã hiện rõ trước mặt.

Chúng tôi lại bỏ xe, ghé vào một quán cóc bên đường để mua ít thức ăn rồi theo con đường Rầy Ðét mà mò lần vào núi. Anh Ba vốn có đi rồi mấy bận, nên đi trước dẫn chúng tôi.

Anh nói:

- Phép đi non ít ai khởi hành vào buổi trưa. Người ta đi từ sáng sớm hoặc chiều mát để đỡ cơn nắng nghẹt thở. Nhưng hồi sáng thấy các ông ngủ ngon, tôi không dám gọi.

Tôi nói với anh Ba:

- Tôi có hiểu điều đó. Nhưng vì mỏi quá cần nghỉ để lấy sức và vì biết núi này nhiều cây cối, nên đã không mấy lo.

Con đường từ công lộ vào chân núi trông thấy như sát một bên, nhưng chúng tôi phải lội trên cát mịn hằng năm phút mới tới. Trời bây giờ nắng nhiều, nhưng nhờ khí lạnh trong đá còn bốc ra và nhờ tàn cây rợp kín, nên chúng tôi cảm thấy dễ chịu.

Theo đề nghị của anh Ba, mỗi người đều tìm một khúc gỗ làm gậy cầm tay để chống chỏi cho vững bước rồi lần theo dốc đá mà đi. Ðường đá cong queo, thêm lắm chỗ có cây ngã nằm chắn ngang, khiến du khách có lúc phải trèo lên mình cây hoặc có khi phải chun lòn qua kẹt đá mới tiến bước được. Trên đường vắng tanh. Mấy tiếng chim kêu lanh lảnh rồi âm thanh vang vang lan ra mất hút trong rừng, trả lại cái không khí sẵn tịch mịch càng tịch mịch hơn trước. Ðường rừng có chỗ tối om, âm u như đi vào hang sâu. Thỉnh thoảng vài tia nắng lọc qua những lớp lá cây, rơi xuống dịu dàng trong trẻo.

Chúng tôi đang tiến lần theo các ngõ ngách mát mẻ trong núi thì ánh sáng bỗng đổ xuống dồn dập, rực rỡ. Trước mặt tôi bấy giờ là một vách đá sừng sững, kiên cố như trường thành. Tôi nhìn lên, đó là một dốc cao, có đường mòn dài mút mắt.

Anh Ba nói:

- Ðã đến dốc Ðá Chài, đường đi sẽ bắt đầu khó khăn quãng vài trăm thước mà trời bây giờ cũng trưa, các ông có thể dừng lại đây dùng bữa cho vững gối rồi sẽ tiếp tục.

Hai anh Trình, Hà sợ ăn no leo không nổi nên đề nghị rán trèo qua dốc núi hẵng hay; còn tôi với Khanh thì xin tùy: ai sao chúng tôi vậy! Rốt lại, tất cả đồng ý qua dốc Ðá Chài rồi sẽ ăn.

Mặt trời đã đứng giữa đỉnh đầu. Ánh nắng gay gắt, đường đá cheo leo dựng ngược không một bóng cây. Chúng tôi chầm chậm, khi ôm sát vào vách đá mà trèo, khi phải nơm nớp dò từng bước một. Ði được một chặp, anh Hà kêu mệt. Nhìn lại mọi người, ai cũng thở hổn hển và nét mặt tái mét. Anh Ba bảo:

- Vừa đi vừa niệm Phật, rán chút nữa sẽ tới đường bằng các ông ơi!

Chúng tôi người nào người nấy đều thấy khan cổ, thở hết ra hơi, nhưng cũng gắng gượng mà lê chân theo anh Ba. Con đường dài đã thu ngắn còn chừng 100 bước nữa sẽ qua khỏi dốc thì bỗng anh Hà gục ngã, nằm bệt xuống không đi được. Chúng tôi phải dừng lại, lấy thuốc vượng tim nhểu vào miệng anh và đợi một lúc sau, anh khỏe khỏe, chúng tôi mới dìu nhau đi vào bóng mát.

Bữa ăn trưa hôm ấy mất ngon bởi một lẽ giản dị là vì mệt quá và vì không có đủ thức ăn. Chỉ một ít mẩu bánh mì ra lò đâu từ chiều hôm trước cộng với mấy quả chuối. Ăn xong chúng tôi vốc nước suối lên uống, rửa tay, rửa mặt rồi đồng nằm dài dưới bóng cây mà nghỉ.



Tôi mở mắt ra thì ánh xế xiên xuống thân cây, nắng loang lổ rơi lên mình tôi như hoa thêu trên lụa. Mấy sợi dây cổ rùa từ trên cao buông thõng xuống, hơi lung lay vì cơn gió nhẹ phẩy qua. Phấn bụi bám lâu ngày trên cành, kéo nhau từng dọc dài tuôn xuống lây dây không ngớt. Tôi không muốn ngồi dậy, cứ nằm đó lắng nghe. Cái tịch mịch của buổi trưa càng làm rõ thêm các tiếng động. Tim tôi đập nhẹ, đều đều. Huyết quản như lưu thông chừng mực làm người tôi khỏe lạ. Tôi tự đếm được từng hơi thở của mình và nghe rõ các tiếng ngáy ngủ của anh em chung quanh. Có con mọt nào đang đục vỏ cây khô đâu đây răng rắc. Một con ong bầu thì phải, chẳng rõ bay đáp vào tổ hay đi tìm bầy mà buông ra tiếng gió vụt vù lướt qua vành tai tôi.

Xa ra vài mươi thước, tiếng suối chảy như tiếng đàn của ai. Nghiêng tai vào trong đá, tiếng đàn càng thanh tao. Có lúc khoan, có lúc nhặt, có lúc như trào tuôn dồn dập vào một cõi âm ti. Bên dưới chỗ tôi nằm xa lắm, tận dưới triền núi, dường như có tiếng nói. Rồi tiếp theo là những tiếng búa bổ cộp cộp vào cây. Lão tiều? Hẳn là động tác của lão tiều phu! Năm ba con chim xanh nghe dư vang giựt mình rời nhánh, chắc chúng bay bổng lên nên buông ra những tiếng kêu nhỏ giọt rơi rớt xuống lòng rừng.

Tôi vẫn muốn nghe. Nghe thêm nữa. Tôi muốn vận dụng trực giác để thu thập tất cả những âm thanh và hình ảnh hỗn độn, linh động và kỳ diệu đang hòa hợp giữa ngoại cảnh và nội tâm tôi. Nhưng kìa, một đoàn lữ hành! Ừ, một đoàn lữ hành người thổ trố những cặp mắt sâu hoắm và trắng bạch trong những gương mặt đen xì nhìn tôi. Một bản năng tự nhiên giật nẩy tôi dậy và cùng lúc ấy, tôi đánh thức ngay các bạn đồng hành: Dậy đi thôi! Hãy thức dậy tất cả để tiếp tục cuộc hành trình.

Anh Khang đứng lên giụi mắt, hỏi một câu ngớ ngẩn:

- Bây giờ là chừng nào? Chúng mình còn đi đâu nữa anh?

Tôi cười đáp:

- Ðã xế dài. Mình nhanh chân một chút để qua thăm chùa Phật Lớn rồi đi thẳng lên điện Bò Hong. Ðêm nay chúng ta sẽ nghỉ đêm tại một chỏm cao nhất của miền Thất Sơn này vậy.

Ðường trèo của núi Cấm theo ngả Rầy Ðét khi khỏi dốc Ðá Chài một quãng, có ngả rẽ sang phải là đường về chùa Phật Lớn, nơi có vài dấu vết lịch sử. Ðường này không mấy xa, nên thuận tiện chúng tôi ghé qua đây.

Chùa đã đổ nát không còn gì. Trước nền chùa là một tượng Phật đắp bằng xi-măng, cũng bị vỡ ra nhiều mảnh. Một cụ già mặc áo đen ở trong am gần đó, nghe tiếng động ra đón chúng tôi. Cụ đốt một cây nhang cắm vào chiếc lon tạm dùng làm lư hương đặt trước tượng Phật lộ thiên, xá ba xá rồi nói với chúng tôi:

- Mô Phật, khổ quá đi mấy ông à! Tây hết phá chùa thì tới phiên Thổ đốt, cho cả tới cái tượng Phật này cũng không thoát được cảnh tang thương! Có lẽ bần tăng khổ sĩ là phải chịu đựng như vậy đó!

Thấy cụ già quắc thước, cử chỉ tề chỉnh và lời nói có vẻ con người có học, tôi lễ phép hỏi thăm cụ:

- Thưa cụ, cụ ở đây tu một mình?

- Dạ.

- Cụ có liên quan gì với sư trụ trì chùa này ngày trước?

- Có. Tôi là môn hạ của đạo sĩ Bảy Do, chưởng giáo Nam Cực Ðường. Vì nhớ thầy, thương đạo, tôi ở tu nơi này để gìn giữ vết tích xưa.

- Nam Cực Ðường là gì, thưa cụ?

- Là tên của ngôi chùa này và cũng chính là bản doanh của Nghĩa đảng.

- Nghĩa đảng? Cụ Bảy Do cũng là một nhân vật cách mạng nương bóng Phật Ðà?

- Dạ.

- Cụ có thể vui lòng cho chúng tôi biết về mọi hoạt động của Nam Cực Ðường ngày trước?

- Ðược. Mời các ông tạm ngồi xuống thềm đá đây, tôi sẽ nhắc qua chuyện cũ cho các ông nghe.

Ðoạn cụ trầm giọng, buồn buồn:

- Hồi đó, năm 1908, tôi là một giáo viên nặng lòng trách nhiệm, bỏ sở theo phong trào Ðông Du của cụ Phan Bội Châu. Tôi chưa kịp xuất dương sang Nhật thì bể tiếng, phải bỏ trốn. Tôi từ Mỹ Tho chạy về miền Thất Sơn. Bấy giờ ông Bảy Do vẫn còn sinh sống ở nguyên quán tại làng An Hội, tỉnh Bến Tre.

Ông vốn là học trò cháu của Thủ khoa Bùi hữu Nghĩa. Bởi ông cha đều tử trận trong các cuộc kháng Pháp, cho nên ông ngoài đường học văn, còn cố công luyện võ để chờ dịp phục thù.

Năm 1911, người ta thấy xuất hiện tại sườn núi Cấm này một thảo am với một đạo sĩ lực lưỡng, mình khoác áo tràng đen chân giẫm đất, đầu búi tóc, ngày hai buổi ngồi thiền nhưng đêm đêm vẫn mài gươm dưới nguyệt. Người nào tò mò dọ hỏi lắm mới biết đó là đạo sĩ Nguyễn Văn Do, thứ bảy, nên tục gọi Bảy Do.

Tuy đối với các sơn nhân trong vùng có vẻ như xa lạ, nhưng từ phương xa người ta kéo về qui phục rất đông. Họ đem dâng cúng đủ thứ, kể cả vật liệu xây cất nữa.

Trong số những người đi theo ông Bảy Do đó, có tôi. Ông Bảy dựng lên một ngôi chùa lớn, lấy tên là Nam Cực Ðường. Với phương pháp tiên đoán tương lai, làm phù chú giáng phúc trừ họa, Nam Cực Ðường thu phục hằng ngàn đệ tử và nơi ấy nghiễm nhiên biến thành tổng hành dinh của một cơ quan chống Pháp.

Pháp thả mật thám giả làm bổn đạo để dò xét. Tông tích bại lộ. Trong năm 1917, chúng đem quân vào vây Nam Cực Ðường, tức ngôi chùa mà bây giờ chỉ còn cái nền trước mặt các ông đây. Hằng chục gươm giáo bị tịch thu, 6.000 chiếc đũa bị bắt gặp cùng lúc với 20 cái chảo đụn cỡ lớn dành nấu cơm cho hàng ngàn người ăn. Ông Bảy bị bắt sống với hơn chục môn đệ, còn bây nhiêu thì chạy tản lạc vào rừng. Ông bị đưa về giam tại khám lớn Sài Gòn và bị kêu án năm năm cấm cố. Sau đó, bị phát vãng Côn Lôn. Ông Bảy đã cắn lưỡi tử tiết trong đề lao trên hải đảo vào ngày rằm tháng 3 năm Bính Dần (1926), lúc đó mới 45 tuổi.

Nói đến đây, sắc mặt cụ già đượm một vẻ buồn. Cụ tiếp:

- Những người trước tôi đã chết, đời tôi cũng coi như đã hết, vậy mà quân thù vẫn còn đầy dẫy trên đất nước ta. Các ông còn trẻ, sứ mạng của các ông là phải tiếp tục cho đến cùng những công việc của tiền nhân!

Chúng tôi thảy đều lặng thinh, ngầm ý tán thành lời nói phải.

Nói chuyện thêm một lúc cụ già đi hái đu đủ chín mời chúng tôi. Mới đưa vào miệng một miếng, anh Hà đã trầm trồ:

- Hèn chi người ta khen đất núi là phải, trồng cây gì quả cũng ngọt gắt cổ! Các anh ăn đi chứ, đu đủ ngọt mặn thôi!

Cụ già bông đùa:

- Ông em bảo quá lời! Ðất núi trồng chanh vẫn chua và trồng khổ qua vẫn đắng lắm đó chớ!

Ai nấy đều cười xòa.

Thấy tư cách đứng đắn của cụ già, chúng tôi rất kính mến. Anh Khanh móc túi lấy ra năm đồng bạc gọi là góp vào tiền hương khói trong am. Nhưng ông cụ một mực từ chối. Cụ bảo rằng mình tự làm lấy cũng đủ ăn để tu, không dám dùng của thập phương để khỏi mắc nợ. Cụ dẫn chúng tôi theo con đường phía trước đến viếng Hang Khỉ và điện Thiên Linh rồi đưa chúng tôi đi.

Ra đến con đường chính, cụ già mặc áo đen dừng lại, trỏ về phía trái, nơi có những cột gạch đổ nát, nói:

- Ðây là nền chùa của ông Ðức Minh. Cứ theo con đường đó đi vòng quanh một lúc nữa sẽ tới một nền chùa khác của ông Ba Ðạo. Cả hai ông này đều là người đồng thời với thầy tôi. Ông nào cũng có một nhóm đệ tử và ông nào cũng bị Pháp tình nghi chống họ. Ở đó không còn có gì, vậy các ông cứ theo con đường chính này mà đi hoài thì sẽ tới vồ Bò Hong.

Sau khi dặn dò xong, cụ già từ biệt chúng tôi rồi trở về am. Mọi người nhìn theo đến khi bóng đen khuất hút trong ngàn cây. Lưu luyến! Tôi mơ màng nhớ lại hai câu ngũ ngôn trong bài Chung nam biệt nghiệp của Vương Duy:

“Ngẫu nhiên trị lâm tẩu,
Ðàm tiếu vô hoàn kỳ.”

“Ðường rừng chợt gặp lão ông,
Vui cười trò chuyện quên không trở về”
(Trần Trọng Kim dịch)

Anh Khanh nói với tôi:

- Tôi còn nhớ đã đọc thấy ở đâu, hình như trong sách Les sociétés secrètes en terre d”Annam của G. Coulet, có nói tới cụ Bảy Do và tác giả này đã hoài nghi tất cả các tu sĩ trong vùng Thất Sơn đều là các cơ sở bí mật chống Pháp. Không rõ có đúng như vậy không anh?

- Chỉ đúng sáu phần mười. Cái tật của đa số nhà cầm bút người Pháp viết về Việt Nam là đứng trên địa vị một chủ nhân ông để nhìn xuống những người tôi tớ, mà nhìn thường sai nữa chớ. Cho nên đọc họ, cũng như đọc sách Tàu nói về dân Việt trong thời ngoại thuộc, chúng ta phải nhận định lại.

- Còn Ðức Minh và Ba Ðạo là ai nữa mà tôi không từng nghe tên?

- Tại ảnh hưởng của họ ít. Họ là những người vừa tu vừa lập một sự nghiệp riêng với một số đệ tử cùng sống. Ba Ðạo ít nổi tiếng hơn Ðức Minh. Trong sách Tôi bị đày Bà Rá của Việt Tha Lê Văn Thử, tôi nhớ có nhắc tới cụ Ðức Minh cũng bị đày ra đó một lúc với tác giả.



Trên con đường gập ghềnh giữa núi rừng hoang dại, Hà nói với anh Ba:

- Nghe nói chùa Phật Lớn, tôi cứ ngỡ là ở đây có tượng Phật to lớn phi thường, đàng này vẫn bình thường thôi, có gì là lớn đâu!

- Thế đã là lớn rồi, đòi gì hơn?

Tôi nói với hai anh ấy:

- Nói tới cái lớn của tượng Phật thì đây chỉ là một loại tượng cốt dưới hạng trung bình. Có dịp nào xuất dương, các anh sẽ trông thấy tại Kamakura ở nước Nhật một tượng Phật lớn. Từ Tokyo đến Kamakura chỉ một giờ rưỡi đường xe hơi. Ðó là một tượng cốt ngồi lộ thiên được kiến trúc từ trên 700 năm trước, nặng 130 tấn, cao 44 bộ Anh. Mặt 7 bộ 7, mắt 3 bộ 3, tai 6 bộ 6, miệng 2 bộ 8. Khoảng giữa hai đầu gối 30 bộ và chỉ cái ngón chân cái thôi cũng đã dài đến 2 bộ 8!

Tượng Phật được bỏ trống ở bên trong, phía sau có cửa để du khách ra vào và có thể trèo lên thượng tầng để ngắm ra bên ngoài bằng một cửa sổ ở phía sau ót!

Anh Ba kinh ngạc:

- Thật là một công trình! Nhưng một bộ là bao nhiêu vậy, thưa ông?

- Một bộ 30,48cm, tiếng Anh gọi là foot. Như vậy là bề cao của tượng Phật đến trên 15 thước tây. Nhưng đó chỉ có thể tự hào về cái vĩ đại của tượng Phật ngồi, chứ nói về tượng Phật nằm, thì ở kinh đô Bangkok, tại nội thành của vua Xiêm, còn có một tượng Phật trông thấy kinh khủng. Anh có thể tưởng tượng một người cao 70 thước, nằm dài trong một ngôi chùa dài gần 100 thước không? Ðó là một tượng cốt được lấy đúng kiểu tại Kasla bên Ấn độ, rập theo vóc dáng của Phật tổ lúc viên tịch.

Tôi đã đi vòng từ đầu chí chân tượng Phật nằm này và dừng lại để đo thử bằng gang tay thì thấy bàn chân dài đến 4 thước và dưới lòng mỗi bàn chân, người ta còn cẩn ốc xa cừ sáng rực nữa!

Ðến lượt anh Hà kinh ngạc:

- Thật là ngoài sức tưởng tượng của tôi! Thì ra tín ngưỡng ở các xứ đó phải mạnh lắm người ta mới làm nổi những việc như vậy.

- Chính thế!



Chúng tôi đi quanh co suốt 6 giờ đồng hồ mới tới cao điểm. Ðây là một chỏm cao nhất trong năm chỏm cao của núi Cấm. Ðây cũng là một hòn núi cao nhất trong tất cả các núi khác vùng Thất Sơn. Chúng tôi ghé vào một cái am bên dưới chót núi chừng 100 thước để gởi hành lý.

Am này cất chắc chắn lắm. Sẵn cây rừng và thừa ngày giờ, người ta đốn cây tốt làm cột, cưa gỗ để dừng vách và lót sàn, làm cửa nẻo cẩn thận để đề phòng ác thú. Chủ nhân là một tu sĩ trẻ tuổi đã từng quen biết tôi trong nhiều dịp hạ san và đã được nhắn tin trước từ vài hôm nay, nên xuống đón một chặng đường và đã sẵn sàng tương dưa để thết chúng tôi.

Dưới am chừng vài công đất là một ngọn suối theo một mạch nước trong kẹt đá chảy ra. Bấy giờ hạn hán làm cạn bớt, nhưng nước suối cũng tạm đủ cung ứng cho du khách. Chúng tôi đến tắm ở đó rồi vào nhà ngả lưng một lát cho khỏe.

Cơm nước xong thì mặt trời đã nhúng mình trên biển. Chúng tôi kéo nhau lên vồ Bò Hong. Ðường đi gần như dốc đứng nên lắm chỗ người ta phải cẩn những bậc đá để cho dễ lên. Trên chót vồ là một khoảng rộng. Nhiều tranh cỏ mọc chen theo những kẹt đá. Không một cội cây. Hai phần ba vồ đá tựa vào thân núi, còn lại phần kia hẩm đứng, cheo leo.

Không khí hết sức trong lành mát mẻ. U tịch tăng lên. Biển Hà Tiên mờ mờ với những vệt đen li ti của các hòn đảo. Núi Tà Lơn xanh dờn chọc thủng ngàn mây xám đục. Cánh đồng Ba Thê, Bảy Thưa, Láng Linh trải dài một màu thâm thâm dẫn tới Hậu Giang rồi Tiền Giang chi chít như những đường phấn vạch. Tối sáng tranh nhau.

Tối đã về tự đất đen, về trong lùm cây hốc đá, về giữa các gian nhà dưới thế gian kia! Ánh sáng lùi dần dần. Mây trời đục hẳn. Một vài đốm lửa phía Giang Thành, không rõ đã nhen lên từ những bàn tay ngư phủ trên lòng kinh Vĩnh Tế hay của các nông phu trong làng mạc Vĩnh Gia! Hoặc có thể là những đóm lửa trơi từ cuộc chiến Hà Âm thuở nọ? Tôi hình dung lại chuyến đi sứ sang Xiêm của Bùi Hữu Nghĩa từ thế kỷ trước. Cũng trong tăm tối như vầy, cùng tại miền này, tác giả đã để cho tâm hồn rung động. Tôi ngâm nho nhỏ bài thơ của Bùi thủ khoa:

“Mịt mịt mây đen kéo tối dầm,
Ðau lòng nghĩ lại cảnh Hà Âm.
Ðống xương vô định sương phau trắng,
Giọt máu phi thường cỏ nhuộm thâm.
Gió trốt dật dờ nơi chiến lũy,
Ðèn trơi leo lét dặm u lâm.
Cám thương con tạo sao dời đổi,
Dắng dỏi đêm trường tiếng dế ngâm!”


Chúng tôi trở xuống am vào lúc ánh trăng vừa vượt khỏi mây, sương đã xuống nhiều. Tôi hỏi người tu sĩ:

- Tiếng là vồ Bò Hong, nhưng sao thứ ấy không thấy lảng vảng con nào, ông?

- Cũng không rõ được. Có người nói rằng đoàn người thám hiểm đầu tiên, không biết từ bao giờ, đã thấy vô số thứ bò hong ấy ở đây, nên mới đặt tên như vậy.

Anh Khanh hỏi tu sĩ:

- Bò hong là con vật thế nào, có phải thứ mà đồng bào miền Bắc gọi là bọ hung đó không ông?

- Không đâu! Bò hong, bù hung và bò hóng là ba thứ khác nhau. Bò hong là một sinh vật có cánh, nhỏ li ti, cứ nhá nhem tối thì bay tứ tung, người đi đường vào lúc ấy thường bị chúng va vào mắt. Bù hung hay bò hung mà đồng bào miền Bắc gọi là bọ hung lại là một loại khác, mình đen, đầu và cánh cứng ngắt, ưa ở chỗ dơ bẩn. Còn bò hóng là một loại bụi bếp lẫn màn nhện bám dưới mái nhà, trên bếp lửa, người ta dùng nó trộn với vôi ăn trầu để háp các ung nhọt, chận đứng các ung nhọt không cho nổi lên.

- Thì ra thế! Nếu không có ông nói, tôi cứ ngỡ là cùng một thứ, loại bọ hung!



Ðêm ấy chúng tôi ngủ trong am trên vồ Bò Hong. Anh Ba cẩn thận gài kín các cửa vì sợ ông thầy bất ngờ xuất hiện thì nguy. Nhưng chủ nhân quả quyết bảo là không sao: cọp ở núi Cấm là cọp tu, còn cọp ở núi Bà Ðội Om mới là cọp ăn thịt người. Ông kể cho chúng tôi nghe cuộc sống đơn quạnh ở trên non cùng nhắc lại các nhân vật từng vào mai danh miền này như các cụ Cử Ða, thủ khoa Huân, Ðơn Hùng Tín, Nguyễn Văn Do... Nhưng tu sĩ kết luận rằng trong số đó ông khâm phục nhất cụ thủ khoa Huân, vì nghe nói cụ Huân đã giữ vững lập trường chống Pháp và cho đến chết, vẫn khẳng khái ngâm thơ trên đoạn đầu đài. Trong câu chuyện, tu sĩ hỏi chúng tôi:

- Các ông có biết thủ khoa Huân vì lý do nào mà chạy về đây và bài thơ tuyệt mạng của cụ đã nói những gì trong đó?

Tôi đáp:

- Cũng như các lãnh tụ chống Pháp đương thời, cụ Nguyễn Hữu Huân đứng dậy mộ quân đánh Pháp ở Mỹ Quí, Thuộc Nhiêu, Cai Lậy (tỉnh Ðịnh Tường). Ban đầu Pháp thua nhưng về sau họ dò biết vị trí đóng quân của cụ, nên trong tháng 6 năm 1863, lúc ban đêm, chúng dẫn quân bất ngờ đánh mạnh. Cụ Thủ khoa đại bại, phải bỏ chạy về Thất Sơn. Tại đây, tổng đốc An Giang theo chỉ thị của triều đình, bắt giữ vị lãnh tụ kháng Pháp này viện lẽ là không tuân lệnh ngưng chiến theo hòa ước 1862.

De la Grandière biết tin đó, viết thư buộc chính quyền Châu Ðốc phải giao cụ Thủ khoa cho họ làm tội. Chánh quyền không thuận. Tức thời, Doudart de Lagrée được lệnh đem 500 binh và đại bác từ Oudong xuống uy hiếp An Giang, buộc phải giao giải cụ Huân cho họ. Trước áp lực đó, tổng đốc An Giang đành phải nhượng bộ. Cụ Huân phải bị đày sang đảo Réunion năm 1864.

Anh Trình cau mày:

- Tức chết đi thôi! Làm gì mà khiếp nhược đến thế?

- Lỗi tại chính sách hủ lậu của triều đình, trong buổi đầu, không chịu canh tân tiến bộ gì cả, chứ bây giờ thì có chống, cũng vô ích. Thành Sài Gòn mà họ còn đánh được dễ như trở tay, sá gì tỉnh Châu Ðốc!

Vị tu sĩ giục tôi:

- Nhưng rồi làm sao cụ Thủ khoa bị xử hình?

- Sau ít lâu, tình thế yên yên, họ thả cụ về nước. Cụ tức tốc lập lại tổ chức kháng Pháp tại Mỹ Tho, nhưng rồi cụ cũng thua luôn. Bấy giờ sáu tỉnh Nam kỳ đã lọt vào tay Pháp nên họ có thừa sức mạnh để diệt kháng chiến. Cụ Huân bị bắt và bị hành hình tại Cai Lộc vào ngày rằm tháng 4 năm Ất Hợi (1875).

Lúc bị bắt, người ta đóng gông cụ lại rồi bỏ trên mui tàu chạy về cho dọc đường hai bên quần chúng xem. Cụ đã khẳng khái ngâm thơ:

“Hai bên thiên hạ thấy hay không?
Một gánh cương thường há phải gông!
Oằn oại hai vai quân tử trúc,
Lung lay một cỗ trượng phu tòng.
Sống về đất Bắc danh còn rạng,
Thác ở thành Nam tiếng bỏ không.
Thắng bại, dinh du trời khiến chịu,
Phản thần... đéo hỏa đứa cười ông!”


Vị tu sĩ thở dài:

- Thật chua xót mà cũng thật đáng kính phục trước cái chết đáng chết đó! Nhưng cụ đỗ đến thủ khoa, chắc về văn học, cụ còn có để lại những sự nghiệp gì chớ?

- Chỉ còn thấy ít bài thơ bát cú hàm súc, khí khái. Ðặc biệt nhất là một bài “Văn tế chó” lời hay ý lạ, hài hước nữa.



Tờ mờ sáng thì mọi người đều thức dậy. Vị tu sĩ chủ am đã nấu sẵn cháo trắng. Ðiểm tâm xong, tu sĩ hướng dẫn chúng tôi đi thăm các nơi danh thắng vùng núi Cấm.

Mặt trời to và đỏ lên được một nửa và chiếu tỏa những lằn sáng rực như cây quạt xòe, thì chúng tôi cũng bắt đầu hạ san. Chúng tôi qua vồ Ông Bướm, động Thủy Liêm và lần đến vồ Thiên Tuế thì trời đã trưa. Nắng bắt đầu nóng và ai nấy mồ hôi nhễ nhại. Ðó là một nơi bằng phẳng và mênh mông, nhiều cây thiên tuế mọc trên đó. Chúng tôi ngồi lại dưới một bóng mát để ngắm cảnh và đàm đạo.

Anh Khanh hỏi tu sĩ:

- Vồ là gì vậy, thưa ông?

- Những chỏm cao nhô lên trong cùng một trái núi thì gọi là vồ. Núi Cấm này có năm vồ, vồ Thiên Tuế, vồ Ông Bướm, vồ Bà, vồ Ðầu, vồ Bò Hong. Trong các vồ đó, cao nhất là vồ Bò Hong (716 thước) và thấp nhất là vồ Ông Bướm (480 thước).

- Người ta đã căn cứ vào điều gì để đặt tên cho các vồ?

- Cũng cùng một cách với việc đặt tên cho các núi. Người ta theo hình thức hoặc sự kiện để gọi. Chẳng hạn, vồ mà chúng ta đang tới đây, vì có nhiều cây thiên tuế nên người ta lấy nó mà đặt tên. Như vồ Ông Bướm thì hồi cuối thế kỷ 19, có hai người Miên tục kêu là Bướm và Vôi đến tu, cho nên người ta gọi theo tên chủ nó.

- Còn am, cốc, động, điện là gì mà tôi không phân biệt nổi, chắc ở đây lâu, ông có biết rõ?

- Am và cốc đều là những ngôi nhà cỏ dùng thờ phượng và ở tu, giới hạn cho một vài cá nhân, một vài bàn thờ, không qui mô như chùa; và am thường lớn hơn cốc. Ðộng và điện cũng có tính cách gần nhau như am và cốc. Ðộng là một hốc đá rộng lớn, mưa nắng không lọt vào, người ta chiếm lấy để thờ phượng và ở tu; còn điện thì nhỏ hẹp và chỉ dành để thờ thôi.

Anh Hà hỏi tu sĩ:

- Người ta nói vồ Thiên Tuế này có lúc được cụ cử Ða dùng làm sân dạy võ vì lợi dụng địa thế bằng phẳng, có đúng vậy không ông?

- Tôi cũng nghe như vậy thôi chứ không hiểu rành về cụ cử Ða. Nghe đâu cụ đã tu tiên và được thành tiên trên đỉnh Tà Lơn.

Anh Hà quay sang tôi:

- Anh có nghe biết gì về cụ Cử?

Hiểu lờ mờ, vì ít có tài liệu nói tới và những tài liệu đó thường đơn sơ, bất nhất. Một tài liệu Pháp nói cụ Cử là anh cậu bảy Tài, người Vĩnh Kim (Mỹ Tho), xuất thân trong làng dao búa; vài tài liệu Việt nói cụ người nguyên quán Phù Cát (Qui Nhơn), đồng hương với vị anh hùng cờ đào áo vải đất Tây Sơn. Nhưng tài liệu nào cũng chỉ phớt qua, không có bằng chứng nào đủ tin. Ðặc biệt có quyển Tà Lơn của cụ Cử viết bằng thể thơ lục bát là có giá trị hơn cả.

Theo đó thì cụ Cử nói mình quê ở Thuộc Nhiêu, chống Tây rồi thất bại đi tu, lấy hiệu Ngọc Thanh.

“Hắc y đổi lại cà sa,
Cải tên đặt lại hiệu là Ngọc Thanh.”

Có rất nhiều truyền thuyết nói về tài xuất quỉ nhập thần của cụ Cử. Cụ luôn luôn thoạt đây thoạt đó. Nơi xuất hiện nhiều nhất là Thất Sơn và Tà Lơn. Người ta đồn rằng cụ đã đắc đạo và có người trông thấy cụ cỡi hổ mun lui tới miền này. Ðiều đủ tin và đáng ghi nhớ hơn cả là cụ Cử là người Việt đầu tiên thám hiểm và đặt tên cho từng hang hốc, từng suối đường trên dãy Tà Lơn.



Nói xong câu chuyện, chúng tôi đồng đứng dậy lên đường. Ðường bây giờ khó đi. Có chỗ hẩm, có chỗ lài, có lắm chỗ gồ ghề phải nhọc mệt với những bước cao bước thấp. Trên đường nhiều cây sa nhơn, đậu khấu. Lắm thứ cổ thụ gốc hằng chục người ôm. Những lá dầu rụng xuống, có lá dài hằng hai bước và có những bụi cây mây, gai mây chìa cả gang tay nhọn hoắt. Ði quanh co một đỗi khá xa thì đến một thảo am. Vị tu sĩ dẫn đường ghé vào đó, trao cho người trong am một bọc gạo đã mang theo từ sáng sớm và nói qua mấy câu, đoạn trở ra bảo chúng tôi:

- Phía trên kia là vồ Bà, chúng ta lên đó ngoạn cảnh một lúc rồi trở xuống dùng cơm. Tôi đã nhờ người ở đây nấu cho một bữa ăn.

Chúng tôi theo lời tu sĩ, đi một đỗi nữa thì đến trên vồ. Trời bây giờ gần đứng bóng, cảnh đẹp lạ lùng. Tu sĩ đưa chúng tôi quan sát khắp nơi rồi dẫn vào một bóng mát của một mỏm đá to kể chuyện cho chúng tôi nghe. Nào chuyện Chàng Nam với chiếc thuyền hóa đá, nào chuyện Bà Chúa Xứ bảo vệ các sơn nhân. Chuyện kể tuy mộc mạc và đầy vẻ truyền kỳ, nhưng lý thú và hấp dẫn như những gì đang bộc hiện trước mặt chúng tôi. Thật đúng như lời đồn, đi vào miền Bảy Núi mà thiếu đến vồ Bà là một điều đáng tiếc.

Vồ Bà là một chỏm trong nhiều chỏm cao của núi Cấm vùng Thất Sơn. Tuy gọi “Bà” nhưng trên vồ không có được pho tượng bà to lớn và mỹ lệ như tượng bà Chúa Xứ tại miễu bà Chúa Xứ núi Sam. Cảnh vật ở đây im lặng và rùng rợn: cây cối mọc tràn lan, chim chóc thưa bóng. Một chiếc lá rơi, một hơi thở mạnh, đủ làm kinh động khách nhàn du.

Một phiến đá vĩ đại giống hình chiếc thuyền chễm chệ nằm trên chót vồ. Muốn lên thượng tầng phiến đá, du khách phải trèo qua một thân cây hoặc chuyền sang một thân cây khác gần đó mới có thể tới được.

Vào những chiều tắt nắng, khi mà dưới mặt đất xa mút mắt kia, cơn “gió trốt dật dờ nơi chiến lũy” và xa xa, ngọn “đèn trơi leo lét dặm u lâm”, nếu du khách được dịp ngồi nán lại trên vồ để nghe một sơn nhân kể lại sự tích của “chiếc thuyền”, hẳn khách sẽ tự cảm thấy tâm hồn mình, ít nhất trong vài giây, được trở về với những gì xa xôi, bí ẩn nhất.

Vào những sáng thu quang đãng, trời xanh, cây xanh, đồng lúa thanh thanh và con kinh Vĩnh Tế kéo thành một vệt dài xanh biếc từ tận Châu Ðốc đến giáp Hà Tiên, nếu du khách đứng trên vồ Bà tất không sao không thấy tâm hồn mình khinh khoái, con người mình sung mãn và hơn lúc nào hết, mình tự thấy mình chơ vơ bé bỏng không cùng.

Thất sơn huyền bí! Phải! Người ta cho dãy Thất Sơn là một nơi có nhiều sự lạ lùng, nhiều điều bí ẩn! Chuyện đó chưa biết có thật hay không, nhưng cứ nhìn bộ mặt “rừng rú” của Thất Sơn, nghe những truyện tích truyền kỳ về Thất Sơn, người bình dân tự nhiên đã mặc cảm về Thất Sơn rồi!

Trời xế dài thì chúng tôi được vị tu sĩ trẻ tuổi đưa xuống đến chân núi. Tính ra đã mất hơn một ngày một đêm riêng cho cuộc du khảo ở đây.


(Trích
Nửa tháng trong miền Thất Sơn)